Đức hạnh kỳ lạ của người đàn bà "hai chồng"

Thứ Tư, 08/02/2012, 10:25

Nhắc đến bà Nguyễn Thị Thịnh, ở thôn Yên Xá (Thanh Tuyền, Thanh Liêm, Hà Nam) bất cứ người dân nào cũng trầm trồ thán phục. Khi chỉ mới nghe chuyện về người phụ nữ có tấm lòng từ bi như bồ tát, một mình nhận nuôi 3 người con của dì ruột, 3 đứa cháu mồ côi cha mẹ… Và người đời biết đến bà nhiều hơn khi nghe về mối tình kỳ lạ, đầy cảm động giữa bà với hai người đàn ông cùng chung sống hàng chục năm.

Hơn 10 năm sống chung với "hai chồng"

Một ngôi nhà cấp 4, nằm lấp ló dưới rặng cây ven con đê sông Đáy lúc nào cũng râm ran tiếng trẻ nhỏ khóc, cười. Nếu không phải người trong làng, trong xã thì hiếm có ai biết được dưới mái nhà đó, đã từng một thời là tổ ấm hạnh phúc của một người phụ nữ và hai người đàn ông.

Chủ nhân của ngôi nhà này là bà Nguyễn Thị Thịnh, với thân hình đầy đặn, nay đã ngoài 60 tuổi nhưng bà rất nhanh nhẹn. Bồng trên tay đứa cháu nhỏ, bà Thịnh chào đón, mời khách vào nhà rất niềm nở. Cuộc trò chuyện với bà Thịnh bắt đầu được chưa lâu thì sắc mặt bà bỗng nhiên thay đổi, khi được biết chúng tôi là nhà báo. Bà tỏ ra không mấy thiện cảm rồi gân cổ xa xả liền một mạch về câu chuyện 4 năm về trước. Vào năm 2007, có một nhà báo viết về bà, bài đăng trên một tờ báo có tiếng hồi đó nhưng thông tin báo nêu không chính xác với thực tế.

Hiểu được tâm trạng của bà lúc này, chúng tôi bình tĩnh và giải thích rõ ngọn ngành mục đích đến đây hôm nay của mình. Đồng thời muốn bà tâm sự về sự thật mà hầu hết những độc giả đã được đọc bài báo trước đó. Cũng như những người trung tuổi trong thôn chúng tôi gặp và hỏi đường đến nhà bà Thịnh, thì họ chỉ tay vào nhà bà mà nói rằng: Đó là nhà của bà Thịnh "hai chồng" hay bà "Thịnh béo"...

Như đã từ lâu lắm không gặp được ai để bày tỏ rõ sự việc bà từng nhiều năm sống chung với hai người đàn ông, bà Thịnh dịu giọng và chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện đầy uẩn khúc và cảm động do bà và hai người đàn ông dựng nên.

Bà Thịnh kể: "Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng chiêm trũng Hà Nam Ninh cũ. Tuổi thơ cũng như bao cô gái thôn quê khác. Công việc thường ngày của tôi là đi học, chăn trâu cắt cỏ và phụ giúp các công việc nhỏ trong gia đình. Khi trở thành thiếu nữ, đã biết yêu, một tình yêu ngây thơ và trong sáng. Người đem tình yêu trong sáng và đẹp đẽ đó đến với tôi là ông Lê Văn Khảm, quê ở Xuân Trường (Nam Định). Ông Khảm là người đàn ông đã qua một đời vợ, hơn tôi 10 tuổi, làm nghề lái tàu thủy chở cát và vật liệu xây dựng của Hợp tác xã Bắc Hà thường xuyên đi qua dòng sông Đáy cạnh nhà".

Tuy không nhớ rõ chính xác là năm bao nhiêu nhưng bà Thịnh ước chừng khoảng năm 1980, bà và ông Khảm làm lễ thành hôn. Do phải thường xuyên đi xa nhà nên hai người đã bàn nhau xin một miếng đất bãi tại thôn Yên Xá (Thanh Tuyền, Thanh Liêm, Hà Nam) làm nhà ở.

Họ dựng lên một căn nhà tạm bợ để ở và sinh hoạt gia đình. Năm 1982, Thịnh đã sinh một cậu con trai kháu khỉnh, thông minh và đặt tên là Lê Văn Minh, chưa đầy hai năm sau bà lại sinh tiếp một bé gái nữa.

