Cõng” sách về nông thôn cho trẻ em nghèo

Chủ Nhật, 12/11/2017, 14:49
Hơn 20 năm đi khắp các vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh, mang sách về lập tủ sách nông thôn cho các em học sinh, cho người già, trẻ nhỏ, Nguyễn Quang Thạch phải đánh đổi biết bao nhiêu thứ, từ sức khỏe đến kinh tế gia đình. Nhiều người gọi anh là “khùng”, nhưng với anh mang được tri thức nhân loại đến cho mọi người đó là điều hạnh phúc nhất.


Sau rất nhiều rong ruổi, một ngày cuối tháng 10-2017, Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập chương trình “Sách hóa nông thôn”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng đã trở về Hương Sơn, Hà Tĩnh quê hương của mình. 

Bên cạnh những hoạt động tặng sách, tư vấn xây dựng tủ sách, Nguyễn Quang Thạch còn thông qua các cuộc tọa đàm đối thoại để cổ vũ, khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh. Anh tâm sự: “Nếu không được tiếp cận với sách ngay trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, giáo xứ và đặc biệt là từ trong trường học, lớp học, thì làm sao con trẻ biết đến sách, chứ đừng nói đến đam mê đọc sách. Mỗi học sinh phải xây dựng thói quen đọc sách như là cơm ăn, áo mặc hàng ngày”.

Từ tác động của chương trình “Sách hóa nông thôn”, đến thời điểm hiện tại, đã hình thành được trên 20.000 tủ sách tại 45 tỉnh, thành trong cả nước. Điều này đã giúp cho nửa triệu người dân vùng nông thôn được hưởng lợi từ việc đọc sách, nghe đọc sách và giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học). Chương trình “Sách hóa nông thôn” đã xây dựng được một cộng đồng thành viên xã hội rộng lớn với khoảng 100.000 người.


Nguyễn Quang Thạch gây được tiếng tăm trong nước và quốc tế với dự án “Sách hóa nông thôn”.

Tháng 9-2009, mô hình tủ sách dòng họ do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng giành giải thưởng 400.000 triệu đồng trong cuộc thi "Ideas to serve the community" (Ý tưởng phục vụ cộng đồng). Năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo nhân rộng Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp học đến các lớp học trên toàn quốc.

Tháng 9-2016, Chương trình “Sách hóa nông thôn” được UNESCO trao giải mang tên Vua Sejong về xóa mù chữ (phổ biến tri thức) thuộc hạng mục giải thưởng UNESCO International Literacy. Giải thưởng này được thành lập năm 1967 nhằm tôn vinh những sáng kiến thúc đẩy việc đọc sách, gồm có hai giải chính mang tên Khổng Tử và Vua Sejong. Trong đó, giải Vua Sejong (mang tên một vị vua khai trí của Hàn Quốc) được trao từ năm 1989 với sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc.

Năm 2017, Trung tâm Hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng do Nguyễn Quang Thạch làm giám đốc đã được chọn trao giải thưởng Thực hành tốt nhất của Chương trình Giải thưởng Xóa mù chữ (phổ biến tri thức) được Thư viện Hoa Kỳ tặng giải thưởng về truyền bá tri thức.

Để có được thành công như ngày hôm nay, Thạch đã đánh đổi cả sức khỏe và một thời tuổi trẻ, để rồi người ta gọi anh là “gã khùng” khi làm những việc bao đồng chẳng giống ai.

Tốt nghiệp Đại học Vinh (khoa tiếng Anh) năm 1999, cuộc đời Nguyễn Quang Thạch có lẽ sẽ cứ phẳng lặng, êm đềm trôi qua khi anh có một công việc ổn định với mức lương thu nhập đáng mơ ước của nhiều bạn trẻ khi ấy. 

Thế nhưng, tuổi trẻ với bao nhiêu ước mơ, hoài bão, với một kế hoạch lớn lao, mơ ước xây dựng 300.000 tủ sách và giúp cho 15 triệu trẻ em nông thôn có cơ hội được tiếp cận với sách - tinh hoa tri thức của nhân loại, Thạch đã từ bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi của trái tim. Thời còn học đại học, dù một bên mắt bị hỏng, một bên mắt bị cận nặng, chàng trai trẻ vẫn không từ bỏ ước mơ lớn lao ấy.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống giáo dục, ông nội anh từng đưa thầy giáo Tây về dạy học ở địa phương, em ông nội bán ruộng để làm nơi cho trẻ học, bố anh là sĩ quan quân đội, 20 năm dạy học miễn phí nên Nguyễn Quang Thạch sớm ảnh hưởng văn hóa đọc và sống hết lòng vì người khác của người cha, người ông của mình.

Quan sát từ cuộc sống và xuất phát bản thân có hoàn cảnh nghèo khó, Thạch biết nhiều người ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với sách. Đặc biệt với những gia đình nghèo, phải “chạy” cơm từng bữa thì còn mấy ai quan tâm đến sách. Những suy nghĩ đó cùng truyền thống gia đình coi trọng sự học, sự đọc đã thôi thúc anh thực hiện việc không ai tin: đưa sách về hết các vùng nông thôn Việt Nam, giúp 15 triệu trẻ em hết “cơn đói sách”.

