Cụ ông từng thoát chết khi bị giặc ném xuống biển và trở thành lương y cho người nghèo

Thứ Năm, 19/11/2015, 15:00
Ông Nguyễn Văn Mười (SN 1920, trú tại ấp Khánh Vân, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng cụ ông này vẫn chưa cho mình cái quyền được nghỉ ngơi. Lần theo dòng ký ức, ông Mười vẫn còn đó chút hoảng sợ khi kể về câu chuyện cách đây nhiều chục năm, ông bị giặc ném xuống biển, nhưng bằng khả năng đặc biệt, ông đã thoát chết và rồi trở thành lương y của người nghèo.

Thích đi tu và học làm thầy thuốc

Chúng tôi tìm đến nhà ông Mười vào một buổi trưa nắng. Căn nhà nhỏ đơn sơ của ông nằm phía sau ngôi đình thần Khánh Vân, xung quanh cây cối mọc um tùm và rợp bóng mát. Khi chúng tôi vào nhà thì một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đi ra niềm nở đón tiếp. Người phụ nữ này cho biết, ông Mười đang nằm nghỉ trong nhà. Sau đó, người phụ nữ vào gọi ông Mười, thoáng chốc một cụ ông râu tóc bạc phơ, đôi mắt sáng, vầng trán cao, bước ra chào hỏi chúng tôi.

Ông Mười đã ở tuổi 94, thế nhưng qua cách nói chuyện và ứng đáp, ít ai nghĩ rằng cụ ông này lại đang “sở hữu” một số tuổi lớn đến như vậy. Ông Mười cho biết, thực ra quê gốc của ông ở Bến Tre và mang họ Phan thuộc dòng dõi của cụ Phan Thanh Giản (một danh sĩ, một đại thần triều Nguyễn). Do giặc Pháp truy lùng, càn quét gắt gao, nên gia đình ông chạy lên Bình Dương và đổi thành họ Nguyễn.

Chân dung thầy Mười.

Bố mẹ ông Mười làm nông, sinh được 10 người con. Trong 10 anh chị em thì tính tình ông Mười có phần khác hẳn. Như việc từ nhỏ ông đã thích ăn chay và thích học nghề thuốc. Mặc dù bố mẹ khuyến khích con cái học hành đến nơi đến chốn, nhưng cậu bé Mười chỉ học biết mặt chữ thì nghỉ ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, lo cơm nước phụ giúp gia đình. Khoảng tuổi đôi mươi, cậu bé Mười ngày nào đã trở thành một chàng trai cao ráo, khôi ngô, được nhiều cô gái trong ấp để ý.

Thế nhưng, người thanh niên này lại không chú tâm lắm đến chuyện “kết tóc xe tơ” nên những cô gái để ý đến ông dần dần đều đã có gia đình riêng, còn ông Mười thì vẫn ở vậy. Bố mẹ thấy thế nên cũng nóng lòng và “ép duyên” với một cô gái gần nhà, nhưng ông Mười vẫn cự tuyệt: “Con không muốn lấy vợ, con chỉ thích đi tu và học nghề thuốc để sau này cứu chữa cho người nghèo. Ba mẹ có ép con thế nào cũng không được. Chí con đã quyết như vậy rồi”. Trước thái độ cương quyết của con trai, ba mẹ cũng đành chấp thuận.

Giặc ném xuống biển vẫn thoát chết nhờ công năng đặc biệt

Kể về những thăng trầm của cuộc đời, ông Mười vẫn còn đó chút bàng hoàng. Ông Mười tâm sự, năm 1945, giặc Pháp lúc này thế vẫn còn mạnh. Chúng hoành hành ngang dọc, không tha cho dân lành và những ai đi theo cách mạng. Quân Pháp đi đến đâu thì làm làng xóm tiêu điều đến đó, ngôi làng nơi gia đình ông Mười sinh sống cũng bị giặc Pháp quần nát. Không những thế, ngôi nhà của gia đình ông cũng bị giặc đốt cháy rụi.

Trước thời thế loạn lạc, người cha đã họp bàn gia đình rồi nói với 10 người con: “Các con à, nay thế giặc đang mạnh, chúng đã làm tan nát ngôi làng này và đốt cháy ngôi nhà mà ba mẹ đã khổ công gây dựng. Các con cũng đã lớn rồi, phải tính đến tương lai sau này nữa. Giờ đây, chúng ta không thể quây quần bên nhau nữa, ba mong các con đi theo cách mạng để cứu nước cứu dân, còn ai mà đi theo giặc thì đừng có quay mặt về đây”. Từ đây, chàng thanh niên Mười đã đi theo cách mạng, năm đó ông Mười tròn 25 tuổi.

Thầy Mười tiếp nhận bệnh nhân.

