Cuộc sống mới của người chiến sĩ miền biên viễn từng ảo mộng xây đời bằng con đường ma túy

Thứ Tư, 03/12/2014, 16:29
Từ một người lính nghĩa vụ quân sự, đóng quân tại biên giới Việt - Lào, anh đã bị lóa mắt bởi tiền bạc từ sự làm ăn bất chính, tham gia vào đường dây tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Trong những chuyến hàng ấy, anh cũng đã tìm kiếm được hạnh phúc đời mình. Song, những đắp xây ấy không bền vững, anh bị bắt và kết án 16 năm tù giam. Trở về từ chấn song sắt, rõng rã 10 năm người vợ hiền vừa thăm nuôi chồng vừa chăm con khôn lớn là động lực đã thôi thúc anh biến một vùng đất hoang hóa thành trang trại chăn nuôi trù phú, từ kẻ tù tội trở thành ông chủ có tấm lòng nghĩa hiệp.

Người đàn ông ấy là Hoàng Văn Lục (SN 1966), trú xóm 9B xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Trước đây, khi anh còn thụ án tại Trại giam số 3 (Tổng cục VIII, Bộ Công an), nhắc đến anh nhiều người thường gọi anh với những ngôn xưng như Lục “tù tội” hay Lục “ma túy”, song giờ về đây chỉ cần hỏi về Lục “gà”, Lục “tôm”, từ trẻ em đến người già, gần như ai ai cũng biết, bởi anh sở hữu trang trại chăn nuôi gà và đầm tôm lớn nhất xã Diễn Thịnh, ít nhất cho đến thời điểm này. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Văn Lục rất cởi mở khi nhắc lại lầm lỗi ngày quá khứ. Anh bảo, tuổi trẻ nông cạn đã có những việc làm trái pháp luật, hậu quả là mất 10 năm trời chôn vùi tuổi thanh xuân trong chấn song sắt, song bản thân anh cũng có được may mắn là người vợ hiền luôn rất mực thủy chung, lặng lẽ chăm con, chờ chồng ngần ấy năm trời để kéo anh về lại đời thực trên những bước bước hoàn lương.

Vết trượt của anh lính nghĩa vụ biên phòng

Hoàng Văn Lục sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo, bố mẹ làm ruộng nuôi 7 anh chị em, trong đó có 2 anh trai là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Lục là con thứ 6, học xong lớp 12, vào tháng 4-1986, anh đi lính nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Trong 3 năm khoác áo lính tại đây, anh đã được biết đến rất nhiều dư vị đầu đời của cuộc sống, trong đó có ma túy. Hoàng Văn Lục chia sẻ, ngày đó ma túy ở huyện biên giới này rất nhiều, mua ma túy còn dễ hơn cả mua rau nên những lần xin nghỉ phép về xuôi, anh đã nảy sinh ý định xách ma túy, thuốc phiện về để kiếm lời, tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Sau một vài lần trót lọt, cầm những đồng tiền bất chính trong tay, Lục đã mờ mắt và bị cuốn theo vòng xoáy nghiệt ngã của đồng tiền. Từ xách thuê, xách ít, anh đã mang nhiều hơn, tự mình đưa ra các tỉnh phía Bắc để bán lại cho các đầu nậu, hưởng chênh lệch lớn hơn.

Trong những chuyến đi tội lỗi đó, vào năm 1988, Hoàng Văn Lục đã gặp chị Cao Thị Chiêm, một cô gái đẹp của miền biển Nam Định, và hai người nên duyên vợ chồng. Anh Lục kể, ngày đó, anh vừa là bộ đội, kiêm lái buôn, nên rất được lòng người đẹp, anh cũng giấu giếm không dám nói cho vợ biết việc làm ăn phi pháp của mình, kể cả khi anh chị đã sinh con đầu lòng. Nhưng rồi, đi đêm lắm cũng có ngày gặp họa, tháng 7/1994, khi đang mang hơn 9kg thuốc phiện ra Bắc tiêu thụ, anh Lục đã bị bắt quả tang. Người vợ đang mang thai đứa con gái thứ hai, ngất lịm khi biết sự thật về những chuyến đi “công tác” của chồng. Cũng năm đó, Lục bị kết án 16 năm tù giam. Tòa tuyên án trong bối cảnh vợ anh đang vượt cạn. Sau ngày bị kết án, Lục được đưa đến cải tạo tại Trại giam số 3, đóng chân ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), với công việc chính là làm cấp dưỡng nhà bếp, nấu ăn và chăn nuôi. Chính những năm tháng trong nhà giam, gắn bó với công việc chăn nuôi đã manh nha ý tưởng mở trang trại sau khi ra tù, và những kiến thức gom góp được đã giúp anh thành công khi đứng dậy làm lại cuộc đời ở ngoài xã hội.

