Huyền thoại kỳ nhân dị tướng: Mãnh hổ miền Trung

Thứ Sáu, 21/09/2012, 10:59
Ông không phải là loài tầm gửi vào số phận, cũng không phải là cây to đứng giữa đồng. Đời ông như con tàu lặn lội, nhấp nhô mình vùng vẫy trên sóng biển để đi. Ông là con người được ghép nhặt từ những mảnh đời vỡ vụn, cơ cực đã đạp lên bùn lầy, chông gai của cuộc đời để trở thành một võ sư "độc thủ đại hiệp" làm khiếp đảm những đối thủ trên sàn đấu. Tên của ông: Mã Vĩnh Trinh được lấy từ con đập thuộc huyện Duy Xuyên - Quảng Nam nơi ông tận mắt chứng kiến cha mẹ mình bị vùi chôn trong khói súng.

Tuổi thơ nghiệt ngã

Cuộc đời một cậu bé mồ côi từ thủa lên năm phải sống dưới sự cưu mang của ông bà nội ngoài 70 đã tôi rèn cho ông trở thành con người của ý chí và nghị lực. Ông lê đôi chân trên tấm ga đời đi khắp vạn nẻo đường, từng ăn nằm khắp các vỉa hè, xó chợ lượm cơm rơi. Ông kêu gào trong tiếng nấc uất nghẹn trên đường đời lưu lạc góp nhặt từng miếng võ, từng đường quyền của bậc tiền nhân. Đến một ngày ông trở thành tay đấm oanh liệt không có đối thủ kể cả khi chỉ còn một tay.

Mã Vĩnh Trinh tên thật là Võ Đình Quý. Ông sinh ra ngay bên dòng sông Thu Bồn xuôi dòng nước ngàn khơi, nơi cha mẹ ông làm nghề ươm tơ, dệt lụa. Lên năm tuổi thì chiến tranh bùng nổ, cha mẹ cõng ông chạy loạn bỏ lại phía sau tất cả. Tiếng bước chân rầm rầm của dân làng cùng nhau chạy loạn, những đứa trẻ khóc thét trước cảnh súng nổ vang trời.

Qua con đập Vĩnh Trinh quê ông, một làn đạn bay vèo ngay nơi cha mẹ ông. Trong kí ức chưa tròn nghĩa khi đó, cậu bé chỉ biết ôm chặt lấy tấm thân đẫm máu của người cha vừa bị trúng đạn kêu gào thảm thiết, lay gọi cha dậy nhưng cả cha và mẹ đều vĩnh viễn nằm lại ngay bên dòng thác đổ của con đập gần nhà.

trở thành đứa trẻ mồ côi và lấy tên Vĩnh Trinh từ đó. Từ trên lưng cha, Vĩnh Trinh sang lưng ông bà nội tiếp tục trôi dạt tìm đến những nơi vắng tiếng súng rền để náu thân. Hai hàng nước mắt ướt thấm vai áo, tiếng khóc uất nghẹn thấu trời, Vĩnh Trinh ngoái đầu lại càng thấy khuất xa con đường đập thân yêu ngày nào và mái tranh nghèo của gia đình một thời yên ấm.

Họ chạy tới Bình Định, trú thân tại miền đất võ Tây Sơn. Cuộc sống hẩm hiu, cơ cực, đói khổ giữa thời loạn lạc, ông bà nội phải gửi Vĩnh Trinh vào trại Dục Anh, (nơi nuôi dạy trẻ thời chiến thuộc liên khu V) hy vọng cho đứa cháu có chén cơm sống qua ngày và được học hành tử tế.

Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống võ đạo, từ nhỏ dù khó khăn, dù phải chạy loạn nhưng Vĩnh Trinh vẫn được ông nội Võ Quang Chi truyền đạt cho những thế võ gia truyền. Học võ để hộ thân và bảo vệ những kẻ yếu là lời tuyên ngôn mà ông nội răn dạy đứa cháu đầu tiên.

Dù còn một tay nhưng võ sư Mã Vĩnh Trinh vẫn thách thức mọi đối thủ.

Lời ông nội truyền dạy như "kim chỉ nam" để Vĩnh Trinh học mọi lúc mọi nơi, bất kể lúc nào, ở đâu ông cũng tập luyện quên cả giờ ăn. Tại đất Bình Định, năm 10 tuổi, Vĩnh Trinh được võ sư Diệp Trường Phát, người đã có nhiều năm tu học và phối hợp giữa hai nền võ học Việt Nam và Trung Hoa, tìm ra những thế quyền tinh túy nhất truyền dạy cho các võ sinh.