Năm 1997, Nguyễn Quang Thạch bắt đầu nghiên cứu tạo chương trình “Sách hóa nông thôn” và chính thức đưa vào thực tiễn từ năm 2007. Gác lại công việc lương cao, nhàn hạ, gác lại hạnh phúc bản thân, anh dùng tiền tiết kiệm cá nhân rong ruổi khắp các làng quê để thành lập tủ sách dòng họ. 

Dấu mốc đầu tiên là năm 2008, tủ sách dòng họ Đỗ Xuân ở thôn An Mỹ, xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình do anh khởi xướng, vận động được thành lập. Từ đây, mô hình tủ sách dòng họ được nhân rộng ở nhiều nơi khác của tỉnh Thái Bình với hàng ngàn cuốn sách.

Cũng sau thời gian thực hiện phỏng vấn ngẫu nhiên học sinh ở Quỳnh Phụ và Thái Thụy (Thái Bình) tại nhiều xã, Thạch biết rằng một số thầy cô giáo không cho học sinh mượn sách về nhà mặc dù tủ sách đã được đặt trong lớp học vì họ sợ mất sách, liên quan đến trách nhiệm. 

Vì thế, anh đã đi bộ trao thư khuyến đọc đến 30 trường học để đánh thức lương tâm và trách nhiệm của thầy cô. Kết quả rất tích cực, nhiều thầy cô giáo đã cho học sinh mượn sách về nhà. Đặc biệt, sau ba tuần nhận thư khuyến đọc, cha mẹ học sinh Trường tiểu học An Thanh, huyện Quỳnh Phụ đã bổ sung 400 đầu sách cho con em họ.

Dù điều kiện sức khỏe không tốt, thị lực kém nhưng năm 2010 và 2015, Thạch vẫn quyết định đi xe máy và đi bộ xuyên Việt để kêu gọi ủng hộ chương trình. Đúng ngày mùng 1 Tết 2015, người đàn ông 40 tuổi vác ba lô lên đường, cho một kế hoạch có vẻ “điên rồ” của mình: Đi bộ xuyên Việt với dự án “Sách hoá nông thôn” Việt Nam.

Trung bình mỗi ngày Nguyễn Quang Thạch đi bộ 20km, đến từng xã, từng trường ở các vùng nông thôn rồi tặng sách, khảo sát văn hoá đọc ở đó bằng các cuộc phỏng vấn riêng lẻ hoặc tập thể tại nhà hoặc hội trường nơi tổ chức giao lưu. Để hoàn thành chuyến đi bộ kỷ lục này,Thạch đã phải mất đến 125 ngày, đi bộ tổng cộng 1.470km dọc theo đất nước. 

Chuyến đi đầy khó khăn, gian nan với một người sức khỏe yếu như bị đau mắt, bị ngộ độc thực phẩm..., nhưng đổi lại đã cho anh nhiều kỉ niệm, nhiều kinh nghiệm quý báu để phát triển dự án của mình.

Nguyễn Quang Thạch vẫn miệt mài với hành trình đưa sách về nông thôn.

Qua các cuộc khảo sát, Thạch nhận ra khó khăn lớn nhất là thực trạng giáo viên, thậm chí cả một số hiệu trưởng ở nông thôn cũng không quan tâm đến việc đọc của học sinh. Lý do, là vì từ nhỏ họ đã không có cơ hội đọc nhiều sách, không hình thành được thói quen nên người ta cũng không yêu sách, không yêu sách nên người ta không thúc đẩy được việc đọc của học trò. 

Thậm chí nhiều phụ huynh, giáo viên còn cản trở việc đọc sách. Chính vì thế, anh đã đưa ra nhiều mô hình tủ sách cụ thể, trong đó có mô hình tủ sách phụ huynh. Phụ huynh góp tiền để làm tủ sách cho con em mình thì nghiễm nhiên họ sẽ không phản đối việc đọc sách của con trẻ.

Với những kết quả cùng lợi ích nhìn thấy rõ, Nguyễn Quang Thạch đã truyền thông rộng rãi để nhận về sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng. “Dân góp tiền mua sách, chính quyền địa phương ủng hộ phương thức xã hội hóa thư viện, mở cửa lớp học để đưa ông thầy sách vào lớp”.

Tấm lòng nhiệt tình của người con quê gốc Hà Tĩnh đã  làm lay động trái tim bao người để rồi hành trình đưa sách về nông thôn của Nguyễn Quang Thạch được nhiều bạn trẻ ủng hộ, cùng anh chung tay xây dựng tủ sách nông thôn, phát triển văn hóa đọc đến khắp mọi vùng miền trên Tổ quốc. Giờ đây, “Sách hóa nông thôn” đã có sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh mẽ.

Dự định ước mơ của Thạch còn nhiều lắm, thế nhưng, khó khăn lớn nhất lúc này là duy trì việc đi bộ, nghe tưởng đơn giản mà không đơn giản bởi anh gặp vấn đề về xương sống, sẽ không thể đi bộ được nữa trong thời gian tới, nhưng anh vẫn quyết tâm nếu phải ngồi xe lăn cũng vẫn đi để tiếp tục mang sách về nông thôn cho trẻ em nghèo. Đánh đổi cả sức khỏe, hạnh phúc gia đình để thực hiện ước mơ của mình, nhưng Nguyễn Quang Thạch lại cho rằng mình được nhiều hơn mất. Đó là đem lại tri thức nhân loại cho trẻ em nghèo trên khắp mọi miền đất nước.

Mai Ngọc
.
.
.