“Hòn vọng phu” sống

Thứ Tư, 06/11/2013, 14:27

Suốt mấy chục năm qua, dù đã có giấy báo tử của chồng nhưng bà vẫn không tin. 43 năm rồi bà luôn chờ đợi và hi vọng có ngày chồng trở về. Nhất là gần đây, thỉnh thoảng lại có tin “liệt sĩ” trở về thì niềm tin và sự hi vọng ấy như được tiếp thêm sức mạnh.

Không bao giờ anh chết!

Tìm về với bà Trần Thị Tiếp (thôn Kiểu, xã Bích Sơn, Việt Yên, Bắc Giang), người vợ liệt sĩ nhưng suốt bao năm vẫn ở vậy... chờ chồng. Có lẽ đâu đó cũng có nhiều người vợ liệt sĩ ở vậy như bà, nhưng khi nghe bà tâm sự, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, vừa thương yêu, vừa cảm phục. Ngôi nhà ngói đơn sơ mà cả tuổi thanh xuân của bà làm lụng, tiết kiệm xây dựng lên, những mong có ngày được đón chồng trở về cùng chung sống. Với bà, những hình ảnh, kỉ niệm về chồng vẫn như mới hôm qua. Bà không thể nào quên được những cử chỉ, hình dáng và những lời ân cần âu yếm của chồng những ngày được chung sống bên nhau. Dù thời gian riêng của hai vợ chồng chỉ tính ngày tính tháng chứ đâu tính bằng năm.

Ngày tiễn anh ra ga, chị Tiếp không muốn rời xa chồng. Chị bảo: “Cho em theo anh đi! Chứ chúng mình không thể sống thiếu nhau được!”. Anh Lưu dù không muốn xa vợ nhưng cũng phải ân cần khuyên chị: “Anh đi chiến đấu chứ có phải đi công tác đâu mà theo được. Chiến trường đầy bom đạn, nguy hiểm lắm. Em phải ở nhà chăm sóc bố mẹ giúp anh chứ? Rồi còn con chúng mình nữa”. Kể đến đây, bà Tiếp lại nghẹn ngào rơi nước mắt. Trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần bà phải dừng lại lau nước mắt, để những dòng cảm xúc về chồng nén xuống. Chúng tôi bỗng thấy mình có lỗi khi đã khiến bà phải chạm sâu vào quá khứ. Bà lại nghẹn ngào: - Anh ấy nói như đinh đóng cột để động viên tôi về: “Anh đi không bao giờ anh chết! Thống nhất anh sẽ về!”. Câu nói ấy tôi không bao giờ quên!

Biết là chẳng thể theo chồng. Hôm đó, dù đoàn tàu đã khuất từ bao giờ mà chị vẫn cứ thẫn thờ mãi ở sân ga. Ngậm ngùi trở về nhưng trong lòng chị cũng bớt trống trải bởi câu nói của chồng. Chị luôn làm tròn bổn phận người dâu thảo, chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo tận tình. Những lúc nhớ chồng, chị lại càng hăng say lao động, việc đồng việc nhà bà đảm đương chọn vẹn. Và chị vui khi đứa con trong bụng đang ngày lớn lên, nó sẽ giúp chị nguôi cơn nhớ chồng. Nhưng ông trời lại chẳng thương người vất vả, khi một lần chị đi làm đồng, không may bị trượt chân nên cái thai 6 tháng tuổi đã không giữ lại được. Chị đau đớn vô cùng. Đó là nỗi đau đầu tiên chị phải hứng chịu.

Chị cũng không thể biết rằng, chính lần sảy thai ấy đã cướp đi thiên chức làm mẹ của mình. Chị cứ nghĩ rồi sau này chồng về, chị sẽ có cơ hội làm mẹ. Vậy mà bao năm đằng đẵng, chiến tranh ác liệt, chị chỉ nhận được những lá thư viết vội của chồng. Những lá thư chan chứa tình yêu thương khiến chị càng thêm nhớ chồng. Chị bảo: “Anh ấy là người học cao nên viết thư hay lắm!”. Chị đọc như nuốt từng con chữ, từng dấu chấm phẩy. Đọc những lá thư, chị cứ ngỡ anh ấy đang hiển hiện. Có lẽ vì thế mà sau này, khi nhận được tin báo tử của chồng, chị vẫn không hề tin. “Theo giấy báo thì anh ấy hi sinh ngày 27/4/1969 nhưng mãi đến năm 1971 gia đình mới nhận được giấy báo tử”.

