John Bramblitt: Họa sĩ khiếm thị tài hoa

Thứ Hai, 10/02/2020, 11:47
Những mất mát của thị giác thực sự giúp John Bramblitt khám phá ra phần thiên tài tiềm ẩn và phát triển tài năng vượt trội của mình.


Chúng ta vẫn cứ nghĩ người họa sĩ chắc chắn phải có con mắt nghệ thuật, nhìn ngắm được mọi vật xung quanh mới có thể vẽ. Do đó, việc bị mù có thể trở thành đường cùng của bất kỳ họa sĩ nào. Nhưng với John Bramblitt thì hoàn toàn không phải thế. Những mất mát của thị giác thực sự giúp ông khám phá ra phần thiên tài tiềm ẩn và phát triển tài năng vượt trội của mình.

John Bramblitt sinh năm 1971, là một họa sĩ sống ở Denton Texas, nước Mỹ. Trước khi bị mù, John học tại Đại học Bắc Texas ở Denton, Texas và tốt nghiệp loại giỏi. Nhưng ít ai biết rằng anh bị động kinh từ năm lên 2 và bắt đầu mất thị lực từ năm 11 tuổi.

Khi Bramblitt mất đi thị lực cuối cùng vào năm 2001 cũng do biến chứng của bệnh động kinh và bệnh Lyme, hy vọng trở thành một giáo viên dạy viết sáng tạo của anh đã tan vỡ. Bị mù là một cú sốc nặng với anh. Nó khiến anh tuyệt vọng và chán nản như đang rơi vào một cái hố sâu vô tận và tăm tối. Jonh cảm thấy mất kết nối với gia đình và bạn bè, bị xa lánh và cô đơn.

“Tất cả những ước mơ, kỳ vọng, mọi kế hoạch tôi đã xây dựng cho cuộc đời mình đều tan biến. Tôi không chỉ tuyệt vọng mà còn rất đau khổ. Giống như cuộc đời mà tôi đã sống và định sống đều đã chết. Tôi thấy mình mất tất cả, rơi vào trạng thái bế tắc”, John Bramblitt nói. 

Thế mà chỉ sau một năm sau khi ánh sáng rời bỏ anh, John quyết định tìm cách mang sắc màu trở lại cuộc sống bằng cách học vẽ. Mặc dù nghệ thuật luôn là một phần quan trọng trong cuộc sống của John, nhưng thời gian này anh mới bắt đầu học vẽ trở lại và thành công. Anh chia sẻ: “Nghệ thuật đã định hình lại cuộc đời tôi”.

Làm thế nào mà John Bramblitt có thể học vẽ thành công được khi trước mắt anh chỉ là một màu đen kịt? Cứ cho là anh có thể cảm nhận cuộc sống, ghi nhận phong cảnh xung quanh bằng khoảng thời gian mắt sáng, nhưng làm sao anh có thể định hình được mà vẽ? Làm sao anh có thể cho ra đời những bức tranh mà ngay cả người bình thường cũng không thể vẽ được?

Để làm được điều này, John bôi hồ dán lên giấy để tạo đường viền cho hình ảnh định vẽ. Hồ khô sẽ nổi lên mặt giấy và anh có thể dùng tay sờ và cảm nhận xem liệu bức tranh đó đã ổn chưa. Sau đó, anh dùng vải vẽ có đường vân nổi và tô màu vào trong đường viền.

Khâu chọn màu vẽ là khâu khó nhất. John làm quen với những lọ màu có chữ nổi để phân biệt màu sắc, sau đó, như sống với màu vẽ, John có thể cảm nhận được màu sắc chỉ bằng cách vê chúng trên tay. Màu trắng, theo John Bramblitt thì đặc và dính như kem đánh răng, còn màu đen thì lỏng hơn nhiều.

Thời gian đầu, những tác phẩm của người họa sĩ mù trông xấu xí và vụng về, nhưng vì không nhìn thấy chúng nên Bramblitt cũng không mấy phiền lòng.

Anh đùa: "Không phải vì tôi bị mù nên tôi trở nên can đảm hơn khi thất bại, mà là bởi vì nếu chúng có trông xấu xí thì tôi cũng không phải nhìn chúng".

Lúc mới đặt bút vẽ, Bramblitt phải mất 14 giờ liên tục để hoàn thành một bức tranh, nhưng bây giờ thì công việc đó không làm anh tốn thời gian như vậy nữa. Anh cứ tiếp tục vẽ và sáng tạo cho đến khi công việc này trở nên nhuần nhuyễn, tốc độ vẽ ngày càng tiến bộ, nhanh hơn trước rất nhiều. Các tác phẩm cũng ngày càng đẹp hơn, chuẩn xác hơn khiến người xem vô cùng ngưỡng mộ. Các tác phẩm của anh đã được bày bán tại hơn 20 quốc gia.

Hầu hết những bức tranh của John Bramblitt đều về phong cảnh đồng quê, được lấy cảm hứng và những gì anh nhớ được khi mắt anh còn sáng. John chưa bao giờ nhìn thấy vợ và con trai nhưng đã vẽ khá nhiều bức chân dung về họ. Anh “mừng vì bị mù” bởi bằng những cách khác nhau anh có được trải nghiệm quý giá và cuộc sống của anh giờ đây rực rỡ hơn bao giờ hết. 

John vừa mở một triển lãm và mời người xem sáng mắt tới dự, để họ chạm và cảm nhận những bức tranh của anh. Công việc của John càng ý nghĩa khi anh vừa mở một xưởng vẽ nhỏ tập trung nghiên cứu vào những kỹ thuật vẽ cho người khiếm thị. Hơn thế, anh còn rất hạnh phúc khi trở thành thầy dạy vẽ cho rất nhiều em nhỏ...

Từng rất lo sợ khi trở nên mù lòa nhưng giờ đây Jonh Bramblitt không còn nghĩ về mình như là một người khuyết tật nữa. “Tôi luôn tưởng tượng rằng mù lòa là một khác biệt rất lớn. Nhưng thực tế, mù lòa và sáng mắt không khác nhau là mấy. Tôi có thể làm được nhiều thứ mà tôi vẫn làm trước đây. Tôi cho rằng đôi mắt thực sự chỉ làm hai việc cho một họa sĩ - chúng giúp xác định vị trí để vẽ trên tranh và giúp xác định những màu sắc khác nhau”.

Với nỗ lực vươn lên và những đóng góp cho xã hội, Jonh Bramblitt đã trở thành chủ đề của nhiều câu chuyện truyền thông, bao gồm một bộ phim tài liệu đã giành được một số giải thưởng phim ngắn và một video được bình chọn là Video truyền cảm hứng nhất năm 2008 cho YouTube. Anh cũng là tác giả đoạt giải thưởng của cuốn sách “Shouting in the dark”, kể về cuộc đời của chính mình, hành trình vượt qua những khó khăn trở ngại khi mù lòa và những nỗ lực khơi dậy niềm vui, niềm đam mê và các mối quan hệ của mình thông qua nghệ thuật.

"Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi bạn ngừng suy nghĩ về nghịch cảnh như một trở ngại và xem nó như một kinh nghiệm sống, một điều gì đó mà bạn có thể học hỏi và lớn lên từ đó. Cuộc sống của tôi bây giờ là một con đường đầy màu sắc hơn bao giờ hết", Bramblitt chia sẻ.

Anh Kiệt
.
.
.