Hành trình đến Paris bằng… xe máy của chàng trai Việt

Chủ Nhật, 05/11/2017, 14:31
Cán đích Paris – thủ đô của nước Pháp sau 150 ngày rong ruổi từ TP Hồ Chí Minh, đi qua 23 nước mà không gặp bất kì một tai nạn nào, Trần Đặng Đăng Khoa (30 tuổi, Tiền Giang) đang là một cái tên được nhiều bạn trẻ nhắc đến trong những ngày qua.


Chuyến đi của Khoa được đánh giá là khá liều lĩnh và nguy hiểm. Thế nhưng, qua những gì Khoa chia sẻ, có thể thấy anh đã chuẩn bị kĩ rất càng cho chuyến “phượt” đầy kì thú này…

2 năm chuẩn bị

Theo Trần Đặng Đăng Khoa, anh đã nuôi ước mơ thực hiện chuyến đi này từ khi còn rất nhỏ và dùng 20 năm cuộc đời để nuôi dưỡng ước mơ đó. Trước khi thực hiện chuyến đi, Khoa đã có những chuyến đi du lịch ngắn xuyên Việt hay đi vòng quanh 7 nước Đông Nam Á trong 21 ngày vào dịp Tết Nguyên đán năm 2015.

Ngoài ra, Khoa còn trau dồi khả năng giao tiếp tiếng Anh, làm quen nhiều bạn bè là dân du lịch ở nhiều nước để tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thêm ở trên Internet. Theo anh, vấn đề khó nhất trong chuyến hành trình chính là việc xin visa và giấy thông hành xe máy quốc tế.

Việc xin visa nước ngoài vốn đã không đơn giản, xin được giấy thông hành xe máy quốc tế đi vòng quanh thế giới như anh còn là điều khó khăn gấp nhiều lần. Hiện tại, ở Việt Nam không cấp phép loại giấy tờ này nên anh phải nhờ giúp đỡ để xin ở Malaysia và nhận được sự đồng ý trước Tết Nguyên đán 2017.

Hai tháng sau khi có giấy thông hành, Khoa phải cố gắng hết sức để xin được visa nhập cảnh ở nhiều nước. Do visa chỉ có một thời hạn nhất định nên chỉ cần gặp sự cố, chậm một chút so với lịch trình thôi là sẽ không kịp thời gian để khám phá những vùng đất mới.

Vì lí do đó mà Khoa quyết định xin visa theo kiểu “cuốn chiếu” để đảm bảo hành trình được diễn ra suôn sẻ, theo đúng kế hoạch. Khoa xin visa Iran khi đã tới Pakistan, xin visa Argentina và một số nước Nam Mỹ lúc dừng chân tại Pháp và tận dụng một số nước cho phép đăng ký visa online.

Với giấy thông hành tới châu Âu, vì có công ty cũ hỗ trợ nên Khoa không gặp nhiều khó khăn để có được visa xuất nhập cảnh nhiều lần trong 2 năm. Khoa xin trực tiếp visa Ấn Độ tại Tổng lãnh sự quán nước này ở Việt Nam.

Hồ sơ của anh không có vé máy bay hay đặt phòng khách sạn trước, nhưng bằng kế hoạch chi tiết và lòng quyết tâm, anh không mất nhiều thời gian để nhận được sự đồng ý. Đặc biệt, khi xin visa Pakistan, anh được Tham tán nước này hỗ trợ nhiệt tình. Một số nước châu Á như Iran, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ… cho phép đăng ký thị thực điện tử. Riêng Azerbaijan và Georgia cho làm e-visa trong 3 ngày, với giá 20 USD và phí.

Để thực hiện chuyến đi như vậy, Khoa cho rằng vốn tiếng Anh là yếu tố cực kì quan trọng. Anh cho biết: “Muốn xin visa một nước ít nhất du khách phải viết mail đàng hoàng hoặc đơn xin visa chỉn chu, lịch sự, thể hiện rõ mình muốn gì, gặp trở ngại gì để thuyết phục Đại sứ quán, Lãnh sự quán giúp đỡ”.

Dừng chân ở Paris.