Chị không thể tin, một con người đang tràn trề tình yêu và khát khao, tự tin sống, tự tin sẽ trở về với vợ ấy mà lại chết được. “Có lẽ họ báo nhầm. Có lẽ anh mất tích”, chị chỉ có thể tin như thế. Bởi cho đến giờ, bà vẫn chưa tìm thấy mộ chồng. Thế mới biết, chiến tranh tàn khốc đến nhường nào? Nó đã phá vỡ mọi quy luật sống, phá vỡ cái hạnh phúc đáng được hưởng của một người vợ hiền, dâu thảo như bà.

Chị chỉ còn biết cố gắng sống và hi vọng. Trong những ngày xa chồng khi chưa có giấy báo tử ấy, đã có lúc chị định theo mấy chị em đi thanh niên xung phong để vào chiến trường, để mong có cơ hội gặp chồng. Nhưng lại nghĩ đến lời dặn của anh, chị Tiếp lại ở nhà để chăm sóc bố mẹ chồng. Chị tự nhủ phải là hậu phương vững chắc để anh yên tâm chiến đấu. “Giá như ngày ấy tôi cứ đi thanh niên xung phong, biết đâu gặp được chồng thì đâu đến nỗi?” – bà Tiếp bùi ngùi đầy tiếc nuối.

Anh sẽ về!

Khi nhận được tin anh Lưu hi sinh, bố mẹ anh thương con dâu còn quá trẻ, mới 20, 21 tuổi đầu, lại ngoan hiền. Không lỡ để con dâu chịu thiệt thòi, họ giục con dâu đi bước nữa, nhưng chị Tiếp không đồng ý. Chị xin nguyện ở lại chăm sóc bố mẹ chồng. Dẫu có thế nào thì chị vẫn tin “anh sẽ về!”. Chị chỉ còn biết kìm nén nỗi đau và hi vọng. Hằng ngày, chị chỉ còn biết vùi đầu vào công việc cho nguôi đi. Chị không bao giờ đến các hội hè đình đám, kể cả những chỗ đông người chị cũng tránh. Bởi chị còn tâm trí đâu mà vui, đến những chỗ ấy chỉ khiến chị càng thấy tổn thương, buồn tủi.

Bà Tiếp ở Nghĩa trang Hải Lăng giống như hòn vọng phu đứng chờ chồng.

Thương con gái còn trẻ mà đã chịu thiệt thòi, bố mẹ đẻ cũng đến xin cho chị được về, những mong sẽ khuyên được chị đi bước nữa. Dù bố mẹ chồng cũng khuyên nhưng chị vẫn không muốn về. Mãi về sau, khi bố mẹ chồng đã có thêm dâu, thêm cháu, có người thay mình chăm sóc, chị mới chịu về nhà mẹ đẻ. Cũng có nhiều người đến dạm hỏi chị làm vợ, nhưng chị đều từ chối. Bà bảo: “Lúc ấy chỉ thấy buồn thôi, tình yêu với anh ấy quá lớn, không thể nguôi được để mà lấy chồng”.

Ở bên nhà chồng thì có đất, nhưng về quê thì chị không còn tiêu chuẩn nữa. Vì vậy, ban đầu là ở nhà bố mẹ đẻ, sau chị xin ra ở nhờ một nhà họ đi làm ăn xa bỏ hoang. Rồi dần dần làm lụng tích cóp, được sự giúp đỡ của gia đình, bà cũng mua được mảnh đất cho riêng mình. Rồi một mình bà xoay xở với mấy sào ruộng. Từ cày bừa, cấy hái, bỏ phân, tát nước... tất tật từ đầu đến cuối đều một mình bà làm. Bà không muốn nhờ ai, vả lại bà cũng muốn lấy công việc làm vui. Nếu không kịp thì bà làm cả trưa, cả tối.