Hoàn lương, trở thành ông chủ trang trại tiền tỷ

Hoàng Văn Lục chia sẻ, với bản án 16 năm nhưng do cải tạo tốt nên anh được 5 lần giảm án, và lần cuối là đặc xá tha tù trước thời hạn khi còn 3,5 năm nên tháng 4-2009, anh được trả tự do. Suốt 10 năm thụ án, đều đặn mỗi tháng, chị Chiêm vợ anh, đều bồng con đến thăm nuôi, động viên chồng không bỏ lỡ bất cứ một dịp nào khiến anh rất cảm động, và đó cũng là động lực để anh gắng cải tạo tốt, làm lại cuộc đời. Ngày về với xã hội, được gia đình và anh em bạn bè giúp đỡ, đầu tiên anh Lục mở quán ăn ngay thị trấn Phủ Diễn. Quán vừa khai trương, “bạn hàng” tìm đến cạnh khóe, tìm cách lôi kéo rủ rê, xua đuổi không được, anh liền báo Công an nên mới được yên thân làm ăn. Sau khi quán xá hoạt động ổn định, anh Lục bàn giao lại cho vợ quản lý, còn mình tiếp tục gom vốn để mở cửa hàng sửa chữa xe máy, song do vốn ít, khinh nghiệm không có nên chỉ được thời gian ngắn, đã phải dẹp tiệm. Đầu năm 2010, với những kinh nghiệm có được trong quá trình thụ án, Hoàng Văn Lục quyết định đầu tư, thuê hơn 2.000m2 đất hoang hóa, ngập mặn của xã ở ngoài khu vực nghĩa trang để mở trang trại.

Anh Lục bên đầm tôm nhà mình.

Ngày anh mới ra đây khai khẩn, ai cũng bảo anh khùng bởi đây là vùng đất chết, trồng cây gì, nuôi con gì cũng không sống nổi quá một tháng bởi thời tiết, đất đai quá khắc nghiệt, thường xuyên chịu sự tác động từ nước biển dâng. Không nản chí, Lục thuê xe đổ đất ngăn mặn, sau đó xây chuồng để nuôi gà. Ban đầu, anh Lục đầu anh đầu tư 650 triệu đồng xây dựng chuồng trại và nuôi thử nghiệm chỉ vài chục đôi, sau khi thành công, tích lũy được kinh nghiệm, anh mở rộng quy mô lên 6.000 con gà mỗi lứa. Mỗi năm trang trại thu hoạch 4 lứa gà, mang về nguồn thu nhập lãi ròng cho gia đình trên 200 triệu đồng. Anh còn nuôi vỗ béo 2 con bò thịt. Anh Lục còn giúp cho 3 gia đình trong xã xây dựng mô hình trang trại nuôi gà trên 1 ngàn con và tạo công ăn việc làm cho 3 nhân công lao động tại địa phương với mức lương 3,5 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay, anh Lục còn mở thêm 2.000 m2 diện tích nuôi tôm, mỗi năm cho thu nhập gần 700 triệu đồng. Nói về công việc hiện tại của mình, anh Lục cho biết: “Tôi làm trang trại mục đích là để đỡ đần kinh tế cho gia đình, bản thân, xã hội. Qua đó, tránh xa cám dỗ đời thường, dần được mọi người tin yêu, khẳng định mình, đứng lên tạo công ăn việc làm cho con em là người ở địa phương này”.

Với diện tích chăn nuôi lớn, anh Lục được chính quyền địa phương ghi nhận, người dân cảm phục trước nghị lực của anh. Giờ đây đối với anh, những thành kiến, những ánh mắt dị nghị đã được xóa bỏ, thay vào đó là sự nể phục của mọi người. Điều ấn tượng hơn cả là từ ngày ra tù tái hòa nhập cộng đồng đến nay, anh Lục luôn tu dưỡng đạo đức lối sống, chăm lo sản xuất kinh doanh, không phạm bất cứ hành vi phạm pháp nào. Tấm gương đầy nghị lực của anh đã được Công an Diễn Châu xây dựng điển hình tiên tiến mới trong phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và được chọn để nhân rộng trong toàn huyện, nhất là với những người vừa mới ra tù, tái hòa nhập cộng đồng giúp họ việc làm ổn định. Tháng 7-2014, anh Hoàng Văn Lục cũng là một trong những cá nhân điển hình được Công an tỉnh Nghệ An tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Trung tá Phạm Ngọc Hoa, Đội phó Đội xây dựng phong trào và phụ trách xã, Công an huyện Diễn Châu cho biết thêm: “Sau khi có cơ sở vật chất, anh vươn lên trong cuộc sống. Là tấm gương sáng để những người lầm lỗi nhìn vào để sửa chữa, tu dưỡng đạo đức, trở thành người có ích cho xã hội.” Hiện nay, con trai đầu của anh Lục đã có công ăn việc làm ổn định và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, cô con gái út đang du học Nhật Bản. Chị Cao Thị Chiêm vẫn duy trì quán ăn ở thị trấn nên mọi công việc ở trang trại đều do một tay anh Hoàng Văn Lục quán xuyến và điều hành.

Thiện Thành
.
.
.