Hiệp sĩ giao thông trên ngã tư "tử thần"

Thứ Hai, 07/11/2016, 10:22
Dù nắng hay mưa, đêm hay ngày, anh miệt mài với công việc mà mọi người thường gọi là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" trên tuyến đường 70.


Hơn 10 năm gắn bó với tuyến đường, cứu sống nhiều người gặp tai nạn, phân luồng giao thông trong những giờ cao điểm, mọi người vẫn gọi anh Nguyễn Sĩ Cường với cái tên "Hiệp sĩ giao thông".

Dùng chổi cùn để phân luồng giao thông

Chúng tôi đến ngã tư Canh (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) vào đúng giờ cao điểm, xe cộ qua lại như mắc cửi. Tiếng người hò hét nhau, tiếng còi xe inh ỏi khiến cả ngã tư trở nên náo loạn.

Từ phía đằng xa, một tài xế xe tải nói vọng ra "Anh Cường giao thông đi đâu mấy hôm nay vậy? Đường sá loạn quá". Hỏi ra mới biết vị "hiệp sĩ giao thông" ấy đổ bệnh sau một trận mưa khi đứng giữa ngã tư phân làn.

Anh Cường vui vẻ kể lại việc được Cảnh sát giao thông tặng chiếc gậy.

Quán phở nhỏ của gia đình anh Cường nằm ngay ngã tư Canh nổi tiếng không phải vì hương vị đặc biệt mà vì chủ nhân của nó. Biết chúng tôi tìm hiểu về việc tự nguyện phân làn, cứu giúp người gặp nạn, anh trở nên phấn chấn như thể trong người chẳng có bệnh.

Anh Nguyễn Sỹ Cường sinh ra và lớn lên chính ngã tư Canh, nơi được mệnh danh là "ngã tư tử thần". Tại đây, vào những giờ cao điểm tắc đường xảy ra như cơm bữa, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng không phải là hiếm.

Chứng kiến cái chết của những người còn rất trẻ, những vụ tai nạn thương tâm, anh đã nung nấu trong người phải làm việc gì đó để giảm ùn tắc, giảm những vụ tai nạn giao thông thương tâm.

Anh quyết định tự nguyện ra ngã tư phân luồng, hướng dẫn giao thông. "Tôi làm hàng ăn nên công việc rất bận, lúc nào cũng phải luôn chân tay. Tầm sáng này ra là lúc đông khách nhất thì lại đúng vào lúc đường tắc nhất.

Dù bận nhưng tôi không thể đừng được, phải ra đó để phân luồng. Cũng chỉ vì ý thức của người tham gia giao thông, chẳng ai nhường ai cả" - Anh Cường chia sẻ.

Ban đầu việc làm của anh khiến nhiều người tò mò, thậm chí còn thấy khó chịu. Người thì chửi anh "vô công rồi nghề", kẻ thì nói anh "không có quyền gì mà ra ngã tư chỉ đạo". Dù vậy nhưng người đàn ông đặc biệt ấy không nản chí, không bỏ cuộc.

Anh luôn tâm niệm rằng, làm dần, làm mãi mọi người sẽ hiểu anh và nghe theo. "Nhiều hôm tự ái, người ta nói vậy tôi bỏ về nhà ngồi, nhưng chứng kiến cảnh ùn tắc kéo dài, còi inh ỏi là lòng lại không yên, lại phải ra đường đứng hướng dẫn giao thông"- Anh Cường tâm sự.

Những ngày đầu "vác tù và hàng tổng" anh bị vợ phản đối quyết liệt, đặc biệt là vào những lúc đông khách anh lại bỏ đi điều tiết giao thông.

Chị Nguyễn Thị Kim Uyên (45 tuổi) nói về chồng mình: "Anh ấy chẳng được cái gì từ việc làm này cả. Bỏ hết cả việc nhà, nhiều hôm không ai phụ giúp tôi bán hàng, khách chờ có khi còn bỏ cả đi, thế mà chồng cứ mải miết cầm gậy ở ngã tư.

