Hành trình truyền lửa sống của nhà nhiếp ảnh một tay duy nhất Việt Nam

Thứ Ba, 16/04/2013, 16:58
“21 tuổi, bị thương tại chiến trường Tây Nguyên, chàng lính trẻ Bùi Đăng Thanh vĩnh viễn mất đi cánh tay phải của mình. Thời điểm ấy, đã có nhiều lần Bùi Đăng Thanh tưởng như không thể vượt qua được những khó khăn mà mình phải đối mặt. Thế nhưng không chỉ tự mình vượt qua được khó khăn, ông còn chiến thắng được rất nhiều thử thách mới. Và giờ đây nhà nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh còn tiếp tục con đường truyền lửa cho những người bạn trẻ, đặc biệt là những người đã không dưới một lần rơi nước mắt vì chính cơ thể không lành lặn của bản thân mình...”.

Đam mê không giới hạn

Sinh năm 1950 tại Thanh Hóa, Bùi Đăng Thanh lớn lên với chiếc máy ảnh và những thước phim của cha. Cha ông là một nhà nhiếp ảnh có tiếng tại Thanh Hóa. Năm 14 tuổi, nhận thấy cậu con trai mình bắt đầu có những niềm đam mê với nhiếp ảnh, cha ông đã dạy con những bài học đầu tiên về công việc cầm máy trong hiệu ảnh Bùi Thanh của gia đình. Ngày ấy, cậu bé Bùi Đăng Thanh thường được cha đưa đi theo mỗi lần chụp ảnh cho khác hoặc cùng cha làm ảnh buổi tối. Thật không may cha ông đã mất sớm, nhưng quãng thời gian dù ngắn ngủi ấy cũng đủ để Bùi Đăng Thanh nhận được từ cha mình rất nhiều điều, trong đó có niềm say mê về nhiếp ảnh vô tận.

16 tuổi, Bùi Đăng Thanh tạm biệt gia đình, đi theo tiếng gọi của đất nước, góp sức chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Ròng rã 5 năm tại chiến trường Tây Nguyên, năm 21 tuổi, trong chiến dịch mùa thu, ông đã bị thương và để lại cánh tay phải của mình cùng 57% sức khỏe tại nơi này. Trở về với cơ thể không lành lặn, dù những năm tháng ở chiến trường đã rèn dũa cho Bùi Đăng Thanh những sức mạnh, ý chí tuyệt vời, nhưng với tuổi đời còn rất trẻ, những ước mơ, khát vọng còn đang tràn ngập trong tâm hồn, đã có rất nhiều lúc ông cảm thấy thất vọng, thấy bất lực, thậm chí đã nghĩ tới cái chết. 

Nhưng chiến tranh khốc liệt không hạ gục được một người lính, còn may mắn hơn bao đồng đội, đươc trở về dù không lành lặn, chẳng có gì có thể đánh gục được ông. Bùi Đăng Thanh đứng dậy, chấp nhận sự thật rằng giờ ông chỉ còn cánh tay trái. Ông bắt đầu tập làm mọi việc trong cuộc sống bằng chính cánh tay còn lại của mình. Đặc biệt, ông bắt đầu cầm bút tập viết và theo học tiếp chương trình phổ thông bị bỏ dở. Không những thế, ông thi đỗ điểm cao vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Và sau khi tốt nghiệp, ông đã về công tác tại Bộ Lương thực Thực phẩm. Bùi Đăng Thanh giờ đây có thể làm mọi thứ mình muốn bằng cánh tay trái còn lại bằng cách không ngừng luyện tập, kể cả niềm đam mê nhiếp ảnh của mình.

Dù vì hoàn cảnh ông phải xa rời chiếc máy ảnh của cha để lại một thời gian, nhưng niềm đam mê chưa bao giờ tắt trong ông. Không những thế cuộc sống gian khổ như vun đắp thêm những khao khát trong con người ông, nuôi dưỡng thêm những đam mê trong trái tim con người ấy. Khi ông bắt đầu dùng một cánh tay để tìm cách chụp ảnh, nhiều người không tin rằng ông có thể làm được. Dùng một tay để giữ yên được chiếc máy ảnh đã khó, nâng đúng góc độ, điều chỉnh và bấm sao cho đúng được ý của người chụp còn khó hơn gấp nhiều lần. Nhưng chẳng có gì ngăn được Bùi Đăng Thanh. Với sự giúp đỡ của phần cánh tay phải còn lại, ông dùng tay trái vừa đỡ máy ảnh vừa bấm máy. Đã có nhiều lần cánh tay trái mỏi rã rời, ảnh chụp ra không được như ý muốn, nhưng những ngày tháng say mê học nhiếp ảnh cùng cha hiện về khiến ông như được tiếp thêm một sức mạnh vô hình để tiếp tục cầm máy ảnh đứng dậy.

