Kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước:

Gặp người anh hùng sau chiến tranh

Thứ Hai, 12/05/2014, 07:00

39 năm sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn mải miết lao động, trên cơ thể không lành lặn vì bom đạn chiến tranh. Tôi viết về ông, vì muốn làm một điều gì đó đầy đủ hình ảnh vị anh hùng áo vải ngày ấy bây giờ nơi đất thép thành đồng.

"Vua" mìn gạt

Thay vì gọi đầy đủ tên tuổi, thì ông bảo tôi cứ gọi Út Đực cho thân quen và gần gũi, đúng với phong cách của người con Nam bộ. Khói lửa chiến tranh dường như chưa bao giờ thôi ám ảnh anh hùng Tô Văn Đực, nên khi nhớ về quá khứ, đôi mắt ông lấp lánh niềm tự hào. Ông sinh năm 1942, là con út trong một gia đình 10 người con tại ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, (Củ Chi - Tp. Hồ Chí Minh) vùng lõi trong phong trào đánh Mỹ. Giữa sự khốc liệt của chiến tranh, Út Đực bỏ đồng ruộng, gác cuốc xung phong vào lực lượng du kích địa phương, bám đất bám làng.

Năm 1964 - 1965, Mỹ chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam theo kế hoạch chiến tranh cục bộ. Ngày 6/1/1966, quân Mỹ đổ bộ vào xã Nhuận Đức. Trước khi đổ bộ, chúng cho xe tăng càn quét, bắn súng, nã pháo xối xả nhằm dọn đường tiến công. Mỗi đợt đi càn, chúng huy động hàng chục xe tăng càn nát bất cứ vật gì cản đường. Trước tình hình vô cùng nguy nan, khó khăn trăm bề về vũ khí. Du kích của ta chỉ có súng thì không thể đối phó được với những trận càn quy mô lớn bằng vũ khí hiện đại. Út Đực cùng các chiến sĩ đi nhặt bom bi chưa nổ về nghiên cứu. Nhiều ngày nghiên cứu, kiểm tra thăm dò để chế ra loại mìn cán từ trái bom bi. Ông đưa ý tưởng của mình ra chi bộ và nhận được sự đồng ý của các anh em. Làm xong, ông mang ra hầm giật giây cho nổ thử. Một tiếng nổ ầm trời xới tung khoảng đất rộng lớn như một chiếc ao. Út Đực nhảy lên hò hét: "Thành công rồi".

Mấy anh em trong chòi nghe tiếng nổ chạy ra, thấy ông Út đang reo lên, họ ôm nhau vừa cười vừa khóc. Từ ngày có mìn cán, cả ấp, cả xã có phong trào đi tìm bom bi. Tìm được một trái bom bi coi như diệt được một chiếc xe tăng. Các chị, các cô đã quen sống lặng lẽ nay bỗng dưng háo hức đi nhặt bom. Nhớ lại ngày đó, mắt ông Út sáng rực lên: "Cấp trên chủ trương cho tôi mở những lớp dạy cấp tốc cho bà con cách làm mìn cán. Người người, nhà nhà thi nhau làm và thi nhau đánh giặc. Mìn trái không kén thuốc nổ, các loại thuốc nổ TNT của bom, pháo cũ dồn vào đều sử dụng tuốt, đều nổ tan xác xe tăng thằng Mỹ".

Anh hùng Tô Văn Đực ngày nay.

Bom bi chỉ cần lượm về, giữ nguyên hiện trạng mở cánh ra nhồi thuốc vào cùng với vài thao tác đơn giản nữa là ra trái mìn. Đơn giản như người ta đi cày ruộng nên ai cũng có thể làm được. Từ căn cứ Đồng Dù của Mỹ đóng quân chỉ cách 6km đường chim bay tới xã Nhuận Đức, nên ngày nào chúng cũng đi càn. Có ngày càn hai lần. Vì thế mà phong trào đánh xe tăng diễn ra rầm rộ khắp nơi. Người già, phụ nữ và trẻ em đều có thể đặt bom cho nổ xe tăng. Xưởng chế vũ khí của ông Út không làm đủ để đánh Mỹ nên người dân cũng tự xắn tay vào làm. Ngày nào không có xe tăng lên càn là ngày đó cả ấp, cả xã buồn rầu. Cứ đánh một chiếc xe tăng là nhận một danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ.

Mìn cán vẫn chưa thật sự khả dụng tối đa trong việc đánh xe tăng, ông Út lại căng đầu ra suy nghĩ chế tạo một loại mìn tối ưu hơn: Mìn gạt, loại mìn làm xe tăng đụng đâu nổ đó.