Những ngày đầu hai vợ chồng cãi nhau liên tục vì chuyện này, nhưng dần dần thấy anh ấy làm được việc tốt, không còn cảnh tắc đường, tôi cũng dần quen và thấy vui hơn. Vui nhất là mọi người biết đến việc làm của anh ấy.

Rất nhiều lần người lạ đến quán phở ăn rồi hỏi: Đây có phải nhà của anh "hiệp sĩ giao thông không", rồi họ xin chụp ảnh kỷ niệm với gia đình. Đó là phần thưởng chẳng gì quý giá bằng, bây giờ mọi người trong nhà rất ủng hộ anh ấy".

Đưa cho chúng tôi chiếc gậy điều tiết giao thông, anh Cường cười hạnh phúc: "Đây là chiếc gậy của một anh Cảnh sát giao thông tặng. Tôi vui lắm, có cái gậy này đi điều tiết giao thông thấy chuyên nghiệp hơn.

Người đi đường cũng chấp hành hơn". Những ngày đầu đi điều tiết giao thông, anh Cường khiến nhiều người bất ngờ khi dùng chiếc que củi, chiếc chổi cùn, thậm chí xách cả điếu cày ra ngã tư.

Cứ như thế, hơn 10 năm nay, hình ảnh anh Nguyễn Sĩ Cường trở nên thân thương với mọi người. Nhắc đến anh Cường ai nấy cũng xúc động và cảm phục trước sự hy sinh của anh.

Bức ảnh anh Cường trong buổi trao tặng danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" được gia đình lồng khung trang trọng.

Anh là người hiểu hơn ai hết những khó khăn của người tham gia giao thông khi qua ngã tư này. Bất kể nắng hay mưa, hễ có hiện tượng ùn tắc là anh ra đường hướng dẫn, điều tiết giao thông.

Bác Ngô Văn Chính (Vân Canh, Hoài Đức) chia sẻ: "Việc làm của anh Cường không chỉ giảm được ùn tắc, giảm tai nạn giao thông mà còn lay động được ý thức của người dân. Thấy hành động của anh ấy, mọi người đều tự nhủ mình cần phải có ý thức hơn khi tham gia giao thông".

Cứu sống hàng chục người bị tai nạn

Anh Cường không chỉ được biết đến là người điều tiết giao thông, anh còn là một "hiệp sĩ" cứu sống hàng chục người nguy kịch khi xảy ra tai nạn giao thông. Riêng năm 2016 anh đã sơ cứu cho 4 trường hợp lái xe máy say rượu tự ngã hoặc đâm vào ôtô tại ngã tư Canh.

Anh kể, vào năm 2013, khi ấy mới 4 giờ sáng, anh dậy sớm để chuẩn bị đồ cho quán phở của mình. Trời lạnh căm căm, đường còn vắng tanh thì bỗng nghe tiếng "rầm" rất lớn.

Tá hỏa chạy ra thì phát hiện 1 người đi xe máy đâm vào ôtô, người văng ra hàng chục mét. Anh nhanh chóng kiểm tra nạn nhân, nhận thấy đây là một người đàn ông khoảng 50 tuổi, tim vẫn còn đập.

Anh nhanh chóng sơ cứu, hô hấp, day vào ngực, bấm huyệt sau đó gọi xe cho đi cấp cứu. May mắn nạn nhân được sơ, cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Anh Cường cười hạnh phúc: "Khoảng hơn 1 tháng sau, có một người đàn ông khoảng 50 tuổi, dẫn vợ con qua nhà tôi cảm ơn, ông ấy có biếu 1 quả dưa.

Hỏi mãi mới biết đây chính là người đàn ông gặp tai nạn lúc 4 giờ sáng cách đó 1 tháng. Nhiều người được tôi cứu có quay lại cho tiền nhưng tôi không nhận. Nếu vì tiền thì tôi đã không làm việc này rồi".

Ngã tư Canh thuộc quốc lộ 70, đường dẫn ra đại lộ Thăng Long, là cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, giao thông ở đây hết sức phức tạp, rất nhiều loại phương tiện giao thông tập trung ở cung đường này.

