Huyền thoại một tình yêu

Thứ Sáu, 30/12/2011, 15:40

Vì tình yêu, một cô hoa khôi của nông trường  bò sữa Ba Vì đã kết hôn với anh thương binh trẻ mang trong mình thương tật lên tới 81%. Bắt đầu tình yêu ấy họ đã vấp phải sự cản trở quyết liệt từ phía gia đình và bạn bè. Nhưng rồi tình yêu chân thành và mãnh liệt của họ đã vượt lên tất cả. Giờ đây những gì mà họ làm được và đang có khiến hầu hết những ai biết họ đều thấy cảm phục và ngưỡng mộ.

Hai nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích tình yêu ấy chính là chàng thương binh Phùng Mạnh Kỳ và cô hoa khôi Nguyễn Thị Nghĩa (Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội).

Nơi tình yêu bắt đầu

Lên đường nhập ngũ khi đương vào độ tuổi mười bảy "bẻ gãy sừng trâu" nên chàng trai xứ Đoài mang vào những trận đánh một khí thế sục sôi và đầy nhiệt huyết. Trong một lần chạm trán với giặc trên trận địa 19 đường từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên, một mảnh bom đã cưa đứt cánh tay trái của anh, một mảnh nữa cắt ngang ống chân anh. Những mảnh đạn khác thì ghim lởm chởm lên khắp cơ thể anh. Vì bị thương rất nặng nên anh được chuyển ra một trại an dưỡng ở gần nhà tại Sơn Tây.

Cuộc sống của những chàng thương binh trẻ trong trại an dưỡng cứ thế trôi qua trong lặng lẽ và đau đớn. Một ngày, trại an dưỡng của anh đã có cuộc giao lưu văn nghệ với các cô gái của nông trường bò sữa Ba Vì. Buổi giao lưu hôm ấy đã mang đến cho các chàng thương binh trẻ một không khí vui vẻ, đầm ấm.

Riêng với chàng thương binh trẻ Phùng Mạnh Kỳ thì hình ảnh cô thôn nữ với khuôn mặt trái xoan, phúc hậu và mái tóc dài mượt mà tới gần gót chân đã in một dấu ấn sâu đậm trong lòng anh. Kể từ hôm ấy anh thao thức khôn nguôi. Vẫn biết rằng, với thân phận mình như hiện giờ mà dám mơ tới một người con gái nết na xinh đẹp thật chẳng khác nào "đũa mốc lại chòi mâm son".

Tình yêu đơn phương của chàng thương binh trẻ ngày càng trở nên mãnh liệt, không thể kìm nén được lòng mình anh đã lấy hết can đảm để viết thư cho người con gái ấy. Lá thư thứ nhất, không có hồi âm. Lá thư thứ hai rơi vào im lặng. Gửi lá thư thứ ba đi với biết bao hồi hộp và hi vọng nhưng rồi lại tiếp tục thất vọng. Không thể nói hết cảm giác đau đớn, tự ti và có chút hối hận về hành động nông nổi của anh Kỳ lúc ấy. Nhưng có lẽ vì quá yêu rồi nên một lần nữa anh lại gạt bỏ sĩ diện và đánh cược số phận cuộc đời mình cho lá thư thứ tư. Lần này anh có thư trả lời. Chị Nghĩa, ngồi bên cạnh thỉnh thoảng lại liếc chồng một cách đầy tình tứ.

Chị bảo: "Nói thật, khi đó tôi còn trẻ lắm, lại là một cô gái quê. Lần đầu tiên nhìn thấy nhiều thương binh tôi rất sợ. Thân thể ai cũng không lành lặn nên chả bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ yêu một người là thương binh. Nhưng rồi chính tình cảm chân thành, mãnh liệt và những dòng chữ rất thuyết phục của anh ấy đã làm tôi xốn xang".

Ngồi bên, anh Kỳ cười vui vẻ: "Có chiến thuật cả đấy. Hồi đó, tôi viết liền một trăm trang giấy gửi cho người mình yêu nhưng mỗi lần chỉ gửi đi bốn trang thôi. Và luôn không có dấu chấm hết. Ý nói là tình yêu của anh là bất tận đấy". Vừa pha trò, anh Kỳ vừa kể cho tôi nghe cả những chuyện sau này khi các con của anh đã lớn, chúng đã hỏi anh bố mẹ yêu nhau như thế nào. Để trả lời cho câu hỏi ấy anh đã làm hẳn một bài thơ dài, trong đó có những câu như thế này: "Con hỏi rằng bố đã yêu/ Mẹ con gặp bố một chiều Tản Viên/ Dịu dàng giản dị là duyên/ Một trăm trang giấy viết liền gửi trao/ Thư đầu chẳng thấy làm sao/ Thư sau mẹ thấy nao nao trong lòng…".

