Giành giật tình yêu từ “cái chết trắng”

Chủ Nhật, 11/05/2014, 18:43

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ của Trần Văn Hiệp ở tổ 23, phường Chăm Mát là mẹ anh, bà Nguyễn Thị Cư. Bà Cư có khuôn mặt phúc hậu, gần gũi, cởi mở đưa chúng tôi vào câu chuyện từ khi gia đình trải qua sóng gió, tưởng chừng không thể đứng dậy. Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, có lẽ bà không ngờ rằng, số phận có lúc lại trớ trêu với bà như vậy. Chỉ vì có thời điểm, gia đình mải chuyện làm ăn, buông lỏng quản lý con cái đã vô tình đẩy người con trai vào nghiện ngập.

Vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, phường Chăm Mát như nhiều địa phương khác của tỉnh Hòa Bình nằm trong “cơn lốc” ma túy của khu vực Tây Bắc. Ma túy lan nhanh vào từng xóm bản, tác động tới cuộc sống của các gia đình, nhất là đám thanh niên mới lớn. Chính bởi tính cách hiếu kỳ, bồng bột, muốn chứng tỏ sành điệu mà nhiều thanh niên bị kẻ xấu dụ dỗ, dẫn dắt vào ma túy.

Chỉ sau một thời gian ngắn, từ một địa phương “trắng ma túy”, phường Chăm Mát đã có hàng chục thanh niên mắc nghiện. Ma túy đã làm nhiều gia đình tan vỡ, tài sản có giá trị “đội nón ra đi”. Không những thế, ma túy làm phát sinh tội phạm, ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân. Các cấp, các ngành của địa phương tìm mọi cách để ngăn chặn “cơn lốc đen” xâm nhập vào cuộc sống người dân, song không có kết quả.

Trần Văn Hiệp, sinh năm 1974 là thứ ba trong một gia đình có 6 người con ở tổ 23 - phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, nhà lại đông con nên Hiệp đã phải giúp bố làm phụ hồ từ khi còn nhỏ. Tuổi thơ của Hiệp là những tháng ngày vất vả, cơ cực. Chính điều đó đã rèn cho Hiệp đức tính cần cù, chịu khó. Hiệp được mọi người xung quanh, bạn bè cùng lớp thương yêu, quý mến. Mặc dù phải phụ giúp gia đình song Hiệp luôn dành thời gian để học tập và đạt nhiều thành tích cao.

Năm 1995, Hiệp trúng tuyển vào Trường Trung cấp In - Hà Nội. Bên cạnh việc học, Hiệp còn thường xuyên đi làm thuê lấy tiền trang trải cho cuộc sống và học tập. Anh chàng hiền lành, chăm chỉ người miền núi Hòa Bình đã được cô gái người Hà Nội có cái tên dễ thương là Chu Lan Phương, học cùng lớp “đưa vào tầm ngắm”. Phương thường bí mật dõi theo mọi hành động, việc làm của anh. Nhận thấy hoàn cảnh đáng thương của anh, cô thường hay giúp đỡ, cô vui vì mỗi khi anh vui, buồn mỗi khi anh buồn, và tình yêu đã đến với họ tự lúc nào mà cả hai đều không hay biết. Lúc đầu anh tự ti vì hoàn cảnh, bởi anh đến từ một môi trường khác xa với chốn phồn hoa, đô thị của Phương, nhưng bất chấp, Phương vẫn nhiệt tình, giúp đỡ anh làm cho anh bớt mặc cảm. Họ đã cùng động viên, giúp đỡ nhau, chia sẻ những điều vui, buồn trong cuộc sống, động viên nhau cùng tiến lên. Tình yêu của họ mới chớm nở đã phải đối mặt với sóng gió, cách trở…

Vợ chồng Hiệp, Phương có cuộc sống hạnh phúc.

Trong thời gian học tập tại trường, Hiệp có quan hệ với rất nhiều người tốt xấu lẫn lộn. Những người bạn xấu thường rủ rê anh đi chơi bời vô bổ, thậm trí vào những chỗ mà người đời cảm thấy ghê tởm, cho anh chơi những thứ mà theo bọn chúng gọi là “sành điệu”. Anh vô tư đón nhận những thứ đó mà không biết rằng đằng sau những sự giúp đỡ “thật lòng”, “hết mình” đối với anh, bọn chúng dần mua chuộc, lôi kéo anh lấn sâu vào con đường tội lỗi. Rồi điều gì đến đã đến, bọn chúng đã cho anh hút thứ thuốc mà giới dân chơi rất hay dùng, anh đã hút để chứng tỏ rằng, mình là một người đàn ông thực thụ, là dân chơi “thứ thiệt”. Anh đâu có biết rằng, chỉ sau một lần thử, anh đã không thể dứt ra được và những đứa bạn mà anh cho là “tốt” đang đắc trí, vì đã lôi kéo được anh.

Vào thời điểm này, khoá học sắp kết thúc cùng lúc cơn nghiện dày vò, giày xéo cơ thể khiến anh ngày càng suy sụp, tiều tụy. Kỳ thi tốt nghiệp cũng đã qua và anh may mắn thoát qua được “khe cửa” hẹp. Nhưng sau khi ra trường anh sẽ làm gì với thân tài ma dại, liệu có cơ quan nào can đảm nhận một người nghiện ma tuý như anh không? Liệu gia đình chị Phương có chấp nhận một anh con rể nghiện không? Những câu hỏi đó luôn xuất hiện trong đầu anh mà không có câu trả lời. Và vẫn là Phương, chị đã thật sự là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu với anh.