Trong quãng đời đi theo cách mạng, ông Mười cũng đã trải qua nhiều gian khó khôn kể xiết. Cuộc sống tạm bợ, nơi ở không cố định... Công việc đầu tiên của ông Mười là làm công tác canh nông ở xã Khánh Bình. Làm được một thời gian ở đây, ông Mười lại được chuyển lên huyện Tân Uyên. Do làm việc hết mình lại không ngừng cố gắng, sáng tạo, nên sau đó không lâu, ông Mười lại được chuyển lên tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1948, giặc Mỹ bắt đầu “nhúng tay” vào cuộc chiến ở Việt Nam, ông Mười theo cách mạng ra tận đảo Phú Quốc đánh giặc. Trong những năm tháng ở đây, ông đã cùng các đồng chí, đồng đội lập nên một ngôi chùa có tên Hưng Quang Tự. Đây là nơi mọi người đến để thanh tịnh tâm hồn cũng như điều trị bệnh. Tưởng rằng mọi chuyện từ đây sẽ “xuôi chèo mát mái”, ai ngờ vào năm 1952, giặc Pháp đem quân ra đảo Phú Quốc đánh chiếm. Để thực hiện ý đồ của mình, giặc Pháp đã đem theo xe tăng, xe cơ giới. Giặc Pháp đi đến đâu, làng mạc tiêu điều đến đó. Đảo Phú Quốc vì thế cũng bị xéo nát. Đau lòng hơn là cách giặc Pháp áp dụng để tra tấn những người cộng sản. Vào một đêm đen như mực, một tên cầm đầu của giặc là Tư Đô với ý đồ muốn giết hết dân lành và người cộng sản trên đảo, nên đã bắt bớ rồi lùa hết mọi người lên xe cơ giới, rồi đem ra biển vứt xuống.

Hành động tàn độc này của giặc Pháp đã khiến hầu hết những người bị vứt xuống biển bị chết đuối. Trong số người bị đưa lên xe cơ giới có ông Mười. Kể lại giây phút kinh hoàng này, ông Mười không khỏi rùng mình: “Giặc đem chúng tôi ra vực sâu biển cả rồi vứt xuống đó, đêm đen, nước lại lạnh, những người biết bơi giỏi cũng khó mà thoát chết được, bởi quãng đường từ nơi giặc vứt đến đất liền rất xa”.

Kể về việc thoát chết thần kỳ của mình, ông Mười cho biết, rất may trong khoảng thời gian tu thiền và học nghề thuốc, ông đã tự học được cách hít vào thở ra đều đặn. Do học đạt đến bậc cao, nên kể cả khi ngồi thiền trên nước, ông Mười cũng không bị chìm xuống. Chính điều này đã giúp ông Mười lênh đênh trên biển nhiều giờ mà không hề hấn gì. Cho đến sáng hôm sau thì ông Mười dạt vào một bờ biển gần đó. Ông Mười cũng cho biết, phương pháp thiền của ông nếu đạt đến độ cao nhất thì tinh khí sẽ cô lại, đốt không bị cháy.

Lương y của người nghèo

Sau lần thoát chết “có một không hai” này, ông Mười tìm đến những người đồng chí, đồng đội cũ để gây dựng lại chùa Hưng Quang Tự để chữa bệnh cứu giúp người nghèo. Cũng từ đây, ông gắn bó cuộc đời mình với đảo Phú Quốc. Năm 2009, do nhớ quê hương ấp Vân Khánh (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), nên ông Mười đã giao lại ngôi chùa Hưng Quang Tự cho Giáo hội phật giáo Việt Nam quản lý.

Anh Thuộc ở lại làm công quả và chữa bệnh tại nhà thầy Mười.

Khi về lại quê nhà, ông đã cùng người dân xây dựng đình thần Vân Khánh, là nơi để người bệnh thập phương lui tới chữa bệnh. Ông có thể chữa được rất nhiều bệnh, trong đó phải kể đến bệnh vẩy nến, bệnh viêm xoang... Trong nhiều năm chữa bệnh cho người nghèo, tên tuổi ông Mười đã vang xa. Có người gọi ông là “ông Tiên”, “Phật sống”, thầy Mười, nhưng người thầy thuốc già vẫn hết sức khiêm tốn khi nói về mình: “Tôi chỉ làm theo những gì trái tim mách bảo, chứ có công lao gì đâu”.

Chị Nguyễn Thị Diệp (làm thợ may ở trong ấp), là người được ông Mười chữa bệnh vảy nến chia sẻ: “Tôi không biết lấy gì để cảm tạ thầy Mười, thầy là người lương thiện, cứu giúp người không vì mục đích gì cả”. Anh Mai Văn Thuộc (SN 1981, quê ở Sóc Trăng), cho biết, anh bị căn bệnh vảy nến đã hơn 5 năm nay, đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, sau nghe tiếng thầy Mười đã đến điều trị. Anh Thuộc tâm sự: “Tôi đã đến nhà thầy Mười chữa gần 1 tháng rồi, bệnh tình cũng đã thuyên giảm đến 60%. Chỉ cần những vết thương lành lại là tôi có thể về nhà”.

Còn người mà chúng tôi gặp khi vừa đến là bà Trần Thị Nguyệt. Bà Nguyệt cho biết, bà bị ung thư vú, đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, sau khi nghe tiếng thầy Mười đã đến điều trị, đến nay bệnh của bà đang dần khỏi hẳn. Để tạ ơn thầy, bà xin ở lại đình làm công quả. Ông Nguyễn Thái Hòa (trưởng ấp Khánh Vân) cho biết: “Ông Mười là một thầy thuốc mà tài đức đều có cả. Từ khi về đây, ông đã trị bệnh cho biết bao nhiêu ngýời mà không lấy một ðồng nào. Ông là tấm gýõng ðể ngýời dân trong ấp noi theo”.

Thiên Ân
.
.
.