Khoa cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình về loại visa Schengen, loại visa cho phép bạn nhập cảnh vào các nước thuộc khối Schengen theo Hiệp định khối Schengen thực thi từ ngày 26-3-1995. Các nước thuộc khối Schengen yêu cầu khách du lịch xin một visa chung. Visa này cho phép nhập cảnh vào khối. Sau khi xin được visa này, có thể đi được khoảng 40 nước thuộc châu Âu.

Nhiều nước Balkan miễn visa nếu du khách có visa Schengen. Khoa được xác nhận điều này khi đã tới Hy Lạp, vì vậy anh quyết định không tới Italia ngay như kế hoạch, mà bẻ cung đi qua Albania, Macedonia, Kosovo, Montenegro, Bosnia & Herzegovina, Croatia, Slovenia rồi mới qua Italia.

Vượt 20.000km                

Khoa cán đích Paris sau 150 ngày rong ruổi từ TP Hồ Chí Minh qua 23 nước mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào. Sau khi kết thúc chặng đầu tiên dài 20.000km, anh đã tiêu tốn 500 lít xăng, 25 chai nhớt, thay một cặp vỏ lốp. Khoa cho biết, người Việt Nam khi đi du lịch theo cách này cũng gặp nhiều khó khăn hơn công dân của một số nước phương Tây.

Nhưng từ thực tế của bản thân, Khoa kết luận: “Họ đi được thì mình cũng đi được, cần nhiều nỗ lực và chuẩn bị cũng phức tạp hơn, nhưng không có nghĩa là không thể. Hãy theo đuổi và chiến đấu cho giấc mơ của mình và những gì mình tin là đúng đắn. Đừng bỏ cuộc, vì mình chỉ sống một lần mà thôi”.

Fabio – một người bạn Khoa gặp ở Pakistan.

Hơn 20 ngày trước, khi Khoa đặt chân đến Rome (Italia), điểm đánh dấu hoàn thành 3/4 chặng đường từ TP. Hồ Chí Minh đến Paris, anh kể khi xưa đọc quyển “Du ký từ Roma đến Sài Gòn” của Giorgio Bettineli thấy rằng nó xa vời, tưởng rằng mình không bao giờ làm được. Nhưng rồi nó cũng chính là một trong những nguồn cảm hứng để anh bắt đầu hành trình này.

Trong chuyến hành trình đi qua nhiều nước như vậy, Khoa đã khám phá được nhiều điều mới lạ, cũng để lại những kỉ niệm vui buồn và những trải nghiệm chưa từng có trong cuộc đời. Một trong những kỷ niệm anh nhớ nhất là được cảnh sát Pakistan "hộ tống" khỏi vùng bất ổn.

Ban đầu, kế hoạch của Khoa là lấy visa Iran (điểm đến tiếp theo) ở Islamabad, thủ đô Pakistan, sau đó qua thành phố Lahore để rút ngắn chặng đường đến cửa khẩu Taftan. Tuy nhiên, đây là khu vực bất ổn, cảnh sát không cho phép đi một mình.

Do đó, xe máy của Khoa được đưa lên xe thùng, còn anh được cảnh sát hộ tống ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cả quãng đường 2.000km, có lúc anh đi xe máy, có lúc đi ôtô cảnh sát, tổng cộng anh đã được "chuyền tay" 20 lần.

Làm phi công cũng là một ước mơ hồi nhỏ của Khoa và anh đã thực hiện được trên hành trình này, khi đặt chân đến Bulgaria. Tại Trung tâm giải trí hàng không Belozem, Khoa đăng ký gói trải nghiệm lái máy bay cánh quạt vì biết giá rẻ bất ngờ, chỉ mất khoảng 750.000 đồng tiền Việt cho 10 phút bay.

Do ít khách nên các nhân viên ở đây cho phép anh trải nghiệm 30 phút với giá không đổi và hướng dẫn thao tác bay, đổi hướng, tăng giảm độ cao cơ bản. Là fan của game máy bay nên khi được ngồi trên buồng lái chiếc máy bay thực thụ, Khoa không tránh khỏi cảm giác lâng lâng, sung sướng.

