"Đường trần" của bà Tố Nga

Chủ Nhật, 24/09/2017, 15:45
Có lẽ không ai như bà Tố Nga, bình thản khi biết mình bị ung thư. Bởi đó chính là bằng chứng thuyết phục nhất sau một hành trình dài đấu tranh không mệt mỏi đòi công lý cho nạn nhân da cam. Dù với bằng chứng đó, sự sống của bà còn rất mong manh.


Tôi gặp bà Tố Nga trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi bà ra Hà Nội, ra mắt cuốn sách "Đường trần". Ở tuổi 76, mang trong mình căn bệnh ung thư, nhưng người phụ nữ ấy vẫn đẹp một cách kiên cường, cái vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn yêu thương con người, từ trí tuệ mẫn tiệp của bà, từ một tinh thần sống mạnh mẽ, dám sống chết với lý tưởng mình đã chọn.

Trò chuyện với bà, tôi tự hỏi, không biết sức mạnh của bà Tố Nga lấy từ đâu. Bà cười, nụ cười hiền hậu: "Tôi muốn khẳng định rằng trong tất cả những cuộc chiến đấu và công việc đã qua, tôi luôn theo đuổi một mục tiêu: Hạnh phúc của những người khốn khổ hơn tôi, công lý cho nhân dân tôi, hoà bình, hữu nghị cho tất cả. Đó cũng là những gì ông bà cha mẹ để lại cho tôi". Giản dị vậy đó.

Bà Tố Nga ký tặng sách cho độc giả.

Bà nói, bà là gạch nối, kết nối những con người có thiện chí nhưng lại khác nhau nhiều mặt trong cuộc sống đầy biến động này. "Là người của Ban liên lạc, tôi là gạch nối giữa lực lượng kháng chiến và những người yêu nước trong thành phố Sài Gòn. Khi bị tù, tôi - cái gạch nối đã giữ trọn khí tiết, không khai báo, giữ an toàn cho những người cùng liên hệ. Làm việc 17 năm trong ngành Giáo dục, tôi là gạch nối giữa những thanh thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường với những giá trị truyền thống của đất nước".

Và lịch sử đã chọn bà Tố Nga làm gạch nối trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam.

Cuộc đời bà Tố Nga gắn liền với những giai đoạn cam go của lịch sử và bà, người con của đất miền Nam ấy đã không đứng ngoài cuộc chiến, rồi bị tù đày, tra tấn. Sau giải phóng, bà hăng hái bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước bằng tất cả niềm tin và lý tưởng sống của mình.

Những nơi bà đã đi, những số phận bà đã gặp và cả những đắng cay do "lý lịch" khiến trái tim nhân hậu của bà luôn hướng về những người yếu thế trong xã hội. Bà bắt đầu những việc làm thiện nguyện như hỗ trợ nuôi những đứa trẻ mồ côi. Từ năm 2005, bà đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Công việc đã cho bà cái nhìn cận cảnh vào những cuộc đời: "Tôi nhìn các em mà trào nước mắt. Có em có tay nhưng không có chân đang ngồi cưa gỗ. Có những em bàn tay, bàn chân dị tật quều quào vẫn kiên trì ngồi may thêu, làm các sản phẩm thủ công". Chưa hết, những câu chuyện bà Tố Nga kể lại trong cuốn sách của mình khiến chúng tôi, những người sinh ra trong hòa bình, đang hưởng cuộc sống bình yên, hiểu thế nào là đau đớn, là bất hạnh.

Đó là nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam. Đó là chuyến đi 10 ngày đến Thái Bình, chứng kiến tận mắt nỗi đau của nạn nhân da cam. Bà ám ảnh không ngủ được. Trong bà nung nấu ý nghĩ phải làm gì đó cho những con người bất hạnh ấy. Và liệu, những bất hạnh ấy đã dừng lại chưa, khi có những nỗi đau kéo dài đến thế hệ thứ 3, thứ 4?

Chính bà cũng bị phơi nhiễm dioxin da cam nhiều lần. Bà nhận ra có nhiều điểm giống nhau giữa những nạn nhân da cam với mình. Việt Hải, con gái bà bị chết vì dị tật tim bẩm sinh và bệnh của con gái đầu Việt Hồng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, khiến các bác sĩ đã nghĩ đến một căn bệnh có tính di truyền.

Và rất nhiều đồng đội bà cũng bị những căn bệnh tương tự. "Tôi may mắn hơn nhiều nạn nhân khác ở hai điểm, một là thảm họa da cam đối với tôi biểu hiện ít khốc liệt hơn, hai là về pháp lý, tôi có điều kiện tố cáo tội ác này trước công luận và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân- bà là công dân Pháp". Ở tuổi 70, bà quyết định dấn thân vào một cuộc đấu tranh khác. Năm 2009, Tòa án Lương tâm quốc tế vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mở tại Paris, bà xin được tham gia với tư cách là một nhân chứng.  Ở đó bà đã kể câu chuyện của mình: "Câu chuyện của tôi quá nhỏ bé, tầm thường so với câu chuyện của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đang sống trên khắp đất nước Việt Nam. Nếu như hôm nay tôi xin được làm nhân chứng tại Tòa án này, chính vì tôi muốn nói thay cho những người đã không còn nói được, không đến được nơi này...".

