Gánh cuộc đời bằng một cánh tay

Thứ Năm, 08/01/2015, 14:00
Từ ngày về hưu, ông đã mai danh ẩn tích, tránh xa những thị phi quan trường. Nhưng dân tình vẫn kể rất nhiều về ông, vị Phó Bí thư Đảng ủy xã chỉ có… một tay vượt qua nghịch cảnh.

Vượt qua nghch cnh

Ông Trần Văn Cảnh - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước (huyện Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh) sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó. Năm lên 8 tuổi, sau một cơn sốt, ông nằm thoi thóp trên giường chờ chết, thì bỗng đâu có ông thầy thuốc dạo đi qua. Mẹ ông ra gọi vào xem bệnh tình cho con. Ông thầy thuốc sau khi "xem xét" kỹ lưỡng đã tiêm vào người Năm Cảnh một liều thuốc lạ.

Đến hẹn lại… tiêm, thầy lang tiêm đến ngày thứ ba thì thuốc "phát huy" tác dụng. Cơ thể Năm Cảnh bắt đầu co rúm, teo lại, cứng đơ. Mẹ ông hốt hoảng cho dừng tiêm. Những ngày sau đó, Năm Cảnh dần cử động được cơ thể nhưng cánh tay trái thì mãi mãi bất động. Nó cứ lúc la lúc lắc như cành cây treo trên vai. Từ đó, Năm Cảnh sống trên đời bằng một cánh tay.

11 tuổi, Năm Cảnh bắt đầu vào học lớp một, con đường đến trường của ông không bằng phẳng như những đứa trẻ cùng trang lứa. Thầy cô giáo lắc đầu nguầy nguậy, chê học trò thiếu tay, không nhận. Gõ cửa khắp nơi cuối cùng cũng có trường nhận. Các bạn học sinh lành lặn được cầm bút viết, còn cậu học trò một tay thì thầy giáo đưa cho chiếc bút chì để mỗi buổi lên lớp chỉ việc vạch mấy đường giun dế trong vở coi như thành công.

Ông trời lấy đi của Năm Cảnh đôi tay những lại phú cho ông cái đầu thông minh, lanh lẹ. Tay trái lúc đầu ngượng ngùng nhưng rồi cũng quen, cũng thành thạo vạch được chữ. Năm Cảnh học giỏi nhất lớp, trong mỗi kì thi, Năm Cảnh luôn dẫn đầu. Chiến tranh loạn lạc, trường lớp thường xuyên phải sơ tán nên sự học đối với Năm Cảnh cũng gặp nhiều trắc trở. Năm Cảnh tự ý thức được tật nguyền của mình nên ngày đêm vùi mình vào học. Cánh cổng Đại học Luật đã mở rộng chào đón chàng trai "tay trái". Ông trở thành sinh viên khuyết tật đầu tiên theo học Đại học Luật ở Sài Gòn.

Tất cả những việc một người bình thường làm, ông Cảnh đều làm được chỉ bằng cánh tay trái duy nhất.

Ông Phó Bí thư mt tay

Theo học được năm thứ ba, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Năm Cảnh phải dừng lại việc học, tạm gác hoài bão còn dang dở để trở về quê. Với vốn kiến thức tích góp được trong trường đại học, việc đầu tiên Năm Cảnh làm là mở lớp dạy xóa mù chữ cho dân làng. Lớp bình dân học vụ của ông luôn thu hút đông đảo bà con nhân dân. Già có, trẻ có đủ mọi lứa tuổi. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít còn không có thì học miễn phí, quan trọng là phải học thật tốt. Những năm đứng trên bục dạy, có một cô gái cùng quê đem lòng thương thầy giáo làng. Cô ấy được mệnh danh là hoa khôi của ấp.

 Ngồi kể lại hạnh phúc ngày xưa, ông Năm Cảnh vẫn tràn đầy xúc động: "Cứ nhớ lại chuyện ngày đó, tôi muốn khóc lắm. Đời tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy được vợ huống hồ lại là vợ đẹp nhất làng. Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi vì sao bà ấy lại yêu tôi, thương tôi và chấp nhận gắn cuộc đời mình với một người chỉ còn một tay. Có lẽ kiếp trước, bà ấy đã nợ tôi nên bây giờ phải trả". Đôi mắt ông đỏ hoe khi hồi ức lại hạnh phúc không tưởng của mình.

Lập gia đình trong vô vàn khó khăn, vất vả, ông phải gánh cả gia đình nhỏ trên cánh tay trái. Ngoài giờ dạy, ông làm đủ nghề chỉ mong sao có tiền lo cho 4 đứa con ăn học. Ông đi xe đạp một tay, bơi xuồng một tay và chăn đàn vịt hàng ngàn con cũng chỉ bằng một tay.

Cuộc sống ngày một đi lên, người dân chạy theo kinh tế nên lớp bình dân học vụ thưa dần, Năm Cảnh chuyển sang làm công tác văn hóa thông tin ở UBND xã Đa Phước. Ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Chủ tịch HĐND rồi Phó Bí thư Đảng ủy xã. Công việc của người lãnh đạo địa phương cứ cuốn ông đi, chỉ còn một năm nữa là hoàn thành chương trình đại học mà Năm Cảnh vẫn không thể trả nổi.

Mỗi ngày, phải vật lộn trên những đống giấy tờ, những tập hồ sơ rồi cả những phiền toái, kiện tụng của người dân đều tìm đến ông cầu cứu khiến ông quên đi những mệt mỏi, buồn phiền và cả sự tự ti mặc cảm của người khuyết tật. Ông tự hào rằng, ông là cán bộ xã duy nhất làm việc một tay ở Việt Nam. Sống kiên cường trên một cơ thể không lành lặn, vượt qua những mỉa mai của người đời, Năm Cảnh đã chứng minh rằng: "Tôi không bất lực, không vô nghĩa với xã hội. Người ta đi nghĩa vụ quân sự chỉ có hai năm còn tôi đi nghĩa vụ tới 25 năm. Tôi thấy như thế mới đủ để tôi trả nợ cuộc đời, trả ơn cha mẹ đã cho tôi được sống trên cõi đời này".

Ngọc Thiện
.
.
.