Giám đốc tật nguyền trả nợ nhân gian

Thứ Hai, 09/01/2017, 13:41
Tật nguyền từ nhỏ, anh đã vượt qua chính mình, trở thành giám đốc doanh nghiệp một cơ sở đá trắng có sản phẩm xuất ngoại khắp nơi trên thế giới. Để tri ân và trả nợ cuộc đời, anh đã nhận hàng trăm lao đồng nghèo, đào tạo nghề và giúp họ trưởng thành. Anh là Nguyễn Công Bằng, Giám đốc DNTN Thiện Tâm ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).


Về Quỳ Hợp – “Thủ phủ” đá trắng của tỉnh Nghệ An, cũng là vựa đá lớn nhất nhì trong cả nước hiện nay, nhắc đến Doanh nghiệp tư nhân Thiện Tâm của ông chủ tật nguyền Nguyễn Công Bằng, nhiều người biết đến với sự ngưỡng mộ từ tâm.

Từ một người bại liệt, hai  chân không đi lại được, phải phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn và nạng gỗ mỗi lần di chuyển, cuộc đời tưởng như bỏ đi, anh đã nỗ lực vươn lên, trở thành ông chủ có nhiều sản phẩm đá trắng tinh xảo xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Giám đốc DNTN đá mỹ nghệ Thiện Tâm Nguyễn Công Bằng.

Không những thế, cơ sở của anh còn là mái ấm nâng đỡ hàng trăm con em lao động nghèo trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định.

Đôi nạng gỗ của giám đốc doanh nghiệp

Anh Nguyễn Công Bằng (SN 1970), lớn lên trong gia đình nghèo ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Lúc nhỏ, anh cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng đến 2 tuổi thì biến cố xảy ra, sau trận ốm thập tử nhất sinh, anh bị liệt hoàn toàn đôi chân, phải ngồi xe lăn vĩnh viễn.

Vượt qua số phận, anh quyết tâm lập nghiệp bằng con đường học vấn, nhưng gia cảnh khó khăn, bố mẹ anh rất thương con song cũng chỉ học đến lớp 12 thì Bằng buộc phải gác lại giấc mơ đèn sách.

Không chấp nhận đầu hàng số phận, với năng khiếu bẩm sinh của mình, anh đã tìm vui bằng hội họa, truyền thần và đã có hơn 10 năm mưu sinh bằng chính nghề này.

Bước ngoặt cuộc đời cũng đến với Bằng khi người con gái xinh đẹp đất Hưng Yên đã quyết định lên xe hoa để nâng khăn sửa túi suốt đời cho anh. Anh Bằng nhớ lại, ấy là thời điểm năm 1998, khi đó anh vẫn còn tay trắng, mưu sinh bằng nghề vẽ truyền thần, rày đây mai đó.

Trong một lần, nhận lời truyền nghề cho một trường hợp cũng tật nguyền như anh ở huyện Đô Lương, anh đã gặp chị Nguyễn Thị Hạnh, cũng là vợ anh bây giờ. Chị Hạnh, một người con gái đất Hưng Yên dịu dàng, vì cơm áo gạo tiền nên dạt đến đất Nghệ An để làm công ăn lương.

Duyên trời sắp đặt cho Hạnh gặp anh Bằng, cảm kích tài năng và nghị lực của anh, chị Hạnh đã đem lòng yêu thương, chẳng bao lâu sau quyết định theo anh về miền núi Quỳ Hợp cùng chung tay xây mái ấm gia đình. Đến nay, anh chị không chỉ có một cơ ngơi khang trang mà còn có một mái ấm hạnh phúc với hai đứa con ngoan hiền, đủ nếp đủ tẻ.

Anh Bằng với đôi nạng gỗ bên thương hiệu đá Thiện Tâm của  mình.

Trở lại với con đường bén duyên với đá trắng của anh Nguyễn Công Bằng, khi gia đình rời quê từ huyện Yên Thành lên Quỳ Hợp định cư, phát hiện thấy vùng đất này có rất nhiều tiềm năng từ nguồn nguyên liệu đá trắng, anh Bằng đã quyết định bỏ nghề vẽ, ra Hà Nội học điêu khắc, sau đó vào Đà Nẵng xin làm không công cho một cơ sở điêu khắc đá tại Ngũ Hành Sơn 2 năm để củng cố tay nghề.

Năm 2005, khi làng nghề Thung Khuộc được thành lập tại huyện Quỳ Hợp, anh đã mạnh dạn vay vốn, xin cấp đất để mở xưởng và thành lập Doanh nghiệp tư nhân đá mỹ nghệ Thiện Tâm. Bằng tâm sự, đến với nghệ thuật đá là con đường đầy chông gai, thử thách, đặc biệt là với một người tật nguyền như anh.

Thời gian đầu, không chỉ phải tập quen với bụi đá, mà có lúc bàn tay anh tứa máu, ngồi cả ngày cơ thể anh tê cứng, không cử động được, anh phải tập theo giờ trong suốt nhiều tháng trời mới quen được với nghề.

Hành trình trả nợ cuộc đời

Chỉ sau một thời gian rất ngắn, những khối đá vô tri, vô giác dưới bàn tay tài hoa của ông chủ tật nguyền Nguyễn Công Bằng đã trở thành những sản phẩm trang trí tinh xảo, có hồn và được khách hàng đón nhận.

