Làm giàu kiểu BUFFETT

Thứ Hai, 20/02/2017, 16:23
“Tôi không bao giờ toan kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Tôi luôn giả định hôm sau người ta có thể đóng cửa thị trường và không mở cửa lại suốt 5 năm sau đó”.


Đó là tuyên bố của Warren Buffett, vị tỷ phú tự lập người Mỹ 86 tuổi, hiện là người giàu nhất và được kính nể nhất thế giới. Tổng tài sản riêng của vị chủ tịch, tổng giám đốc công ty cổ phần Berkshire Hathaway này trong năm  2016 là 12 tỉ USD.

Trong cuốn sách có tựa tạm dịch là Làm sao để giàu như Warren Buffett: các nguyên tắc và phương pháp thực hiện của nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, Robert Miles, chuyên gia về Buffett kể rõ về ông, cùng những nguyên tắc đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả vào thị trường chứng khoán (TTCK) và những lĩnh vực kinh doanh mà ông tin tưởng.

“Chỉ là hợp thức hóa”

Câu nói đầu bài của Warrett được minh chứng bằng việc ông không bao giờ đầu tư vào cổ phiếu , mà đầu tư vào công ty. Ông cho rằng cổ phiếu chỉ là sự hợp thức hóa quyền sở hữu của cổ đông với công ty ấy, nên không có chuyện ông “mua bán lòng vòng”. 

Ông thường vận dụng chiến lược “mua và giữ” suốt một thời gian dài (thậm chí giữ luôn) một khi xác định đó là những công ty chiến lược, Buffett cho rằng cổ phiếu tốt là cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp. Khoảng cách giữa giá thị trường và giá trị nội tại càng lớn thì biên độ an toàn cùng lợi nhuận cho nhà đầu tư sẽ càng cao. 

Để có lợi nhuận thì phải tính được giá trị thật hoặc giá trị nội tại của cổ phiếu hay của công ty đó. Điều đó có nghĩa là phải nghiên cứu kỹ và sâu về từng công ty ông sắp đầu tư. Buffett khuyên: “Muốn thành công thì chịu khó đọc báo cáo thường niên của các công ty”.

Tỉ phú Buffett quan niệm sống nhẹ nhàng.

Trong thực tế, Buffett tìm kiếm những công ty mà ông biết rõ, có lịch sử lợi nhuận ổn định, triển vọng phát triển dài hạn, có khả năng thu được lợi nhuận tốt từ vốn thông qua phát hành cổ phiếu với mức nợ thấp… Tiêu chuẩn mà ông đề ra là một doanh nghiệp có mô hình hoạt động đơn giản, mức doanh thu ổn định, lợi nhuận trên vốn tốt, nợ ít, và ban quản lý tốt. Ông quan tâm tới những công ty nằm trong mức từ 5 tỷ tới 20 tỉ USD, những công ty càng lớn càng tốt.

Không đầu tư dàn trải

Buffett không ưa cách chọn mua nhiều cổ phiếu của các công ty khác nhau, khác ngành nghể nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất và hạn chế tối đa rủi ro. Ông cho rằng nếu chọn được một công ty tốt để đầu tư thì sẽ đạt lợi nhuận cao và rủi ro thấp, còn đa dạng hóa danh mục đầu tư chỉ làm giảm lợi nhuận. Theo Buffett, nếu lỡ đầu tư vào công ty làm ăn có lãi ít, thì nên rút ra càng sớm vì nếu để lâu thì nhà đầu tư càng bị lỗ và mất cơ hội tái đầu tư vào công ty làm ăn hiệu quả khác. Ngược lại, nếu đầu tư đúng vào công ty tốt thì không nên rút tiền vốn và cổ tức, vì càng “gởi” lâu thì lợi nhuận càng cao.

Buffett cũng quan tâm đến lợi thế cạnh tranh của công ty và năng lực của ban lãnh đạo: họ có tầm nhìn, có kinh nghiệm về quản lý kinh doanh và có đạo đức hay không? Ông chỉ mua cổ phiếu của công ty có lợi thế cạnh tranh cao, phát triển tốt, đang dẫn đầu thị trường hoặc có thương hiệu được đánh giá cao và không bị đối thủ lớn cạnh tranh, cũng như phải có những nhà quản lý đáng tin cậy. Ông cũng để ý liệu công ty có giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư?

Buffett không bao giờ vội mua các cổ phiếu có biên độ an toàn không rõ ràng. Ông thường đợi khi thị trường vào giai đoạn điều chỉnh hoặc đang giảm giá mạnh để mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị nội tại của nó. Cách đầu tư đơn giản này giúp ông giàu và không bị tổn thất, dù ông bị chê là thận trọng nên bỏ phí những cơ hội lớn. Ông không quan tâm giá TTCK lên hay xuống, hay nói cách khác, đến lúc mua ông mới chú ý giá tăng hay giảm, sau đó không quan tâm nữa.