Khi cảm thấy làm chủ được chiếc máy, Bùi Đăng Thanh quyết định lựa chọn con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Chính lúc này ông mới cảm nhận hoàn toàn hết được giá trị của nhiếp ảnh: khiến cuộc đời tươi đẹp hơn. Cũng chính vì vậy, trong suốt 40 năm cầm máy của mình, nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh luôn trân trọng chắt chiu những vẻ đẹp của cuộc sống bằng cách lưu giữ những khoảnh khắc quý giá qua những tấm hình của mình. Nhìn những tác phẩm tuyệt vời của ông, người ta tự hỏi ông đã làm thế nào để có được chúng. Không chỉ bởi bàn tay trái tác nghiệp thuần thục, ông còn đánh đổi chúng bằng rất nhiều mồ hôi và công sức. Sức khỏe không được tốt, vết thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời. Thậm chí để có được một bức ảnh có góc độ đẹp, độc đáo, có những lần ông đánh đổi cả tính mạng của mình. Có những lần để “săn” được một khoảnh khắc dọc đường mình đi, nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh đã từng phải tự viết giấy cam đoan tự chịu trách nhiệm về tính mạng của mình để được leo nhờ lên mố cầu đang xây dựng nhằm ghi lại được một hình ảnh đẹp mà ông không thể bỏ lỡ.

Thày Đăng Thanh cùng các học trò tại trung tâm Vì ngày mai.

Rong ruổi khắp chiều dài đất nước trong suốt hơn 40 năm, những thành tích mà ông đạt được cho tới nay không những là thành quả của sự đam mê, của tài năng và công sức lao động của một người nghệ sĩ. Những thành tích ấy còn là sự chiến thắng thử thách, chiến thắng định mệnh và số phận của một con người đặc biệt. Đến nay ông đã đoạt trên dưới 47 giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước, với thành tích ấy ông đã được phong tước hiệu Nghệ sỹ Xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (E.VAPA) và tước hiệu nghệ sỹ của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (A.FIAP), danh hiệu mà bất cứ nhà nhiếp ảnh nào cũng mơ ước. Nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh đã tổ chức hai cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân năm 2007 và 2011. Đặc biệt, ngoài việc cầm máy để ghi lại vẻ đẹp của cuộc đời, ông còn đang bền bỉ trên con đường truyền lửa và giúp thêm nhiều người cùng cảm nhận được những vẻ đẹp ấy.

Con đường truyền lửa sống

Tại những danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Hà Nội như Hồ Gươm, Văn Miếu, những người thường xuyên có mặt ở đây có thể nhận ra một người thày giáo rất đặc biệt tận tình hướng dẫn, điều chỉnh cho các bạn trẻ những góc độ để có được những bức ảnh đẹp nhất. Chụp được bức hình nào đẹp, các bạn trẻ lại vui sướng ra khoe ngay với người thày mà họ yêu mến gọi với cái tên “thày giáo tóc xù”. Nghề nhiếp ảnh của nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh còn được ghi dấu với công việc giảng dạy. Ông tham gia dạy nghề nhiều khóa cho Hội người khuyết tật Việt Nam, là chuyên gia đào tạo của Liên Hợp Quốc (từ năm 2005), và của Ủy ban y tế Hà Lan - Việt Nam (từ năm 2006) theo Dự án truyền thông sáng tạo cho Thanh niên khuyết tật, sinh viên tình nguyện ở Việt Nam. Hiện nay ông vẫn đang giảng dạy môn Nhiếp ảnh, quay phim ở các trường đại học.