Vĩnh Trinh say mê, nhập thân vào những đường quyền khiến ông quên hết sự đói khổ, thiếu thốn đời thường. Những lúc mệt mỏi, ngồi gục xuống đất nghỉ, ông lại nhớ đến cha mẹ, thương ông bà nội ở cái tuổi "gần đất xa trời" rồi mà vẫn phải lo cái ăn. Nước mắt ông lại trào ra ướt đẫm chiếc áo vải, nhỏ từng giọt xuống chiếc côn đi quyền.

Ông nội Vĩnh Trinh do tuổi cao, sức yếu lại đói khổ nên đôi mắt không thể nhìn thấy đứa cháu nội của mình múa quyền. Tuy nhiên, ông luôn dõi theo và cố rướn cặp mắt đục ngầu, tèm nhem của người già động viên tinh thần Vĩnh Trinh. Đôi mắt ông đã khép lại cho cuộc đời đứa cháu được tỏa sáng để làm rạng danh tổ tiên, gia tộc họ Võ.

 Chốn võ đường những năm tháng chiến tranh không thể cưu mang hết thảy các võ sinh, những người thầy chỉ có thể cho hành trang là các thế võ, các đường quyền để học trò mình ra đời giúp ích xã hội. Như bao võ sinh khác, 16 tuổi, Vĩnh Trinh bắt đầu xa quê hương, đất tổ đi tìm sự sống.

Bước chân bập bẹ bước ra từ lò võ tìm tương lai, ông chỏng chơ giữa cuộc đời đầy rẫy những bất trắc, gian nguy. Ông ví mình như cánh chim trời không định được hướng bay, ngoảnh mặt nhìn lại thì tổ ấm đã khuất ngàn cây. Đôi chân trần ông lê đi khắp đó đây, kiếm tìm những chén cơm chan đầy nước mắt và tủi hận.

Nhiều đêm ngồi bó gối một mình trong căn phòng xiêu vẹo, gió lộng tứ bề, nước mắt hòa với mưa tuôn, trong giấc ngủ chập chờn, hình ảnh cha mẹ hiện về lởn vởn đâu đó quanh ông, họ nhìn ông thương cảm, buồn bã khiến ông càng đau buồn. Ông lại dứt áo ra đi, lang bạt vào Sài Gòn, lăn mình vào đời, sống kiếp giang hồ phiêu bạt. Một thời, do không còn nơi nương náu lại không muốn dấn thân vào "vòng đời đen ", Vĩnh Trinh đã xuống tóc nuơng nhờ cửa Phật.

Mỗi chặng dừng chân, ông đều lĩnh hội được những thế võ cổ truyền từ các bậc thầy trong võ đạo. Ông hiểu rằng, học võ để giữ đạo làm người và làm người bản lĩnh hơn trong bão tố. 27 tuổi, ông bắt đầu dạy võ từ Đà Lạt tới Phan Rang - Tháp Chàm. Học trò biết đến ông ngày một nhiều và ông đã nung nấu ý định thành lập môn phái Quảng Nam võ đạo nhằm tưởng nhớ đến quê nhà, không quên những ân sư một thời rèn giũa ông nên người.

"Mãnh hổ miền Trung" lẫy lừng một thủa

Trở thành võ sư khi tuổi đời còn rất trẻ, Mã Vĩnh Trinh có những trận quyết đấu trên võ đài khiến các đối thủ phải kinh hãi khiếp vía. Ông chu du thiên hạ, ở đâu có đấu trường, đối thủ không có ai dám nghinh chiến là người ta lại dồn vào ông. Vĩnh Trinh không ngần ngại, không lo sợ bất cứ một đối thủ nào. Ông phi mình trên võ đài sừng sững và dũng mãnh như một mãnh hổ.

Ở tuổi 77, ông vẫn rắn chắc và đi quyền uyển chuyển, điêu luyện.

Năm 1967 có đoàn võ đài lưu động Phương Nam do võ sư Mút - Tây - Da người Campuchia dẫn đầu đi lưu diễn ở Quảng Nam. Mút - Tây - Da  là võ sư nổi tiếng với cú Nghịch Lân Cước đã đánh bại bất kì đối thủ nào nghênh chiến suốt chiều dài vùng đất Phương Nam.

