Dạy chữ, rèn người của thầy cô khuyết tật

Thứ Hai, 24/03/2014, 08:00

Cho đến nay, đã có rất nhiều lớp học nhân ái dành cho những trẻ em nghèo được mở bởi những người thầy, người cô tàn tật. Dù sinh ra không được lành lặn như bao người khác, phải mang trên mình dị tật bẩm sinh, họ vẫn nỗ lực vươn lên, vượt qua mặc cảm, tự ti để dùng chút sức lực nhỏ nhoi của mình giúp ích cho xã hội. Những con người khốn khổ ấy không được đào tạo một cách bài bản, nhưng chính nhờ tấm lòng, cái tâm, họ đã đem số kiến thức ít ỏi của mình đến cho những đứa trẻ nghèo.

Và chắc chắn một điều rằng, những con người ấy làm việc thiện không phải vì một tấm bằng khen hay vì lợi ích kinh tế. Với họ, nhìn các học trò của mình lớn lên từng ngày đã là một động lực lớn để sống, để thấy rằng họ vẫn là những người có ích.

Lớp luyện chữ đặc biệt

Về thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, hỏi thầy Phùng Văn Trường không ai là không biết. Thậm chí người dân nơi đây còn hồ hởi đưa chúng tôi đến tận nhà, bởi với họ, hình ảnh người thầy giáo ngồi trên xe lăn dạy viết chữ bằng miệng đẹp như tranh dường như đã quá thân quen và gần gũi. Khi chúng tôi chào là thầy, anh chỉ cười và bảo: "Tôi không dám nhận là thầy đâu, mình có học hành đến đâu đâu mà tự nhận là thầy, tôi chỉ muốn đem những kiến thức mà mình học được để truyền đạt cho các cháu thôi!".

Cuộc đời của anh trường có lẽ là một chuỗi bất hạnh, theo như lời kể lúc mới sinh anh cũng khỏe mạnh, bụ bẫm như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rồi cho đến năm 2 tuổi, đôi chân cứ teo dần đi không thể đi lại được nữa, đôi tay cũng bị ảnh hưởng không thể làm được bất cứ việc gì. Thương con, bố mẹ anh đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh viện nào cũng lắc đầu bó tay bởi cái chứng teo cơ bẩm sinh quái ác. Đến tuổi đi học, thấy đôi tay có thể cầm được bút, dù rất yếu, nên anh Trường quyết tâm xin bố mẹ cho được đến trường cùng bạn bè trang lứa, bất chấp việc bị những bạn bè cùng trang lứa dè bỉu, chê cười.

Thầy Phùng Văn Trường đang viết chữ mẫu cho học sinh.

Nhớ lại những ngày ấy, anh Trường rơm rớm nước mắt: "Bố mẹ rồi cả ông bà ngày nào cũng vậy, bất chấp mưa nắng cõng tôi đến trường. Học được đến lớp 8, do trường ở thôn không đủ học sinh nên các bạn đều chuyển đến trường khác ở xa. Hơn nữa căn bệnh quái ác này lại trở nặng, đôi tay quá yếu đến bút cũng không thể cầm được nữa, nên tôi đành phải xin nghỉ học...".

Thời gian đầu khi mới nghỉ học, anh Trường luôn sống trong buồn chán và tuyệt vọng. Mỗi ngày nhìn ra ngoài thấy chúng bạn được đến trường, còn mình phải ngồi xe lăn, đi ra đi vào chỉ có bốn bức tường, mọi việc đều phải nhờ bố mẹ và các chị em. Không chịu được cảnh ấy, năm 2009, anh xin bố mẹ chuyển nhà ra ngoài đường cái của thôn để ngày ngày được nhìn thấy người qua lại cho đỡ tủi thân. Thương con, bố mẹ anh cũng cố gắng chắt chiu, vay mượn mua mảnh đất, làm tạm căn nhà cấp 4 và mở một hàng tạp hoá nhỏ cho anh trông coi. Cũng nhờ quán hàng tạp hoá ấy anh mới có động lực để học viết.

Nói về lý do học viết, anh Trường cười nói: "Có người chưa đủ tiền trả nên khất nợ, hoặc cũng có khi mình không đủ tiền giả lại người ta, mà lại sợ nhầm lẫn của họ thì mang tiếng, nên tôi quyết tâm học viết bằng miệng để ghi chép lại. Lúc đầu cũng chỉ là con chữ nghuệch ngoạc, chỉ mình mình đọc, mình hiểu được thôi. Nhưng sau này, vì nhà ở gần đường, các cháu họ hàng thường xuyên sang chơi. Bố mẹ chúng mải đi làm ăn chẳng ai quán xuyến việc học hành nên gửi gắm chúng cho tôi để trông nom. Mà muốn dạy được chúng thì mình phải viết thật đẹp, không chúng lại cười chê cho, thế là quyết tâm học viết chữ đẹp cho bằng được".

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, phải ngậm cây bút sâu 5 phân vào tận họng, anh thường xuyên bị nôn oẹ, cổ họng đau rát vì bị cây bút chọc vào. Không có điểm tựa nên việc đưa ngòi bút theo ý muốn của anh rất khó khăn. Không những thế, anh lại phải cúi sát mặt bàn, việc nhìn vào trang giấy trắng trong thời gian dài khiến anh hoa mắt, lúc ngẩng lên đau đầu và chóng mặt nhưng anh vẫn kiên trì luyện tập. Về sau, anh phát hiện ra rằng, chỉ cần kẹp đầu bút vào phần răng hàm trong cùng thì sẽ có lực để viết mà không ảnh hưởng đến họng. Và cũng chỉ trong vòng một tháng, anh có thể viết và sáng tạo ra các kiểu chữ rất đẹp bằng các loại bút khác nhau. Nhưng ai khen anh cũng chỉ cười mà bảo: "Chắc tại ông trời thương tôi nên cho tôi mang gen của bố tôi có khả năng viết chữ đẹp đến vậy".

