Vợ chồng vận động viên khuyết tật Hồng Thức - Hồng Kiên:

Khuyết tật, không khuyết hạnh phúc

Thứ Ba, 02/07/2013, 16:05

Phạm Hồng Thức và Hoàng Hồng Kiên đã không còn đôi chân để tự đứng lên trong cuộc sống nhưng họ lại ngẩng cao đầu bằng chính những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân. Gặp nhau trong cái duyên của thể thao, họ đã sát lại với nhau, yêu thương và đồng hành cùng nhau trong những chặng đường đầy cam go, nghiệt ngã.

Để lại phía sau những ngày giông bão, họ đã dắt nhau đi tới một chân trời mới - nơi ấy có ngôi nhà nhỏ và đứa con trai khỏe mạnh, dễ thương. Có lẽ chừng ấy với họ là quá đủ.

Những ngày bĩ cực

Khi chúng tôi đến cũng là lúc Hoàng Hồng Kiên vừa đi đưa chổi chít cho các đại lý ngoài Hà Nội về. Trời mùa hè lại đúng vào những ngày nóng cao điểm, khuôn mặt chị vì thế mà đỏ au. Cả một buổi chiều rong ruổi trên chiếc xe máy dành cho người khuyết tật đi khắp các đầu mối ở Hà Nội để giao hàng. Hồng Kiên thở hổn hển, nói với chồng: "Nắng quá, cảm giác như say nắng. Huyết áp bỗng dưng tụt xuống, suýt nữa là em xỉu". Xót vợ, anh Thức vội vàng lết hai bàn tay đi pha cho vợ một cốc bột sắn để chị giải khát. Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, Hồng Kiên cười buồn, nói: "Thời buổi khó khăn đến người bình thường mưu sinh còn khó nói chi đến những người khuyết tật như bọn em".

Nói là nói vậy thôi chứ tự bản thân mình Hồng Kiên biết, bây giờ dù khó khăn đến mấy thì cũng chả thể nào so được với những ngày đầu chị một thân một mình xuống thành phố lập nghiệp. Nghĩ lại, nhiều lúc chị vẫn thấy sởn gai ốc. Quê chị ở Đình Lập, Lạng Sơn, cô gái miền sơn cước ấy ngay từ khi mới sinh ra cơ thể đã không toàn vẹn như người bình thường. Vì bị ảnh hưởng chất độc da cam từ mẹ nên Hồng Kiên đã bị liệt hai chân.

Mẹ chị, trong một lần đi làm việc, không may mắn vướng mìn nên đã bị mất một chân, một tay. Người đàn bà bất hạnh ấy những tưởng sẽ phải sống cô độc cho đến hết cuộc đời. Nhưng rồi đến một ngày, một người đàn ông đã bước vào cuộc đời bà. Dấu tích của cuộc tình ngắn ngủi ấy chính là chị. Một mình vượt cạn để sinh con, cứ ấp ủ hy vọng đứa con sinh ra sẽ là niềm an ủi, là hạnh phúc, là chỗ dựa cho tấm thân cô độc lúc về già. Nhưng hạnh phúc chưa kịp nở hoa thì bất hạnh đã ập đến. Đứa con ấy bị liệt hai chân bẩm sinh. Nuốt đắng cay vào lòng, mẹ chị quyết tâm nuôi chị lớn khôn. Dù vậy, đến tuổi đi học mẹ chị cũng đã rất khó khăn để xin cho con mình đến trường vì không nơi nào chịu nhận một đứa trẻ khuyết tật.

Ham học, Hồng Kiên tự lết sang nhà đứa em họ cũng chạc tuổi như mình nhờ nó dạy học. Ở trường nó học được chữ gì thì về nhà dạy Kiên chữ ấy. Thế mà cuối cùng nhờ sự kiên trì và lòng hiếu học cô bé tật nguyền Hoàng Hồng Kiên cũng đã biết đọc, biết viết. Trong những ngày tháng buồn khổ, Hồng Kiên đã tìm đến thơ như một cứu cánh cho tâm hồn mình. Kiên làm rất nhiều thơ và cũng đã từng giành giải cao trong cuộc thi sáng tác của người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn.

