Đôi vợ chồng lấy bằng thạc sỹ từ trong bóng tối

Thứ Ba, 03/01/2017, 16:47
Cơ duyên gặp nhau tại Trung tâm đào tạo - Phục hồi chức năng cho người khiếm thị, cả hai người đều là những cử nhân đại học và đều có khát vọng được học nhiều hơn nữa. Có lẽ vì vậy mà họ trở nên tâm đầu ý hợp và sau 10 năm yêu nhau, cả hai đã đi cùng nhau xây dựng tổ ấm, cùng nhau học hành. Đó là câu chuyện về cuộc đời của hai thạc sỹ đều bị khiếm thị từ nhỏ, anh Phạm Xuân Trường và chị Đinh Việt Anh...


Bán máu để đi học

Gặp anh Trường vào một ngày cuối năm, có lẽ sẽ khó có thể nhận ra được anh là một người khiếm thị bởi sự đĩnh đạc và nhanh nhẹn trong từng hành động như pha trà, rót nước.

Và càng khó có thể biết được rằng, để có được ngày hôm nay, anh Trường cùng các anh em trong gia đình đã phải trải qua những ngày cực kì khốn khó để có thể tới trường. Anh nói: "Điều may mắn nhất của cuộc đời tôi, đó là được đi học".

Anh Trường và chiếc máy gõ chữ nổi.

Theo như lời kể của anh Trường, năm 1965, ông Phạm Xuân Sang là bố của anh lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường đường 9 Nam Lào. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, chính ông Sang cũng không biết được rằng mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Chiến tranh kết thúc, ông Sang trở về quê nhà và kết hôn với bà Nguyễn Thị Lợi.

Hai ông bà sinh được 5 người con thì 2 người con trai đầu là anh Trường, anh Phạm Văn Sơn và một người con gái là Phạm Thị Hồng đều bị mù từ nhỏ, ngoài ra mọi thứ hoàn toàn bình thường. Trường bị phát hiện thoái hóa sắc tố võng mạc năm lên 3 tuổi. Ngày ấy, Trường dắt bà nội đi chơi, nhưng lại toàn dắt ra… bờ ao, bụi cây. Nghi ngờ nên bố mẹ đưa đi khám.

Bác sĩ kết luận một mắt Trường mù hoàn toàn, một mắt thị lực chỉ còn 1/10, nếu không đi học thì may mắn có thể giữ lại phần thị lực này. Những cái tên được đặt theo một thời hào hùng trái tim hồng xẻ dọc Trường Sơn của ông Sang không ngờ là tình yêu cũng là nỗi đau tột cùng của hai ông bà.

Những ngày ấy, khi các cơ chế chính sách cho cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam còn chưa tốt được như bây giờ, để mưu sinh nuôi 5 đứa con, lại có ba đứa bị mù, hai ông bà chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán.

Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, ông Sang lại liên tục đau ốm nên mọi gánh nặng như tăng lên gấp nhiều lần. Nhưng thương các con, hai ông bà nhất định phải cho con đi học bằng mọi giá. Thương bố mẹ, từ ngày còn bé, cả ba anh em đã biết bảo nhau phải học thật giỏi để sau này kiếm ra tiền đỡ đần gia đình.

Cho đến khi học đại học, trăm thứ tiền phải chi trả nên cuộc sống khó khăn lại chồng chất khó khăn. Để có tiền trang trải học phí, ba anh em không có cách gì kiếm tiền, lại không muốn bố mẹ phải bán hết đồ đạc trong nhà đi nên nảy sinh suy nghĩ đi... bán máu.

Mặc dù không bàn bạc với nhau nhưng trong một ngày cả ba đều đi bán máu ở viện. "Mình may mắn hơn hai em là ngày bé còn nhìn thấy một chút, nhưng rồi cứ lớn lên mắt lại mờ đi rồi cho đến khi mù hẳn. Hôm đi bán máu, lúc mới đến loáng thoáng thấy bóng dáng quen thuộc của Sơn đi từ trong viện ra. Sau này khi nói chuyện mới biết Hồng cũng đi bán máu ở bệnh viện Hà Tây...", anh Trường nghẹn ngào kể lại.

