Giang hồ phục thiện

Thứ Sáu, 12/12/2014, 13:30
Nguyễn Khưu Trường (thôn Gò Thao, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) từng có một quá khứ đầy tội lỗi, từ đâm thuê chém mướn đến trộm cắp, cướp giật… từng vào tù ra tội. Vết nhơ ấy tưởng rằng chẳng bao giờ rửa sạch được. Nhưng rồi, sóng gió giang hồ một thời của Trường đã được gội rửa, tắm mát bằng những ngày tháng hoàn lương…
Giang h đi náo

Trường lớn lên bằng tình thương của hai người đàn bà lam lũ, đó là mẹ và bà ngoại ở một miền quê của tỉnh Quảng Nam. Trong ký ức của mình, hình ảnh người cha như một lát cắt nhạt nhòa đối với Trường. Thiếu một bờ vai mạnh mẽ, một trụ cột vững chắc, cuộc sống của Trường lung lay mỗi ngày. Năm nào Trường không nhớ rõ, mẹ dẫn anh vào sống tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuổi thơ lấm lem cơ cực, đến năm 11 tuổi thì mẹ anh đi bước nữa. Những đứa em kế lần lượt ra đời, người mẹ phải lo toan vất vả hơn và Trường cảm thấy mình cô đơn lạc lõng, thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ. Trường được gửi về với bà ngoại ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Nhà ngoại có một ông cậu thường sai Trường đi mua rượu vào mỗi đêm khuya. Có lần do buồn ngủ, Trường không mua rượu cho cậu, bị ông ta đánh chửi thậm tệ. Máu tự ái dâng lên, Trường bỏ nhà đi bụi. Năm ấy,Trường chớm tuổi 14.

Trường đến bến xe Bảo Lộc thì trời cũng gần sáng. Một cách vô thức, Trường lên chiếc xe đò sắp rời bến mà không biết nó đi đâu về đâu. Cuối cùng, xe cũng dừng bến tại thị trấn Hố Nai (Đồng Nai). Không tiền, không người thân, bụng đói cồn cào, Trường đã khóc, khóc như một bản năng tủi hổ của một đứa trẻ lang bạt. Khóc nhiều quá, Trường gục mặt ngủ thiếp đi trong ngôi nhà bỏ hoang. Đang mê mệt thì Trường bị lay dậy bởi một người đàn ông. Không hỏi anh câu nào, ông ta lẳng lặng đưa cho Trường ổ bánh mì và một bịch nước đá. Sau khi hỏi thăm hoàn cảnh, ông ta bảo Trường đi theo ông về  một căn nhà hoang mà ở đó có khoảng gần 15 thằng choai choai như Trường. Ông ta bảo Trường cứ nghỉ ngơi, một hai hôm sau sẽ tìm công việc cho Trường làm. Trường đã reo lên vì vui sướng khi có người dang tay bao bọc mình. Sau hai hôm nghỉ ngơi, Trường được một thằng lớn nhất trong nhóm đưa cho một cái móc sắt và một cái bao. Thấy Trường ngơ ngác, nó hất hàm: "Đi theo tao một vài hôm rồi mày sẽ biết làm gì".

Đứng lên sau những lần vấp ngã, Nguyễn Khưu Trường giờ là niềm tự hào của gia đình...

 Kể từ đó, Trường gia nhập đội ngũ "móc bọc". Nói là móc bọc cho lương thiện, nhưng thật ra, Trường được dạy là phải móc tất cả những xoong nồi, bóp ví… của những nhà vắng người. Người đàn ông tử tế mà Trường đã hàm ơn hiện nguyên hình là một tên chăn dắt trẻ em trộm cắp. Trường cũng như mọi đứa trẻ khác ở đây không được biết tên và địa chỉ của ông ta. Theo quy định,  mỗi đứa hoạt động riêng lẻ ở một địa bàn khác nhau và một ngày mỗi đứa phải "móc" được hai bao đồ. Do tính lanh lợi nên ngày nào Trường cũng hoàn thành "chỉ tiêu", không bị đàn em của ông ta đánh đập. Đi đêm lắm cũng có ngày cũng gặp ma, khi đang móc mấy cái xoong nhôm, Trường bị gia chủ phát hiện. Trong cơn hoảng loạn, Trường bỏ bao đồ rồi co cẳng chạy thục mạng về nhà. Hậu quả là lần đầu tiên, Trường bị ông chủ đánh thê thảm vì tội suýt làm lộ hang ổ.

