Gặp lại “chim cánh cụt” Hoa Xuân Tứ

Thứ Năm, 23/01/2020, 09:46
Hoa Xuân Tứ, trú tại xóm 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, người đã làm nên những kỳ tích đáng khâm phục.

Xúc động khi đọc bài báo của nhà văn Sơn Tùng viết về nghị lực của một cậu bé học trò nghèo vùng quê cụt cả hai cánh tay lên tận bả vai nhưng học khá, Bác Hồ liền gọi điện thoại cho Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An đề nghị đặc cách để cậu học trò có ý chí, nghị lực đó được ra Hà Nội dự "Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966". Đó là Hoa Xuân Tứ, trú tại xóm 4, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, người đã làm nên những kỳ tích đáng khâm phục.

1. Chúng tôi tìm đến nhà ông Hoa Xuân Tứ. Ngồi chưa kịp uống nước thì thấy ông đi làm về. Không thể tưởng tượng nổi trước mặt chúng tôi là một lão nông, thay vì 2 tay bị cụt tận bả vai, ông dùng cằm và cánh vai để kéo chiếc xe chất đầy bao tải lúa, kèm theo các cháu nhỏ ngồi trên xe. Nghị lực phi thường của ông khiến chúng tôi thực sự cảm phục.

Nhắc lại chuyện xưa, ông bộc bạch, ngày ấy quê ông chủ yếu trồng mía để ép mật. Năm lên 6 tuổi, ông theo anh trai ra đồng xem người lớn kéo che làm mật mía. Khi mọi người đi xuống đồng vác mía, cậu bé Tứ tò mò học theo người lớn cầm cây mía đẩy vào 2 trục đang quay thì một bàn tay bị cuốn vào máy ép theo cây mía. Hoảng loạn, Tứ đưa tay trái còn lại vịn vào trục đang xoay tít để kéo tay kia ra theo phản xạ tự nhiên thì cả 2 cánh tay bị cuốn vào trục.

Nghe tiếng gào khóc của Tứ, mọi người chạy lên thì chỉ cứu được Tứ ra khỏi 2 trục đang quay còn đôi tay thì bị nghiến nát lên tận bả vai. Sau vụ tai nạn ấy, tương lai cậu bé tưởng như khép lại, thế nhưng, nỗi đau về tinh thần, thể xác không làm Hoa Xuân Tứ gục ngã. Với nghị lực phi thường, thiết tha được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa, Tứ miệt mài tập. Hằng ngày, Tứ nhờ bố mẹ đặt vở xuống đất rồi cặp bút vào ngón chân tập viết bằng chân. 

Những ngày đầu thấy chữ ngoằn nghèo, cong như con rắn…một thời gian miệt mài tập viết thấy chữ đẹp hơn, được bố mẹ, anh chị động viên…Tứ càng chăm chỉ học viết. Nghị lực vượt khó của Hoa Xuân Tứ được thầy, cô giáo tạo điều kiện, nhận vào lớp. Điều khiến nhà trường và bạn bè trong lớp lấy làm nể phục là cậu học trò cụt 2 tay viết bằng chân. Nhưng Tứ tỏ ra rất thông minh, nhiều năm liên tục đạt học sinh tiên tiến, lao động nhiệt tình.

Đã 70 tuổi, vợ chồng Hoa Xuân Tứ vẫn lam lũ với công việc đồng áng.

2. Nghị lực vượt khó trong học tập của Hoa Xuân Tứ được nhà văn Sơn Tùng viết bài đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong năm 1966. Khi Bác Hồ đọc bài báo này, Bác rất xúc động, gọi điện thoại cho ông Chu Mạnh, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, đề nghị đặc cách để Hoa Xuân Tứ ra Hà Nội dự "Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1966".

Tại Hà Nội, Hoa Xuân Tứ vinh dự được gặp Bác Hồ và được đứng cạnh Bác để chụp hình lưu niệm. Bác hỏi thăm gia đình, thầy cô giáo rồi xoa đầu Tứ căn dặn, cháu phải cố gắng học để sau này có ích cho xã hội. Một điều quan trọng nữa, sau Đại hội, Bác Hồ giao cho Giáo sư Tôn Thất Tùng làm cho Hoa Xuân Tứ một đôi tay giả để Hoa Xuân Tứ có thể tự xúc cơm ăn hằng ngày. Giáo sư  Tùng cũng xúc động khi gặp cậu học trò xứ Nghệ có nghị lực trong học tập, ông đích thân đo độ dài tay rồi gửi lên HTX chuyên làm giả chân tay bằng da ở tận Bắc Ninh. Ba ngày sau, đích thân Giáo sư Tôn Thất Tùng buộc vào tay phải giả của Tứ một cái thìa để  tự xúc cơm ăn. Rất tiếc là năm 1978 cơn bão đổ bộ vào nghệ An, nước lũ dâng cao  đã cuốn trôi đôi tay giả.

