Giáo sư Nhật và hành trình gieo chữ trên đất Việt

Thứ Sáu, 30/05/2014, 16:00

Lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Việt Nam, Giáo sư Ken Uobe đã thật sự bị lôi cuốn bởi cảnh vật và con người. Đôi bàn chân bỡ ngỡ, những bước đi dạn dĩ khắp Sài Gòn của vị giáo sư người Nhật không chỉ để khám phá, không chỉ để tìm hiểu mà còn là để trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc tươi mới, đầy mơ mộng trên một xứ sở mà theo như Giáo sư Ken thì thú vị vô cùng. Từ lần đầu ấy đã mê hoặc vị giáo sư này để rồi ông có một quyết định táo bạo, gắn trọn phần đời còn lại của mình ở Việt Nam với nghề dạy học.

Định mệnh từ sự mê hoặc

Tôi gặp ông trong một buổi chiều nắng nhạt tại khuôn viên Chùa Lá quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), nơi ông đã có một quãng thời gian đầy ý nghĩa với lớp học ngoại ngữ cùng các em sinh viên Việt Nam. Giáo sư Ken vui vẻ, cởi mở và vô cùng hòa đồng với tất cả mọi người. Những rào cản về ngôn ngữ không hề làm xa cách mối quan hệ thân thiện, nhiệt tình với Giáo sư Ken. Và tôi cũng vậy, cuộc nói chuyện với giáo sư Ken phải nhờ người phiên dịch. Ngồi đối diện với vị giáo sư người Nhật này, tôi không hề có khoảng cách về ngôn ngữ, về vị thế thường được con người quy kết để phân định ranh giới trong xã hội. Giáo sư Ken luôn cười, luôn lắng nghe và dường như ông đã rất am hiểu về con người Việt Nam.

Tính đến nay, Giáo sư Ken Uobe đã ở Việt Nam được 5 năm. Ký ức về ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam được xem là cột mốc đáng nhớ trong chuyến hành trình của vị giáo sư này. Đó là những ngày giáp Tết âm lịch 2008 ở Việt Nam, Giáo sư Ken Uobe đặt chân đến Hà Nội. Trời miền Bắc khi ấy đang vào đợt rét đậm, ngoài cái lạnh tê tái, ông vẫn cảm nhận được sự ấm áp của con người đất Thủ đô. Một thời gian ngắn, Giáo sư Ken đành cất bước vào Sài Gòn vì ông nghe người ta nói, phương Nam đang có nắng ấm. Vừa đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Giáo sư Ken đã bị choáng ngợp bởi một thành phố sôi động, tấp nập cảnh xe cộ và bán buôn. Một cuộc sống ồn ào, náo nhiệt và một bầu không khí nắng ấm trải dài khắp nơi. Sự mê hoặc đã khiến Giáo sư Ken dạn dĩ sải những bước chân khắp đường phố Sài Gòn. Một điều nữa, giáo sư Nhật Bản nhận thấy ở Việt Nam, con người và cuộc sống giống với nước Nhật của ông quá.

Giáo sư Ken Uobe và lớp tiếng Nhật tại Chùa Lá.

Từ cách ăn mặc đến màu da đều có nét hao hao khiến ông cảm giác đây giống như ngôi nhà của mình. Cảnh vật và con người ấy khác hoàn toàn so với một số nước ông từng đi qua ví dụ như Malaysia, Thái Lan, Lào… họ mặc đồ kiểu khác và màu da cũng khác. Giáo sư Ken thật sự bị cuốn hút bởi nhịp sống đô hội của thành phố Sài Gòn. Ngoài đường là những dòng xe ngùn ngụt nối đuôi nhau không bao giờ hết, trong đó cả phụ nữ và đàn ông đều lái xe máy. Nước Nhật của ông thì khác, chỉ có đàn ông chạy xe máy thôi, còn phụ nữ hầu như không có.

Là một giáo sư chuyên ngành Nha khoa, Giáo sư Ken đã gửi thư mời đến các trường đại học của Việt Nam ngỏ ý muốn dạy học tại đây. Một thời gian sau thì Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Hùng Vương mời ông tham gia giảng dạy. Nhận được lời mời dạy học, Giáo sư Ken mừng quá reo lên, ông thuê một căn phòng rộng chưa đầy 20m2 ngay gần trường để tiện cho việc đi lại. Trong căn phòng khiêm tốn, chật chội chứa ngổn ngang sách, vị giáo sư Nhật luôn tìm thấy niềm vui không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống hằng ngày. Giáo sư Ken tâm sự: “Tôi sống một mình nhưng luôn có các bạn sinh viên chia sẻ. Các em đến phòng tôi, cùng học với tôi và cùng nhau nấu ăn. Thật là ấm cúng như một gia đình. Khi tôi ốm, hàng xóm xung quanh biết đã động viên, chia sẻ và giúp đỡ tôi chữa bệnh. Điều này, tôi chỉ thấy ở Việt Nam mà thôi”.

