Huấn luyện viên "chân đất" của các đô vật quốc gia

Thứ Năm, 20/10/2016, 12:00
Sinh ra ở miền quan họ nhưng ông Nguyễn Thái Phong lại có niềm đam mê kỳ lạ với môn vật cổ truyền. Trưởng thành từ những bãi vật phong trào, rồi vươn lên thi đấu đỉnh cao, đặc biệt là Olympic Moskva, gặt hái được không ít thành công. Thế nhưng tâm nguyện lớn nhất của ông lại là thắp lên ngọn lửa đam mê luyện tập, thi đấu môn vật truyền thống trên quê hương. Người cựu binh ấy, hơn 40 năm qua lặng lẽ làm để người dân gọi ông với cái tên "huấn luyện viên của những đô vật làng".


Đô vật làng đi dự Olympic Moskva

Dù từ nhỏ đã được uống nước sông Cầu, lớn lên bằng những câu quan họ da diết nhưng liền anh đất quan họ ấy lại có niềm đam mê cháy bỏng với môn vật cổ truyền. Ông có thể đứng xem các trận đấu vật trong thôn mà không chớp mắt. Cứ nghe thấy làng nào mở hội, có môn đấu vật là ông đi xem cho kỳ được. Những lúc say sưa xem đấu vật, cậu bé Phong còn gồng tay, uốn người theo từng miếng đánh của các vận động viên.

Năm 1972, khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông quyết định lặn lội khắp nơi, tìm đến các sới vật có tiếng để "tầm sư học đạo". Từ các sới vật của Hà Bắc (cũ) như Hiệp Hòa, Gia Lương, Quế Võ… rồi sang mãi tận các tỉnh như Hưng Yên, Hà Tây ông đều qua. Đến đâu ông cũng được mọi người yêu quý vì sự chân thật, niềm đam mê cháy bỏng với môn vật.

Chẳng mấy chốc chàng thanh niên Kinh Bắc đã có cho mình những miếng đánh độc đáo, thế đánh mà không phải ai cũng biết. Trong những miếng đánh, ông Phong nhớ nhất là miếng "gồng tay đầy" - miếng đánh khó, đòi hỏi nhiều tố chất mà không phải ai cũng học được và được học.

Ông Phong chụp ảnh kỷ niệm cùng các học trò.

Niềm đam mê môn vật với ông Phong ngày ấy cũng chỉ là để rèn luyện sức khỏe, phục vụ làng mỗi khi có hội. Ông kể: "Nói thật, ngày đó tôi tập luyện chẳng có mục đích thi đấu ở đâu cả. Chỉ đam mê, muốn rèn luyện thì đi thôi. Thỉnh thoảng hội làng, ra đấu phục vụ bà con, rồi giao lưu với các làng khác".

Khoảng 2 năm sau (1974), ông mạnh dạn đăng ký thi đấu giải của tỉnh Hà Bắc (tức hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay). Có thể nói đó là bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời của ông khi giành giải ba toàn tỉnh.

Với một đô vật nghiệp dư, không được đầu tư, được giải ba toàn tỉnh là điều không phải dễ dàng. Các huấn luyện viên đã phát hiện ra ông Phong có một tố chất đặc biệt, hoàn toàn có thể đưa đi thi đấu đỉnh cao. Ông được chọn vào đội tuyển của tỉnh để tham gia thi đấu toàn quốc. Ông Phong có mơ cũng không thể nghĩ mình lại được chọn vào đội tuyển của tỉnh, được thi đấu đỉnh cao như vậy. Như cá gặp nước, ông ngày đêm học tập, rèn luyện không biết mệt mỏi.

Thành quả là đến năm 1978, 1979 ông giành được Huy chương đồng và Huy chương vàng tại giải vật toàn quốc. Đặc biệt hơn nữa, năm 1980 sự nghiệp của ông đạt đến đỉnh cao, ông là vận động viên duy nhất của tỉnh Hà Bắc được góp mặt trong Đội tuyển quốc gia tham dự Olympic Moskva.

Cạy nền nhà lên làm sới vật

Một năm sau ngày trở về từ kỳ thi Olympic Moskva, ông Phong quyết định giải nghệ. Dù vậy nhưng trong lòng người cựu vận động viên này vẫn đau đáu với môn vật truyền thống. Tuy không tham gia các giải đấu chuyên nghiệp nhưng ông Phong vẫn tiếp tục thi đấu và giành nhiều giải cao ở hầu khắp các sới vật có tiếng ở vùng Kinh Bắc như sới Phú Mẫn, Đại Lâm, Vân Hà, Quan Đình… Với tinh thần thượng võ và phong cách thi đấu cao thượng, ông đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng những ai yêu thích môn vật truyền thống.

Huy chương, cờ lưu niệm, bằng khen là những thứ vô giá với ông Phong.

Khi đã luống tuổi, ông Phong trở về tập trung làm ăn kinh tế. Ông đã mạnh dạn đấu thầu gần 3 mẫu ruộng trũng của xã để làm trang trại. Kinh tế ngày một đi lên, nhưng trong lòng ông lúc nào cũng đầy nỗi niềm. Ông chia sẻ: "Ngày thì tìm cách đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình nhưng đêm đến lại canh cánh nghĩ về môn vật truyền thống. Giờ những người trẻ họ có nhiều trò tiêu khiển quá nên chả mấy ai còn mặn mà với bộ môn này. Tôi cứ nghĩ, đã là truyền thống chẳng lẽ lại để cho nó chết yểu sao, phải tìm cách nào đó để không những duy trì mà còn phát triển nữa chứ". Nghĩ mãi rồi ông Phong quyết định lấy phòng khách nhà mình ra làm sới tập.