Thơ là cứu cánh tâm hồn nhưng lại không thể cứu được cái cảm giác mình là người vô vị. Mười lăm tuổi, Hồng Kiên thực sự thấy đau khi biết mình chả thể làm gì để tự nuôi sống bản thân. Trong lúc chán chường đến tột đỉnh thì chị nhận được một chiếc xe lăn do Hội Người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn tặng. Không những thế họ còn giới thiệu chị đến Hội Người mù thị xã Hà Đông xin việc. Xe có, địa chỉ cần tuyển dụng người khuyết tật có, Hồng Kiên thấy mình như được chắp đôi cánh. Ước mơ về những ngày tự kiếm sống cứ cháy bỏng trong chị. Và cuối cùng, chị quyết định trốn mẹ tự mình bắt xe khách xuống Hà Đông khởi nghiệp.

Vạn sự khởi đầu đã không được xuôi chèo mát mái như Hồng Kiên mong muốn. Ngày chị xuống phố tìm việc lại đúng vào ngày chủ nhật của tháng Giêng nên không ai đi làm. Một mình lang thang trên chiếc xe lăn đi tìm phòng trọ. Đến rất nhiều nơi nhưng họ đều nhìn chị ái ngại kèm với cái lắc đầu đến lạnh lùng. Đêm mùa đông, trời rét như cắt da cắt thịt chị bơ vơ nơi thành phố xa lạ. Không thuê được phòng trọ, Hồng Kiên phải ngủ ngoài đường trên chiếc xe lăn. Nói là ngủ chứ chị nào dám chợp mắt phút nào, chỉ mong sao trời nhanh sáng.

Sáng hôm sau, chị quay trở lại Hội Người mù Hà Đông rất sớm. Đến nơi chị mới biết ở đây người ta chỉ nhận những người khuyết tật nội tỉnh. Nước mắt chị lưng tròng, bao nhiêu dự định tan biến trong thoáng giây. Định quay gót ra về thì một người gọi giật chị lại và nói: "Ở đây đang thiếu một chân đi bán chổi chít, nếu em đồng ý thì sẽ tuyển em làm công việc đó". Với Hồng Kiên lúc đó, làm việc gì không quan trọng, quan trọng là có việc để làm. Và kể từ ngày hôm đó, Hồng Kiên chính thức có việc làm.

Anh Thức đang hì hụi sửa xe cho vợ.

Ngày ngày chị rong ruổi trên khắp các phố phường để bán chổi chít. Trong một lần tình cờ bán chổi ở phố Khúc Hạo, Hồng Kiên đã phát hiện ở đây có Trung tâm thể thao dành cho người khuyết tật. Thấy chị ngồi xe lăn nhưng thể lực mạnh mẽ nên HLV Ngô Anh Tuấn đã bảo chị vào tập thử, không ngờ ngay sau đó chị được nhận vào Trung tâm. "Hồi đó tôi vui lắm nhưng cũng phải đắn đo cân nhắc rất nhiều. Tôi sợ mình không kham nổi cùng một lúc vừa bán chổi vừa luyện tập thể thao. Nhưng rồi cuối cùng tình yêu thể thao trong tôi cũng chiến thắng. Để ra được Trung tâm đúng giờ luyện tập (6 giờ sáng), tôi phải khởi hành từ lúc 2 giờ sáng lăn xe thì mới kịp. Suốt 2 năm trời ròng rã tôi lăn xe, đến nỗi bàn tay tôi chai sạn và lúc nào cũng rướm máu" - Hồng Kiên chia sẻ.

Nhưng chính cái cơ duyên đến với thể thao ấy đã cho chị được gặp anh - người chồng hết mực thương yêu chị. Chị bảo: "Anh ấy chính là sự bù đắp cho những thiệt thòi mà tôi phải gánh chịu".

Trái ngọt của tình yêu

Tại đường đua Paragames, Hồng Kiên đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với vận động viên xe lăn Phạm Hồng Thức. Thời gian được tập luyện cùng nhau, những lần chuyện trò, trải lòng với nhau đã khiến họ đến gần nhau hơn và yêu nhau tự khi nào không biết. Nhưng tình yêu đầu đời của cả hai con người khuyết tật này đã không nhận được sự ủng hộ của hai bên gia đình. Vì không thuyết phục được đấng sinh thành nên hai người quyết định cứ về chung sống với nhau với hy vọng tình yêu chân thành của họ sẽ là câu trả lời xác đáng nhất tới người thân.

Không giống với vợ bị khuyết tật bẩm sinh, anh Phạm Hồng Thức (Gia Lâm, Hà Nội) vĩnh viễn mất đi đôi chân của mình trong một tai nạn tàu hỏa khi mới 15 tuổi. Ở vào cái độ tuổi của một chàng trai mới lớn, việc chấp nhận mất đi đôi chân dường như là quá sức. Biết bao lần anh Thức đã nghĩ đến chuyện tự kết liễu đời mình để không phải trở thành gánh nặng cho người thân. Một hôm, tình cờ xem trên tivi chứng kiến những người cũng khuyết tật như mình nhưng họ vẫn vươn lên tập luyện, thi đấu thể thao và đem về những chiếc huy chương vinh danh cho tổ quốc, ngay ngày hôm sau anh đã đến Trung tâm và xin được thi tuyển vào đó. Và cũng chính tại nơi đây anh đã bén duyên với chị.

