Đóa hướng dương đã bay về phía mặt trời

Thứ Bảy, 05/05/2018, 15:12
Bị tàu hỏa cán nát đôi chân nhưng không chết - chị Nguyễn Hướng Dương đã được số phận mở ra một trang mới của cuộc đời - trở thành vị cứu tinh đem lại kiến thức cho rất nhiều người mù. Sau hơn 20 năm cống hiến cho cộng đồng, một tai nạn giao thông nghiệt ngã khác đã cướp mất chị ở tuổi 47.  Người thân và những người yêu quý, mang ơn chị hết sức bàng hoàng, xót xa..


Biến cố cuộc đời và hành trình giành lại sự sống của Hướng Dương

Tối 25-4, nhiều người, đặc biệt là giới xuất bản, các Phật tử cũng như nhiều tổ chức xã hội bàng hoàng khi hay tin chị Nguyễn Hướng Dương - Giám đốc Thư viện sách nói dành cho người mù (18B Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) đột ngột qua đời ở tuổi 47 do tai nạn giao thông. 

Nhiều người nói số phận thật nghiệt ngã với Hướng Dương khi hơn 20 năm trước, dù trải qua tai nạn tàu hỏa kinh hoàng nhưng dẫu sao vẫn trả chị về với cuộc đời. Vậy mà 20 năm sau, một sự va chạm nhỏ đã đột ngột mang chị rời xa vòng tay những người thân thiết, yêu quý chị. 

Hình ảnh Nguyễn Hướng Dương trong 1 talkshow - 6 tháng trước khi mất.

Nhìn lại hành trình của Hướng Dương, nhiều người cho rằng, chị giống như một người phụ nữ được số phận lựa chọn để trao sứ mệnh đặc biệt. Và khi hoàn thành nhiệm vụ, chị được đấng tối cao gọi về.

“Năm 1996, tôi tròn 25 tuổi, cái tuổi đang độ mùa xuân của đời thiếu nữ, tôi gặp một tai nạn giao thông khủng khiếp làm đứt lìa và mất hẳn hai chân” - Trong tự truyện “Đứng dậy và bước đi”, Hướng Dương đã bắt đầu câu chuyện về biến cố cuộc đời mình như vậy. Tiếp đó là những chuỗi ngày đau đớn, hoảng loạn khủng khiếp cả về tinh thần lẫn thể xác khi nằm viện điều trị. 

Hướng Dương viết trong tự truyện rằng mình được đưa vào viện cùng với hai bên chân bị đứt lìa. Mong muốn nối lại được đôi chân cho chị, bác sĩ đã tiến hành nhiều ca phẫu thuật cấy ghép đầy đau đớn trong khi đầu chị cũng bị thương và một bên cánh tay bị dập nát. 

Cô gái 25 tuổi trước đó còn hồn nhiên, vô tư, vừa tốt nghiệp đại học, đang là hướng dẫn viên du lịch - đã phải chứng kiến cảnh bác sĩ thả đỉa lên vết thương của mình để hút máu. Chứng kiến “đống da thịt bầy nhầy dập nát” bị di chuyển liên tục từ băng ca xe cứu thương qua hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, chứng kiến những hoàn cảnh khác bi đát hơn cả mình ở những giường bệnh xung quanh… 

Cho đến khi bác sĩ quyết định tháo vết nối, chính thức bỏ đi hai chân, Hướng Dương lần đầu nhận ra hạnh phúc của sự “từ bỏ”. Chị nhận ra việc cố khâu nối hai bên chân đứt lìa chỉ làm mình thêm đau đớn, khủng hoảng và có khi còn trở nên dị hợm, méo mó và biến chứng sau này. Những đau đớn thể xác và sự khủng hoảng tinh thần khiến Hướng Dương rơi vào trầm cảm nặng nề. 

Sách “Đứng dậy và bước đi” của Nguyễn Hướng Dương.

Từ một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh, bỗng chốc thấy cơ thể mình tàn phế, Hướng Dương hoang mang không biết tương lai mình sẽ ra sao. Chị liên tục đòi chết trong tuyệt vọng. Ngay cả khi sức khỏe đã tạm ổn, được xuất viện trở về nhà, lần đầu tiên lén soi gương, cô gái 25 tuổi thêm một lần tuyệt vọng vì không thể tin người có khuôn mặt méo mó, biến dạng trong gương lại là mình. 

