Hiền “đồng nát” và những bươn chải cuộc đời

Thứ Năm, 24/04/2014, 13:30

Tôi khá bất ngờ, khi gặp nữ giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiền Lê, bởi một vóc dáng trẻ trung và phong cách linh hoạt, sôi nổi khi trò chuyện. Đã ngoại ngũ tuần, nhưng chị Nguyễn Thị Bảo Hiền vẫn còn giữ được nét tự tin, lạc quan của một bản lĩnh người chiến sĩ năm nào. Cứ gọi tôi vắn tắt là Hiền “đồng nát”. Chị khẳng định thì cho đến nay, mình vẫn là một bà già buôn bán đồng nát thứ thiệt. Tôi thấy lạ, nhưng lại vui và mến cảm chị làm sao....

Những ký ức sôi nổi một thời chiến binh

Cho đến tận bây giờ, Bảo Hiền vẫn không giải thích nổi, vì sao ngày ấy mới 15 tuổi mà mình đã nhập ngũ. Xã kêu gọi và tuyển chọn. Bố động viên và thúc giục. Thế là cô bé xinh đẹp Bảo Hiền lên đường, với những ước mơ được đứng vào hàng ngũ của những nữ chiến sĩ đầu tiên, của xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Đó là câu chuyện cách đây 42 năm, khi nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, cô học trò lớp 7 Bảo Hiền đã trở thành một chiến sĩ “nhí”, khác với chúng bạn cùng trang lứa. Cô ăn cơm lính, mặc áo lính và được tiếp tục học tập dưới mái trường quân đội. Khi vừa tròn 18 tuổi, Bảo Hiền trở thành một báo vụ viên thuộc binh chủng Phòng không-Không quân.

Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất hoàn toàn đất nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi vẻ vang, nữ chiến sĩ báo vụ thông tin Bảo Hiền cũng ngày một trưởng thành và trở nên vững vàng trong cuộc sống và công tác. Một tính cách sôi nổi, đầy nhiệt huyết và năng động trong mọi công việc được giao, đã hình thành trong người nữ chiến sĩ này. 

Thế rồi thời gian trôi qua, đã 23 năm tuổi quân, Thiếu tá Nguyễn Thị Bảo Hiền được xuất ngũ, năm 1994. Chị trở về với gia đình nhỏ bé của mình, với tất cả tình yêu của người chiến sĩ, sau hàng chục năm gắn bó. Khi đó, Bảo Hiền đã là mẹ của hai cậu con trai. Chồng của chị cũng là một người chiến sĩ tiếp tục sự nghiệp của mình, nên một mình chị phải lo toan và bắt đầu một cuộc sống mới, để chèo chống với những khó khăn trước mắt, cùng với miếng cơm manh áo và những ngày tháng học tập của những người con. Một người lính với tính cách mạnh mẽ, chị tự tin trong cuộc mưu sinh với gia đình thân yêu của mình, trong những năm tháng mở đầu của thời cơ chế thị trường, khá cởi mở nhưng cũng đầy bất trắc.

Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền.

Thất bại đầu tiên và triết lý kinh doanh

Ngỡ như với đời lính 23 năm, dạn dày và táo bạo, Bảo Hiền bắt đầu dấn thân vào cuộc chiến thương trường. Đó là những chuyến đi cất hàng quần áo vải vóc từ biên giới để về bán tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội. “Một vốn bốn lời”, đó là lý tưởng bao đời nay của những người buôn bán theo đuổi. Buôn hàng gì với vốn liếng sẵn có của mình và nghệ thuật giao tiếp trong thương trường ra sao, tất cả đều như mới bắt đầu đối với Bảo Hiền.

Với tính cách mạnh mẽ, Bảo Hiền quyết tâm với ý chí, phải làm nên cơm cháo cho gia đình mình, bằng những dự định bất ngờ. Ngày mỗi ngày, cùng những chuyến đi mua hàng với nguyên tắc, buôn tận ngọn bán tận gốc. Đêm lại đêm, những toan tính và bươn chải với chợ búa và thích ứng với những thói đời thị dân, Bảo Hiền càng thêm say sưa trong việc kiếm tiền làm giầu. Dường như chị dồn hết tâm sức, tiền bạc, kể cả đi vay mượn để tăng khối lượng hàng nhằm kiếm một số lãi lớn.

