Gặp gỡ “thần đồng âm nhạc” chơi organ chỉ bằng ngón chân cái

Chủ Nhật, 11/05/2014, 10:02

Trần Văn Linh (SN 1994, ngụ ấp 4, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, Bình Phước) sống tại một vùng quê nghèo hẻo lánh. Ngay từ nhỏ, Linh đã mắc trọng bệnh co cơ, sống trong hoàn cảnh khó khăn nên chưa một lần đến trường dù chỉ một ngày. Giọng nói méo mó, gương mặt ngờ nghệch, nhưng không vì thế mà sự thông minh tinh tế, nhanh nhẹn và vượt khó của Linh mất đi. Cảm thụ âm nhạc bằng thính giác, bằng niềm đam mê đã giúp Linh chơi đàn organ thuần túy nhưng sâu lắng, cùng nỗ lực chính bản thân của người khuyết tật.

Số phận làm nên hoàn cảnh

Số mệnh khuyết tật đã đeo đẳng cái tên Trần Văn Linh từ khi mới 6 tháng tuổi, Linh mang trọng bệnh co cơ gần như toàn thân. Tuổi thơ của Linh lặng lẽ trôi qua với những lần được ba mang đi chữa trị khắp nơi nhưng chưa một lần gặp may mắn. Gia đình vốn đã nghèo, Linh lại phải đi khắp mọi nơi tìm người chữa trị nên người cha mang tên Trần Văn Lộc làm thuê được bao nhiêu tiền đều đổ dồn vào Linh. “Công việc đi cạo mủ cao su thuê của tôi cũng kha khá vào thời điểm đó cho cuộc sống sinh hoạt của một gia đình như ở vùng quê heo hút, nghèo khó này. Nhưng khổ tâm thay vợ chồng tôi lại sinh ra Linh, một đứa con khi sinh ra mới vài tháng tuổi đã có dấu hiệu bất bình thường và dần dần mất đi khả năng phát triển như mọi đứa trẻ bình thường khác. Số tiền ít ỏi mà tôi kiếm được đều phải chạy đôn chạy đáo mang Linh đi chữa trị nhưng không hiệu quả. Nhiều khi kinh phí quá nhiều nên tôi cũng phải lực bất tòng tâm chờ cơ hội tìm người giúp đỡ”, anh Lộc ngậm ngùi chia sẻ.

Đã vậy Linh còn lớn lên trong hoàn cảnh gia đình chia ly. Mẹ đẻ của Linh đã theo người đàn ông khác, bỏ lại người cha vốn nghèo khó trên mảnh đất khô cằn cùng với căn bệnh dị bản của Linh và người em trai khi Linh lên 10 tuổi. Chính vì Linh khi sinh ra đã mang phải dị tật và trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Linh không được đi học. Nói đến đây anh Lộc ngậm đắng nuốt cay mở lòng: “Tôi không thể ngờ được người vợ mà tôi hằng mến mộ và bấy lâu tôi gắn bó yêu thương lại bỏ lại tôi cùng người con bệnh tật và đứa nhỏ mới được vài tuổi trong lúc khó khăn nhất để đi theo người đàn ông khác. Chính vì lẽ đó mà Linh không có cơ hội đến trường, cũng bởi trong suy nghĩ không toàn vẹn của tôi Linh là người thiểu năng, rất khó khăn khi đi học. Một phần khác là sức của tôi không đủ cáng đáng thêm một người đi học nữa nên khi Linh lớn lên trong bệnh tật nhưng Linh lại có cái đầu rất thông minh. Tuy tật nguyền như vậy nhưng Linh cực kỳ nhanh nhẹn, sáng suốt, vui tính, lo cho cuộc sống của bản thân và kinh tế gia đình…”.

Ngôi nhà trên vùng đất đỏ khô cằn chưa đầy 50m2 được nhà nước cấp khi đi khai hoang vùng kinh tế mới tự nhiên lặng im không một tiếng động. Chúng tôi tìm tới nhà Linh lúc này trời cũng đã sẩm tối và cũng là giờ mà tiếng côn trùng cùng muông thú được thỏa sức thi đua tiếng vọng. Nhưng lạ thay những tiếng côn trùng cùng âm thanh của muôn thú nơi rừng sâu ấy như nghe được cuộc trải lòng của người cha vốn đã nghèo khó lại có người con khốn khổ đến vậy. Chúng tôi tìm tới nhà Linh nhưng Linh không có nhà, nghe anh Lộc chia sẻ và nắm bắt trước chút ít thông tin về Linh nên chúng tôi thật sự bất ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi: Linh là một người tàn tật như vậy thì đi đâu được cơ chứ? Linh đi chơi như thế nào mà không cần một người kề bên?...