Và chuyện tình nhiều giông bão

Khỏi phải nói, người thân và bạn bè đã ngỡ ngàng thế nào khi biết anh chị yêu nhau. Bạn bè của chị Nghĩa cứ tiếc hùi hụi trước một nhan sắc đẹp như bông hoa rừng ấy. Rồi họ tìm cách khuyên nhủ chị để chị nghĩ lại. Họ nói có thể trong lúc yêu đương nhất thời chị chưa lường trước được việc phải gắn bó cả đời với một anh thương binh mà tình trạng thương tật lên tới hơn 80%. Sự cản trở từ phía bạn bè chẳng đáng là gì so với sự ngăn cấm quyết liệt từ phía gia đình chị. Đó cũng là tâm lý bình thường của hầu hết các bậc sinh thành. Ai chả muốn con gái mình lấy chồng cho, để có chỗ mà dựa dẫm, nương tựa về sau.

Hình ảnh này đá trở nên quen thuộc với nhiều người ở thị xã Sơn Tây.

Không những thế, tình yêu của anh chị còn vấp phải sự mâu thuẫn quyết liệt về tôn giáo. Anh Kỳ theo đạo Phật, và khi ấy bố của anh còn là một thầy cúng, một pháp sư có tiếng. Bên kia, chị Nghĩa và gia đình của mình lại theo đạo Thiên chúa. Hồi ấy, những quy định và quan niệm về tôn giáo không thoáng như bây giờ. Với những người theo đạo Công giáo thì họ chỉ được phép lấy những người cùng đạo, nghiêm cấm lấy những người ngoại đạo. Đó là một quy định không thể xâm phạm.

Muốn con gái nghe theo mình, bố chị Nghĩa đã vận động hành lang cả cô dì chú bác trong dòng họ nhà mình khuyên nhủ chị. Rồi ngay lập tức nhắm cho chị Nghĩa một đám, ép chị phải lấy chồng. Bố chị còn bảo nếu chị nhất quyết không nghe theo lời ông thì ông cũng coi như chưa từng có chị trên đời.

Đau khổ và dằn vặt nhiều lúc chị muốn buông xuôi. Nhiều khi chị buồn bã nói với anh rằng có thể giữa chị và anh có duyên mà không có phận. Nhưng mỗi lần như thế là mỗi lần anh Kỳ động viên người yêu của mình hãy vững tâm, rào cản nào rồi cũng vượt qua nếu như hai người thực sự quyết tâm.

Ngày hôn lễ, chẳng có những lời chúc tụng của hai bên gia đình nội ngoại cũng chẳng ai đến để chứng kiến sự thành thân của anh chị. Một đám cưới lặng lẽ, buồn nhiều hơn vui, tủi nhục nhiều hơn là hạnh phúc. Cũng may cơ quan đoàn thể của cả anh lẫn chị đã đứng ra tổ chức.

Trái ngọt của tình yêu mãnh liệt

Nhớ lại những ngày tháng cam go ấy, đôi lúc cả anh lẫn chị vẫn cứ hỏi đùa nhau rằng: "Sao mình có thể làm được những việc phi thường đến thế? Nghĩ lại giờ vẫn thấy hãi". Hồi đó cưới nhau xong, anh chị được cơ quan chị phân cho một căn phòng. Căn phòng ấy chỉ đủ kê một chiếc giường, một cái tủ đựng quần áo và vừa đủ cho một lối đi ở giữa cái giường và cái tủ. Còn nhớ, chiếc giường cưới ấy được ghép bằng một tấm phản và một mảnh gỗ xin được. Rồi, liên tiếp những đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống càng trở nên khó khăn và bí bách hơn bao giờ hết.