Phải nói rằng công việc giảng dạy đối với nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh là một công việc vô cùng đặc biệt. Không chỉ bởi ông muốn chia sẻ với thế hệ trẻ niềm đam mê nghệ thuật, cách nhìn cuộc sống tươi đẹp. Mà đặc biệt trong công việc giảng dạy những em học sinh khuyết tật, không những ông góp phần chia sẻ thiệt thòi, giúp các em có thêm tự tin, hòa nhập với cuộc sống.

Với cương vị của một người thày giáo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh lại thấy mình “được” nhiều hơn cả, khi chính ông cảm thấy mình học được nhiều điều từ những em học sinh khuyết tật, thiệt thòi. Bản thân ông cũng đã có những thời gian khó khăn vươn lên trong cuộc sống, nhưng nhìn những bạn trẻ thiệt thòi, bất hạnh hơn mình rất nhiều, ông lại thấy những gì mình trải qua chưa là gì cả. Cứ thế, ông vừa dạy, vừa học, vừa làm bạn với các em học sinh khuyết tật.

Nghệ sỹ Bùi Đăng Thanh tự nhận mình có lợi thế hơn các giảng viên khác bởi ông cũng là một người khuyết tật. Đến với lớp học nhiếp ảnh cho học sinh khuyết tật tại Trung tâm Vì ngày mai mà ông đang tham gia giảng dạy, chúng tôi đến vào một tiết thực hành chữa bài. Trước một bức ảnh do học sinh chụp với người mẫu là chính học sinh tại trung tâm với cánh tay khuyết tật được giấu ở sau lưng, nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh cất giọng trầm ấm mà đầy vui vẻ: “Giấu tay sau lưng thế này làm dáng đứng rất xấu. Ta có khuyết tật ở tay, nhưng chẳng việc gì phải ngại ngùng cả. Ta phải tự hào về điều đó bởi khuyết tật mà làm được những điều như người bình thường mới là tuyệt vời”.

Chúng tôi nhìn thấy gương mặt cô học trò sáng lên và một nụ cười nở trên môi. Nếu là một giảng viên bình thường, nói lên điều đó chưa chắc đã đủ sức thuyết phục cô học trò nhỏ. Và cũng không chỉ bởi những sự đồng cảm trong cuộc sống mà bản thân thày giáo Bùi Đăng Thanh đã chứng tỏ điều mình nói bằng chính cuộc đời của mình.

Người nghệ sỹ nhiếp ảnh ghi dấu trong cuộc đời bằng những tấm hình. Người thày giáo đóng góp cho cuộc đời bằng sự trưởng thành của các em học sinh. Thày giáo Bùi Đăng Thanh đã có những người học trò khiến ông không thể nào quên như một học trò của ông khi ông còn dạy ở Liên hiệp quốc bị bại não, đứng không yên, nhưng đã tìm cách chụp được ảnh, có ảnh đăng báo. Những cái tên như: Trung “xe lăn” rất đam mê nhiếp ảnh, anh Hải là một thương binh nhưng đang phấn đấu vào Hội Nhiếp ảnh Hà Nội. Hay bạn Tuyên ở Cao Bằng không đi được bằng 2 chân, phải đi lại bằng một chiếc ghế nhưng đã mở được một tiệm ảnh, vừa chụp ảnh cho khách, vừa làm hoa giả để bán. Đặc biệt có những bạn học sinh khuyết tật là người dân tộc như bạn BLoen ở Đắk Lắk bị câm điếc nhưng học rất thông minh, bạn Huân là nạn nhân chất độc da cam, dân tộc Nùng ở Cao Bằng... Tất cả những người học trò tuyệt vời ấy là niềm tự hào của người thày giáo có tên Bùi Đăng Thanh.

Vừa mới đây nghệ sỹ Bùi Đăng Thanh đã được mời vào làm một trong những thành viên Ban giám khảo cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” tìm ra được hoa hậu của người khuyết tật. Lịch trình của ông sẽ còn bận rộn hơn rất nhiều trong những ngày tới. Và chắc chắn một điều rằng dù đi đâu, làm gì, ông vẫn luôn là người truyền lửa sống, ngọn lửa của ý chí, của niềm tin và những gì đẹp đẽ nhất trong cuộc đời tới rất nhiều người khác nữa

Trà Hương
.
.
.