Sản phẩm của cơ sở Thiện Tâm ngày càng đa dạng về hình dáng, được chau chuốt, gọt đẽo công phu, dần trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang tính thuần Việt.

Một số tác phẩm điêu khắc của anh Nguyễn Công Bằng.

Theo Bằng, bản thân anh không chạy theo thị hiếu của thị trường mà sản phẩm của Thiện Tâm chú trọng đến việc vừa mang giá trị trang trí, vừa có giá trị sử dụng hàng ngày. Chính bởi vậy, những khối đá vô tri vô giác, được sự thổi hồn của anh Bằng và các nghệ nhân, đã được mọi tầng lớp xã hội đón nhận.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ khắp nơi trong nước tìm đến đặt hàng, anh làm không kịp nên phải gọi thêm thợ lành nghề từ Nam Định, Đà Nẵng. Cứ như thế, dần dà anh mở rộng thêm cơ sở sản xuất, tuyển dụng nhiều lao động, vừa đào tạo, vừa truyền nghề để giúp họ có công việc ổn định lâu dài. Sản phẩm của anh rất đa dạng, từ các loại tượng phật, ông địa đến những vật dụng trang trí trong nhà như bình hoa bằng đá thạch anh, bàn ghế bằng đá quý.

Bằng bảo, anh chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, kể cả những sản phẩm “xuất ngoại” sang Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và các nước châu Âu cũng vậy. Gần đây nhất, sau khi nghiên cứu thị trường, nhận thấy thị hiếu của khách hàng đang rất ưa chuộng sản phẩm con tiện và trụ cầu thang bằng đá, anh đã mày mò nghiên cứu và cho ra đời những mẫu mã rất bắt mắt, tinh xảo, được rất nhiều người lựa chọn để trang trí cho những căn biệt thự của mình.

Đây cũng là một trong 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của Nghệ An, được số đông bình chọn trong năm 2016.

Anh Nguyễn Công Bằng cho biết, bản thân anh đã gặp nhiều may mắn khi trên bước đường lập nghiệp đầy chông gai, đã có rất nhiều người, trong đó thậm chí có những người lạ chưa từng quen biết, đã nâng đỡ anh trong lúc khó khăn nhất.

“Tôi rất thấm thía được sự hỗ trợ, sự tương thân tương ái, đặc biệt là tôi hiểu được tình cảm suy nghĩ mong muốn của những người tàn tật. Chính vì thế tôi quyết định lấy tên doanh nghiệp là Thiện Tâm cũng là cách để ghi nhớ và trả nghĩa cuộc đời”, Bằng chia sẻ.

Với tâm niệm đó, trong hành trình lập nghiệp, bản thân anh thường xuyên chú trọng đến việc nâng đỡ, tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những phận đời đồng cảnh ngộ, tật nguyền như mình. Mới đây nhất, cơ sở của anh đã phối hợp với trung tâm khuyến công và Liên minh HTX Nghệ An, mở lớp dạy nghề miễn phí về điêu khắc và tiện đá mỹ nghệ cho hơn 30 lao động phổ thông tại địa phương.

Từ năm 2009 đến nay, cơ sở Thiện Tâm đã đào tạo cho hàng trăm lao động lành nghề. Anh bảo, có những trường hợp rất hoàn cảnh, đến học nghề anh lo cho chỗ ăn ở miễn phí, thậm chí hỗ trợ thêm kinh phí để trang trải sinh hoạt hằng ngày.

Đối với những trường hợp anh nhận thấy tay nghề đã vững, khuyến khích ra mở cơ sở riêng, thiếu vốn anh cho vay không lấy lãi, thiếu kinh nghiệm anh đến tận nơi để chỉ dạy. Từ khi bén duyên với đá trắng, Bằng đã muốn tạo dựng vùng đất chết này thành thương hiệu đặc trưng của xứ Nghệ.

Công nhân đang thổi hồn vào đá trắng tại DNTN Thiện Tâm.

Bởi vậy, thêm một học trò thành danh là niềm vui của anh lại được nhân lên. Được biết, tính đến thời điểm này, ngoài gần 10 lao động làm việc thường xuyên tại xưởng với mức lương ổn định từ 10 – 40 triệu đồng/tháng tùy tay nghề, cơ sở Thiện Tâm đã đào tạo lành nghề và tạo việc làm cho gần 100 lao động, trong đó có 5 người là con em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, 7 người tàn tật, còn lại là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và dân tộc thiểu số.

Không chỉ làm giàu cho mình, hằng năm anh Nguyễn Công Bằng đã dành một khoản tiền không nhỏ để tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào quỹ vì người nghèo tại địa phương, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt.

Trong hơn 10 năm qua, Doanh nghiệp tư nhân Thiện Tâm đã xây tặng nhiều nhà tình nghĩa để người nghèo, người bị tàn tật trên địa bàn hai huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn. Trong thời gian tới, bản thân anh sẽ vẫn tiếp tục đi trên con đường mà anh đã lựa chọn, cưu mang và nâng đỡ để giúp thêm nhiều người khác có được cuộc sống tốt hơn, đó cũng là lý tưởng sống mà anh luôn đeo đuổi, hướng tới.

Thiên Thảo
.
.
.