Trở về quê, thay vì viết bằng chân như trước đây, Tứ biến cằm, vai luyện từng con chữ. 'Mỗi lần viết lại đặt chân lên bàn, mình thấy xấu hổ, mất lịch sự nên Tứ quyết tâm tập viết bằng cằm và vai. Tất nhiên, lúc đầu thì viết rất chậm, nhưng càng ngày càng quen dần, mình viết nhanh hơn" - ông Tứ kể. 

Thật cảm phục, theo đề nghị của chúng tôi, ông Tứ dùng cằm để tờ giấy ngay ngắn trước mặt, rồi dùng miệng đưa chiếc bút đặt vào bả vai, lấy cằm kẹp chặt để viết. Và mỗi  lần viết xong một con chữ, ông phải chuyển động cả đầu và vai theo ngòi bút. Không những thế, ông còn ký tên của mình như một người viết bằng tay bình thường. 

Cuối năm học cấp 2, do chiến tranh, Hoa Xuân Tứ là một trong những học sinh đặc biệt được lãnh đạo huyện Hưng Nguyên tạo điều kiện chuyển lên huyện miền núi Nghĩa Đàn tiếp tục theo học và được miễn tiền ăn học vì kinh tế khó khăn. Sau đó, Hoa Xuân Tứ trở về Trường cấp 3 huyện Hưng Nguyên học cho đến khi tốt nghiệp 10/10.

Ông Hoa Xuân Tứ chăm sóc người con tật nguyền.

3. Năm 1970, tròn 20 tuổi, Hoa Xuân Tứ bén duyên với Lê Thị Sự, một cô gái dân công hoả tuyến quê ở xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, hơn mình 7 tuổi. Để đi đến hôn nhân, lúc đó Lê Thị Sự phải vượt qua những cấm đoán của gia đình. 

Bà kể, trong thời gian phục vụ dân công hỏa tuyến, không may bà bị thương, phẫu thuật nhiều lần, bác sỹ nói nếu lấy chồng cũng không có khả năng sinh đẻ…Khi được mai mối với Hoa Xuân Tứ, mọi người phản đối kịch liệt. Ai cũng bảo người chồng là trụ cột gia đình mà không còn 2 tay, lấy về  sẽ khổ cả đời, hơn nữa bản thân mình lại không có con thì về sau tuổi già biết nương tựa vào ai?

Vượt qua mọi cấm đoán, Hoa Xuân Tứ và cô gái Lê Thị Sự quyết định tổ chức lễ đính hôn. Một niềm vui, hạnh phúc như vỡ òa đã đến với mọi người, chỉ sau hơn một năm cưới, Lê Thị Sự đã sinh hạ đứa con đầu. Cứ thế 4 người con của họ tiếp theo lần lượt cất tiếng khóc chào đời, đủ cả trai, gái. 

Nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, khi cô con gái thứ 3 tên là Hoa Thị Sen lên 5 tuổi thì tai bay vạ gió ập đến với vợ chồng họ. Trong lúc chơi đùa, Sen đã bị nhóm trẻ cùng trang lứa đùa nhau ném một viên đá trúng vào đầu, ảnh hưởng tới não. "Họa vô đơn chí", vợ chồng ông đã đưa con đi bệnh viện tỉnh cứu chữa, nhưng một thời gian sau, vết thương của Sen tái phát, bác sỹ cho chuyển ra bệnh viện tuyến Trung ương. 

Do kinh tế khó khăn, thuốc men không đầy đủ, cháu Sen bại liệt toàn thân giờ nằm một chỗ, chân tay ngày một teo tóp, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào người khác. Đã 36 năm nay ông lại gồng mình với đồng áng, lam lũ kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo ăn uống, thuốc thang cho cô con gái nằm co quắp liệt giường không biết nói. Rất may là Nhà nước trợ cấp cho ông mỗi tháng 180.000 đồng, con gái tật nguyền được 360.000 đồng nên cũng đỡ vất vả.

Cậu bé Hoa Xuân Tứ ngày ấy giờ đã là một lão nông xấp xỉ tuổi 70, đã "lên chức" ông nội, ông ngoại, da săn chắc nhưng khuôn mặt vẫn hằn lên nhiều vết nhăn ghi dấu ấn thời gian của một cuộc đời cơ cực vượt khó, lam lũ với đồng áng.  Mặc dù cụt 2 tay, tóc điểm bạc, nhưng ngày ngày trên cánh đồng ven bờ Sông Lam người dân vẫn thấy một lão nông ngày ngày chăn trâu thả bò…như một người lao động bình thường khác để trang trải cuộc sống, nuôi con gái tật nguyền.

Hữu Trọng
.
.
.