Hòn đảo thiên đường Santorini (Hy Lạp) là hòn đảo đầu tiên Khoa đặt chân đến trên chặng đường. Với 3 đêm ở đây, anh đã tiêu tốn 67 euro cho mỗi lần phà, 23 euro cho mỗi đêm khách sạn, 40 euro tiền ăn và chi phí cá nhân, tổng cộng 243 euro (6,5 triệu đồng).

Khoa chia sẻ, ở đây, ngoài việc lang thang ngắm cảnh đẹp của hòn đảo thì có thể tham gia lặn biển hay thuê tàu đi đến các hòn đảo khác hoặc thử cảm giác cưỡi lừa tham quan. Do chi phí khá cao nên anh chỉ dừng chân nghỉ ngơi, chụp ảnh, tắm biển…

Tuy nhiên, với chàng trai này, việc khám phá một đất nước mới, tìm kiếm những trải nghiệm từ văn hóa và cuộc sống của người dân nơi đây mới là mục đích chính. Tại Bandipur, Nepal, Khoa đã có dịp trải nghiệm một đám cưới địa phương vào ngày thứ 18 của hành trình.

Anh kể khi lang thang ở thị trấn Bandipur nhỏ xinh trên đỉnh đồi thì thấy nhiều người mặc đồ rất đẹp và chỉnh tề, đoán có lễ hội. Đi một vòng, anh nhận ra có đám cưới, chính xác hơn là lễ rước dâu của một đám cưới truyền thống người Nepal theo Hindu giáo.

Theo Khoa tìm hiểu, ở Nepal, việc cha mẹ sắp xếp hôn nhân cho con cái vẫn còn rất phổ biến. Người chồng hoặc vợ được chọn dựa vào tình hình gia đình, học vấn, giai cấp... Ngày cưới sẽ được định sau khi xem ngày xong. Ở đây "bà mai" sẽ đại diện gia đình đến nói chuyện và nếu mọi việc xong xuôi, "bà mai" sẽ được thưởng hậu hĩnh.

Đám cưới Nepal có nhiều điểm tương đồng với một đám cưới ở Việt Nam như: cũng có "đám hỏi", tiệc nhà trai, nhà gái, rước dâu, lì xì cho cô dâu chú rể, làm lễ thờ thần linh, mâm cỗ, tặng trang sức, tiệc đãi khách. Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt.

Tại Georgia, Khoa có cuộc gặp gỡ bất ngờ với ca sĩ Hồ Quang Hiếu, trùng với dịp Hiếu du lịch Georgia khi lưu diễn châu Âu. Từ một người không quen, ca sĩ Hồ Quang Hiếu đã chủ động liên lạc với Khoa để tìm bạn đồng hành.

Trải nghiệm lái máy bay ở Bulgaria.

Còn với Khoa, bài hát "Nỗi nhớ cao nguyên", một trong những bài luôn có trong playlist để nghe khi cắm trại trong rừng hay trekking lên núi. Vậy là cả hai cùng nhau khám phá Tbilisic, thỏa những ngày anh lang thang một mình nơi đất khách.

Chắc chắc rằng, nếu độc hành hơn 20.000km thì ai cũng sẽ một lần rơi vào trạng thái chán nản và Khoa cũng vậy. Đã có những con đường khiến anh sợ hãi khi một mình đối mặt, nhưng rồi Khoa đã vượt qua được, một phần nhờ vào những người bạn, những con người thân thiện anh đã gặp trên hành trình. Khoa chia sẻ rằng: “Một chuyến đi không tính bằng số kilomet, mà tính bằng những người bạn. Đến nay mình mới thật sự thấm câu nói ấy”.

Lịch trình cho chặng đường kế tiếp của Khoa là lên Bắc Âu, sang Nam Mỹ, Trung Mỹ (có thể cả Bắc Mỹ), rồi sang Australia, về Đông Nam Á và trở lại Việt Nam trong 365 ngày tới. Một lộ trình khác là từ Ushuia, Argentina, Khoa mua vé đi Nam Cực, rồi từ Perth, Australia đi tàu qua Đông Phi, lang thang Kenya, Tanzania... xong đi tàu qua Mumbai, Ấn Độ rồi về lại Việt Nam. Tuy nhiên, các lịch trình có thể thay đổi do visa, thời tiết, tàu xe...

Việt An
.
.
.