Rồi những chuỗi ngày tập vật lý trị liệu, nhận ra ánh mắt không còn như xưa của người yêu mỗi lần anh đến thăm, những tháng ngày đau đớn khi tập đi với đôi chân giả… đều là khoảng thời gian Hướng Dương mất phương hướng, liên tục đòi chết để được giải thoát.

Nhưng rồi chứng kiến sự lạc quan, nghị lực của những bệnh nhân còn bi đát hơn mình, chứng kiến sự cần mẫn, tình yêu thương của ba mẹ và nỗi lo sợ ba mẹ bị bỏ lại một mình, Hướng Dương đã gắng gượng để sống. Chị đọc nhiều sách Phật pháp và những quyển sách nói về triết lý sống trong suốt thời gian chờ hồi phục. 

Nguồn tri thức này cùng với sự trải nghiệm chính nỗi đau vượt qua cửa tử của bản thân đã khiến Hướng Dương bẻ lái suy nghĩ. Chị tự nhủ phải biết chấp nhận hoàn cảnh, biến họa thành phúc và từ đó, cùng với sự hỗ trợ của mẹ - chị viết lên trang mới của cuộc đời mình.

Cách đây hơn 20 năm, giáo viên và học sinh trường mù Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều cơ quan, ban, hội… ở TP Hồ Chí Minh được chứng kiến một người phụ nữ trung tuổi, nhỏ bé, gầy gò ngày ngày chở cô con gái  bị cụt hai chân trên chiếc Charly cũ kỹ. Ngày mưa cũng như ngày nắng, họ đều đặn đồng hành như vậy để xin địa điểm, trang thiết bị để thành lập nên một thư viện sách nói dành riêng cho người mù. Đó chính là ý tưởng của Nguyễn Hướng Dương khi đã phục hồi sau tai nạn cùng với sự giúp đỡ của người mẹ. 

Mẹ chị Hướng Dương trong đám tang con gái.

Từ chỗ được mẹ đưa đến trường mù Nguyễn Đình Chiểu giao lưu - đọc sách cho các em nhỏ, chị đã nảy ra ý định sáng lập riêng một thư viện sách nói cho người mù. Được gia đình động viên, hỗ trợ, đồng hành, bằng đôi chân không lành lặn, Hướng Dương đã làm được điều mà không ai có thể ngờ rằng một người vừa từ cõi chết trở về như chị có thể làm được.

Trải qua hành trình nhiều năm gian nan, vất vả, chạy đôn đáo khắp nơi để xin tài trợ, xin tình nguyện viên, cuối cùng ước mơ của Hướng Dương cũng thành hiện thực. Nguồn tri thức chị mang đến cho người khiếm thị giúp họ thay đổi cuộc đời, có thể thi đại học, đi làm, tự lo cho bản thân và thành người có ích cho xã hội. Học sinh mù học lên đại học ngày càng nhiều, tài liệu chồng chất gửi đến chị Hướng Dương, và chỉ vài ngày sau đó thôi là sách in đã thành sách nói.  

“Thư viện thành lập được 20 năm rồi, mỗi năm có hàng chục tình nguyện viên cùng em hòa giọng vào trang sách, hàng trăm sinh viên mù nhận học bổng Hướng Dương và máy vi tính, hàng ngàn học sinh mù nhận học bổng Ánh Sen, hàng triệu người mù khắp cả nước nhận được sách nói hàng tháng… mà em thấy như vậy vẫn còn quá ít. 

Em khởi động chương trình chiếu phim cho người mù, cuộc thi cờ vua cho người mù. Em thắp sáng niềm tin để đưa trẻ mù đi biển hằng năm, em sưởi ấm niềm tin với chương trình khám bệnh cho người mù hằng năm. Em đứng dậy và bước đi để làm điểm tựa cho người mù vượt qua bóng tối” – Đây là lời bà Hà Thanh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu phát biểu trong đám tang Hướng Dương ngày 26/4 vừa qua. Những lời nói xúc động đó đã phần nào khái quát thành quả mà chị Hướng Dương đã cống hiến trong cuộc đời ngắn ngủi của chị.