Thủa ấy, ở Sài Gòn, một con bò trước khi đưa vào lò mổ người ta thường lấy búa tạ đập vào đầu, còn võ sư Mút - Tây - Da chỉ cần một cú hích vào ức con bò là có thể hạ gục giao cho lò mổ. Võ sư Mút - Tây - Đô, môn sinh của Mút - Tây - Da được thầy truyền lại cho đòn thủ Nghịch Lân Cước có cú đá mạnh hơn cả sư phụ mình.

Năm ấy trên võ đài, Mút - Tây - Đô thủ đài ngạo nghễ vừa hất tung một võ sư khác xuống đất đến ngất xỉu. Trong lúc bí bách chưa có đối thủ nào tiếp theo thì người ta nghĩ ngay đến Mã Vĩnh Trinh sẽ là người duy nhất được chọn giao đấu.

Người ông nhỏ thó, tầm thước so với Mút - Tây - Đô thì không hề cân xứng. Những tiếng thở hồi hộp trong đêm đấu làm cho cuộc chiến càng trở nên căng thẳng. Cuối cùng, cả hội trường vỡ tung trong tiếng vỗ tay nổ rền, tiếng hò hét vang xa chúc mừng chiến thắng của võ sư Mã Vĩnh Trinh.

Mút - Tây - Đô đã bị cú "chấn động càn khôn" đánh bại. Từ đó, tên tuổi của Mã Vĩnh Trinh nổi lên như cồn. Ông trở thành tay đấm thép không có đối thủ. Cũng trong năm đó, tại huyện Hòa Vang - Quảng Nam có cuộc tỉ thí võ đài suốt ba đêm liền. Ở trận tỉ đấu này, thủ đài chính là võ sĩ Đinh Khơ Lông, người dân tộc ở Kom Tum.

Đinh Khơ Lông được học võ ở Thái Lan và Campuchia với nhiều chiêu rất cổ quái khó lòng đoán biết. Anh đã hạ gục thẳng tay, gây nhiều chấn thương thê thảm cho các đối thủ từng tiếp chiêu anh. Các võ sĩ giao đấu với anh ta thuộc hàng có tiếng nhưng đều thất thủ. Tiếng vang truyền đi, gần hết một ngày không có võ sĩ nào đến ghi danh thi đấu khiến ban tổ chức toát mồt hôi.

Người ta đồn đoán rằng, ngoài khả năng đi quyền, Đinh Khơ Lông còn có nhiều chiêu thức thậm chí vận dụng bùa lú trong giao đấu. Lúc này, Hội quyền thuật tỉnh Quảng Nam phải họp khẩn cấp, tìm phương án đối phó. Cuối cùng, hội nhận định, để quyết đấu với Đinh Khơ Lông không ai khác ngoài Mã Vĩnh Trinh, một võ sĩ có Đởm lược (có tài phán đoán, biết được ý đồ của đối thủ, ra đòn nhanh, gọn khó đỡ). Nhờ tài Đởm lược mà ông luôn biết tấn áp sát buộc đối thủ phải chùn bước. Khi Vĩnh Trinh đánh ngã địch thủ là dừng không bao giờ đánh tấp đòn để sát thủ hoặc làm đối thủ bị thương. Trong phần hội ý, mọi người hỏi Vĩnh Trinh có thể tiếp chiêu được không?

Ông trả lời dứt khoát: "Theo tôi, võ thuật là hiện thực, chỉ có nghệ thuật cao, tinh thần quyết chiến mới vững còn tà thuật bùa chú hư vô đối với tôi không ảnh hưởng gì cả. Tôi sẵn sàng giao đấu với Đinh Khơ Lông, còn việc ăn thua là lẽ thường của con nhà võ".

Hai võ sĩ thượng đài giao đấu suốt sáu hiệp. Đến gần kết thúc trận, Đinh Khơ Lông lâm râm tay họa bùa điểm vào địch thủ. Bỗng nhiên, y bị ngã bật ngửa ra phía sau bởi trúng phải đòn cùi trỏ trái của Vĩnh Trinh. Trọng tài hô đến tiếng thứ 10 mà Đinh Khơ Lông vẫn chưa dậy được. Toàn hội trường dậy lên tiếng hoan hô. Ban tổ chức trao giải vô địch toàn vùng cho võ sư Mã Vĩnh Trinh

Ngọc Thiện
.
.
.