Đạp xe, cắt tóc xuyên Việt

Thứ Năm, 02/03/2017, 16:50
Có một công việc ổn định, cuộc sống thoải mái nhưng với anh Phạm Đình Thắng (29 tuổi, Quảng Ngãi) thì sự yên ổn ấy lại khiến anh cảm thấy áy náy khi chứng kiến biết bao cảnh đời khốn khổ. Cũng vì lý do đó, anh Thắng đã bắt đầu hành trình mang tông đơ, kéo cắt tóc, đạp xe gần 4.000km để gây quỹ ủng hộ cho trẻ em nghèo…


Gia đình và nhiều bạn bè của anh Thắng từng khuyên can bởi biết rằng, chuyến đi này của anh là vô cùng gian nan và nguy hiểm. Họ cho rằng anh đã có một quán cắt tóc khá ổn, có khách quen và thu nhập ổn định thì nên tiếp tục duy trì để có một cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Nhưng với suy nghĩ rằng, mình có tập trung làm kiếm tiền cả đời thì cũng không biết bao nhiêu là đủ, nên nhân lúc còn trẻ thì mình tranh thủ đi, đi để biết cuộc sống tươi đẹp xung quanh - đi để biết mình còn may mắn hơn nhiều người. Và cũng từ chuyến đi đó có thể giúp được những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình một phần nào, đó cũng là một cách làm đẹp cho cuộc đời chính mình.

Anh Thắng chia sẻ: "Quán cắt tóc của mình thường mở cửa từ 8 giờ sáng và tận 20 giờ tối mới hết khách nên mình muốn làm gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn cũng không có thời gian. Nhưng sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, mình đã quyết định hy sinh một khoảng thời gian để thực hiện chuyến đi này. Sau khi nhờ một người bạn tiếp quản công việc của quán, mình đã quyết định lên đường…".

Xuất phát từ TP Hồ Chí Minh ngày 25-7-2016, anh Phạm Đình Thắng rong ruổi trên chiếc xe đạp của mình với cả chục kg hành lý treo trên xe nào là nồi niêu, bát đĩa, quần áo, túi ngủ… Nhưng quan trọng nhất với anh đó chính là bộ đồ nghề cắt tóc, thứ anh mang theo để có thể kiếm tiền, góp vào quỹ cho chương trình "Sưởi ấm vùng cao" của CLB xuyên Việt mà Thắng tham gia.

Sau hai ngày di chuyển, tại Khánh Hòa, anh Thắng đã gặp Dương Vũ Hải (SN 1995, Ninh Thuận) - một bạn sinh viên mới tốt nghiệp và cũng có chung mục tiêu giống anh. Khác với anh Thắng, Hải có một khoảng thời gian khá dài để suy nghĩ về hành trình này và chuẩn bị trong một tháng để lên đường. Khi gặp nhau, họ đã kết bạn và cùng nhau thực hiện hành trình đầy gian khó, gây quỹ cho trẻ em nghèo. Cả hai đều mang theo khá nhiều đồ đạc, đầy đủ những đồ dùng thiết yếu cho một chuyến đi kéo dài nhiều tháng như vậy nên chi phí chuyến đi được tiết kiệm tới mức tối thiểu.

Chiếc xe đạp cũ với tất cả đồ đạc.

Xuất phát theo lộ trình TP. Hồ Chí Minh tới Hà Nội rồi đi qua các tỉnh vùng cao để trao quà từ thiện và cuối cùng là kết thúc ở TP. Hồ Chí Minh, hai chàng trai luôn có cùng một tâm niệm rằng "Hãy gõ đi rồi cửa sẽ mở", hãy trải lòng, chia sẻ với những người khó khăn để nhận lại sự tốt đẹp từ chính những con người mà họ gặp trên hành trình này.

Đến mỗi địa phương, cả hai thường dừng lại vài ngày để cắt tóc, tiền đó sẽ được sử dụng để góp quỹ. Họ còn tìm đến những làng trẻ SOS, trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật hoặc nơi nuôi dưỡng người già yếu neo đơn để cắt tóc miễn phí và tham gia trao quà cho những hộ gia đình khó khăn. Trước khi đến mỗi tỉnh, cả hai đều nhờ bạn bè, cộng đồng mạng cung cấp thông tin về những cá nhân hoàn cảnh, sau đó kết nối với người dân nhờ chương trình giao lưu và ủng hộ.

Trước chuyến đi này, anh Thắng chỉ mang theo trong người hai triệu đồng nhưng bị làm mất ở quãng đầu của hành trình. Đối mặt với việc không có tiền trong người, nhưng anh lại coi đó là một thử thách, thách thức ý chí bản thân mình trên chuyến hành trình này. Còn Hải, người bạn đồng hành của anh cũng không mang nhiều tiền nên hai chàng trai đã xin làm giúp việc ở các quán cơm họ đi qua để lấy tiền làm lộ phí, còn tiền cắt tóc vẫn được đưa vào quỹ cho trẻ em nghèo như dự định.

Và không dừng lại ở đó, cả hai còn nhặt ve chai trên đường đi để bán, lấy tiền chi tiêu. Những bữa ăn của họ thường rất đơn giản, khi thì gói mỳ, khi thì chút cơm được họ tự chuẩn bị nhờ dụng cụ mang theo. Bếp được dựng ngay bên lề đường, sau bữa ăn họ tìm một góc đường an toàn để nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục hành trình. Họ cũng tiết kiệm chi phí sinh hoạt khác bằng cách xin ngủ nhờ nhà dân, nhờ sự trợ giúp của bạn bè, người thân và cả những khi dựng lều ngủ trên bãi biển...

