Giám đốc tí hon và giấc mơ về mái nhà chung cho người khuyết tật

Thứ Sáu, 14/11/2014, 12:00

Tư thế duy nhất của Thương suốt 30 năm qua là nằm một chỗ. Nhưng tâm hồn và nghị lực của người phụ nữ bé bỏng ấy đã vươn xa và bay cao. Thương làm được những điều mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Chính bởi vậy, cô đã nhận được rất nhiều bằng khen và gần đây nhất cô được vinh danh là một trong 10 gương mặt thanh niên Thủ đô làm kinh tế giỏi năm 2014...

Chỉ cao xấp xỉ 80cm, cân nặng chưa đầy 20kg lại mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh từ khi mới lọt lòng, vậy mà Nguyễn Thị Hoài Thương, sinh năm 1983, trú tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội đã nỗ lực hết mình để cố gắng sống một cuộc đời hữu ích. Tư thế duy nhất của Thương suốt 30 năm qua là nằm một chỗ. Nhưng tâm hồn và nghị lực của người phụ nữ bé bỏng ấy đã vươn xa và bay cao. Thương làm được những điều mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Chính bởi vậy, cô đã nhận được rất nhiều bằng khen và gần đây nhất cô được vinh danh là một trong 10 gương mặt thanh niên Thủ đô làm kinh tế giỏi năm 2014.

Mang tên một nỗi đau

Dù nằm một chỗ nhưng Nguyễn Thị Hoài Thương luôn chứng tỏ cho người khác thấy được mình là một người phụ nữ rất năng động. Cầm trên tay chiếc điện thoại Iphone 5, nữ giám đốc Trung tâm dạy nghề và đào tạo việc làm vừa nghe vừa lướt web để nhận đơn đặt hàng. Lợi khẩu và hiểu biết nên Thương thường chiếm được cảm tình ngay từ lần đầu gặp mặt. Hôm chúng tôi đến, Trung tâm của Thương đang nhộn nhịp chuẩn bị đón đoàn từ thiện Koica của Hàn Quốc tới thăm.

Có nói chuyện với mẹ Thương mới hiểu nỗi đau mà bà phải trải qua khi sinh ra một đứa con gái có hình hài chả giống ai. "Ngày tôi sinh Thương là một ngày mùa thu trời đẹp lắm. Lúc trở dạ tôi đã ước con mình cũng đẹp như mùa thu. Vậy mà khi sinh con ra, tôi đã suýt ngất khi nhìn thấy hình hài con. Cái đầu nó to lắm, đôi chân thì ngắn tủn, chỉ chực dính vào hậu môn. Tôi đã khóc từ lúc nhìn thấy con. Khóc đến cạn nước mắt". Cái tin bà Việt sinh ra một đứa bé gái có hình hài dị thường đã nhanh chóng lan ra. Người thân thì đến hỏi thăm, chia sẻ nhưng ngay cả những người không thân thiết cũng kéo tới nhà xem bằng được đứa bé dị thường để thỏa chí tò mò. Người ta đến xem rồi bàn ra tán vào. Người tử tế thì tỏ lòng thương cảm nhưng người ác khẩu thì rủa rằng, chắc tại kiếp trước ăn ở thất đức nên kiếp này gánh tội. Thiên hạ dị nghị nhiều đến mức cụ của Thương còn hét lên với bố mẹ cô rằng: "Từ nay anh chị đừng có mà đẻ thêm đứa nào nữa, tôi nhục nhã lắm". Phải hơn một tháng sau sinh, vợ chồng bà Việt mới lên xã làm giấy khai sinh cho con.

Dù thiệt thòi nhưng Thương luôn giữ nụ cười lạc quan.

Bà Việt kể lại: "Hôm đi làm giấy khai sinh cho con không hiểu sao cả tôi và chồng tôi đều buột miệng nói ra tên con là Thương. Chắc tại chúng tôi đều xót con như nhau. Lúc mới sinh không hiểu sao mỗi lần thay tã thì nó cứ khóc ré lên. Lần nào cũng như lần nào, tôi nghĩ chắc con mình bị làm sao rồi. Vậy mà đúng thật, khi tôi mang Thương đi khám thì bác sĩ bảo nó bị mắc bệnh xương thủy tinh. Thôi thì cứ mang về sống được ngày nào hay ngày đó".