Đặc biệt sáng sớm có rất nhiều xe máy chở thực phẩm chạy qua với tốc độ cao. Vào tháng 9-2016, một phụ nữ chở rau đi đúng đến ngã tư Canh thì không may đâm phải xe tải đang lưu thông ngược chiều. Người phụ nữ văng ra khỏi xe nằm bất động.

Với kinh nghiệm sơ cứu lâu năm, anh Cường nhanh chóng dùng nước nóng lau khắp người để máu có thể lưu thông trở lại, bên cạnh đó anh dùng tay day ngực, bấm huyệt. Khi đó tài xế xe tải có nói với anh, nếu cô ấy chết chắc em phải bỏ chạy.

Biết tài xế hoảng loạn, anh Cường nói: "Cứ bình tĩnh, để xem còn sống hay không, nếu còn sống anh phải gọi xe và đưa cô ấy vào bệnh viện gấp. Phải có trách nhiệm với người gặp nạn chứ". Sau khi sơ cứu, anh Cường cùng tài xế lái xe tải đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu.

Anh nhớ lại: "Nếu không chấn tĩnh tài xế chắc anh ta bỏ chạy mất dạng rồi. Cũng may là có anh ấy ở lại, phối hợp cùng tôi để đưa nạn nhân đi cấp cứu. May mắn cô gái ấy giữ được tính mạng, chỉ bị cưa mất một chân thôi".

Tuy nhiên, cũng có nhiều nạn nhân do quá nặng mà không thể cứu chữa được, khi ấy anh Cường tự thấy mình là người có lỗi. Anh nhớ lại: "Hôm đó trời lạnh lắm, tôi đã đi ngủ rồi. Nghe tin có tai nạn giao thông, vùng chăn dậy ra hiện trường.

Đó là vụ thương tâm nhất mà tôi từng chứng kiến, hai mẹ con cháu bé đèo nhau bị xe tải húc văng ra. Khi đưa cháu vào bệnh viện thì cháu đã chết, tôi xót xa lắm. Chẳng biết làm gì để giúp họ trong lúc ấy nữa".

Những người thường xuyên tham gia giao thông qua đây khi thấy anh Cường đều kéo kính vẫy tay chào. Thậm chí có người còn xuống xe ôm anh, bắt tay anh cảm ơn. Hỏi ra mới biết đó đều là những người được anh giúp khi đi qua ngã tư này.

Anh kể: "Căng thẳng nhất là vào những lúc cao điểm lại có xe cứu thương đi qua. Còi hú inh ỏi mà chẳng ai nhường đường, cũng thông cảm vì xe kẹt cứng muốn nhường cũng không được.

Lúc đó tôi bận đến đâu thì bận cũng phải lao ra hướng dẫn mọi người, và bảo họ thông cảm vì trên xe có người đang rất cần đi cấp cứu. Thậm chí có cả taxi chở người đi cấp cứu, họ thì làm gì có còi hú, lúc đó tôi đành phải xin người đi đường, có quỳ xuống xin họ nhường đường cho xe chở người bệnh đi tôi cũng quỳ".

Hình ảnh quen thuộc với người tham gia giao thông tại ngã tư Canh.

Hỏi về những kỹ năng sơ cứu người bị tai nạn anh học được từ đâu, anh Cường thật thà nói: "Tất cả tôi chỉ được xem trên tivi, thấy họ hướng dẫn như vậy thì làm. Hơn nữa tôi cũng nuôi gà chọi, cũng hay xoa bóp cho gà nên cũng áp dụng được rất nhiều vào việc sơ cứu".

Đồng chí Nguyễn Văn Sự, một sĩ quan đóng quân trên địa bàn xã Vân Canh chia sẻ: "Sinh sống và chứng kiến anh Cường làm việc tôi càng khâm phục, muốn cùng chung tay để đỡ đần anh phần nào.

Để những đứa trẻ không muộn giờ đến trường, không còn cảnh hàng loạt xe bóp còi inh ỏi, xếp hàng chờ nhau, đặc biệt giảm bớt được tai nạn trên tuyến đường này, người dân khi tham gia có ý thức hơn và làm đẹp thêm cho cuộc sống".

Phong Anh
.
.
.