Trận đánh tàn nhẫn của ông ta khiến Trường nằm bẹp dí mấy ngày. Nỗi tủi hận chất chứa trong lòng, trong đêm khuya, Trường quyết định bỏ trốn. Trường  chạy như ma đuổi ra bến xe và trốn trên một chiếc xe khách sắp rời bến và lần này, Trường cũng chẳng biết mình về đâu. Sáng hôm sau, Trường mới biết mình đã lên một chuyến xe khách từ Đồng Nai đi Bà Rịa -Vũng Tàu. Ngẫu nhiên, Trường lại về nơi mẹ Trường đang sống, nhưng nỗi ấm ức còn nguyên trong lòng nên Trường quyết định không về gặp mẹ mà gia nhập vào đội quân bốc vác cá tại một chợ đầu mối. Công việc nặng nhọc nên sức Trường không kham nổi. Trường lại  trở về Bảo Lộc để bán bánh tiêu tại bến xe. Dẻo mồm, cộng thêm cái khiếu bán hàng, bánh của Trường bán rất chạy. Trường nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của một gã đàn ông ở bến xe. Gã ta lân la làm quen rồi mời Trường về làm tại tiệm phở của ông ta, bao ăn ở và trả lương hàng tháng. Nghe xuôi tai nên Trường đồng ý, đâu ngờ rằng, kể từ đó, Trường chính thức bước vào hang ổ của những kẻ chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê và bảo kê đường dây mại dâm.

Sống trong môi trường xã hội đen, Trường trở thành một tên lưu manh, bảo kê thứ thiệt. Phi vụ đầu tiên, Trường cùng hai giang hồ khác vác hai cây kiếm Nhật đi đòi 5 cây vàng cho chủ. Mặc cho con nợ quỳ lạy xin khất, Trường vẫn lạnh lùng vung kiếm chém thẳng vào người chồng. Thấy khó có thể chùn lòng đám giang hồ này, người vợ ẩn nấp dưới gầm giường chạy ra trả cho Trường và đồng bọn đủ 5 cây vàng. Phi vụ đầu tiên ra quân thắng lợi, Trường được chủ thưởng đậm và cũng từ đó, Trường chính thức lên "hạng" trong giới giang hồ. Càng ngày, Trường càng "say" nghề.

Trường không nhớ hết bao nhiêu phi vụ mà mình đã ra tay tàn độc, bởi mỗi lần vác kiếm đi đòi nợ thuê, Trường và bọn đàn em đều được chủ cho sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên, do bị Công an địa phương truy lùng ráo riết và những xung đột trong giới giang hồ tại đây, Trường phải dạt về Ninh Thuận. Giang hồ gặp giang hồ, Trường "kết thân" với đám giang hồ cộm cán Phan Rang như Cu Rượu, Tèo Hai, Chí Bảo…thực hiện các phi vụ đòi nợ thuê, bảo kê…

Năm 2000, Trường cưới vợ. Vợ Trường là cô gái xinh đẹp ở thôn Gò Thao, xã Tân Hải. Với vỏ bọc là anh chàng làm thuê chân chất ở Phan Rang - Tháp Chàm.Trường giấu không để vợ biết quá khứ cũng như hiện tại đao búa của chồng.