Cuộc gặp gỡ với Nick Vujicic 

Thương chưa từng được một lần cắp sách tới trường. Ngay cả hồi bé tí, mẹ muốn mang em đi gửi trẻ người ta cũng không nhận. Họ bảo không có tiền mà đền cái đứa xương như bánh đa nóng ấy, hễ chạm vào là gãy. Không hiểu được nỗi đau của bố mẹ, cô bé Thương cứ vô tư như củ khoai củ sắn. "Nhiều lúc đang chơi cùng nhau, đến giờ bạn bè em phải về nấu cơm, em lại nghĩ như mình hóa ra lại sướng, chả phải làm việc gì lại còn có người phục vụ" - Thương cười chia sẻ. Mọi chuyện sẽ mãi là như thế nếu không có buổi chiều hôm ấy khi Thương trườn ra chỗ mẹ đang máy may. Lúc đó có bác hàng xóm đang nói chuyện cùng mẹ cô. Nhìn Thương, bác ấy hỏi: "Ra đây làm gì. Có giúp gì được mẹ không mà ra?". "Tự nhiên lúc đó em đã bật khóc. Chưa khi nào em thấy thương mẹ mình đến thế. Ý nghĩ sau này mẹ già ai sẽ là người giúp đỡ mẹ? Từ đó, trong đầu em hừng hực ý định là phải kiếm một việc gì làm để nuôi thân và sau này nuôi bố mẹ".

Sản phẩm “hand made” của trung tâm Thương Thương.

Như một sự sắp đặt, một hôm tình cờ Thương xem trên truyền hình có chuyên mục "Người tốt việc tốt" quay một trung tâm dạy nghề cho những người khuyết tật. Thương đã xin bố mẹ đến đó học. Với sự thông minh và tài hoa nên chẳng mấy chốc cô bé Hoài Thương đã tự tay làm được những sản phẩm kết bằng những chiếc khuy áo. Từ đó Thương mày mò sáng tạo ra nhiều sản phẩm như đèn bàn, lọ hoa…

Ngay từ khi kiếm được những đồng tiền đầu tiên, Thương đã ấp ủ ý định sẽ dành tiền đó để sau này mở trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Nhưng với sức làm việc của một cô gái xương thủy tinh thì biết đến bao giờ mới biến ước mơ ấy thành hiện thực. Vậy là có lần Thương gặp một người, người đó chuyên đi tìm kiếm những người khuyết tật có khả năng ca hát hoặc một vài tài lẻ khác để biểu diễn ở những hội chợ xin từ thiện. Họ nói ca hát sẽ giúp Thương kiếm bộn tiền. Nghe lời người lạ, Thương nằng nặc đòi bố mẹ cho đi mặc cho mẹ cô can ngăn và khóc hết nước mắt. Chuyến đi đầu tiên dự định 5 ngày. Buổi biểu diễn đầu tiên là trên đất Hải Phòng. Người ta đẩy Thương nằm trên chiếc băng ra sân khấu. "Có lẽ lần đầu tiên người ta nhìn thấy một người hát nằm như em nên người ta kéo đến xem đông lắm. Thế nhưng khi em hát xong rồi nhìn người ta quẳng những đồng tiền lẻ lên người mình em thấy tủi thân quá. Em giống hệt một kẻ ăn mày đang xin tiền bố thí của thiên hạ. Sau lần đó em xin ông bầu là cho em nghỉ nhưng ông đó không cho. Cũng may có một người tốt trong đoàn đã giúp em bỏ trốn" - Thương ngậm ngùi nhớ lại.

Vỡ mộng kiếm tiền nhanh, Hoài Thương lại trở về với công việc trước đó. Năm 2005, một người bạn của Thương đã dạy cho cô cách làm các sản phẩm tranh giấy nghệ thuật. Tuy nhiên, vì chỉ có thể nằm một chỗ nên Thương không thể tự mình đi giới thiệu sản phẩm. Cô đã nghĩ ra cách lập một website thuongthuong.net để giao bán các sản phẩm của mình.

Công việc kinh doanh đối với một người bình thường đã khó thì đối với Thương khó khăn ấy còn nhân lên bội phần. Dù chưa thể lập ra được một trung tâm theo mô hình tập trung nhưng Thương đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật bằng cách cho họ mang hàng về nhà làm. Bằng nhiều việc làm ý nghĩa và thiết thực, Nguyễn Thị Hoài Thương đã được nhận rất nhiều bằng khen của các tổ chức xã hội. Năm 2013, cô đã được vinh dự mời vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia chương trình cùng với Nick Vujicic. Và cũng chính nhờ cuộc gặp gỡ này đã khiến cha mẹ Hoài Thương có một cách nhìn khác. Họ đã không còn phản đối ước mơ xây một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật của Thương. Ngược lại, sau khi đã thay đổi nhận thức, bố mẹ lại là người quay ra ủng hộ cô hết lòng. "Sau chuyến đi Sài Gòn cùng Thương, được nghe những gì mà Nick Vujicic  chia sẻ tôi mới hiểu, anh ta có được thành công như ngày hôm nay cũng là vì anh ta đã được bố mẹ ủng hộ. Tôi nghĩ, vậy thì sao mình không giúp đỡ, ủng hộ để biến ước mơ của con thành sự thật" - mẹ Thương chia sẻ.

