Cuộc sống bất hạnh nhưng đầy kỳ diệu của gia đình có 5 cha con bị nhiễm dioxin

Thứ Bảy, 10/12/2011, 10:39

Gia đình có 6 thành viên thì có tới 5 người đàn ông bị ảnh hưởng chất độc da cam, chỉ người phụ nữ duy nhất trong gia đình còn nguyên vẹn. Cuộc sống của họ chật vật, căng thẳng từ khi những đứa con của mình ra đời. Lần lượt từ đứa thứ nhất cho đến đứa thứ tư, tất cả chúng đều phải gánh chịu những hậu quả đau đớn của chiến tranh. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, những đứa con rồi cũng lớn dần theo năm tháng, duy chỉ có điều, chúng chẳng lành lặn được như những con người bình thường...

Giờ đây, cả 4 người con trai đó đều đã đến tuổi trưởng thành, nhưng thật đau đớn rằng, mặc dù có đến bốn đứa con nhưng hai vợ chồng bất hạnh này chẳng được một lần nhìn thấy con trưởng thành, hay được hạnh phúc cảm nhận hương vị con cưới vợ, sinh con. Đã vài chục năm nay, cuộc sống gia đình này vẫn thế, họ vật vã bước lên trong cuộc sống. Và rồi, điều kỳ diệu đã đến với gia đình này, những tưởng bốn đứa con nhiễm dioxin kia sẽ tàn phá cả đời, nhưng chúng đã biết đứng lên, tự tìm kiếm cuộc sống cho mình bằng một nghề rất nhân văn: làm xe ba bánh cho người khuyết tật.

Chuyện đau đớn ở gia đình bất hạnh

Người chủ của gia đình này tên Diêm Trọng Hách, người làng Khả Lễ, phường Võ Cường (TP Bắc Ninh). Có lẽ những người trong làng, ngoài xã ở đây chẳng ai có thể kìm được lòng mình trước hoàn cảnh của gia đình ông. Sinh được 4 người con thì tất cả đều bị tật nguyền. Với sức lực của một người gần bước tới ngưỡng 60, lại bị ảnh hưởng bởi dioxin ốm đau triền miên nhưng ông Hách vẫn phải lao động, căng sức với những công việc đồng áng để tìm kiếm cuộc sống cho các thành viên trong gia đình.  

Khi còn là một chàng thanh niên tuổi mười chín, đôi mươi, ông Hách cũng đi theo tiếng gọi của dân tộc như bao người thanh niên khác. Xung phong tòng quân, nhập ngũ đánh đuổi quân thù, trong con người ông Hách lúc đó chỉ xác định một suy nghĩ, ra chiến trường, hòn tên mũi đạn vô tình, nếu có chết cũng cảm thấy tự hào vì mình đã tròn trách nhiệm với Tổ quốc. Nhưng rồi, chiến tranh kết thúc, ông Hách vẫn giữ được tính mạng của mình, vẫn giữ được hình hài đầy đủ. Trở về quê hương với khát vọng sẽ bắt đầu xây dựng cuộc sống, ông Hách kết duyên cùng một cô thôn nữ tên Nguyễn Thị Ý. Sớm thành vợ thành chồng và có đứa con đầu lòng, vợ chồng ông cảm thấy hạnh phúc vô vàn vì dường như ông trời đang ban phúc lộc cho hai người.

Diêm Trọng Thắng với công việc thường ngày.

Nhưng trớ trêu thay, đứa con trai đầu lòng mang theo bao nhiêu niềm vui của hai vợ chồng lại chẳng có hình hài như những đứa trẻ khác. Khi bác sĩ kết luận đứa bé bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ông Hách vẫn còn hoài nghi về việc trong người mình có chứa chất độc chết người. Và rồi, những đứa con tiếp theo lần lượt ra đời mang theo sự hy vọng về sự lành lặn. Nhưng cả ba đứa con trai tiếp theo của ông cũng vẫn giống như anh chúng, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi cái chất độc chết người kia.

