Kỳ nhân chiến thắng số phận

Thứ Ba, 24/12/2013, 15:30

Bị bại liệt hai tay và hai chân từ khi lọt lòng mẹ, cuộc đời của Lê Hồng Sơn tưởng chừng chỉ ngập toàn bóng tối. Không chấp nhận số phận, Lê Hồng Sơn đã kiên trì bền bỉ chống lại bệnh tật và trở thành người hùng đối với nhiều người cùng cảnh ngộ. Sơn làm mộc, mở doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều trẻ em khuyết tật, con thương binh, liệt sĩ, hoặc các cháu bị nhiễm chất độc da cam. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định: "Tinh thần, ý chí của Lê Hồng Sơn là tấm gương đáng để cho các bạn trẻ Việt Nam noi theo".

Trắc ẩn tuổi thơ

Sinh năm 1974 trong một gia đình có năm anh em ở xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh. Vừa lọt lòng mẹ, Lê Hồng Sơn sinh ra đã bị teo tóp chân tay. Nhiều người trong làng bảo nhau, Sơn bị nhiễm chất độc da cam bởi, cha Sơn là thầy giáo hàng chục năm trời gắn bó với sự nghiệp trồng người ở miền núi phía tây Quảng Trị, nơi giặc đã rải thảm chất độc giết người. Người đời bảo "giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay", nhưng hai bàn tay Sơn bị co quắp ra trước ngực không thể cử động, còn hai bàn chân lại quay ngược lại phía sau teo tóp. Hơn 35 tuổi nhưng người Sơn chỉ cao khoảng 1,2m.

Cuộc đời Sơn là một chuỗi dài đấu tranh để chiến thắng bệnh tật. Không chấp nhận nằm một chỗ, lên 6 tuổi Sơn nằng nặc đòi đến trường theo bạn bè. Gia đình ái ngại nhưng không thể cưỡng lại việc ham học của con. Không còn tay nhưng còn hai chân bị tật vẫn cử động được, nên Sơn đã tự tập viết bằng chân. Nhìn Sơn co quắp chiếc bút vào ngón chân để viết những dòng chữ ngay ngắn, thẳng hàng mới thấy hết sự vượt mình của cậu. Bền bỉ, cố gắng nên Lê Hồng Sơn đã học hết lớp 10 trường huyện.

Đang học lớp 10, thì cha của Sơn đổ bệnh phải nằm một chỗ, tất cả tài sản trong nhà đều bán đi chữa bệnh cho cha, ngay cả chiếc gương soi hằng ngày của cả nhà cũng không thể giữ. Sơn chấp nhận nghỉ học và rong ruổi kiếm sống. Lân la hết Hà Nội, Vinh, Hà Tĩnh để kiếm sống bằng nghề bán tăm, bán báo nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Phải có nghề để làm, Sơn nghĩ vậy và cậu bắt đầu học nghề mộc. Trong các nghề thủ công, nghề mộc đòi hỏi nhiều nhất ở sự khéo léo của đôi bàn tay, trong khi hai tay Sơn hoàn toàn không cử động được vậy sao lại chọn làm mộc? "Đã thử thì phải thử cái nghề khó nhất với mình, nếu không đạt được 100%, đạt 50 % thì mình cũng có thể làm nghề khác, hơn nữa mình muốn luyện đôi chân thành thạo", Sơn khẳng định.

Phía trước là bầu trời

Lê Hồng Sơn đang hướng dẫn một học viên làm mộc.

Lê Hồng Sơn nói với tôi, anh thích nhất là câu "phía trước là bầu trời" vì nó như một phương châm sống của anh. Không ủy mị, kêu gào vì bệnh tật mà phải tìm cách chế ngự bệnh để làm việc, để vươn tới, Sơn thường nói với những người đang làm việc với anh như vậy. Từ một người tất cả sinh hoạt của bản thân đều phải nhờ người khác, Lê Hồng Sơn đã gắng vượt lên thân phận của mình, năm 2003, Sơn trở thành thầy giáo dạy nghề cho những người khuyết tật ở Trung tâm người khuyết tật Hà Tĩnh.

Năm 2001, trong một chuyến đi làm mộc Lê Hồng Sơn gặp chị Nguyễn Thị Vân ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Thấy Sơn tàn tật song chịu thương chịu khó, lại ăn nói có duyên nên Vân thương Sơn từ khi nào không biết. Họ nên vợ nên chồng. Hạnh phúc đã tràn ngập trong ngôi nhà ấm cúng của họ, khi hai đứa con trai khỏe mạnh, bụ bẫm lần lượt chào đời. Làm cho mình giờ thì dễ rồi, nhưng phải giúp những người cùng cảnh ngộ, nghĩ là làm nên năm 2008, Lê Hồng Sơn mở doanh nghiệp tư nhân Mạnh Dũng (tên ghép 2 đứa con của Sơn) chuyên về nghề mộc, thu hút nhiều người khuyết tật vào làm. Sơn cho biết, doanh nghiệp của anh có thể đóng tất cả các mặt hàng từ bàn, ghế ăn cơm đơn giản đến giường, tủ, bàn ghế đòi hỏi nhiều kỹ năng, kỹ xảo.

Để có tiền mở doanh nghiệp, Lê Hồng Sơn đã thế chấp ngôi nhà mà mình đang ở để vay nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng. Hiện tại doanh nghiệp của Sơn luôn có gần 20 người làm việc. Anh Dương Đình Ngự, quê Hương Sơn bị liệt hai chân từ nhỏ tâm sự :"Từ khi về làm với anh Sơn, tui mới thấy cuộc đời mình còn có ý nghĩa”. Nguyễn Đăng Tuấn, quê Yên Thành, Nghệ An bị liệt hai chân từ nhỏ, được Sơn đón về dạy việc làm. Khi tiếp chuyện tôi, Tuấn nói về Sơn đầy cảm phục "Anh Sơn giống như người sinh ra em lần thứ hai vậy”.

Trong bức thư gửi động viên Lê Hồng Sơn, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương viết: "Bác khen ngợi cháu có ý chí không ngừng vươn lên, vượt qua tật nguyền theo học phổ thông trung học, tự học cho bản thân mình có nghề nghiệp, giỏi nghề và còn có tinh thần thân ái giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Tinh thần, ý chí của cháu là tấm gương đáng để cho các bạn trẻ Việt Nam noi theo"

Dương Sông Lam
.
.
.