Nhận thấy việc học ngoại ngữ của các bạn sinh viên còn nhiều khó khăn, Giáo sư Ken đã chuyển hẳn sang dạy tiếng Nhật. Hơn năm tháng đầu tiên, ông Ken đi bộ dạy học. Đôi chân của vị giáo sư 61 tuổi này rong ruổi khắp các con đường, khu phố đến các điểm dạy tiếng Nhật trong một số trung tâm Ngoại ngữ ở TP Hồ Chí Minh. Người dân xung quanh khu vực Giáo sư Ken thuê trọ đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông thầy cao lêu nghêu sải những bước chân dài vững vàng trên đường. Một số trung tâm ở xa quá, Giáo sư Ken chọn giải pháp đi xe bus. Mỗi khi lên xe, dù còn ghế trống nhưng vị giáo sư này vẫn chỉ đứng. Nhiều người ngạc nhiên còn ông thì mỉm cười thoải mái.

Sang Việt Nam, Giáo sư Ken đã tập chạy xe máy và lái xe rất thành thạo.

Ông Ken có một sức làm việc phải nói là phi thường. Tôi hỏi ông già rồi sao chưa chịu nghỉ? Còn ông xua tay phản đối: “Đứng xem tôi là người già, tôi vẫn làm việc vẫn hoạt động bình thường như bao người khác. Tôi thấy mình đang còn sức khỏe, còn trí tuệ. Phải 10 năm, 20 năm hay hơn thế nữa hãy nói tôi già”.

Gieo chữ bên hiên chùa

Năm 2010, Giáo sư Ken tìm đến Chùa Lá trình bày nguyện vọng của mình là muốn được dạy tiếng Nhật miễn phí cho các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trước đó, Chùa Lá được biết đến là nơi học ngoại ngữ miễn phí của các em sinh viên do sư thầy trụ trì Thích Nhuận Tâm sáng lập. Thời gian đứng lớp ở Chùa Lá, Giáo sư Ken đã hòa cùng các bạn sinh viên vào mỗi bài giảng của mình. Không chỉ giảng về tiếng Nhật, Giáo sư Ken còn truyền lửa cho các học trò của mình về cách sống và làm việc. Lớp học của Giáo sư Ken luôn rộn rã tiếng cười. Ông truyền cảm hứng học tiếng Nhật cho các bạn sinh viên từ chính sự vui tươi, yêu đời và tràn đầy lạc quan của bản thân ông. Một tuần ba buổi lên lớp, Giáo sư Ken hầu như không vắng mặt ngày nào mặc dù đoạn đường từ nơi ông ở để đến Chùa Lá là cả một vấn đề. Ông bảo, càng ngày ông càng thấy yêu quý và cảm mến với các bạn sinh viên Việt Nam. Họ là thế hệ trẻ tương lai của đất nước nhưng họ rất chịu khó, cần cù và ham học hỏi cho dù cuộc sống của họ rất khó khăn, thiếu thốn.

Tình thầy trò, tình cảm gắn kết giữa một con người hoàn toàn khác tiếng nói, phong tục và những học trò nhỏ bé, hồn nhiên bên hiên Chùa Lá đã trở thành một khối liên kết chặt chẽ. Những ngày rảnh rỗi không đi dạy ở đâu, Giáo sư Ken lại được các bạn sinh viên mời về nhà nấu cơm cho thầy giáo Nhật ăn hay tập trung ở một điểm hẹn nào đó rồi cùng nhau đi chơi. Thế nên, mỗi ngày đối với ông là một ngày đầy ý nghĩa, luôn tràn ngập niềm vui. Tuy ở một mình nhưng đối với Giáo sư Ken không hề thấy cảm giác cô đơn, buồn phiền, trái lại ông rất thích cuộc sống như thế này ở Việt Nam.

Giáo sư Ken bật mí rằng, ông và vợ của mình có quy ước với nhau là cứ một năm vợ ông qua Việt Nam thăm chồng một lần và năm sau ông lại về Nhật với bà. Ông đã kể cho vợ mình nghe về đất nước và con người Việt Nam tuyệt vời như thế nào. Những ngày vợ sang thăm, ông dẫn vợ đi khắp Sài Gòn, cho bà ăn những món ăn đặc sản mà rất bình dị. Đó là những kỷ niệm khó quên ông dành cho vợ mình để bà luôn muốn sang Việt Nam nhiều hơn.

Hơn một năm trước, trên đường đến Chùa Lá dạy học, Giáo sư Ken bị tai nạn xe máy. Chiếc xe máy bị hư hỏng nặng, còn ông cũng bị trầy xước ngoài da. Từ đó, Giáo sư Ken rất sợ phải đi xe máy vào buổi tối nên ông đề nghị sư thầy trụ trì mở lớp ban ngày cho ông tiếp tục dạy. Nói đến việc dạy học, ánh mắt vị giáo sư ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc lấp lánh. Công việc khiến ông quên đi thời gian của tuổi già và sự cô đơn nơi đất khách quê người. Ông cho biết, tiền lương hưu của ông cũng đủ cho ông trang trải cuộc sống một mình ở Việt Nam, còn việc ông đi dạy chỉ là niềm vui. Tôi hỏi ông ý định khi nào thì về Nhật Bản, ông cười đôn hậu mà rằng: “Sẽ ở Việt Nam đến khi nào không còn sức khỏe nữa, vì mảnh đất và con người ở đây vẫn luôn là những thú vị không có giới hạn

Ngọc Thiện
.
.
.