Năm 1998, trong khi Phương đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập tốt thì Hiệp trong tình trạng nghiện ngập. Gia đình Phương biết chuyện chị yêu Hiệp và chuyện Hiệp bị nghiện ma tuý đã phản đối kịch liệt, không cho chị tiếp tục quan hệ với anh. Thậm trí, gia đình Phương trực tiếp đến gặp Hiệp, oán trách, van nài anh buông tha cho con gái họ. Thế là chị Phương, ngoài giờ làm việc, chị không được đi chơi, không được nghe điện thoại, nhưng tình yêu và một niềm tin mãnh liệt đã giúp chị vượt lên tất cả. Chị đã tự mình lên Hoà Bình, gặp gia đình anh và tìm cách giúp Hiệp cai nghiện. Gia đình Hiệp đã nhờ nhà cậu là Bùi Xuân Thắng, ở Đống Đa - Hà Nội để cai nghiện, cậu mợ rất ủng hộ và cũng thường xuyên động viên, giúp đỡ Hiệp trong suốt quá trình cai nghiện. Hiệp cũng dần dần hiểu ra, nhất là khi người yêu anh đã cố gắng rất nhiều thì anh không thể làm cô thất vọng được, anh quyết tâm cai nghiện.

Về phía Phương, chị báo cáo xin cơ quan cho nghỉ phép để cùng Hiệp cai nghiện, bí mật cai nghiện cho Hiệp, không để gia đình biết. Thế là một tuần lễ, cô gái chân yếu tay mềm đã phải gồng mình giữ chân, giữ tay, chống trả lại cơn vật vã của Hiệp. Dứt cơn, Phương đã động viên anh, bồi bổ cơ thể, giúp anh dần quên ma tuý. Sau mỗi ngày như vậy, Phương cùng với cậu mợ thay phiên nhau động viên, giúp đỡ Hiệp. Những ngày vất vả nhất trong khi cai nghiện đã qua, 3 ngày cuối Hiệp đỡ dần, Phương vẫn luôn luôn túc trực bên anh, động viên anh, cho đến khi Hiệp không có biểu hiện vật vã nữa. Gia đình Phương cũng đã hiểu ra và không cấm đoán nữa, chị bàn với người thân giúp anh tìm việc làm. Những dịp anh về Hoà Bình, chính quyền, địa phương thường xuyên tới động viên, thăm hỏi, khuyên giải anh đoạn tuyệt với ma tuý.

Là người gần gũi, động viên từ ngày đầu Hiệp mắc nghiện, bác Trịnh Thắng – Bí thư Chi bộ tổ 23, phường Chăm Mát nhớ lại: Việc cai nghiện ma túy đã khó, tuy nhiên làm thế nào để Hiệp không tái nghiện càng khó khăn gấp bội phần. Tôi bàn với gia đình tìm việc làm để Hiệp tu chí làm ăn, quên đi cảm giác thèm thuốc, tránh xa với đám bạn xấu đang hý hửng lôi kéo Hiệp trở lại con đường cũ. Hiệp hứa quyết tâm đoạn tuyệt ma túy để làm lại cuộc đời, cũng là để bù đắp sự hy sinh của gia đình và người yêu dành cho anh. Từ thành công trong việc cai nghiện của Hiệp, chúng tôi đề nghị Đảng ủy, UBND phường Chăm Mát rút kinh nghiệm, nhân rộng nhằm xây dựng địa phương trong sạch và “nói không với ma túy”.

Cuối năm 2000, đám cưới của Trần Xuân Hiệp và Chu Lan Phương đã được tổ chức. Hai vợ chồng thành lập Công ty Mỹ thuật và Thương mại tổng hợp ở phường Ngọc Hà - Ba Đình - Hà Nội. Anh cho rằng, điều khó nhất là cai nghiện mà anh đã vượt qua thì không việc gì là không làm được. Khi đã có chút vốn, 2 vợ chồng mở rộng kinh doanh, tuyển thêm lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hiện công ty đã có bước phát triển vững chắc, khẳng định thương hiệu giữaTthủ đô đầy sôi động và náo nhiệt. Hạnh phúc đã đến với đôi vợ chồng trẻ bằng nghị lực và tình yêu chân chính.

Mỗi dịp lễ tết, 2 vợ chồng cùng con trai kháu khỉnh, tròn 10 tuổi về thăm gia đình ở Hòa Bình. Lần nào cũng vậy, bác Trịnh Thắng và người dân địa phương thường có mặt để động viên và chứng kiến thành công của 2 vợ chồng. Xen lẫn tiếng cười nói rôm rả, mọi người cùng nhau hồi tưởng quá khứ lầm lỗi mà Hiệp đã gây ra cho gia đình. “Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai”, đó là phương châm sống mà Hiệp luôn ghi nhớ để tiếp tục nỗ lực, cố gắng, gặt hái nhiều thành công cũng như xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc

Thu Hà
.
.
.