Mấu chốt là cái mỏ Két dính vào trái bom bi. Xe tăng chạy tới gạt ngang qua bất cứ đâu đều có thể nổ. Cần gạt làm bằng hai cái vỏ đạn lấy kíp xỏ vào hộp nổ. Đã có mìn cán rồi giờ qua mìn gạt chỉ thêm vài thao tác, nhưng cũng khiến ông Út trằn trọc nhiều đêm liền.

Loại mìn gạt này không khó so với mìn cán, chỉ khác là có cái cần gạt. Ở bất cứ đâu chỉ cần cài cây khô, hoặc bẻ cành tươi làm cần. Phong trào đánh xe tăng bằng mìn gạt nổi lên mạnh mẽ hơn phong trào mìn cán. Trước đây, xe tăng cán lên mới nổ còn bây giờ xe tăng chạy qua đụng vào chỗ nào của mìn đều nổ banh xác.

Phá bom nổ chậm

Sáng chế mìn gạt thành công, ông Út được bà con phong là "vua bom mìn", những đội xe tăng đi càn của Mỹ giờ sợ run râu, chúng quay sang kế hoạch hủy diệt khác. Năm 1966 trên ấp Bầu Trăn cách ấp Xóm Bưng chừng vài trăm mét, Mỹ thả bom hạng nặng có sức công phá mạnh chuẩn bị cho một trận đổ quân quy mô lớn. Chúng thả thấp quá, mở chốt an toàn không kịp nên bom lép rất nhiều. Mà đâu phải loại bom thường, toàn những trái khổng lồ có trọng lượng hàng vài tạ. 6 trái bom nằm ngổn ngang ngay nơi người dân ở. Bà con thấy vậy sợ rằng đó là bom nổ chậm nên kéo nhau bỏ nhà đi lánh nạn hết. Cả một vùng đồng hoang nhà trống không thấy bóng người. Thấy tình tình không ổn, lãnh đạo xã gọi ông Út lên giao nhiệm vụ di dời 6 trái bom để dân quay về.

Chế tạo vũ khí trong căn cứ.

Đây là cuộc chiến tranh nhân dân, bộ đội muốn đánh thắng giặc Mỹ thì phải dựa vào dân mới sống được, mới trụ được mà đánh. Trầm ngâm trong hơi thuốc, ông Út kể lại: "Ngay hôm sau, tôi và mấy anh em xách cuốc, xẻng, dao rựa lên đường đào bom. Mấy bà thấy bộ đội đến đào bom mừng quá, thi nhau chuẩn bị cơm nước, quà cáp cho các anh về làng rinh cái "của nợ" đó đi để bà con về nhà làm ăn, đánh giặc". Tổ đào bom, ngoài anh em do ông Út chỉ huy còn có các chị dân quân du kích nhiệt tình hỗ trợ ở trên kéo đất. Trái bom có trọng lượng 250kg một khi nổ có thể làm tiêu hủy cả một vùng rộng lớn. Xác bom như con cá voi khổng lồ nằm phơi mình hung dữ, không ai dám đụng vào.

Từ trước giờ, ông Út chỉ quen với việc đánh xe tăng bằng mìn, sáng chế mìn chỉ cần cái đầu, bộ óc logic sẽ thành công. Còn việc phá bom Mỹ, được chế tạo từ công nghệ cao, thiết bị hiện đại. Những cái này, ông Út và anh em du kích địa phương làm sao biết được. Nhưng vẫn phải liều, phải hy sinh để đổi lấy cục diện cuộc chiến. Nghĩ là làm, ông Út bảo toàn thể mọi người tránh ra thật xa. Khoảng cách an toàn tuyệt đối.

Một mình ông Út ở lại nghiên cứu bom. Các chị năn nỉ ông đừng xuống, các anh thì khuyên có gì anh em sống cùng sống mà chết cùng chết, không cho ông Út làm một mình. Ông Út cương quyết nói giọng đanh lại: "Một mình tui là đủ rồi, không cần thiết phải mất mát thêm sinh lực của cuộc chiến này nữa đâu. Nếu tui hy sinh các anh còn sống mà thay tui đánh thằng Mỹ chứ. Nếu tui còn sống, thì tất cả mấy trái bom này đều an toàn để cho bà con mình còn về nhà làm ăn".

Những giọt nước mắt lặng lẽ quay đi mà không ai dám cản ông Út chuẩn bị làm cái việc động trời ấy. Đâu đó có lời thủ thỉ: "Tội nghiệp, sao chết trẻ vậy".