Niềm vui chưa dứt thì nỗi buồn ập đến. Vào năm 1985, cả khu vực Hà Nam mất mùa đã làm cho cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng rất nhiều gia đình, trong đó có gia đình nhà bà Thịnh. Nhận thấy cuộc sống ngày càng đi vào ngõ cụt, muốn tìm một công việc gì đó kiếm tiền cho vợ con đỡ khổ, thế là chồng bà đã bươn trải ngược xuôi, ai thuê gì làm nấy, miễn sao kiếm được đồng bạc về nuôi vợ, nuôi con. Có lần ông đi tận hơn 2 năm mới về.

Xa chồng, lại một mình nuôi hai con nhỏ, bà Thịnh quanh năm chỉ gắn mình với công việc đồng áng. Thấy cuộc sống ngày càng khó khăn nên bà đã quyết định tìm một nghề gì đó để làm kiếm tiền nuôi con. Thế rồi bà cũng bươn trải nhiều nơi, cho đến khi bà được một người đàn ông tên là Nhất, thợ sửa chữa tàu quê ở Chợ Sông (Bình Lục, Hà Nam) nhận vào làm công nhân quét sơn, cạo gỉ tàu, và đó cũng là công việc hiện nay bà đang làm.

Hồi đó, ông Nhất là thợ sửa chữa tàu, thường xuyên đi lại với gia đình bà, hai người trở nên thân thiết với nhau hơn, có lẽ câu "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" hoàn toàn đúng với câu chuyện đã xảy ra giữa bà Thịnh và ông Nhất. Họ quý nhau, thế là bà Thịnh dành một mảnh đất cho ông Nhất dựng căn nhà nhỏ để lấy chỗ nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi. Từ đó, cứ nhà bà Thịnh có công việc gì là ông Nhất lại đến giúp đỡ. Dần dần ông Nhất thường xuyên lui tới hơn, họ chăm sóc nhau mỗi khi ốm đau, bệnh tật.

Kể đến đây, bà Thịnh quả quyết với chúng tôi rằng, thực chất hồi đó ông Nhất ở một ngôi nhà khác, cạnh nhà bà bây giờ, chỉ ăn cơm cùng chứ không hẳn là sống chung như vợ chồng. Mối quan hệ giữa bà và ông Nhất cứ trôi dần theo năm tháng, chính vì thấy hai người thường xuyên qua lại với nhau, ông Nhất lại coi hai đứa con bà như con ruột của mình nên nhiều người trong thôn đã lầm tưởng ông Nhất chính là người chồng thứ 2 của bà.

Câu chuyện càng trở nên "nóng" hơn khi sau 2 năm không một tin tức, ông Khảm bỗng dưng trở về. Thấy các con mình đã lớn hơn trước rất nhiều, và sự xuất hiện của một người đàn ông lạ trong gia đình mình. Thêm nữa ông Khảm được nghe bà Thịnh kể về sự quan tâm giúp đỡ của ông Nhất nên hai người đàn ông trở nên thân thiết và quý trọng nhau hơn. Vào mỗi bữa ông Khảm lại có thêm một người bạn, họ sống vui vẻ như một gia đình thực sự. Và cuộc sống cứ diễn ra như thế cho đến khi ông Nhất trở về quê cũ ở Chợ Sông và đã mất cách đây 2 năm sau khi lâm trọng bệnh.

"Người mẹ" bất đắc dĩ!

Giọng bà Thịnh cứ oang oang kể về cuộc đời mình cho chúng tôi nghe như chưa được kể với ai bao giờ. Cho đến khi ngoài cổng xuất hiện một ông lão mái tóc bạc phơ, dắt tay 2 cháu nhỏ. Bà Thịnh giới thiệu: "Ông ấy là chồng tôi, ông Khảm đó, nay đã ngoài 70 tuổi rồi. Còn mấy đứa nhỏ là cháu tôi". Nhưng không hiểu vì xấu hổ hay vì lý do gì mà ông Khảm chỉ bước vào nhà chào khách rồi lặng thinh ra cửa đi làm việc vặt như quét sân, rửa bát…

Quơ tay khoác lên vai hai đứa cháu kháu khỉnh, một trai, một gái bà Thịnh ngậm ngùi: Năm 2002, khi con gái tôi tròn 18 tuổi, nó lập gia đình với một thanh niên khác xã cùng huyện. Mặc dù cuộc sống chưa dư dả gì, song chúng sống rất hạnh phúc và quây quần bên nhau. Được vài tháng thì con gái tôi có bầu, cuộc sống khó khăn không biết bấu víu vào ai, chồng nó sang xin phép đi làm than tại Quảng Ninh. Hồi đó ở Quang Ninh có nhiều lời đồn về tình trạng nghiện ngập nên cả gia đình ai cũng lo lắng, nó lại là thanh niên nhưng chẳng ai dám ngăn cản.