Ai dè sự cố bất ngờ đã xảy ra. Một bài học đâu có ai dễ lường. Chợ Đồng Xuân bị cháy. Nhiều tiểu thương chết đứng vì bao vốn liếng bị thiêu sạch. Bảo Hiền cũng vậy chỉ biết kêu than giữa trời. Nhưng trời nào có thấu. Giữa cơn phong ba của ngọn lửa thương trường, Bảo Hiền cam chịu nỗi đắng cay, vỡ nợ và trắng tay. Lại ngẫm, không bài học nào giống bài học nào, nhất là sự thất bát thua cuộc trong làm ăn. Sạt nghiệp kèm theo nợ nần. 

Không ngờ, trong căn hầm tối của thị trường, Bảo Hiền đang mò mẫm tìm đường ra, thì có một tia hy vọng lóe sáng. Ấy là một lời khuyên, hay một triết lý trong kinh doanh mà Bảo Hiền đã nhận được, từ một người bạn trong một cuộc gặp gỡ, nhân Ngày thành lập quân đội 22-12. Khi gặp, người bạn đó cũng có kinh nghiệm trong kinh doanh, biết chuyện xui xẻo của Bảo Hiền đã khuyên chị cần phải vững vàng đứng dậy, và làm lại từ đầu. Làm như thế nào, Bảo Hiền thật như vớ được cọc trong cuộc đua đuối sức dười dòng nước chảy xiết, thì người bạn nói: Trong cuộc cạnh tranh thị trường, chớ giẫm vào những bước chân của những người đã đi trước. Bắt chước họ, theo như họ thì khó mở mày mở mặt, mà hãy đi vào những khoảng trống của những kẽ chân mà họ đã đi và không thể lấp đầy.

Nghĩa là hãy bắt đầu tưởng như nhỏ nhoi, nhưng mình có con đường riêng và ít có sự cạnh tranh dữ dội. “Nghe hay thì thực là hay, xem ra mình phải bắt tay từ đầu”. Chọn khe trống nào đây. Và lại có người gợi ý một mạch nguồn mới. Một kẽ chân còn rộng đường một mình một ngựa, thế là Bảo Hiền bắt đầu cho một trận đánh mới, cứ như trong thời chiến vậy. Bí mật. Trăm trận đánh trăm trận thắng. Bảo Hiền hối hả đi thuê đất để bắt đầu dàn trận. Trận đánh nào vậy?

Hóa ra chuyện “buôn thất nghiệp lãi quan viên”

Chuyện dùng vốn ít để buôn hàng, mà lại bán được lãi nhiều, quả không dễ. Người xưa mách bảo là thế, nhưng vận dụng lại cần một bản lĩnh và một sự dấn thân, chứ không phải là sự hứng thú. Nhưng có lẽ, Bảo Hiền đã có một bản lĩnh của người chiến sĩ, được trui rèn hàng chục năm, để bắt đầu một công việc; mà  mới nghe nói đã thấy sự thấp hèn, theo quan niệm trong xã hội bấy lâu nay, đó là mua bán đồng nát. 

Thì ra mọi bí mật lại nằm ở phương thức “đồng nát” của Bảo Hiền ra sao? Chính là ở chỗ, chị đã có một nguồn hàng buôn bán, đó là khối lượng phế liệu khổng lồ từ các khu công nghiệp lớn. Tại mảnh đất chị thuê ở làng Dương Nội bắt đầu những cuộc thu gom như thế, từ những năm 1999, với bao ý tưởng mạnh dạn và mới mẻ của người chị cả Bảo Hiền ngày đó, đối với những chị em cùng chung lưng gánh vác từ đầu tiên. Khi đó, người dân trong làng đều chỉ gọi chị là Hiền “đồng nát”, vì thế.

