“Đó là bản năng của chúng. Sống là cùng tồn tại”

Thứ Hai, 03/03/2014, 10:00

“Bị cá mập tấn công và mất một chân vĩnh viễn, Mike Coots vẫn tiếp tục lướt sóng, trở thành nhà nhiếp ảnh và thành đại sứ bảo vệ chính loài cá mập đã tấn công mình...”

Những giờ phút kinh hoàng

Vào tháng 10 năm 1997, một sự kiện đau lòng đã xảy ra với cậu bé Mike Coots, 17 tuổi. Sự kiện này đã làm thay đổi cả cuộc đời cậu bé. Coots đã bị cá mập tấn công và mất chân phải trong một buổi lướt sóng ngoài khơi Hawaii. Trong khi đang lướt ván ở vịnh Major bên bờ Tây Kauai biển Hawaii thì bất chợt, một con cá mập hổ - nỗi kinh hoàng của những vùng biển nhiệt đới đột ngột xuất hiện từ đáy biển sâu thẳm, hệt như một chiếc tàu ngầm lớn. “Tôi đang cố bắt con sóng tiếp theo. Cả tôi và anh bạn cùng lướt sóng đều không nhận ra sự hiện diện của kẻ săn mồi chuyên nghiệp dưới nước. Những đường kẻ sọc trên thân mình nó hòa với màu nâu của cát đại dương khiến người đi biển lầm tưởng là rùa hay các loại sinh vật biển khác. Không một ai nhận thấy mối hiểm họa đang tới rất gần” – Coots nhớ lại.

Cậu vẫn nhớ như in lúc cá mập tấn công. Con cá mập từ đâu bất ngờ xông tới. Ngay lập tức, nó cắm phập hàm răng với những kẽ răng cưa sắc nhọn vào chân phải của Coots. Nó bám chặt lấy chân phải của cậu và lắc qua lắc lại, "như một con chó đang ngấu nghiến nhay miếng thịt ngon". Thế nhưng, Coots không hề cảm thấy đau. Cậu chỉ cảm thấy có nguồn áp lực vô cùng lớn đang đè lên da thịt mình. Máu của cậu tuôn xối xả, tạo thành một vết hệt như dầu loang, nhuộm đỏ khoảng nước mặn xung quanh.

Bản năng sinh tồn trỗi dậy không cho phép Coots đầu hàng. Ngay cả trong khoảnh khắc hốt hoảng sợ hãi ấy, Coots vẫn cố hết sức đấm liên tiếp vào đầu sinh vật đáng sợ ấy cho đến khi nó chịu thả chân cậu ra và bơi đi. Coots nhớ lại: "Chân phải của tôi bắt đầu đau nhói và run rẩy. Và tôi ngoái lại nhìn qua vai mình. Tôi cứ ngỡ rằng con cá mập quay lại và tấn công tôi một lần nữa. Không thì chẳng có lý nào chân tôi lại run lắc bần bật như vậy”. Và đó cũng là lúc Coots nhận ra chân phải của mình đã bị cắt đứt hoàn toàn, “giống như vừa trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân chuyên nghiệp vậy”. Mọi thứ diễn ra chóng vánh, hệt như một thước phim: một vết máu loang ở giữa và chỉ một vết cắt hoàn hảo duy nhất.

“Tôi đã cố đứng dậy với chỉ một cái chân. Nhưng bạn biết đấy, điều đó là không thể. Tôi ngay lập tức ngã khuỵu xuống”. Coots chia sẻ. Người bạn cùng lướt ván với anh – người đã ở cùng anh và chứng kiến bi kịch ấy từ đầu đến cuối, đã nhanh trí tháo chiếc dây ở ván lướt sóng của Coots để cầm máu. Sau đó, hai người may mắn đón được một con sóng tiến vào bờ và dùng hết sức mình chèo thật nhanh về phía bờ cát.

Nửa tỉnh nửa mê, Coots ngay lập tức được đưa lên một chiếc xe tải nhỏ và chở thẳng tới bệnh viện địa phương. Nằm ở phía sau chiếc xe, cậu đủ tỉnh táo để nhận thấy máu trào ra xối xả từ vết thương, tràn ra cửa hậu ôtô như dòng thác. Coots đã được cứu sống, song anh buộc phải chấp nhận việc bị mất chân phải, ngay tại phần bắp chân.

Mặc dù phải trải qua những thời khắc kinh hoàng ấy, cậu thiếu niên 17 tuổi lại cảm thấy thật nhẹ nhõm. “Tôi thấy mình thật may mắn vì đã sống sót. Vì vậy mà thay vì cáu bẳn hay giận dữ, tôi thấy mình như được ban phước lành. Một cuộc sống mới đang mở ra trước mắt tôi”.

Bước ngoặt khó tin

Đối với bất cứ cậu bé 17 tuổi nào, nỗi ám ảnh kinh hoàng về “kẻ săn mồi” hung tợn như vậy sẽ đeo bám họ suốt phần đời còn lại. Nhưng sự việc đau lòng năm 1997 ấy đã không thể ngăn được tình yêu của Coots đối với đại dương.