Sau khi sới tập… phòng khách được mở ra, người này đồn người kia, chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới 30 "đô vật" tương lai được bố mẹ đưa tới xin học. "Thực sự đấy là con số mà tôi không dám mơ tới. Nhìn những đứa trẻ say sưa quan sát mỗi đường quyền tôi dạy mà tôi cảm giác lâng lâng như thể mình trúng số vậy.

Chứng kiến sự say mê của bọn trẻ thì có thể tin tưởng rằng môn vật truyền thống sẽ không bị mất đi" - ông Phong hào hứng kể lại. Để có được cái sới tập ấy, ông Phong đã phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục vợ con. Bởi lẽ, đâu chỉ là địa điểm mà để đúng với yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật thì ông sẽ phải cạy toàn bộ nền gạch của phòng khách lên.

Trong khi ngôi nhà đó vợ chồng ông mới xây xong chưa được bao lâu. Khi đó, vợ ông Phong đã phải thốt lên rằng "ông mê vật hơn mê vợ con". Khi thuyết phục được gia đình, ông Phong đã cùng với đám học trò của mình cạy nền gạch rồi đổ trấu, đổ cát lên để thành một sới tập chuyên nghiệp.

Cũng chính từ sới tập này, nhiều học trò của ông Phong đã trưởng thành và đạt được nhiều thành tích cao trong các giải vật của tỉnh và của quốc gia. Trong số đó phải kể đến một số vận động viên như Nguyễn Doãn Quang, Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Thái Hoàng… Những người này đều trở thành vận động viên "đô vật" cấp quốc gia. Từ những thành tích đáng nể đó, năm 1993, ngành Thể dục thể thao đã quyết định thành lập Lớp năng khiếu nghiệp dư trên chính sới… phòng khách nhà ông. Từ đó, ông trở thành huấn luyện viên nghiệp dư của Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Hà Bắc.

Sau khi tách tỉnh thành tỉnh Bắc Ninh năm 1997, lớp học của ông Phong vẫn duy trì đến năm 2010, nhưng từ đó đến nay môn vật không còn được chú trọng. Cũng vì thế mà sới vật nghiệp dư của ông Phong cứ ngày một thưa dần khiến ông rất đau lòng.

Hình ảnh ông Phong thi đấu giao hữu.

"Nhìn lớp học tan tác mà tim tôi như thắt lại. Ai đó phải nặng lòng với bộ môn này thì mới hiểu được cảm giác của tôi" - ông Phong tâm sự. Không thể đứng yên nhìn một bộ môn truyền thống bị mai một và có nguy cơ mất đi ông Phong đã cất công đi khắp nơi từ xã, phường trên địa bàn tỉnh đến các tỉnh lân cận để "chiêu sinh".

Ông Phong khoe: "Hiện sới vật của tôi đang có khoảng gần 40 trò, đông nhất thường là vào các dịp hè. Nhìn sới nhộn nhịp tôi mừng lắm. Tôi nghĩ, môn này có duy trì được lâu nữa hay không đều nhờ vào những người truyền lửa. Giả sử tôi buông từ khi lớp có nguy cơ tan giã thì có lẽ bây giờ cũng chẳng còn ai nhớ đến môn vật truyền thống nữa".

Trò chuyện cùng ông chúng tôi cảm nhận rõ ngọn lửa đam mê môn vật truyền thống vẫn không ngừng cháy trong ông. Hiện nay, cứ mỗi tuần 3 buổi ông đều ra khu Văn hóa phường dạy vật cho các em học sinh, chủ yếu là THCS và PTTH. Năm 2012, 2013 dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng ông vẫn đăng ký tham gia thi và giành giải nhất vật tự do hạng 50kg của phường Khúc Xuyên tổ chức.

Cứ mỗi khi vào dịp hội xuân đầu năm, hầu hết các làng quanh thành phố đều mời ông làm trọng tài môn vật trong hội làng. Trao đổi về môn vật, ông Phong chia sẻ: "Bắc Ninh là tỉnh có truyền thống về môn vật. Tuy những năm gần đây môn thể thao này không còn đạt được nhiều thứ hạng cao ở giải toàn quốc song nếu có một chiến lược đúng đắn thì Bắc Ninh hoàn toàn có thể khôi phục được vị thế của môn thể thao độc đáo này".

Gần trọn cuộc đời thầm lặng gắn bó cùng môn vật truyền thống, cựu chiến binh Nguyễn Thái Phong đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Giấy khen của Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Hà Bắc, Huy chương Vì sự nghiệp Thể dục thể thao, Giấy khen của Sở Thể dục - Thể thao tỉnh Bắc Ninh… 

Ông tâm sự rằng: "Phần thưởng lớn nhất đối với tôi chính là sự trưởng thành của các học trò. Chính những người đó sẽ là người giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ tiếp theo. Có như vậy thì môn vật truyền thống mới không lo bị mai một và mất đi vĩnh viễn".

Phong Anh
.
.
.