Trần Văn Linh.

Anh Lộc thấy vậy liền hồ hởi kể cho chúng tôi về tính cách của Linh trong khi cho người nhà đi tìm Linh về: “Nó bị dị tật từ nhỏ… ấy vậy mà đầu óc nó không hề bị dị tật chút nào. Tôi cảm thấy vui khi Linh càng lớn càng biết suy nghĩ và gây cho chúng tôi nhiều điều bất ngờ. Tuy nó không được đi học nhưng khả năng cảm thụ âm nhạc và niềm say mê chơi organ của nó thì tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng ấy. Bởi, khi được nghe nó chơi, mọi phiền muộn và cực nhọc trong tôi đều tan biến.”. Linh từ nhỏ được anh Lộc mua cho cây đàn như một món đồ chơi nhưng không ngờ từ món trò chơi ấy mà Linh có thể chơi những bài thiếu nhi đúng lứa tuối của Linh theo nhịp điệu đơn thuần như bài: “Cháu yêu bà”, “Ba thương con”, “Cả nhà thương nhau”…

Ngón chân cái diệu kỳ

Dần dần Linh lớn lên và có những biểu hiện rõ rệt hơn… Anh Lộc phát hiện khả năng đặc biệt ấy của Linh trong một buổi đi ăn đám cưới gần nhà. Ngồi trong đám cưới Linh chỉ chăm chú nhìn vào ban nhạc. Dẫu chân tay không thể cử động bình thường nhưng Linh vẫn cố rướn người, ngọ nguậy chân tay lắc lư theo theo điệu nhạc. Ngày hôm đó tôi thấy nó say mê với âm nhạc quá và hỏi vui nó là: “Con muốn có một cây đàn bự như chú đang chơi kia không? Thằng bé gật đầu lia lịa...”, anh Lộc chia sẻ.

“Không ngờ từ câu nói đùa đó mà tôi thấy thằng bé phấn khích ghê người. Nhìn đứa con tội nghiệp tôi nghĩ nó sẽ không thể đánh đàn, nhưng vì thương con nên tôi bỏ ra một tháng tiền làm thuê đi tìm mua một cây đàn như đã hứa. Từ khi mua cây đàn về, lúc nào Linh cũng kè kè bên cây đàn, có đàn bên mình nó lê lết đôi chân tật nguyền đến ngồi lên ghế lấy hai ngón chân cái gõ lên từng phím đàn. Các bài hát như “Có Bác trong ngày đại thắng”, “Bốn phương trời”… được Linh chọn mỗi khi dạo phím đàn”. Anh Lộc tự hào tâm sự về đứa con tật nguyền của mình.

Nói đến đây thì cũng là lúc Linh về, và chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước chàng trai tật nguyền này. Với chiếc xe lăn hiếm gặp và rất đặc biệt chỉ dành riêng cho Linh cùng sự điều khiển điêu luyện chỉ bằng đôi chân, Linh phóng về nhà với tốc độ rất nhanh và điều khiển chiếc xe rất chuẩn xác. Linh hoàn toàn tự vận động, lê thân mình cùng đôi chân khó nhọc một cách thuần thục vào trong nhà. Có lẽ Linh đã biết chúng tôi là ai, vì, ngay từ khi chiếc xe lăn bánh về tới nhà, trên nét mặt tưởng chừng ngờ nghệch ấy chúng tôi đã thấy sự thanh thoát, phấn khởi.

Như không ai nói một lời nào, Linh tự sắp xếp phần trình diễn của mình mà không cần một ai giúp đỡ. Buổi biểu diễn cho chúng tôi xem khả năng chơi đàn của Linh, chúng tôi thấy toàn bộ những thứ kết hợp với đàn organ do Linh chơi là tivi, dàn đầu đĩa, âm ly của gia đình biến thành góc quen thuộc của riêng Linh. Dù không biết chữ, nhưng Linh muốn đệm theo nhạc của bài hát nào là Linh tự tìm được đĩa có chứa bài hát đó. Đặc biệt hơn cả, các nút chỉnh âm thanh lớn nhỏ đều được hai ngón chân cái của Linh xoay chuyển một cách linh động, gọn gàng.