Nỗi lòng người ở lại

Giống như một định mệnh đã được số phận lập trình sẵn - người phụ nữ được chọn - Nguyễn Hướng Dương được thiên đường gọi tên chỉ sau gần hai năm hoàn thành tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời mình. Đầu năm 2016, Thư viện sách nói dành cho người mù của chị - từ chỗ là một căn nhà cũ lụp xụp, ẩm mốc, chật chội… nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, nhiều tổ chức và cá nhân - đã trở thành một trung tâm văn hóa khang trang với những thiết bị hiện đại - phục vụ tối đa nhu cầu tiếp thu tri thức của người mù.

Trước đó - năm 2014, chị cũng xuất bản cuốn sách “Đứng dậy và bước đi” - kể lại toàn bộ biến cố cuộc đời mình từ một tiểu thư kiêu sa, đài các trở thành người đem lại ánh sáng cho hàng vạn người khiếm thị. Cuốn sách đã lay động mạnh tâm can nhiều độc giả. Một số đang bên bờ tuyệt vọng, sau khi đọc sách của chị, đã bỏ suy nghĩ muốn chết, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Có lẽ với riêng Hướng Dương và những người yêu quý chị, những gì chị làm được cho đời, cho riêng bản thân mình… cũng đã vẹn toàn. Khát vọng mà chị nhóm lửa - Kho Thư viện sách nói và các quỹ học bổng dành cho người mù - giờ đây có nhiều người giúp chị giữ và truyền lửa. Cái tên - cuộc đời chị sẽ còn được nhắc mãi về sau với sự tôn kính, ngưỡng mộ, có lẽ chị ra đi thanh thản rồi.

Nhưng trong đám tang chị Hướng Dương, nhìn sự đau khổ kìm nén trên gương mặt hai người thân yêu là ba và mẹ chị, những người tiễn đưa hiểu rằng cái chết đột ngột của chị đã để lại trong họ nỗi đau quá lớn. Ở tuổi xấp xỉ 70, một lần nữa họ nhận hung tin người con gái duy nhất bị tai nạn - lần này là tai nạn nhỏ thôi - nhưng ông bà không còn có bất cứ cơ hội khó nhọc nào để cùng chị chiến đấu giành giật sự sống như cách đây hơn 20 năm.

Khi còn sống, Hướng Dương từng tâm sự, gặp tai nạn ở tuổi 25, tỉnh dậy trong bệnh viện, nhìn hai chân loang lổ máu và ruồi bâu, chị chỉ muốn chết. Để tránh cho chị việc nghĩ quẩn, ba mẹ Hướng Dương thường nói với con gái rằng: “Nếu con còn sống, dù con có thế nào thì ba mẹ vẫn có con bên cạnh, được nhìn thấy con hàng ngày. Nhưng nếu con chết, những lúc ba mẹ buồn, muốn tâm sự với con thì chỉ nhìn thấy bên cạnh mình là một nấm mồ lạnh lẽo”. 

Người khiếm thị Sài Gòn vĩnh biệt chị Hướng Dương.

Chính câu nói ấy của người cha đã níu chị lại bên bờ vực sự sống. Sự chăm sóc và ủng hộ hết lòng của mẹ đã giúp Hướng Dương chiến thắng thần chết ở tuổi 25, lành lặn trở lại để rồi tự tay viết lên điều kỳ diệu cho biết bao số phận bất hạnh. 

Nhưng lần này, ở tuổi 47, chị Hướng Dương đã không chiến thắng được số phận. Khoảng trống chị để lại trong ngôi nhà - trong lòng họ có lẽ mênh mông lắm. Sau hơn 20 năm, bố mẹ Hướng Dương một lần nữa phải tự động viên mình vượt qua biến cố đột ngột này. Bởi ngày nào họ cũng canh cánh khi mình già, chết đi, cuộc đời con gái sẽ ra sao. Không ngờ lá vàng vẫn còn ở trên cây, lá xanh đã sớm rụng về cội.

Hướng Dương vẫn luôn biết ơn cha mẹ đã chọn một loài hoa để đặt tên cho chị ngay khi vừa chào đời. Hy vọng, chị sẽ yên vui ở  cõi khác, nơi có ánh  mặt trời ngày ngày tỏa sáng dịu dàng xuống nhân gian này. Và ba mẹ chị, qua thời gian hụt hẫng, hẳn cũng sẽ ấm lòng khi biết con gái mình đã sống một cuộc đời thật đẹp, thật trọn vẹn!

Châu Mỹ
.
.
.