Hạnh phúc là gieo mầm yêu thương

Thứ Hai, 04/03/2019, 09:33
Chàng trai Nguyễn Văn Lưu đã vĩnh viễn mất đi một chân sau tai nạn giao thông thảm khốc ở khu vực chân cầu Kiệu, TP HCM, năm 2016. Trước bi kịch phải gánh chịu, Lưu đã tự tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình bằng cách gieo mầm yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.


Tuổi đôi mươi là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, nhưng với chàng trai Nguyễn Văn Lưu ở Phù Cát, Bình Định thì đây lại là thời gian đớn đau và khó khăn nhất. Lưu đã vĩnh viễn mất đi một chân sau tai nạn giao thông thảm khốc ở khu vực chân cầu Kiệu, TP HCM, năm 2016. Trước bi kịch phải gánh chịu, Lưu đã tự tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình bằng cách gieo mầm yêu thương đến những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

Sinh năm 1994, ở tuổi 22, giống như nhiều bạn trẻ khác, Nguyễn Văn Lưu đã sớm bắt đầu cuộc sống tự lập với việc làm nhân viên cho một công ty vàng bạc đá quý ở quận Phú Nhuận. Anh cho biết mình từng là sinh viên Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Học năm nhất, do hoàn cảnh khó khăn, anh gác ước mơ giảng đường, đi làm sớm.

Ngày 12-9-2016, sau khi rời công ty, Lưu điều khiển chiếc xe máy theo hướng đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận để về nhà trọ. Khi đến khu vực chân cầu Kiệu, một chiếc ô tô 7 chỗ đi ngược chiều tông thẳng vào xe anh khiến cơ thể anh bầm dập và chân trái dập nát, phải cắt bỏ để giữ mạng sống.

Những ngày nằm trên giường bệnh, mọi thứ với Lưu sụp đổ. Anh cho biết mình như phát điên mỗi lần nhìn thấy cái chân bị cắt cụt tới đầu gối. Phải mất một khoảng thời gian dài, tâm lý Lưu mới ổn định trở lại. Anh chia sẻ: “Thay vì buồn đau, thôi thì kệ, cuộc đời quá ngắn, ta cứ mỉm cười và bước tiếp”.

Chân giả giúp Lưu có thể đi nhiều nơi và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Muốn có một nghề ổn định để có thể tự kiếm tiền nuôi bản thân cũng như không muốn làm gánh nặng cho người khác, Nguyễn Văn Lưu đã xin nghỉ việc, theo học nghề xăm hình nghệ thuật ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tại đây, khi biết được hoàn cảnh đáng thương của ông cụ tên Nguyễn Văn Tiến, 90 tuổi, sống cô độc, bệnh tật, không có gia đình, người thân bên cạnh, Lưu đã cùng các nữ học viên cùng lớp đến dọn dẹp, tẩy uế căn nhà cho cụ Tiến được sạch sẽ, khang trang. Không những thế anh còn ra phố mua đồ đạc, quần áo cho cụ đủ dùng trong mùa đông.

Thương cảm với hoàn cảnh cụ ông neo đơn, già yếu, phải nằm một chỗ, hàng ngày Lưu dậy từ rất sớm đi mua đồ ăn sáng mang qua nhà cụ Tiến để đút cho cụ ăn, lấy thuốc cho cụ uống, rồi mới đến lớp. Buổi trưa và tối, anh cũng mua cháo, mua cơm, và kiêm luôn việc tắm rửa giúp cụ… Cứ như vậy, suốt mấy tháng trời lưu trú tại Vĩnh Phúc, chàng trai trẻ khuyết chân xa lạ ân cần chăm sóc và trở thành chỗ dựa tinh thần cho cụ ông cô độc, đau yếu.

Không chỉ vậy, trước khi trở về quê, Lưu đã đi kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cụ ông một khoản kinh phí.

Học nghề xong, trở về quê nhà - mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió Bình Định, Nguyễn Văn Lưu nghe người ta nhắc đến cụ bà Lê Thị Tường, 96 tuổi, ở thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, Bình Định không có người chăm sóc nằm co ro đói khát… thế là anh đi tìm kiếm nhà cụ Tường. Sau 3 ngày anh đã tìm được đến tận nhà cụ. Cụ Tường nằm một chỗ, hơi thở thều thào, chân tay phù thũng vì di chứng của bệnh thận.

Lưu chia sẻ: "Sau khi biết được thông tin về cụ Tường tôi liền tìm tới nhà cụ. Khi tôi đến trong nhà cụ không có đồ dùng nào có giá trị ngoài một chiếc quan tài, 1 cặp đèn sứ và 1 di ảnh thờ của chính cụ. Cụ Tường nằm co ro trên chiếc giường tạm bợ thật sự rất thương tâm. Thấy cụ như vậy tôi đã tắm rửa, chăm sóc rồi dọn dẹp nơi cụ ở. Cụ không có gia đình người thân nào bên cạnh, thỉnh thoảng cụ được một đôi vợ chồng ở dưới quê lên giúp đỡ. Nhưng cũng may cụ được người dân, hàng xóm quan tâm. Ai có đồ ăn gì cũng đều mang sang cho cụ. Cụ ăn xong để đó hai ngày sau lại có người sang giúp cụ dọn dẹp".
Anh Lưu chăm sóc cụ Tiến như người ruột thịt.

Lưu cho biết việc làm của anh cũng khiến một số người nói ra nói vào nhưng anh không quan tâm điều đó. Việc làm của anh xuất phát từ tâm nguyện của mình nên anh không để ý tới lời họ bàn tán. Anh có công việc của mình và hơn nữa, việc anh làm không ảnh hưởng tới ai lại rất được gia đình ủng hộ.

Không chỉ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, Lưu còn miệt mài theo chân những đoàn thiện nguyện của các chùa, đến các viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ thăm những mảnh đời khốn khó hay đến các bệnh viện tự tay nấu cháo, nấu cơm phát cho bệnh nhân. Chỉ cần ở đâu có hoàn cảnh thương tâm, chàng thanh niên đó sẵn sàng có mặt, trao đi tình yêu ấm áp của mình, không một lời nề hà.

Lưu chia sẻ rằng hạnh phúc của anh không phải là kết hôn, sinh con mà là chứng kiến cuộc đời bớt đi một hoàn cảnh bất hạnh. Anh nói mình sẽ không lập gia đình vì sợ trở thành gánh nặng cho người khác. Và một khi đã lấy vợ thì mọi thứ đều phải san sẻ, như vậy, khó giúp ai được trọn vẹn. Thay vì chỉ hạnh phúc với một tổ ấm nhỏ, tại sao mình không trao điều đó cho cuộc đời?

Hà Thanh
.
.
.