Và người chồng mới cưới chưa lâu của con gái bà đi làm ăn xa, con gái mang bầu ở nhà một mình bà chăm sóc. Bà thầm nghĩ chịu khổ cũng được, miễn sao sau này con cái được ăn nên làm ra. Bà Thịnh nhớ lại ngày mà anh con rể yêu quý mang trong người căn bệnh AIDS về. "Khi hay tin con mình mắc căn bệnh nan y, giờ chỉ chờ chết thôi. Cả gia đình hoang mang vô cùng. Tôi đã chạy vay khắp nơi để có tiền thuốc thang cho con nhưng căn bệnh quái ác đó đã cướp đi sinh mạng của người con rể khi nó từ Quảng Ninh chở về chưa được một năm. Càng đau đớn hơn, sau đó không lâu cả gia đình lại hay tin con gái cũng bị lây từ chồng nó…".

Bà Thịnh rưng rưng nước mắt, bà trách con rể rồi trách mình không có gì để lại cho con nên chúng nó mới khổ, mới sa chân vào các tệ nạn xã hội. Nước mắt bà cứ tuôn ra, trong khi miệng luôn nói: "Khổ thân con gái tôi, nó buồn, nó bỏ con đi làm ăn xa. Có lẽ số nó là số khổ, năm 2006 nó lại cưới chồng, nghe đâu chồng nó cũng bị nhiễm căn bệnh này. Không biết chúng nó còn sống được bao lâu nữa?".

Đưa tay gạt nước mắt, bà Thịnh ôm đứa trẻ vào lòng và khoe rằng. Cháu nó học rất giỏi và hát cũng rất hay. Có lần anh bán hàng rong đi qua trên đê mở bài hát “Tình cha” của Ngọc Sơn thế là nó cứ đuổi theo và hát bài hát đó. Anh bán đĩa dạo thấy nó thích đã tặng luôn cho nó một đĩa. Từ đó cứ mỗi khi đi học về là nó lại mở đĩa ra nghe và hát theo. "Nghe nó hát mà tôi buồn rười rượi, nào có biết mặt bố đâu, khi được hơn 3 tháng bố mất, mẹ lại đi làm ăn xa, nhiều lần mẹ về thăm nó còn chào bằng chị, mẹ nó chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng vui vẻ với con. Nhưng bây gờ không biết mẹ nó sống, chết ra sao, đã lâu không có tin tức", bà Thịnh lo lắng.

Nghe bà Thịnh nói vậy chúng tôi gọi cháu vào hát cho chú nghe bài hát mà cháu thích và hay hát nhất. Không chút ngại ngùng, một tiếng hát trong trẻo nhưng đầy xúc động. Vẫn là bài hát quen thuộc "Tình cha". Nhưng có lẽ cháu đã hiểu được nối mất mát quá lớn về cuộc đời mình, gần chục năm qua thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nên cháu đã khóc, cháu khóc tức tưởi sau khi kết thúc bài hát và ôm chầm lấy bà. Em trai cháu thấy chị ôm bà khóc cũng òa lên. Thật khó kìm được lòng mình khi chứng kiến hoàn cảnh này.

Động viên hai cháu một hồi lâu, bà Thịnh kể tiếp: "Cách đây hơn chục năm, tôi có một người em dì lên công tác tại nông trường chè Mộc Châu (Sơn La) và lấy chồng trên đó. Năm 1998, ruột tôi như đứt ra thành từng khúc khi nghe tin cả hai vợ chồng đều mất sau một thời gian ốm nặng nhưng không rõ bệnh gì. Tôi bắt xe lên đó và lo xong đám tang. Nhìn 3 đứa trẻ mồ côi cha mẹ không biết bấu víu vào đâu nên đã đón về nuôi lớn khôn rồi xây dựng gia đình cho chúng, đến nay chúng đều ra ở riêng, thi thoảng lại kéo nhau hàng đoàn đến chơi vui lắm!".

Giờ đây tuổi đã cao, hằng ngày bà Thịnh vẫn xuống tàu làm thuê, những lúc không có việc bà ở nhà trông nom các cháu. "Mấy đứa cháu cứ quấn theo bà thôi, nhiều lúc bố mẹ đòi bế chúng còn khóc, cũng may chúng đều khỏe mạnh",  bà Thịnh cười, một nụ cười đầy mãn nguyện nhưng ẩn chứa trong đó là nỗi đau khôn xiết

Chiên Hoàng
.
.
.