Bà Tố Nga.

 Chứng thư của bà lần đầu tiên trước Tòa án quốc tế đã có tác động mạnh mẽ trong những người tham dự phiên tòa và cũng chính từ phiên tòa này, bà đã gặp được những con người có trái tim nhân hậu, chủ động và tự nguyện sát cánh bên bà đấu tranh vì công bằng cho nạn nhân da cam.

Và trong hành trình dài gian nan đó, vụ kiện mang tên Trần Tố Nga đã thành việc chung của hành triệu con người, vì công bằng, công lý cho con người. Bà Tố Nga không đơn độc trong cuộc chiến này. Bởi bên cạnh bà có cộng đồng, bạn bè quốc tế và hàng triệu người dân Việt Nam cùng sát cánh, sẻ chia.

"Trong một tháng nay tôi chạy đua với thời gian. Tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường lạnh lùng nhắc nhở thời gian trôi qua, không biết đến một nỗi sợ khiến tôi quên trước quên sau. Tôi sợ không kịp làm những gì cần cho vụ kiện vì 4 triệu nạn nhân chất độc da cam. Họ là những đồng chí đã vào sinh ra tử với tôi trong chiến tranh, là thế hệ con, cháu của chúng tôi với tương lai mù mịt.

Còn một ngày nữa tôi lên bàn mổ, nhưng tôi vẫn hoàn toàn tin rằng chúng tôi sẽ chiến thắng, bởi sát cánh bên tôi có nhân dân tôi, có ngày càng nhiều các tổ chức cá nhân tại Paris, trong cả nước Pháp, ở châu Âu và cả trên đất Mỹ, mảnh đất khởi nguồn của thảm họa da cam trên đất nước Việt Nam yêu dấu của tôi". (Trích "Đường trần" của bà Tố Nga)


Bà đã đi đến nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhận được sự ủng hộ, tin cậy gửi gắm của rất nhiều người, nạn nhân và không phải nạn nhân, những đồng tiền góp vào quỹ vụ kiện, những tập thư màng hàng trăm ngàn chữ ký của nhân dân các địa phương, trong đó có hơn 40.000 chữ ký của nhân dân Sóc Trăng quê bà.

"Tôi muốn truyền lại ngọn lửa để nó không bao giờ tắt. Nếu như trước kia chúng tôi thắp ngọn lửa này, đem cả sinh mạng của mình đấu tranh giành lại độc lập của đất nước thì hôm nay thế hệ trẻ hãy nhận lấy ngọn lửa đó để làm cho nhân dân ấm no hơn, hạnh phúc hơn. Cuộc chiến da cam chỉ là đoạn cuối của đường trần thôi.

Tôi một mình đứng ra, vì nếu không là tôi thì sẽ không có ai cả, vì lịch sử vô tình trao cho tôi trách nhiệm, hội cho tôi đủ các điều kiện để có thể đứng ra kiện. Sau khi có vụ kiện đó rồi, sau lưng tôi là hàng triệu nhân dân Việt Nam ủng hộ, bạn bè năm châu ủng hộ.

Cuốn sách "Đường trần" định ra mắt năm 2018, nhưng tháng 3-2017 thì tôi biết mình bị ung thư, trong vòng 2 tháng trước khi lên bàn mổ, tôi đã gấp rút hoàn thành vì sợ sau khi mổ đầu óc không còn minh mẫn để viết. Cuốn sách này tôi vắt ra hết những gì có trong tim mình, trong tâm hồn mình" (Lời bà Tố Nga)


Rồi ở Pháp, Mỹ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức, Áo, ý... bà đều nhận được sự ủng hộ cả tinh thần và tiền bạc cho cuộc chiến cam go này. Dù chưa biết cuộc chiến đến bao giờ sẽ kết thúc nhưng bà sẽ đi hết con đường trần của mình cho cuộc đấu tranh đó.

Toàn bộ lợi nhuận của cuốn sách sẽ được NXB Trẻ gửi tặng Quỹ vụ kiện.

Giờ bà đang sống trong một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Paris. Ngôi nhà luôn mở rộng cửa với bạn bè Việt Nam khi sang Pháp. Cuộc sống của bà Tố Nga giản tiện, dưới mức nghèo ở Pháp. Nhưng những điều đó đối với người phụ nữ này không còn quan trọng. Bởi bà đã sống một cuộc đời với tinh thần sống mạnh mẽ, dấn thân vì lý tưởng, vì con người. Cái lý tưởng sống ấy, bây giờ, liệu chúng ta có còn tìm thấy nhiều trong đời sống?

 Ai sẽ đi tiếp hành trình của bà Tố Nga khi những nỗi đau da cam vẫn còn đó, hiển hiện từng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam?

Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 tại Sóc Trăng. Bà nguyên là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, bị nhiễm chất độc da cam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi về hưu, bà tham gia nhiều hoạt động từ thiện, giúp đỡ các trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, với những việc làm đó, bà được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh.

Tháng 5-2009, bà ra làm nhân chứng tại Tòa án Lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ đó bà đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ đã làm bà, con cháu cùng hàng triệu người Việt Nam bị nhiễm chất dioxin, bà coi đây là cống hiến cuối cùng của đời mình.
V. Hà
.
.
.