Dốc hết của nả của gia đình mang đến các bệnh viện chạy chữa cho các con, vợ chồng ông Hách hy vọng vào một điều kỳ diệu mong manh rằng con mình sẽ khỏe khoắn trở lại. Nhưng tất cả những cố gắng đó đều không mang lại kết quả. Tiền của vẫn mất mà các con vẫn chẳng khỏi bệnh. Kinh tế gia đình vốn chẳng lấy đâu làm khá giả nhưng hễ cứ tích cóp được chút vốn liếng nào là vợ chồng ông Hách lại lên các bệnh viện để chạy chữa. Nhưng mọi cố gắng đó cũng chẳng mang lại hiệu quả nào. Cả bốn người con của vợ chồng ông vẫn chẳng thể nào lành lặn lại được. Nhưng điều đáng mừng thay, tuy chân tay của cả bốn đứa đều bị teo tóp nhưng chúng vẫn giữ được cái đầu thông minh, tỉnh táo, không ú ớ, mất trí như những đứa trẻ bị nhiễm dioxin khác.

Cho đến khi những đứa con của ông đều đã lên mười lăm, mười sáu, vợ chồng ông Hách mới kết thúc việc đi chạy chữa vì lúc đó hai ông bà đã biết rằng, mọi phương thuốc, bệnh viện lúc này chỉ là vô hiệu. Đau buồn và tuyệt vọng khi không thể giúp các con mình mạnh khỏe như những bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng ông Hách lại lao vào làm việc để nuôi dạy chúng. Hai ông bà nghĩ rằng, dù chúng có mắc bệnh nặng đi chăng nữa thì nghĩa vụ làm cha mẹ vẫn phải hoàn thành, chúng vẫn cần phải có được một cuộc sống đàng hoàng và đầy đủ, chí ít là ăn no, mặc ấm.Và rồi, sức lực của hai vợ chồng ông Hách lại đổ ra việc đồng áng, những công việc làm thuê, chạy chợ… tất cả đều để kiếm tiền về nuôi bốn đứa con bị nhiễm dioxin. Và rồi, những đứa con dần cũng lớn lên, chúng đã bắt đầu biết suy nghĩ và thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ. Cả bốn đứa con của ông bà Hách đều rất muốn phụ giúp cha mẹ nhưng cực một nỗi, sức lực của chúng chẳng thể làm được việc gì. Nhưng rồi, khi cuộc sống có những sự va chạm, những đứa con của ông Hách cũng tự tư duy tìm cách vượt khó, chiến thắng được định mệnh để tìm kiếm cuộc sống cho riêng mình, thì lúc này hai vợ chồng người cựu chiến binh bất hạnh mới ngỡ ngàng khi biết rằng, các con của mình vẫn có thể làm được rất nhiều việc.

Chàng trai nhiễm dioxin làm xe ba bánh cho người khuyết tật

Những đứa con của ông Hách tên lần lượt là Toàn, Thắng, Tiến, Thịnh. Tuy cả bốn đứa đều bị khuyết tật nhưng hai vợ chồng ông cũng chẳng để chúng thiệt thòi, thua bạn kém bè. Cứ đến tuổi đi học, hai ông bà lại lần lượt cõng từng đứa trến trường. Điều lạ thay, cả bốn đứa đều học rất sáng dạ, đặc biệt, trong số đó Diêm Trọng Thắng-đứa con thứ hai là người thông minh hơn cả.

Thắng rất chăm học và sáng dạ khi đến trường. Để đưa Thắng đến lớp, bố mẹ phải thay phiên nhau hàng ngày cõng đến tận ghế học. Học hết cấp 2 trường xã, Thắng tiếp tục học lên cấp 3. Dù bị bạn bè đùa cợt, chê bai nhưng Thắng cũng chẳng bận lòng vì trong suy nghĩ của anh, muốn thoát khỏi số phận thì việc làm hữu ích nhất chính là chăm chỉ học tập. Nhưng rồi, vì sức khỏe quá yếu, Thắng không thể nào theo học được lớp học trên huyện nên anh phải bỏ học giữa chừng.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của Thắng, anh luôn mong mỏi được học cao hơn nữa, đặc biệt, anh ước mơ sau này mình sẽ trở thành một kỹ sư cơ khí. Thỏa mãn ước nguyện của con, ông Hách đưa Thắng lên một trường cao đẳng nghề ở Sơn Tây xin theo học. Nhưng thật trớ trêu, khi nhìn thấy hình dáng của Thắng, nhà trường chỉ lắc đầu một cái thật lạnh lùng và nói rằng "tay còn không cầm được kìm, búa thì sao có thể trở thành kỹ sư cơ khí được…".