Về phần anh, vẫn đau đáu sự nghiệp học hành nên anh đã thi và đậu vào trường Đại học Thương mại. Nhưng rồi thương người vợ trẻ với đứa con thơ anh Kỳ lại phải bỏ dở sự nghiệp học hành. Về nhà, anh xoay mọi nghề để kiếm sống. Anh muốn cố gắng hết sức có thể để chứng minh cho mọi người thấy, anh tàn nhưng không phế. Và cũng muốn chị không phải hối hận khi chọn anh làm chồng. Anh Kỳ bảo, những nghề mà anh đã trải qua có lẽ không còn đếm được trên đầu ngón tay nữa. Nào là làm pháo, đi buôn sắn, lái xe công nông, làm kem bán…

Ngồi bên cạnh, chị Nghĩa nhớ lại: "Hồi ấy vợ chồng tôi đi buôn sắn. Ngày nắng không sao chứ có hôm đi ban đêm lại gặp trời mưa mà phải leo lên những con dốc cao thăm thẳm thì khủng khiếp lắm. Có lần chồng tôi làm rơi cả chân giả, tôi lại dẫn anh ấy đi tìm. Có khi cực thân hai vợ chồng ôm nhau khóc. Khóc rồi lại động viên nhau cố lên". Hết buôn sắn, vợ chồng anh lại gom góp tiền mua công nông chạy. Hình ảnh một chàng thương binh bị cụt một tay và cụt một chân điều khiển chiếc xe công nông ban đầu gây ngỡ ngàng cho nhiều người. Sau rồi nó trở nên quá quen thuộc. Ròng rã sáu năm trời anh lái công nông chở vật liệu thuê khắp vùng Sơn Tây này.

Với sự thông minh và nhanh nhậy của mình, anh thương binh Phùng Mạnh Kỳ hình như chưa bao giờ hài lòng với những gì mình có. Tìm tòi và khám phá công nghệ cũng là một niềm đam mê của anh. Ban đầu anh tìm mua những chiếc máy điều hoà cũ rồi chế tạo lại thành máy bán kem. Thời gian ấy mỗi ngày anh sản xuất hàng vạn que kem và thuê tới bốn mươi người đi bán rong. Rồi anh lại mở lò gạch, đốt vôi và ứng dụng vi sinh trong bã bia để làm nước có ga, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Không dừng lại đó, năm 2003, anh đã cùng với một số người bạn khác thành lập nên Công ty TNHH Kỳ Hợp do anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngôi nhà ba tầng khang trang ngoài mặt phố của anh chị cũng chính là trụ sở của công ty. Đỉnh cao của sự nỗ lực và không ngừng tìm tòi về công nghệ chính là anh đã sáng chế thành công và được cấp bằng độc quyền sáng chế một loại máy dùng để chế biến tinh bột sắn. Mỗi ngày cho ra 15 tấn tinh bột sắn, dùng để làm phụ gia sản xuất bánh mì, miến…

Không chỉ thành công trong hành trình vượt khó vươn lên làm giàu mà anh chị còn rất mãn nguyện với sự thành đạt của con cái. Sinh hạ được ba người con trai, hiện con cả đang là thạc sĩ và công tác tại trường Đại học thương mại. Con trai thứ cũng có bằng thạc sĩ tài chính. Riêng người con trai út của anh chị đã không may qua đời vì một tai nạn giao thông khi đang học tại trường Đại học Mỏ địa chất. Không chỉ con trai mà cả hai người con dâu của anh chị con đường học vấn cũng rất thênh thang.

Anh Kỳ bảo: "Có được thành công như ngày hôm nay, phần nhiều nhờ vào tình yêu và đức hy sinh cao cả của vợ mình. Nếu không có một tình yêu đích thực, có lẽ cả hai chúng tôi đã không thể dắt nhau đi qua những ngày gian khổ ấy". Hỏi chị Nghĩa rằng đã bao giờ chị cảm thấy tự ti khi đi bên cạnh chồng - một người thương binh thiếu đi một tay và một chân thì nhận được câu trả lời hết sức bất ngờ của chị: "Ngược lại thì có, tôi chỉ thực sự tự tin khi được đi bên cạnh anh ấy. Lúc nào tôi cũng tự hào về chồng của mình. Anh ấy đã làm được những điều mà không phải người bình thường nào cũng có thể làm được".

Trong cuộc sống thường ngày, anh thương binh Phùng Mạnh Kỳ là một người rất chiều vợ và quan tâm tới vợ từ những điều nhỏ nhất. Dù bận rộn chuyện kinh doanh nhưng chiều chiều anh vẫn chở vợ đi tập thể dục trong khu sinh thái. Đưa vợ đi cắt tóc, may quần áo, thậm chí hì hụi đánh cho vợ từng đôi giày để vợ diện mỗi khi có dịp đi đâu đó. Anh bảo, dù anh có bù đắp cho vợ bao nhiêu thì cũng không thể sánh bằng những hy sinh và tình yêu vô biên giới mà vợ đã dành cho anh. Cả đời này anh biết ơn và trân trọng "nửa kia" của đời mình

Ngọc Anh
.
.
.