Nhờ sự hiếu học ấy, anh Trường thi đỗ vào khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây rồi nhập học mà không ai biết anh bị mù. Sau một tháng, thầy hiệu trưởng của trường gọi anh lên để trao đổi.

Thầy cho biết nhà trường không đủ điều kiện để dạy cho người mù, mặc dù anh Trường đã một mực khẳng định mình có thể tự khắc phục được khó khăn để học tốt. Không được sự đồng ý, anh bỏ về nhà trong sự phẫn uất nhưng sau đó suy nghĩ đến tương lai, với ý chí vượt qua mọi khó khăn, anh đã quay lại trường để đấu tranh. Và cuối cùng, nỗ lực của anh được đền đáp, trường đã chấp nhận một học sinh mù đầu tiên.

Cũng giống như anh, các anh em khác đều tốt nghiệp các trường đại học. Đặc biệt là anh Sơn đang theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành "Trợ giúp giáo dục đặc biệt" tại Nhật Bản; chị Hồng thì đang làm việc tại Hội người mù Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

Chuyện tình 10 năm

Không giống như chồng, con đường học hành của chị Đinh Việt Anh lại thuận lợi hơn rất nhiều do gia cảnh nhà chị có phần kha giả hơn. Bị mù từ khi mới 3 tuổi nhưng bố mẹ đều là giáo viên nên việc học của chị được kèm cặp cẩn thận hơn.

Với tư chất thông minh và năng khiếu ngoại ngữ, khi đi học cùng các bạn bình thường chị Việt Anh còn tỏ ra vượt trội hơn. Liên tục nhiều năm chị được khen thưởng về thành tích học tập, chị còn là học sinh giỏi toàn miền Bắc.

Tấm ảnh cưới đầy hạnh phúc của hai vợ chồng.

Chị Việt Anh và anh Trường gặp nhau năm 2000 tại Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù. Không chỉ đồng cảm về hoàn cảnh, họ lại có chung chí hướng học hành, thấu hiểu lẫn nhau và tình yêu bắt đầu từ đó.

Hồi đó, chị còn ở Hà Tĩnh nhưng khoảng cách không làm tình cảm của họ nhạt nhòa, ngược lại tình yêu đó đã lớn lên theo thời gian khi cả hai cùng không ngừng học tập, mở rộng tri thức của mình. Bố mẹ hai bên thương con đều rất lo lắng, dù không ngăn cản nhưng họ đều thông qua các em để nhắc nhở về những khó khăn khi cả hai đều mù.

Thế nên, anh Trường đã gác lại chuyện tình yêu của mình để khẳng định mình có thể tự lo cho tương lai, cho gia đình của mình. Sau khi lo đám cưới cho 4 em hoàn tất thì vào năm 2009, anh Trường và chị Việt Anh mới làm đám cưới.

Anh Trường kể, cả hai anh chị đều ham học, ham làm nên tới tận ngày sinh nở, hai vợ chồng vẫn cố hoàn thành nốt công việc rồi mới đi tới bệnh viện.

Lúc đó, Trường chỉ kịp gọi cho cô em gái sáng mắt tới. Nhưng trong lúc xoay xở, Trường không biết vợ mình đang nằm ở khu vực nào để đợi sinh. Anh chỉ biết đứng ngoài chờ đợi trong lo âu.

Còn chị Việt Anh khi vào phòng đợi cũng chỉ biết xung quanh mình đầy tiếng kêu khóc của các bà bầu và lăn lộn cắn chặt răng cho đỡ đau mà thôi… Thế rồi, niềm vui vỡ òa khi anh được bồng bé Hà Anh đầu tiên khi bé cất tiếng khóc chào đời.

Chuyện cổ tích có thật

Bằng một giọng hồ hởi, anh Trường cho biết mới đây, chị Việt Anh mới sinh cháu thứ hai, một thành viên mới đã khiến niềm vui trước ngày Tết của gia đình nhân đôi.

Nhớ lại quãng thời gian vừa chăm con đầu lòng, vừa đi học, anh nói: "Tôi vẫn tự tay nuôi con mọn với đủ thứ cầu kì pha sữa, cho bé ăn dặm, ăn bột, ăn cháo mà không bao giờ bị sặc hay cho nhầm vào… mũi. Khi sinh bé đầu, tôi cũng nhờ người nhà giúp đỡ một chút vì khi đó hai vợ chồng đang học thạc sĩ. Còn khi có bé thứ hai thì không vướng bận gì nhiều nên hai vợ chồng cũng có thể tự làm được nhiều việc".