Bộ sưu tập huy chương của vợ chồng Hồng Thức - Hồng Kiên.

Có tình yêu làm điểm tựa, hai con người bất hạnh đã gắng sức vươn lên và đạt được những thành tích đáng nể trên mọi đấu trường từ trong nước, khu vực đến quốc tế. "Đằng sau mỗi tấm huy chương là mồ hôi và nước mắt. Tôi có cảm giác những gì chúng tôi đạt được đều phải trải qua rất nhiều thử thách. Như năm 2007, trên đường hai vợ chồng vào Huế thi đấu, xe ôtô chẳng may gặp nạn, tôi bị thương nhẹ còn vợ tôi bị thương rất nặng. Lúc đó tôi cũng định bỏ thi để vào viện chăm sóc vợ nhưng cô ấy nhất định không nghe. Cô ấy bảo "anh mất bao nhiêu công tập luyện không thể vì em mà bỏ cuộc giữa chừng. Anh phải nghị lực lên, em cũng nghị lực. Mỗi người cố gắng một chút". Cuối cùng tôi phải để cô ấy lại cho người thân chăm sóc còn mình thì tiếp tục lên đường thi đấu. Lần ấy tôi giành 4 huy chương vàng.

Hơn hai tháng nằm viện, chị trở về, âm thầm tập luyện để mong sớm trở lại trung tâm. Một năm sau, trên đường đua tại Paragame 4 ở Thái Lan, một chiếc xe của vận động viên phía sau lao vào khiến cho cánh tay của Hồng Kiên sai khớp, phải nhập viện ở Băng Kốc. Hôm sau, chị vẫn xin được xịt thuốc giảm đau để bước vào cuộc đua. Với nỗ lực ấy, chị đã giành được huy chương bạc về cho đất nước.

Những tấm huy chương vàng, bạc ấy là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cặp vợ chồng Hồng Thức - Hồng Kiên. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn lao và ý nghĩa nhất đối với họ sau tất cả chính là sự ra đời của cậu con trai Phạm Tuấn Anh.

Nhắc lại lần vượt cạn của mình, mắt Hồng Kiên đỏ hoe: "Người ta sinh con thường có mẹ đẻ chăm sóc nhưng tôi thì không được may mắn thế. Mẹ ở xa, lại già yếu nên những ngày sinh con trong bệnh viện và cả những ngày sau nữa chỉ có chồng bên cạnh. Anh ấy phải làm mọi việc từ A đến Z. Nhìn chồng vất vả mà thương lắm". Bé Tuấn Anh đến nay đã được bốn tuổi. Hình như cảm nhận được hoàn cảnh đặc biệt của bố mẹ nên bé rất ngoan. "Hiếm thấy đứa trẻ nào mà sáng sáng phải dậy cùng bố mẹ từ 5 giờ bất kể trời nắng hay mưa, nóng hay rét mà chẳng khóc lóc gì. Chúng tôi phải đánh thức con dậy sớm thế để cho cháu ăn rồi mang nó sang gửi nhà cô giáo, đến giờ cô sẽ đưa nó đến trường nơi cô dạy. Có những hôm con sốt 40 độ cũng vẫn đành mang thuốc gửi kèm nhờ cô cho uống để bố mẹ đi tập ở Trung tâm" - anh Thức chia sẻ.

Thời gian thấm thoắt trôi, tính tới thời điểm này cả anh Thức và chị Kiên đã có tới mười năm gắn cuộc đời mình với sự nghiệp thể thao của người khuyết tật nước nhà. Mười năm với những nỗ lực, phấn đấu hết mình đổi lại là những tấm huy chương làm nên tên tuổi họ. Và có lẽ chính tình yêu thể thao đã giúp họ gần nhau hơn, yêu thương đồng cảm với nhau nhiều hơn. Tôi thấy Hồng Kiên thật dịu dàng khi nói về cuộc sống của mình: "Em không biết sau này anh ấy có thay đổi gì không còn bây giờ những gì anh ấy đối với tôi đúng như một món quà mà ông trời bù đắp. Bọn em khuyết tật nhưng không khuyết hạnh phúc"…

Phong Anh
.
.
.