Ông Út một mình xuống hố bom vừa đào vừa hốt đất lên. Ông quan sát thật kỹ, nhìn thật chi ly những bộ phận của trái bom. Ông mở đồng hồ xem ngòi nổ, bằng kinh nghiệm nhiều năm sáng chế vũ khí, ông yên tâm tin rằng, mình đang ở vùng an toàn. Ông Út phân tích: "Trái bom này không phải là bom nổ chậm, nó không nổ là do lỗi kỹ thuật thả của bọn phi công. Tôi mở ngòi nổ ra xem xét sau đó vặn các đầu nổ lại an toàn". Sau đó, ông gọi mọi người quay lại, các chị, các mẹ ôm mấy anh chiến sĩ khóc sướt mướt. Họ nâng ông Út lên reo hò như một anh hùng chiến thắng trở về. Theo sự hướng dẫn của ông Út, những trái bom mà dân cho là nổ chậm được mã hóa an toàn. Ông Út truyền lại kinh nghiệm cho mấy anh em để họ yên tâm đào tiếp mấy trái bom còn lại.

Cuộc phỏng vấn của nhà báo nước ngoài

Sau vụ đào bom, tiếng tăm của ông Út không chỉ dừng lại ở vùng đất Củ Chi. Khắp nơi trên chiến trường miền Nam, nhân dân không chỉ biết về mảnh đất thép bị bom giặc cày lên xới xuống mà còn biết từ trong vùng rốn của sự khốc liệt ấy nổi lên tên tuổi của người anh hùng trẻ tuổi Tô Văn Đực, với những chiến tích lẫy lừng về chế tạo vũ khí và đào bom nổ chậm. Góp phần không nhỏ vào cuộc chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Một nhà báo chiến trường của Úc tên Buset đang tác nghiệp tại Việt Nam tìm đến Tô Văn Đực phỏng vấn. Ông ta hỏi: "Khi chưa biết đó là bom gì, sự nguy hiểm đã được báo trước sao anh còn dám liều mình như vậy"? Ông Út Đực trả lời nhà báo: "Người lính ra chiến trường thì một viên đạn nhỏ xíu trúng anh cũng chết mà quả bom to lớn bao nhiêu nổ anh cũng chết. Giá trị của cái chết là như nhau. Đừng thấy nó lớn quá mà lo ngại. Có chết phải chết đàng hoàng". Nghe ông Út trả lời như vậy, nhà báo Buset mỉm cười, đưa ngón tay cái lên gật đầu lia lịa. Ông Út không được đọc bài báo của ông Buset  nhưng trong thâm tâm, ông tin rằng, mình đã đại diện cho nhân dân Nhuận Đức anh hùng để lại một sự thán phục tuyệt đối về tinh thần chiến đấu đến với bạn bè thế giới.

Ngày 17/9/1967, Tô Văn Đực được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau giải phóng, anh hùng Tô Văn Đực tiếp tục phục vụ trong quân đội, tiếp tục cống hiến nhiều phát minh mới cho lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Trở về đời thường, ông lại tìm về ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, chính mảnh đất năm xưa bom đạn cày xới. Ông trồng cây ăn trái phủ xanh những hố bom. Ông là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi nhất vùng. Vài năm trước, con trai phóng viên chiến trướng Úc Buset đã sang Việt Nam tìm anh hùng Tô Văn Đực, anh ta muốn tận mắt nhìn ngắm người anh hùng áo vải từng đi vào bài báo của cha năm xưa.

Sau giải phóng, anh hùng Tô Văn Đực tiếp tục phục vụ trong quân đội, ông được phân công làm phó Chủ nhiệm kỹ thuật Quân khu 7 cho đến năm 1992 về hưu.

Trở về đời thường, ông lại tìm về ấp Xóm Bưng, xã Nhuận Đức, chính mảnh đất năm xưa bom đạn cày xới. Ngôi nhà nhỏ nhắn của ông vẫn vô cùng khiêm tốn, nằm ẩn mình trong khu vườn có đủ loại cây xanh. Ông bắt tay vào khai phá trồng cây ăn trái từ một mảnh đất còn nguyên sơ sình lầy, cỏ dại, hố bom ngổn ngang phủ đầy rong rêu. Hết trồng cây ăn trái, có phong trào trồng tre, ông lại phá bỏ chuyển sang trồng tre. Sau hai năm, những vựa tre xanh tốt hiên ngang vươn lên chọc trời. Tre không có người mua, ông lại chuyển sang trồng cây ăn quả rồi lại chuyển sang trồng cao su. Ông tự nhận mình vốn là người nông dân áo vải, vì kẻ thù mà phải cầm súng đứng lên. Nay đất nước hòa bình, ông quay về với danh phận của mình.

Vài năm trước, con trai phóng viên chiến trướng Úc Buset đã sang Việt Nam tìm anh hùng Tô Văn Đực, anh ta muốn tận mắt nhìn ngắm người anh hùng áo vải từng đi vào bài báo của cha năm xưa. Tự nhiên ông thấy hạnh phúc, niềm tự hào bất chợt trỗi dậy khiến vị anh hùng như đẹp hơn giữa đời thường

Hoa Nguyên
.
.
.