Lớp học tình thương của cô Đạm.

Dần dà, những đứa cháu học ngày càng khá hơn, tiếng lành đồn xa, bọn trẻ con trong xóm cũng kéo đến học ngày một đông.Với những cháu học lớp 1, lớp 2 thì anh cho luyện chữ, đọc sách, lớp lớn hơn thì học toán và các môn xã hội. Trung bình mỗi ngày có 10 cháu đến học với anh chia làm nhiều ca sau giờ tan học.

Đâu cần bằng khen

Giống như anh Trường, trường hợp của cô Đạm (tên thật Kiều Thị Ánh Thuyết, ở thôn Ngọc Bật, xã Cao Phong, Sông Lô, Vĩnh Phúc) quả thật cũng khiến nhiều người biết đến cô phải thấy cảm phục. Cô Đạm không may mắn khi thân thể khiếm khuyết, đến bây giờ, khi đã ngoài 30 tuổi, cô chỉ cao chưa đến 1m, chân tay ngắn hơn so với mọi người rất nhiều. Do thể hình thấp bé, mọi sinh hoạt của cô Đạm đều khó khăn. Nhiều năm liền ở nhà, chứng kiến cảnh những đứa trẻ nghèo không được học hành đầy đủ, năm 2005, cô Đạm mở lớp học tại nhà. Lớp học ban đầu chỉ có 7 người, dần dần tiếng lành đồn xa, các phụ huynh thi nhau đưa con đến lớp học. Giờ đây căn nhà riêng của cô đã trở thành lớp học của 17 học sinh trong 8 năm nay.

Mở lớp học nhưng cô Đạm không lấy của các em đồng học phí nào. Ngày lễ Tết, các phụ huynh thường dẫn con tới cảm ơn cô giáo. Nhiều cha mẹ ở các thôn khác cũng chở con đến xin học lớp của cô. Căn nhà của cô đã trở thành lớp học cho nhiều thế hệ học sinh trong và ngoài thôn Ngọc Bật. Đến nay, lứa học sinh đầu tiên đã vào cấp ba. Nhiều em trở thành học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm 2012, cô Đạm vinh dự được tham dự chương trình "Những tấm gương bình dị mà cao quý" ở Hà Nội.

Cũng nhiều năm nay, lớp học của thầy Phạm Văn Trường (thôn Bót, Minh Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) là địa chỉ quen thuộc của hàng chục học sinh trong, ngoài xã. Dù thân thể không lành lặn, nhưng thầy Trường vẫn luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Những năm tháng vượt khó đến trường, thầy Trường luôn suy nghĩ phải quyết tâm thi đỗ Đại học Sư phạm để sau này truyền dạy cho những học trò có hoàn cảnh khó khăn. Tốt nghiệp THPT, thầy Trường tiếp tục thi đỗ vào Khoa Toán tin, Đại học Hồng Đức với số điểm khá cao.

Nhưng năm 2009, do đôi chân không thể tự đi lại được nên thầy Trường đành xin nghỉ việc dạy học ở trường. Thầy nhờ bố mẹ và bà con hàng xóm giúp đỡ dựng cho phòng học tạm cạnh nhà dạy học cho hàng chục em nhỏ trong, ngoài xã có hoàn cảnh khó khăn. Lớp học của người thầy khuyết tật đã ươm mầm tri thức cho rất nhiều học trò. Trong đó có nhiều em học sinh đã đỗ đại học.

Còn biết bao những người thầy người cô tật nguyền như thầy Trường, cô Đạm đang miệt mài ngày đêm cống hiến cho xã hội. Họ xứng đáng được xã hội tuyên dương, khen thưởng. Nhưng như đã nói ở trên, bản thân những con người này họ mở những lớp học tình thương đâu chỉ vỉ sự khen thưởng. Từ tình thương con người, dù khiếm khuyết về cơ thể nhưng họ vẫn còn một trái tim nguyên vẹn. Và rồi từ việc thắp lửa trái tim của những nhà giáo "không chính quy" ấy, có những em nhỏ tưởng chừng như mù mịt về tương lai lại có thêm một sự lựa chọn, một con đường sáng phía trước để tiếp tục bước tới.

Ngôi nhà đơn sơ và gia đình nhỏ của thầy Phạm Văn Trường.

Khi đất nước ta còn nghèo, ở nhiều vùng quê trẻ em còn thiếu thốn, khó khăn đủ bề, không có khả năng đến trường hoặc đi học thêm, chính vì thế việc những thầy, cô giáo khuyết tật mở những lớp học miễn phí cho trẻ em quả thật là hành động đáng khen ngợi. Trong khi đó, chính những thầy cô này cũng là những người gặp hoàn cảnh khó khăn cả về sức khỏe và kinh tế. Cho đến nay, ngoài những khoản trợ cấp đặc biệt của nhà nước, họ vẫn sống bằng những đồng tiền góp nhặt, dành dụm từ buôn bán nhỏ lẻ như anh Phùng Văn Trường. Hay thậm chí, có những người ăn tiêu dè xẻn từ trợ cấp để lấy tiền tu sửa lớp học cho các học trò nghèo của mình. Thiết nghĩ, chúng ta nên có một sự khen thưởng, động viên thậm chí là giúp đỡ để những hành động đẹp ấy lan rộng, được nhiều người biết đến. Để họ thấy rằng, trong cái xã hội đang có nguy cơ xuống cấp về đạo đức con người này vẫn còn nhiều những tấm lòng tốt, những trái tim bao dung...

Ngọc Mai - Ngọc Minh
.
.
.