Học hỏi là cách để trả ơn cuộc đời

Thứ Ba, 16/10/2018, 07:13
Sinh ra với thân thể khiếm khuyết, dị tật ở tứ chi không đi lại bình thường được, không ai trong nhà nghĩ chị có thể viết chữ bằng chân, càng không nghĩ rằng chị có thể đi học hết 12 năm, bất chấp con đường đến trường là 10 cây số, giữa mênh mông sông nước.


Lòng ham học, mong muốn được hoàn thiện mình đã giúp chị chạm được đến ước mơ con chữ. Chị là Huỳnh Thị Xậm, một trong 100 người phụ nữ nghi lực nhất thế giới do BBC bình chọn năm 2017.

Huỳnh Thị Xậm sinh năm 1978 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Cha mẹ chị có cả thảy 6 người con, nhưng chị lại không may là người duy nhất trong nhà mang dị tật nặng nề. 

Có đủ cả tay, chân, nhưng hai bàn tay và bàn chân của chị co rút, teo tóp; bàn chân còn lại cũng sử dụng được 4 ngón chân mà thôi. Hằng ngày, ba mẹ đi làm, anh chị em đến trường, còn chị chỉ lê lết quanh quẩn trong nhà bằng một chân duy nhất.

Chị Nguyễn Thị Xậm vui vẻ với công việc hiện tại của mình.

Tuy có một thân thể khiếm khuyết, nhưng từ những ngày thơ bé mơ ước lớn nhất của chị là được đi học. Chị kể, cứ nhìn tập sách của các chị em trong nhà là chị rưng rưng nước mắt. Năm 15 tuổi, ba chị lâm bạo bệnh, qua đời. “Thấy nhà hiu quạnh và nếu chỉ lết trong nhà thì sẽ mãi không làm được gì, không thể nuôi sống bản thân mình, tôi quyết định phải đi học” - chị tâm sự. 

Khi chị xin với mẹ được đi học, thương con, mẹ chị đã đồng ý và gửi chị xuống một ông giáo dạy trường tư trong làng. 15 tuổi, chị bắt đầu học con chữ đầu tiên. Dù đã sử dụng thuần thục một bàn chân để làm việc nhà nhưng đến khi cầm bút, mọi thứ khó khăn hơn. Cây bút cứ đưa lên lại trơn tuột, rớt xuống. Nhiều đêm, chị tập đến nửa khuya, bàn chân tê dại, đau buốt. Kiên nhẫn hơn 1 tháng, Xậm mới cầm bút thuần thục bằng chân và bắt đầu viết chữ bằng đôi chân của mình.

Bị khuyết tật cả tay lẫn chân nhưng Huỳnh Thị Xậm vẫn vẽ đươc tranh sơn dầu, màu nước. Những bức tranh của cô được nhiều người mua.

Dù thân thể của mỗi người có thể bị khiếm khuyết, nhưng nếu còn may mắn có một trí tuệ minh mẫn, một trái tim thiết tha với cuộc sống, thì không điều gì có thể ngăn cản bạn. Sự khó khăn không làm chị Xậm nản lòng. 

Hôm nay chị học không được, ngày mai chị lại tiếp tục học tiếp. Rồi sẽ có một ngày chị có thể làm được điều mình mong muốn. Đó là cách chị Xậm đã làm để học viết chữ bằng chân, để sử dụng được máy tính. Sự kiên trì, nỗ lực của chị Xậm đã được đền đáp xứng đáng. 

Năm 27 tuổi, chị tốt nghiệp PTTH và đạt loại khá lớp học nghề tin học của Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm, tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) và được giữ lại làm thủ thư tại đây. 

Chị chia sẻ đây là công việc chị yêu thích bởi nó phù hợp với khả năng và thỏa thích sở thích đọc sách của chị. Công việc hằng ngày của Xậm là ghi chép các danh mục sách, sắp xếp sách trên kệ, bọc lại những quyển sách cũ...

Chưa dừng lại ở đó, năm 2010, chị cùng một đồng nghiệp của Trung tâm thi vào Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh. Dù chỉ học vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng vất vả đối với chị. 

Ban đầu, lớp học được sắp xếp trên lầu, nên chị phải mất khá nhiều thời gian và sức lực để lên lớp. Sau đó, trường đã bố trí lớp học dưới đất và có xe lăn cho chị di chuyển từ nhà xe đến lớp. 

Trong suốt 4 năm đại học, nhờ sự chăm chỉ của bản thân, sự trợ giúp của bạn bè và sự tạo điều kiện của Trung tâm, chị Xậm đã hoàn thành chương trình đại học vào tháng 3-2014.

Nhận thấy nhiều em học nghề ở Trung tâm không biết chữ, ngoài công việc của nhân viên thư viện, chị Xậm đã tình nguyện dạy chữ cho các em vào mỗi tối. Lớp học với gần 20 người khiếm thị từ 15-35 tuổi, gần 3 năm nay, tiếng cọc cạch đánh chữ vẫn đều đặn vang lên nơi chiếc bàn nhỏ trong thư viện, với dụng cụ học tập rất đơn sơ: một chiếc bảng chữ nổi. 

Chị kể: “Mình không có nghiệp vụ sư phạm nhưng cố gắng vừa học hỏi vừa dạy để các em biết đọc, biết viết, biết được tên mình. Không biết chữ thì thiệt thòi lắm. Các em khuyết tật chân tay còn đỡ, dạy các em bị câm điếc rất vất vả. Mình phải học các ký hiệu nói chuyện với người câm, điếc; có khi dạy đi dạy lại cả tuần chỉ mỗi một chữ. Khi các em viết được chữ, ghép được vần, mình mừng rơi nước mắt”.

Chị Huỳnh Thị Xậm dùng chân ghi chép sổ sách và sử dụng vi tính.

Khó ai có thể tin được, ẩn sau hình hài không toàn vẹn của chị Xậm lại là một tinh thần học hỏi không biết mệt mỏi. Với chị, học hỏi những điều mới mẻ mỗi ngày dường như là một động lực quan trọng, một phần lớn tạo nên ý nghĩa cuộc sống của chị. 

Không chỉ chăm chỉ học chữ, học kiến thức, học tin học, học ngôn ngữ ký hiệu, học chữ nổi để có thể dạy cho các em khuyết tật không biết chữ, chị Xậm còn dành thời gian cho hội họa. Những bức tranh sơn dầu của chị tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại mang đến cho người xem một cảm nhận hài hòa, êm dịu mang theo cả khát vọng và ước mơ trong tâm hồn người họa sĩ.

Bà Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Dù chỉ dùng chân để vẽ nhưng Xậm lại tỏ ra rất có năng khiếu ở thể loại phong cảnh. Em đặc biệt thích vẽ hoa, có lẽ để mong muốn một cuộc đời tươi đẹp hơn. Huỳnh Thị Xậm là tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học, vượt qua khó khăn. Chính nghị lực phi thường của Xậm đã giúp nhiều em ở Trung tâm phấn đấu, vươn lên”.

Tân Ước
.
.
.