Như những gì anh Phạm Đình Thắng đã tâm niệm từ khi bắt đầu hành trình, bằng hành động, ý chí của mình trên quãng đường hàng ngàn km ấy, những người thân, bạn bè cũng đã hiểu ra mục đích của chuyến đi và ủng hộ anh hết mình trên quãng đường còn lại. Ngoài ra, đến mỗi địa phương, anh luôn được các bạn trẻ theo dõi chuyến đi của anh ủng hộ, hỗ trợ như cung cấp chỗ ngủ, đồ ăn khô mang theo và nhất là ủng hộ vào quỹ "Sưởi ấm vùng cao" mà anh đang đi kêu gọi.

Theo như những gì anh Thắng chia sẻ, Kỷ niệm gần nhất với những người bạn mà anh quen trên hành trình xuyên Việt của mình có lẽ là ở Thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình).

"Lúc đó mình đạp xe từ TP Hà Tĩnh vào Quảng Bình, khi trời đã nhá nhem tối, các bạn gọi điện thoại liên tục chỉ để hỏi thăm sức khỏe và xem mình đã tới nơi chưa. Sau khi gặp được nhau thì các bạn dẫn về nhà một bạn và sắp xếp cho chỗ nghỉ ngơi. Ngày hôm sau, nhiều bạn đã xin nghỉ để dẫn mình đến làng SOS hớt tóc cho các bé. Cũng giống như nhiều bạn bè nơi khác, các bạn ở Ba Đồn đã dẫn đi thăm quan địa phương và cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây. Trong suốt chuyến hành trình dài nhiều tháng, mình cảm nhận được các bạn trên mọi miền Tổ quốc đều rất nhiệt tình.Mình rất vui vì điều đó, vì các bạn trẻ giờ rất có tâm, chứ không phải như suy nghĩ chỉ đi chơi và ăn bám gia đình như nhiều người", anh Thắng kể.

Và cũng trên hành trình ấy, anh cũng gặp rất nhiều người tốt khi xin nghỉ nhờ trong nhà dân, họ luôn luôn đồng ý chứ không có một chút nghi ngờ, khó gần nào.

Thắng cắt tóc trong làng trẻ SOS và trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật.

Trong suốt quãng hành trình dài như vậy, Phạm Đình Thắng đã cùng bạn bè thực hiện ba chương trình trao quà cho bà con vùng lũ ở Hương Khê - Hà Tĩnh, một chương trình ở Phú Yên và một ở Bình Định. Tổ chức chương trình Trung thu cho các bé ở Quảng Trị, trao quà cho 4 cụ già neo đơn ở Nghệ An, trao quà cho nhiều trường hợp ở TP Điện Biên cùng rất nhiều lần tổ chức cắt tóc miễn phí ở làng trẻ, trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở các tỉnh mà anh đi qua.

Đặc biệt, cách đây không lâu, khi đọc báo thấy tin bạn Lưu Thị Nhung, sinh viên năm 3, Đại học Vinh (Nghệ An) có nguy cơ phải cưa chân phải sau tai nạn giao thông, bố mẹ Nhung phải vay ngân hàng để có tiền chữa trị cho con do nhà quá nghèo, Thắng đã tới thăm Nhung tại bệnh viện.

Thấy được sự lạc quan, không ngừng hy vọng dù đang rất đau đớn của cô sinh viên này, Thắng cùng những người bạn trong CLB xuyên Việt đã tổ chức chạy bộ 50km từ TP Vinh đến TP Hà Tĩnh để kêu gọi các Mạnh thường quân ủng hộ cho Nhung. Kết thúc chương trình, anh đã trao lại cho gia đình Nhung số tiền 6 triệu đồng do các Mạnh thường quân ủng hộ.

Cho tới thời điểm hiện tại, anh Phạm Đình Thắng đang dừng chân tại Huế, đã gần hoàn thành hành trình đã đặt ra trước đó mặc dù có chút chậm trễ so với lịch dự kiến do bị ốm giữa đường. Trước đó, Dương Vũ Hải đã kết thúc chuyến đi do bận việc gia đình. Trong chuyến hành trình này, ngoài sự ủng hộ của nhiều người nhưng cũng có những sự nghi ngờ, soi mói trước mục đích của chuyến đi.

Chính anh Thắng cũng cho biết: "Có nhiều bạn hiểu lầm hay nói mình ăn chặn số tiền gây quỹ đó, nhưng mỗi khi thu tiền vào quỹ mình đều có ghi chép, giấy tờ thu chi rõ ràng. Mỗi chương trình mình trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn cũng vậy, đều có giấy tờ thu chi đầy đủ. Mình làm đúng thì mình không sợ gì hết. Thật sự, việc làm thiện nguyện ở Việt Nam mình đôi khi rất khó, khó ở việc kiêu gọi, khó vì có rất nhiều người soi mói, nhưng nhờ có rất nhiều anh em ở mỗi địa phương nơi mình đi qua và các Mạnh thường quân ủng hộ nên mình mới đi được đến ngày hôm nay. Và cũng nhờ họ mà nhiều chương trình đã được tổ chức, nhiều phần quà đã được trao tặng để giúp đỡ bà con, giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống".

Phong Lê
.
.
.