Khi vợ Trường sinh con gái đầu lòng, Trường bức bách về tiền bạc. Trường quyết định ra Lạng Sơn mua tiền giả về tiêu thụ kiếm lời. Sau vài đêm gác tay  lên trán, Trường không biết xoay vốn từ đâu. Trong cơn quẫn bách, Trường quyết định đi cướp để lấy tiền làm vốn kinh doanh. Để thực hiện ý định của mình, một buổi chiều năm 2001, Trường đến cổng bệnh viện tỉnh Ninh Thuận, bắt xe ôm của một người đàn ông trung niên đi xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Mặc dù đường xa, trời tối nhưng người xe ôm đã quên cảnh giác vì Trường trả giá cao. Ủ mưu từ trước, khi ngang qua khu vực hồ nước của xã Xuân Hải, Trường đã ra tay sát hại người lái xe ôm và cướp chiếc xe gắn máy. Người đàn ông lái xe ôm bị thương nặng. Trường bị bắt sau gần 10 tiếng gây án và phải thụ án 8 năm tù giam tại Z30 (Đồng Nai). Do cải tạo tốt nên Trường được ra tù sau hơn 6 năm. Hạnh phúc nhất của Trường là được đón nhận sự bao dung của gia đình vợ. Ban đầu, mặc cảm với lỗi lầm, Trường sống khép kín như con tằm trong kén. Được sự động viên của địa phương, tình yêu thương của gia đình và bà con chòm xóm, Trường vượt qua mặc cảm, quyết làm lại cuộc đời. Hàng ngày, với chiếc xe máy cà tàng, Trường mua thực phẩm lên các xã vùng núi bán và ngược lại. Tưởng chừng cuộc đời êm ả trôi, thế nhưng, chỉ trong tích tắc thiếu suy nghĩ,  không kiềm chế được lòng tham của mình, Trường đã phạm tội lần thứ hai. Trường đã lấy trộm một chiếc máy bơm nước của một người nông dân để ngoài ruộng. Với tội danh này, Trường phải chấp hành án 1 năm tù tại trại Sông Cái (xã Phước Tiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận).

Đứng lên làm người

Lần thứ hai bị tù tội, nhìn những giọt nước mắt của người vợ, của đứa con thơ, Trường càng thấm thía về lỗi lầm của mình. Được sự giáo dục, động viên của các cán bộ quản giáo, Trường quyết tâm hoàn lương. Một năm thấm thoát trôi qua, Trường trở về địa phương. Được chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ cho vay vốn, vợ chồng Trường mở quán tạp hóa và hằng ngày anh mua đá cây, thức ăn gia cầm từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Thuận Bắc về bán lại cho bà con trong xã. Mới đầu, một số người rất ngại khi tiếp xúc, làm ăn với anh. Nhưng một thời gian ngắn, thấy Trường hiền lành, buôn bán có uy tín, thật thà nên không còn ai e dè, xa lánh.


Làm giàu từ chính đôi tay một thời gây tội.

Kinh tế không còn quá chật vật, Trường bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Trong thời gian cải tạo tại Trại Z30, Trường được Ban Giám thị  cho học nghề điêu khắc và Trường rất thích nghề này. Dự định của Trường được người vợ hiền ủng hộ nên Trường thuê đất mở xưởng, trang bị máy móc, bắt đầu nhận hàng gia công cho khách. Tâm huyết, đam mê với nghề nên những sản phẩm ra đời từ đôi bàn tay của anh trở nên có sức sống. Tiếng lành đồn xa, người ở các địa phương khác cũng đến đặt hàng. Thu nhập từ công vệc này khoảng gần 10 triệu đồng một tháng cộng với thu nhập từ quán tạp hóa của vợ nên kinh tế gia đình Trường ổn định.

Ngồi chuốt lại chiếc bình gỗ Trường vừa làm xong để ngày mai giao cho khách hàng, tôi thấy anh thoáng nở nụ cười hạnh phúc. Trường trải lòng: "Những người từng có quá khứ lầm lỗi như tôi để làm người tốt là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng. Ngoài sự quyết tâm của chính bản thân, họ cần lắm sự động viên, giúp đỡ chân thành, đúng lúc của chính quyền, của người thân để tiếp sức cho họ trên con đường hoàn lương đầy gian nan".

Trong tương lai, Trường sẽ tích lũy được vốn để mở rộng xưởng, máy móc trang thiết bị hiện đại hơn, thuê một vài nhân công, đặc biệt là anh sẽ ưu tiên với những ai từng có quá khứ như anh đang có ý chí phục thiện.

Bé Hoa
.
.
.