Không ít lần bà gặp những cảnh vợ chồng, con cái quấn quýt. Người ta làm vất vả còn có người cùng đỡ đần, đằng này, bà cứ thui thủi một mình. Những lúc ấy, bà lại càng tủi thân, bà lại càng khát khao, hi vọng có ngày chồng trở về. Cũng may từ những ngày ở bên nhà chồng, bà đã có cái đài làm bạn. Ở nhà hay ra đồng bà cũng mang theo đài để nghe. Nhất là những chương trình thông tin về các liệt sĩ, bà không bao giờ bỏ, dù có bận mấy. Những lúc mang ra đồng, nhiều người còn bảo bà mở to cho nghe cùng. Với bà, chiếc đài như một người bạn giúp mình nguôi nỗi cô đơn. Nhiều đêm không ngủ được, bà nghe đài cả đêm.

Nhiều người khuyên bà nên có đứa con để sau còn được nhờ. Bà cũng chần chừ mãi. Cho đến năm 1981, có người con gái lỡ làng từ Quế Võ (Bắc Ninh) lên Việt Yên để đẻ, bà được giới thiệu và nhận luôn đứa con gái của chị ta. Do khi mang thai, người mẹ lo lắng, giấu bụng nên đứa con sinh ra rất yếu, chỉ được 1,4 kg. Bà chăm sóc chị ta cả tháng trời rồi mới mang con về nuôi. Đứa bé thường xuyên ốm đau, quặt quẹo mãi có lúc tưởng không sống nổi. Bố đẻ bà có lúc đã phải bảo: “Thôi số nó không được làm người thì cứ để nó đi”. Nhưng bà vẫn quyết nuôi nó bằng được. Bao cố gắng, trật vật chạy chữa, cuối cùng đứa con ấy cũng lên người, bà cũng đỡ buồn hơn.

Nhiều người bảo sao bà không nhận đứa con trai thì sau còn được nhờ. Bà thì chỉ nghĩ có đứa con bầu bạn cho vui cửa nhà chứ chẳng nghĩ để được nhờ vả sau này. Người con gái đó là chị Tam, cũng vì thương mẹ mà chị cũng đã định ở vậy để nuôi mẹ. Nhưng bà bảo đời mẹ đã khổ vì một mình, con phải lấy chồng cho có chỗ dựa. Khuyên mãi, mới đây chị mới đồng ý đi lấy chồng ở làng bên, để còn tiện về chăm mẹ.

Thỉnh thoảng, những đồng đội, thủ trưởng của chồng bà vẫn đến thăm động viên. Họ cũng rất áy náy khi không tìm được mộ chồng bà. Dù không biết chính xác mộ chồng ở đâu, nhưng bà chỉ có nguyện vọng được vào thăm chiến trường nơi chồng chiến đấu. Năm 2005, các thủ trưởng và đồng đội của chồng đã đưa bà vào nghĩa trang Hải Lăng (Quảng Trị). Không biết có mộ chồng ở đó không nhưng đến nơi bà đã có linh cảm như anh đang ở bên mình. Bà như chết ngất vì nghĩ đã được gặp chồng. Xin đài âm dương thì được ngay. Rồi bà bảo mọi người cho bà được ở lại nghĩa trang đêm đó để gặp chồng. Rồi bà ngất đi, sau mọi người phải đưa bà về nhà khách cách đó 40km.

Bà bảo cuộc đời mình buồn không tả, không kể được. Đó chỉ là nỗi đau về thể xác, nỗi đau tinh thần còn hơn gấp bội. Sau ngày ấy, dù không tìm thấy mộ, dù đã cảm thấy linh hồn anh đâu đó, nhưng trong thâm tâm, bà vẫn nghĩ sẽ có ngày chồng về. Với bà, anh luôn sống trong trái tim. Và biết đâu, kể cả anh không về bằng xương bằng thịt, thì bà cũng tin có ngày tìm được mộ anh, để linh hồn anh không còn phải phiêu bạt đâu đó.

Đạo diễn Boris Lojkine (Pháp), người kiên nhẫn tiếp cận và thuyết phục bà kể về chồng mình. Khi cùng đi trong đoàn vào nghĩa trang Hải Lăng, ông đã rất khéo dựng chân dung rất tự nhiên, không hề dàn dựng, sắp đặt. Đến nỗi mãi sau phim hoàn thành, công chiếu, bà mới biết mình được lên phim với tựa đề: “Những linh hồn phiêu bạt”.

Trần Đức Hiển
.
.
.