Theo đó, khi con gái đầu lòng mới được 1 tuổi, hai vợ chồng anh Trường với sự ham học của mình đã quyết định đăng ký và thi đỗ vào Học viện Hành chính Quốc gia, chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý công.

Hai anh chị cũng là những người khiếm thị Việt Nam đầu tiên học chương trình thạc sĩ ở Học viện này. Học viện cách nhà 6km, để tiết kiệm, anh chị chỉ nhờ một xe ôm đưa đi, đón về. Gần 3 năm, tối thứ sáu, ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, anh chị đều đặn tới lớp.

Và cũng không thể kể hết những lần anh chị bị "sứt đầu, mẻ trán" vì lên lớp vội vàng sau giờ tan tầm. Nhưng về sau, họ cũng được mọi người chú ý giúp đỡ nhiều hơn. Xe ôm được tạo điều kiện chạy thẳng tới tận cửa lớp. Bạn bè hay thầy cô thấy họ loay hoay đều dắt họ lên lớp… an toàn.

Để tiếp thu bài giảng, anh Trường và chị Việt Anh đã rèn luyện thuần thục kỹ năng viết tắt chữ nổi và sử dụng máy tính. Mười đầu ngón tay của cả hai vợ chồng đều lướt trên bàn phím máy tính rất nhanh và chính xác. Họ phân công nhau: Hôm nay vợ dùng máy tính ghi bài, thì chồng dùng tay ghi bằng chữ nổi; ngày mai thì ngược lại.

Lễ nhận bằng thạc sỹ của hai vợ chồng. 

Về nhà, nhờ phần mềm đọc màn hình, đọc lại bài trên máy tính và dùng tay sờ đọc lại bài bằng chữ nổi, anh chị đối chiếu và hoàn chỉnh bài học. Nhiều đêm, ru con ngủ xong, anh chị mang bài ra học, nghiên cứu, trao đổi đến 1-2 giờ sáng. Khi nhận đề tài viết luận văn tốt nghiệp thì mỗi người thu thập tài liệu, số liệu riêng, góp ý cho nhau và sửa chữa theo hướng dẫn của thầy cô qua Internet.

Luận văn của anh Trường là "Quản lý nhà nước về việc làm cho người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay", còn luận văn của chị Việt Anh là "Quản lý nhà nước về giáo dục cho người khiếm thị ở Việt Nam hiện nay". Cả hai luận văn đều được Hội đồng Khoa học của Học viện nhận xét tốt và đạt điểm gần tuyệt đối, có giá trị thực tiễn, có ý nghĩa nhân văn...

Hiện tại, anh Trường đang giữ chức vụ Phó Giám đốc của Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng của người mù, là Ủy viên BCH Hội Người mù Việt Nam.

Còn chị Việt Anh một người thành thạo tiếng Anh, Nhật, Pháp, hiện đang là Ủy viên BTV Hội Người mù Việt Nam, Trưởng ban Công tác phụ nữ và trẻ em T.Ư hội, Tổng Biên tập Tạp chí Đời Mới, thành viên Ban Công tác phụ nữ và trẻ em mù khu vực châu Á - Thái Bình Dương (WBUAP).

Chia sẻ về quãng đường sắp tới, anh Trường cho biết: "Do sinh cháu thứ hai nên Việt Anh vừa bị lỡ một học bổng của Australia. Nhưng sau khi cháu lớn một chút thì vợ chồng tôi sẽ tiếp tục học Tiến sỹ, lần này hai vợ chồng sẽ học khác lớp vì đề tài và mục tiêu khác nhau…".

Hy vọng rằng, với khát vọng mới, niềm vui mới, hai vợ chồng anh Trường sẽ tiếp tục viết câu chuyện cổ tích của mình dài hơn nữa. Từ đó tạo cảm hứng, động lực cho những người có hoàn cảnh giống họ có thể vươn lên từ trong khó khăn, từ trong bóng tối.

Lê Phong
.
.
.