Nhưng điều quan trọng để làm ra “lãi quan viên” không dễ từ những đồng vốn “buôn thất nghiệp” ấy. Tìm được đầu ra, và nghĩ ra những phương thức bán hàng từ “đồng nát” mới coi là một thành công. Và, điều mới lạ ở Bảo Hiền chính ở chỗ khác người, đó là việc xử lý và chế biến những thứ đồng nát mua được, trở thành sản phẩm hữu dụng, trong đời sống. Lúc đó mới có cái lãi “quan viên” thật sự. Vậy là cái tổ thu mua ban đầu đã trở nên chật trội và không đáp ứng được ý tưởng mới và rất táo bạo của người nữ chiến sĩ năm xưa. Một công ty phải ra đời, mới có đủ tư cách pháp nhân khi thu mua phế liệu, phế thải tại các khu công nghiệp và mở rộng phạm vi hoạt động trong kinh doanh.

Chị Hiền “đồng nát” ngày nào giờ đã trở thành bà Giám đốc Công ty Hiền Lê, đóng đô ngay trên mảnh đất đã khởi nghiệp, từ những ngày đầu tiên với những mẻ thu mua sắt vụn và giấy báo, tại làng Dương Nội. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê được thành lập năm 2003, từ những yêu cầu phát triển lớn mạnh và ý tưởng mạnh mẽ của Giám đốc Nguyễn Thị Bảo Hiền, trên con đường dựng nghiệp doanh nhân.

Chỉ kể tới vài con số qua các hạng mục, trong 2012 và 6 tháng năm 2013, mới hay con đường mà Công ty Hiền Lê thật tươi sáng và khẳng định một tương lai rộng mở. Hiện tượng này thêm một lần, ghi nhận tư tưởng kinh doanh của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền rất thành công. Đó là câu chuyện về lương tâm của một môi trường sạch đẹp cho cộng đồng. Còn về nguyên tắc làm ăn, bao giờ người nữ giám đốc này cũng luôn giữ cho một môi trường kinh doanh “sạch”, lấy chữ tín làm đầu, không chỉ với các nhà máy của Nhật hay Đài Loan... mà còn với bất kể đối tác nào khác.

Tôi thành công, 90% nhờ chồng và các con

Chị đã nói thế, tưởng như chỉ là sự “lên hương” cho câu chuyện. Thấy tôi nhìn ánh mắt phân vân, chị nói ngay rằng: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, với đúng nghĩa của nó, dường như tất cả những cơ ngơi của công ty mẹ và hai công ty con, đều do một tay ông xã đứng ra trông nom xây dựng. Chị giải thích, chồng mình cũng là bộ đội xuất ngũ và đã từng làm các công trình trong đơn vị trước đây, nên khá thành thạo công việc xây dựng nhà xưởng. Anh còn là Phó Giám đốc giúp việc cho vợ trong nhiều việc hệ trọng khác. Đồng thời, hai con trai của anh chị cũng tham gia dựng nghiệp, và phát triển công ty. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai đều là Giám đốc của hai công ty con trực thuộc và sản xuất theo kế hoạch kinh doanh tổng thể của công ty mẹ Hiền Lê. Chưa hết, ngay cả cô con dâu cũng tham gia quản trị công ty với mẹ và chị nhấn mạnh cháu cũng giỏi giang lắm và biết làm ăn.

Ngay lúc đó, một cú điện gọi về, chị nói chuyện một thôi một hồi về công việc, mà chồng mình đang điều hành, tại xưởng máy tận Hải Dương. Thì ra hôm nay chị có cớ ở nhà, không phải chỉ để trò chuyện với tôi, mà còn chờ tiếp đón gia đình thông gia nhà trai đến, để bàn chuyện cưới xin cô con gái, mà chị đã nhận nuôi dạy và học hành đến nơi đến chốn, tốt nghiệp đại học và bây giờ là lấy chồng.

Chị kể trước đây mình đã từng nuôi một người con gái khác, nhưng lại mang bệnh hiểm nghèo, và bị mất trong một bệnh viện ung thư. Chính vì lẽ đó, mà chị đã từng tài trợ không ít cho bệnh viện này, vì tình thương yêu và hết lòng chia sẻ với những người mang tai họa, vì bệnh ung thư. Vậy nên, với người con gái nuôi thứ hai này, chị lo hết. Vất vả là thế! Ai bảo chị hay cáng đáng cho mọi người và ham công tiếc việc và nghĩ ra mọi ý tưởng trong kinh doanh. Có người nói vậy, chị cười rồi bộc bạch, các cụ chả nói là gì, một người biết lo bằng một kho người làm mà, thì cái số tôi nó thế

Thành Long
.
.
.