Mẹ không chỉ là người chăm sóc mà còn là người bạn chia sẻ những tâm sự với Thương.

Cũng sau lần đi Sài Gòn ấy, Thương lại tiếp tục đặt vấn đề với bố mẹ về dự định xây dựng Trung tâm. Lần này thì cả bố lẫn mẹ Thương đều ủng hộ. Mặc dù cả gia đình Thương sống ở Thủ đô đã lâu nhưng bố cô vẫn còn một mảnh đất ở xã Nam Phong, Phú Xuyên theo diện hương hỏa. Bố mẹ Thương quyết định về đó xây Trung tâm theo nguyện vọng của con gái. Mẹ Thương vì lo lắng và muốn giúp đỡ con trong những bước đầu lập nghiệp nên đã tự nguyện bỏ phố về quê cùng cô. Thương tâm sự: "Em chọn đúng ngày lễ tình yêu để thành lập Trung tâm. Vì em muốn những người đến và làm việc ở trung tâm sẽ biết yêu thương lẫn nhau. Em cũng muốn mọi người sẽ yêu thương các em ấy".

Mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ

Gặp Thương ai cũng nói đấy là con người của công việc. Thế nhưng sau những phút giây bận rộn ấy, Thương vẫn có những khoảnh khắc suy tư về số phận mình. Ông trời đày đọa bắt Thương phải ẩn mình trong một hình hài bé nhỏ nhưng tâm hồn và suy nghĩ vẫn là của một phụ nữ ba mươi. Bằng tuổi Thương người ta có con bồng con bế. Thương cũng khát khao lắm chứ một mái ấm gia đình. Nơi ấy có người đàn ông cứng cỏi để Thương được dựa dẫm. Nơi ấy cũng có những đứa trẻ sẽ gọi Thương bằng mẹ. "Có ai đánh thuế ước mơ của mình đâu. Đôi khi người ta sống được cũng là nhờ đã bấu víu vào những giấc mơ" - Thương nói mà đôi mắt long lanh nước.

Những rung động đầu đời Thương dành cho người bạn trai đã luôn đứng ra che chở cô trước những trêu chọc của bạn bè. Nhưng những tình cảm của tuổi mới lớn Thương cũng chỉ biết chôn chặt trong lòng. Chỉ có ánh mắt yêu thương là không sao giấu nổi. Dù không dám nói ra nhưng người đàn ông đó cũng cảm nhận được. Nhưng chính từ khi biết được tình cảm của Thương, họ đã tìm cách lảng tránh. Không còn ai che chở, không còn được nhìn người đó mỗi ngày, Thương như người mất hồn. Nước mắt cứ lăn dài trên má. Và người lau những giọt nước mắt ấy cho cô là mẹ. Bà đã khóc mà nói với Thương: "Con phải chấp nhận số phận rằng con sẽ không thể nào làm vợ và làm mẹ được. Cơ thể con như vậy, vừa khác người vừa như đồ dễ vỡ nên sẽ không ai đủ dũng cảm để lấy con đâu".

Chỉ mới đây thôi, trong lúc làm việc, vì dùng chiếc kìm bấm quá mạnh nên một bên cánh tay của Thương lại bị gãy. Mỗi lần như thế Thương phải nằm bất động ít cũng một tháng, nhiều thì hai ba tháng. Thương kể: "Ít ai hiểu được nếu đã mắc bệnh này rồi thì khổ đến thế nào. Mỗi lần xương gãy em phải nằm bất động như người chết. Đến nỗi nếu kiến có cắn, muỗi có đốt thì cũng mặc kệ. Mẹ muốn thay áo cho em thì phải dùng kéo cắt rồi lôi ra chứ không dám cởi".

Giờ đã xác định tâm lý cho mình nên Thương không tơ tưởng nhiều đến những điều quá đỗi xa xôi. Ước mơ cháy bỏng của người phụ nữ tí hon này là mở rộng quy mô trung tâm, giúp được nhiều hơn nữa những người khuyết tật. Cô chủ nhỏ muốn trước khi học viên của mình kiếm ra được những đồng tiền chân chính thì họ phải là những người lạc quan, sống một cuộc đời tàn nhưng không phế…

Phong Anh
.
.
.