Giấc mơ sau trang sách

Thứ Năm, 12/05/2016, 11:00
66 tuổi, ông vẫn miệt mài lao động, vẫn hăng say trên hành trình chinh phục tri thức. Trung bình mỗi tuần ông đọc hết một cuốn sách. Ông có thể kể rất nhiều tên sách hay, đầu sách quý, nhưng đã đọc hết bao nhiêu cuốn sách rồi thì ông không thể nhớ nổi. Cuối cùng ông khẳng định, sách chính là chìa khóa thành công của mỗi con người.


Một người  "nghiện" sách

Ông cho tôi thời gian đúng một tiếng đồng hồ để vừa hỏi vừa trả lời. Tôi đã rất nhàn hạ vì trong ngần ấy thời gian, chỉ hỏi vài câu còn lại ngồi nghe ông kể về những thứ mình "nghiện". Đầu tiên là sách. Đối với ông, sách luôn là một món ăn tinh thần vô giá mà nếu không có nó, có lẽ chẳng có một Nguyễn Hữu Lệ thành đạt, danh tiếng ngày nay.

Ông xuất thân từ vùng đất Phù Mỹ (Bình Định), nơi ấy nghèo lắm, cho đến bây giờ vẫn chưa giàu lên được. Bố mẹ ông nhờ cái cày cái cuốc, cái cối giã gạo mà nuôi anh chị em của ông khôn lớn. Nhưng chính ký ức tuổi thơ nghèo khó là hành trang quý báu giúp ông trân trọng những giá trị bản thân đạt được, từ đó hoàn thiện tư duy kinh doanh và trải nghiệm cuộc sống ở xứ người một cách tốt nhất. Càng nghèo thì con người ta càng khao khát, với Nguyễn Hữu Lệ, niềm khao khát ấy đôi khi chỉ là được đọc sách thỏa thê, được đắm chìm với sách mà không bị ai cản trở.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ bên bộ Cồng Chiêng.

Thời gian đi học ở TP Tuy Hòa (Phú Yên), Nguyễn Hữu Lệ thường mon men tới những hiệu sách và len lén ghé vào đọc lỏm. Không có tiền mua sách, Hữu Lệ rủ mấy cậu bạn con nhà giàu hùn tiền vào mua cuốn nọ cuốn kia có nội dung rất hay, sẽ giúp ích cho việc học. Mua được sách rồi thì chẳng ai đọc, thế là nó thuộc quyền sở hữu của "con mọt sách"  Nguyễn Hữu Lệ. Nổi tiếng ham đọc sách và nổi tiếng học giỏi ở mọi cấp học, xong phổ thông, Nguyễn Hữu Lệ thi đậu cao và xuất sắc giành được học bổng đi du học.

Sự kiện cậu học trò nghèo Nguyễn Hữu Lệ của vùng quê Bình Định "mang chuông đi đánh xứ người" đã làm nức lòng người thân và bạn bè ở mảnh đất miền Trung khô cằn nắng cháy. Nguyễn Hữu Lệ khẳng định, ông học giỏi là nhờ sách. Ông có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi, từ thói quen trở thành niềm đam mê bất tận lúc nào không biết.

Thành đạt ở xứ người, nhưng Nguyễn Hữu Lệ vẫn đau đáu với đất mẹ Việt Nam và năm 2001 ông quyết định trở về nước làm chủ tịch Công ty Tường Minh (TMA Solutions) chuyên về gia công phần mềm cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Ông đã góp phần đưa ngành công nghệ gia công phần mềm Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới.

Giữ chức vị cao nhất của một công ty lớn nhưng ông luôn xuất hiện với một dung mạo giản dị. Người ta đã không còn xa lạ gì với hình ảnh của một người đàn ông nhỏ nhắn với chiếc mũ nồi trên đầu, thoăn thoắt đi vào nhà sách rồi lặng mình hàng giờ trong đó. Những ngày đường sách TP Hồ Chí Minh mở cửa, ông xuất hiện đều đặn và say sưa với các đầu sách mới, các cuốn sách cũ, sách cổ.

Hàng trăm đầu sách của ông được sắp xếp gọn gàng trong tủ kính.

Ông dẫn tôi vào phòng trưng bày sách và thật bất ngờ vì sự khang trang, hiện đại, ngăn nắp không khác một thư viện chút nào. Ở đó, ông bày trí sách theo từng chủ đề, thời gian và chủng loại, nhiều nhất có lẽ là sách về văn hóa Chăm. Ông nói rằng, bản thân có một tình cảm đặc biệt với dân tộc Chăm và ông sẵn lòng bỏ tiền ra giúp đỡ in ấn những đầu sách liên quan đến văn hóa Chăm. Vì sao lại quý đến thế? Ông chỉ giải thích nôm na là vì người Chăm sống nhiều ở miệt Ninh Thuận, Khánh Hòa gần với quê hương của ông.

Và "nghiện" cổ vật

Ngoài phòng sách, ông còn có riêng một phòng trưng bày đồ cổ của người miền Trung, người Tây Nguyên và các vùng miền. Hàng chục chiếc trống cũ và rách tưởng như không thể rách hơn, nhưng cực kỳ quý và hiếm. Ông giữ nguyên hiện trạng, thậm chí là từng hạt bụi của thời gian. Những chiếc trống của ông làm bằng đủ thứ da, bằng da trâu, da voi, da tê giác… vẫn còn nguyên nét tinh xảo trong chế tác của người thợ.