Không được đi học, Thắng trở về nhà trong sự buồn bã và thất vọng. Anh nghĩ cuộc đời của mình coi như đã chẳng thể nào gượng dậy nổi. Thấy con buồn rầu, ông Hách đã cùng với vợ bán thóc, lợn gà trong nhà quyết tâm mua một chiếc xe ba bánh chạy bằng ắc quy cho các con. Thắng cùng với ba anh em vô cùng vui mừng khi họ đã có thể chủ động đi lại được mà không phải phiền đến cha mẹ đưa đón. Nhưng điều đáng buồn thay là chiếc xe ba bánh kia chỉ chạy được có vài cây số đã phải nạp điện, dù mấy anh em có muốn đi xe cũng chẳng thể nào thực hiện được.

Lúc này, trong suy nghĩ của Thắng bật ra một điều, tại sao không gắn động cơ của xe máy vào chiếc xe ba bánh chạy bằng điện kia. Và rồi, chẳng cần ai chỉ bảo, cũng chẳng cần sách vở, Thắng cùng các anh em của mình tháo tung từng chi tiết của chiếc xe điện rồi lấy động cơ của chiếc xe máy cũ trong nhà, tự mày mò vẽ thiết kế để lắp đặt. Để hàn gắn các chi tiết, Thắng phải nhờ một người hàng xóm làm cơ khí, cắt, hàn theo ý của mình. Vài tháng ròng rã, gặp không ít thất bại, mấy anh em của Thắng cũng dựng thành hình chiếc xe ba bánh chạy bằng động cơ xe máy.

Việc mấy anh em Thắng cho ra đời chiếc xe ba bánh đúng như một điều thần kỳ ở giữa chốn làng quê. Không ít người trầm trồ khen ngợi, thậm chí là ngỡ ngàng khi không thể tin được, những chàng trai bị nhiễm dioxin lại có thể làm được một việc như vậy. Chẳng bao lâu sau khi thành công với chiếc xe đầu tiên, gia đình Thắng nhận được một đơn đặt hàng từ một người trong xã.

Quá vui mừng vì đã có người đặt hàng, Thắng cùng các anh em của mình quyết tâm sẽ làm chiếc xe ba bánh mới thật đẹp và vững chắc. Để có được linh kiện lắp cho chiếc xe, Thắng đã cùng với người bạn của mình đi xe ba bánh xuống Hà Nội mua phụ tùng. Vẫn còn thiếu, hai anh lại phi thẳng xe lên tận Tân Thanh, rồi Móng Cái để mua các chi tiết lắp đặt. Chuyến đi dài chừng cả nghìn cây số đó diễn ra một cách an toàn bởi hai người khuyết tật cùng một chiếc xe ba bánh. Trở về sau khi đã có đầy đủ các phụ tùng, Thắng cùng các anh em trong gia đình nhanh chóng hoàn thiện được chiếc xe của khách. Tiếng lành cứ thế đồn ra xa, đơn đặt hàng làm xe ba bánh cho người khuyết tật liên tục đến với gia đình Thắng…

Giờ đây, trong gia đình ông Hách, một xưởng cơ khí nhỏ đã được thành lập, bốn đứa con của ông đều là những người thợ rất lành nghề. Chúng giúp đỡ nhau làm việc, tự kiếm sống. Điều kỳ diệu mà hai ông bà không nghĩ tới đã thành sự thật. Còn đối với Thắng và các anh em, bây giờ, điều làm họ hạnh phúc nhất đó chính là bản thân các anh có thể tự đi lại, kiếm sống được bằng chính đôi tay không nguyên vẹn của mình

Gia Nguyễn
.
.
.