Ngay khi có thể tự đứng trên đôi chân của mình một lần nữa, Coots tìm về với đại dương xanh thẳm mà không mảy may suy nghĩ. Anh lại tiếp tục lướt sóng ở bờ biển quê hương, tại nơi cách không xa chỗ anh đã từng bị cá mập tấn công. Ánh mắt anh sáng ngời lên khi nhớ lại kí ức đẹp tươi ấy: “Tôi nhớ như in giây phút tôi được đắm mình với biển cả một lần nữa. Không có gì có thể tuyệt vời hơn việc nhảy vào vòng tay của mẹ đại dương. Tất cả thật huy hoàng, rực rỡ”. Bây giờ Coots đã 34 tuổi và anh vẫn tiếp tục lướt ván sau bi kịch ấy bằng cái chân giả.

Không chỉ thế, trong hàng tháng trời nằm viện điều trị phục hồi chấn thương, tình yêu với nghệ thuật nhiếp ảnh đã phôi thai trong con người Coots, báo hiệu sự nghiệp thành công và tương lai sáng lạn đang chờ đợi anh sau này. Coots trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho các tạp chí danh tiếng như Tạp chí Phố Wall, Hawaii, kênh truyền hình Discovery Channel hoặc các phương tiện truyền thông khác. Các bức hình của Coots chứa đựng nhiều thông điệp truyền cảm hứng cho người xem. Đó có thể là hình ảnh người thổ dân Kauai rẽ sóng trên ván lướt hay những tấm hình ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo với hoàng hôn nhuốm màu vàng óng, những tán cây cọ đón gió hay từng đợt sóng vỗ vào bờ cát.

Mike Coots vẫn trở về biển dù đôi chân không còn lành lặn như xưa.

Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên nhất là việc anh trở thành nhà hoạt động tích cực cho chương trình bảo vệ cá mập. Nhiếp ảnh gia - nhà hoạt động môi trường này không hề có, dù chỉ là một chút ý niệm hận thù với loài sinh vật biển đã tấn công anh gần 2 thập kỉ trước. Coots thậm chí còn tìm thấy cả niềm vui với thể trạng khiếm khuyết của mình hiện tại. Anh còn hài hước chụp hình cá mập bơm hơi bên người thợ lặn đồ chơi bị mất 1 chân.

Vài năm trước đây, Coots được tập đoàn môi trường Pew mời tham gia chiến dịch nói không với vây cá mập. Anh kêu gọi luật pháp nghiêm cấm việc ngư dân lấy vây của cá mập rồi vứt bỏ chúng trở lại đại dương. Nếu không có vây, cá mập không thể di chuyển một cách hiệu quả. Nó có thể bị nghẹt thở hoặc bị tiêu diệt bởi những kẻ săn mồi khác.

Coots biết rằng, phần lớn mọi người nghĩ việc một người sống sót sau khi bị cá mập tấn công lại đứng ra, tiếp tục chiến dịch kêu gọi cứu trợ các loài động vật, trong đó có cá mập, thật là kì cục. Tuy nhiên, Coots cho rằng đây là cơ hội để anh có thể tạo ra một điều mới mẻ, tích cực hơn: Cá mập chỉ là cá mập. Chúng thuộc về biển cả. Có lẽ tôi sẽ oán giận hơn nếu thương tích trên người tôi là do tôi hay ai đó khác gây ra. Nhưng đó chỉ đơn giản là việc cá mập làm. Đó là bản năng của chúng?

Coots cũng cho biết, anh cũng kịch liệt phản đối việc tiêu hủy cá mập gây tranh cãi ở Tây Úc do chính phủ của Thủ tướng Colin Barnett công bố vào cuối năm ngoái sau khi các cuộc tấn công của cá mập xảy ra khiến bảy chết người trong vòng ba năm tại vùng biển này. Theo đó, ngư dân sẽ được chính phủ chi trả cho việc đánh bắt, bẫy cá mập trong khu vực săn bắt với phạm vi 1 cây số ngoài khơi xa. Theo Coots, thay vì đặt những móc câu và bắn giết những con cá mập, chúng nên được gắn chip để tiện cho việc theo dõi: "Đây là loài sinh vật cổ xưa và chúng ta hầu như biết rất ít về chúng. Vậy nên, tôi không nghĩ rằng, việc tiêu diệt ngay lập tức khi có bất kì mối đe dọa nào xuất hiện, dù chỉ là về mặt nhận thức là đúng đắn. Chúng ta không nên chỉ đi và tiêu diệt những điều mà chúng ta không thích trong tự nhiên. Sống là cùng tồn tại".

Với vai trò là đại sứ của tổ chức này, Coots đã tới nước Mỹ và vùng Capital để kêu gọi bảo tồn cá mập. Anh mang câu chuyện của chính cuộc đời mình để kêu gọi những thay đổi về mặt pháp lý. Năm 2010, những nỗ lực của anh đã đến ngày đơm hoa kết trái. Hawaii đã trở thành bang đầu tiên của nước Mỹ đặt lệnh cấm tàng trữ và mua bán vây cá mập.

Câu chuyện sống sót thần kì đầy hấp dẫn của Coots đã được kể nhiều lần trong suốt 17 năm qua. Kì tích ấy đã được phát sóng trên kênh Discovery Channel vào năm 2012 trong Tuần lễ cá mập. Đây là chuỗi sự kiện kỉ niệm lần thứ 25 chương trình truyền hình nổi tiếng “Cuộc chiến với cá mập” của kênh này lên sóng. Và câu chuyện của anh vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới

L.Hương
.
.
.