Không biết những hiện vật này có từ bao giờ, nhưng nhìn vào từng mảng da thú rừng to bản, dày hàng tấc có thể đoán "linh vật" này đã tồn tại hàng trăm năm trước của những bộ tộc nằm sâu trong rừng già hoặc một hòn đảo nào đó. Từ bao đời nay, tiếng trống luôn gắn liền với cuộc sống cộng đồng trong các mùa lễ hội, cúng tế trời đất và trong những trận giao tranh ác liệt giữa con người với con người. Nó là minh chứng cuối cùng của quy luật sinh tồn trời đất nên mỗi chiếc trống đều có linh hồn. Cảm nhận được sự kỳ diệu ấy, Nguyễn Hữu Lệ đã dành cho trống một không gian thoáng đãng, một vị trí trang trọng trong phòng trưng bày.

Phòng cổ vật không nhiều nhưng cái nào cũng độc đáo. Từ chiếc đàn T'Rưng róc rách bên khe suối, tiếng tí tách trong trẻo như chim hót, như gió thổi của tấm đàn đá cổ đến âm thanh hào hùng của kiệt tác Cồng Chiêng đều còn nguyên sơ, như chạm ngay đến quá khứ bi hùng của con người Tây Nguyên. Những giá trị văn hóa ấy có vị thế nổi bật trong hệ nhạc khí cổ truyền, bởi nó bắt nguồn từ sự tổng hòa các giá trị, đặc biệt là giá trị cố kết cộng đồng và giá trị lịch sử. Kể về Cồng Chiêng, Nguyễn Hữu Lệ tiếc nuối mãi vì ông đã không về nước kịp để mua trọn bộ 32 chiếc của một người dân tộc trên Đắk Lắk.

Thuyền độc mộc, tượng nhà mồ được trưng bày ngay sảnh trước của công ty để mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Công việc bận rộn, nay đây mai đó nhưng Nguyễn Hữu Lệ vẫn dành cho mình một một khoảng thời gian nhất định để yêu sách và yêu cổ vật. Ông có được bộ sưu tầm cổ vật phong phú, đa dạng và quý giá như như vậy là nhờ vào những chuyến đi. Đến Tây Nguyên, ông đi vào trong các thôn bản, thấy bộ chum, chóe hay chiếc Cồng ông mê tít nhưng không phải vung tiền ra là họ bán, vì những thứ đó biểu thị cho sự giàu sang và quyền uy, là công cụ để họ gặp gỡ các đấng thần linh tối cao và là cầu nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Có khi phải lân la cả buổi, phải uống rượu, ăn cơm để tạo sự thân tình và tin tưởng.

Khi đã hiểu và quý nhau rồi thì họ sẵn sàng nhượng lại cho người biết trân trọng và giữ gìn. Biết ông "say" đồ cổ, bạn bè đi đâu thấy món nào độc, lạ là nhớ ngay đến ông. Ông mê đến mức, cứ thấy cổ là mua, không cần biết sau đó sẽ như thế nào. Ông ôm về chất đầy trong nhà, cuối cùng thì nhà cũng chật cứng, không có chỗ để. Sau này công ty mở rộng, ông dành riêng hai phòng "mặt tiền" để những thứ quan trọng nhất là sách và đồ cổ.

 Trong thư viện của ông có vài cuốn sách của một tác giả người Pháp có viết và tả tỉ mỉ những vật dụng gia đình mà ngày xưa ông bà từng dùng như cối xay, quang gánh, gần đây có tác giả người Việt cũng có cuốn sách tương tự. Các bạn trẻ bây giờ sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, sẽ không biết đến những vật dụng đó nếu không chịu đọc sách.

Đây là một trong những lý do ông thiết kế phòng toàn bằng kính với ý đồ để nhân viên đi qua đều có thể nhìn thấy. Ông mong muốn thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc văn hóa cổ vật, cũng là lịch sử dân tộc, quá khứ tổ tiên để hiểu, suy nghĩ và sống có ý nghĩa hơn trong cuộc đời mới. Ngoài cổ vật vùng Tây Nguyên, phòng trưng bày của Nguyễn Hữu Lệ còn có rất nhiều cổ vật của miền Trung, như trang sức Sa Huỳnh, các dị vật Chămpa… Ông sưu tầm những thứ ấy vì nặng lòng với quê hương.

Giỏi công nghệ thông tin nhưng lại mê sách lịch sử, văn hóa, điều đó có giúp ích gì cho lĩnh vực kinh doanh và mối tương tác làm ăn? Ông giải thích: "Nghề của mình đang làm tất nhiên mình phải am hiểu rồi, còn văn hóa là để giao tiếp, bồi dưỡng nhân cách, lối sống. Còn lịch sử giúp mình không quên quá khứ, nguồn cội tổ tiên". Nguyễn Hữu Lệ đã đi rất nhiều nước, đến rất nhiều nơi, chìa khóa để giao tiếp chính là vốn kiến thức về văn hóa lịch sử những vùng đất đó. Gặp nhau không phải là cái bắt tay hoặc một lời chào, mà gặp nhau là để chia sẻ văn hóa quê hương bản xứ, từ đó hiểu nhau, tin tưởng nhau hơn.

Ngọc Thiện
.
.
.