Cuộc đời tươi đẹp

Buffett tổ chức một bữa trưa, cho ai đó chịu trả tiền cao nhất ngồi ăn cùng ông nhằm quyên tiền cho quỹ từ thiện Glide Foundation giúp người nghèo và không nhà cửa. Năm 2009, Triệu Đan Dương người Trung Quốc ngồi ăn với ông, sau khi chịu góp 2,1 triệu USD.

Đó là những hoạt động từ thiện mới nhất của Buffett, người vào năm 2006 tuyên bố tặng 83% tài sản cho Qũy từ thiện Bill & Melinda Gate. Giàu nứt đổ đố vách nhưng ông sống trong một ngôi nhà 3 phòng ngủ mua từ 50 năm trước, sử dụng một chiếc ô tô cũ, làm việc trong một căn phòng nhỏ và cách xa Phố chứng khoán Wall Street, vì ông cho rằng mình không thuộc thế giới của những “bộ óc tài chính vĩ đại”. Ông không cần điện thoại di động hoặc computer, không bao giờ đi máy bay. Bài học lớ nhất đời ông là sự cần kiệm và lao động hết mình. Ông nói có 6 cách tiêu tiền:

•1 và 2: Trả nợ cho công ty và đầu tư vào TTCK, để tăng doanh thu và phát triển công ty.

•3 và 4: Mua nhà và tiện nghi nội thất, làm đẹp mặt công ty, vì cải thiện môi trường sống cũng là để tái tạo sức lao động.

•5 và 6: Mua xe xịn để hưởng cho mình và mua quà tặng cho con để động viên chúng, là sự lãng phí. Theo ông, xe chỉ để chạy và nếu bị kẹt xe, xe xịn cũng vô dụng. Còn mua quà cho con không “mua” được tình cảm chỉ khiến con cái ỷ lại. Đó là lý do ông chưa tuyên bố ai sẽ là người thừa kế tài sản trong số 3 người con và bà vợ đời thứ hai.

Buffett sống thoải mái, tìm thấy niềm vui khi chơi bài với bạn bè, đùa giỡn với con cháu hoặc tản bộ trong rừng. Ông cũng chơi golf với các doanh nhân, nhưng không ưa người ta lại chọn lúc giải trí này để bàn chuyện làm ăn và mở rộng quan hệ. Ông không thích “bon chen” như đã nói: “Tôi không muốn sắm một chiếc du thuyền dài 121m chỉ vì người khác có một chiếc du thuyền dài 120m”. Ông không xài thẻ tín dụng, mua món gì đều trả bằng tiền mặt, để “trước khi trả tiền ta phải suy nghĩ kỹ nó có đáng mua hay không”. Ông không ưa trò mua “trả góp” vì trả sau đồng nghĩa phải trả đắt hơn.

Buffett là người sẵn sàng khiếu nại với sở thuế nếu hoàn thuế cho ông mà thiếu vài USD, nhưng sẵn lòng làm từ thiện. Triết lý của ông khá đơn giản: “Đừng bao giờ làm mất đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Điều này còn quan trọng hơn làm ra tiền”. Áp dụng triết lý này đầu óc ta sẽ trở nên sáng sủa hơn, lành mạnh hơn. Buffett thường nói: “Nếu bạn làm điều mà bạn yêu thích, bạn sẽ hết mình vì điều này, nói chung, ngang bằng với việc làm ra tiền”.

VÀI CÂU NÓI CỦA BUFFETT

Điều số 1: Đừng bao giờ thua lỗ.

Điều số 2: Không được bao giờ quên điều số 1.

Nguyên tắc để làm giàu: “Hãy sợ hãi khi những người khác tham lam. Hãy tham lam khi những người khác sợ hãi”: khi số đông “tham lam” sẽ đẩy giá cổ phiếu lên quá cao, vượt qua giá trị thật. Còn khi số đông sợ hãi sẽ đẩy giá cổ phiếu xuống, tạo ra những cổ phiếu có biên độ an toàn và lợi nhuận trong tương lai cao.

“Thời gian là kẻ thù của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, và là bạn của doanh nghiệp đang ăn nên làm ra”. Nếu doanh nghiệp bạn đầu tư có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 20-25%, thời gian là bạn của bạn. Nếu tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thấp hơn mức bạn mong muốn thì thời gian là kẻ thù của bạn.

Thảo Hương
.
.
.