Linh dùng hai ngón chân cái tự xoay xở một mình, nhìn Linh chúng tôi thấy Linh làm khó nhọc quá. Mọi việc với Linh tuy không nhanh bằng người bình thường nhưng thuần thục mở đầu đĩa, tự điều chỉnh âm thanh cho phù hợp với bài hát. Những giai điệu vui nhộn của bài hát “Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh”, “Xuân đã về”, “Bạc trắng tình đời”… liên tiếp vang lên những giai điệu du dương, trầm bổng. Hai ngón chân lướt chậm dãi nhưng thuần thục trên từng nốt nhạc. Mỗi khi tiếng đàn vang lên thì như bản năng không thể thiếu của Linh, đầu lắc lư, các ngón tay dị tật múa theo điệu nhạc như một chàng nghệ sĩ đang say nhạc. Chiếc quạt được bật hết số nhưng cũng không ngăn được sức mạnh của những giọt mồ hôi đang tuôn trào trên khuôn mặt luôn hiện rõ nét ngờ nghệch.

Tự kiếm tiền bằng cách đi bán vé số

Dù một chữ bẻ đôi không biết nhưng sức cảm thụ âm nhạc của Linh là rất tốt, Linh đều theo cảm nhạc rồi tự mày mò chơi. Bài nhanh nhất Linh chỉ mất một ngày là hoàn thành. Bài khó hơn Linh cũng chỉ luyện tập trong vòng 2 ngày là xong xuôi. Linh vướng vào căn bệnh co cơ đi lại bất tiện, nhưng không phải vì thế mà Linh sống ỉ lại. Nhận thức được sự vất vả của người cha, phần vì không muốn bản thân trở thành gánh nặng của gia đình, Linh đã mạnh dạn xin ba đi bán vé số kiếm tiền.

Hiểu được nỗi lòng của con và cũng là nỗi lo lắng của người cha như anh Lộc. Bởi, với Linh, đứa con trai tuổi thơ gặp nhiều bất hạnh của anh Lộc, ngồi trên xe lăn phải cần đến người đẩy, ăn cơm phải nhờ người đút, đi tắm cần đến cha, chân tay không thể cầm nổi vật gì làm sao anh Lộc dám cho đứa con ấy ra đường bán vé số mưu sinh. “Chưa kể, Linh đi bán vé sô,ë bà con láng giềng, anh em họ hàng họ sẽ mắng nhiếc đủ điều. Họ sẽ nghĩ rằng tôi lợi dụng lòng thương của mọi người để chuộc lợi. Tuy nhiên, khi tôi kể lại chuyện Linh nằng nặc đòi đi bán vé số nhiều người thân họ hàng và bà con láng giềng đều cho rằng tôi nên đồng ý cho Linh làm việc đó. Bởi Linh được đi lại thường xuyên sẽ rèn luyện được sức khỏe, lại tự kiếm ra tiền để lo cho bản thân. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ tôi ngộ ra lời khuyên của mọi người có lý. Vì bản thân tôi giờ đây còn sức có thể chăm sóc cho Linh, nhưng sau này tuổi già sức yếu ai sẽ thay tôi làm điều đó. Hãy để Linh tự lập và đối mặt với khó khăn trong cuộc sống”, anh Trần Văn Lộc bộc bạch.

Anh Trần Văn Lộc đã nghĩ thiết kế chiếc xe lăn tay thành một chiếc xe lăn điện với một số thiết bị hỗ trợ cho quá trình đi lại của Linh dễ dàng hơn. Cũng như cách thuần hóa các nốt nhạc, bản thân Linh tự nghĩ ra cách cầm tệp vé số bằng hai ngón chân cái. Giờ đây, trên các ngả đường ở địa bàn xã Minh Thành người ta thường thấy cậu bé dị tật đi bán vé số bằng sức mạnh của hai ngón chân cái. Tiêu chuẩn một ngày của Linh là bán hết 100 tờ vé số. Xuất phát từ 6 giờ sáng, nếu bán nhanh thì chỉ trong buổi sáng là bán hết nhưng nhiều ngày đến tối mịt mới bán hết. Tuy vất vả nhưng Linh cảm thấy vui hơn khi bán mà không hết

Mạnh Hưng
.
.
.