Làm lại cuộc đời ở vùng rốn ma túy

Thứ Tư, 19/04/2017, 12:03
Thành tâm hối cải, cai hẳn nghiện cho bản thân, Lò Văn Ơn còn trở thành ông chủ giúp đỡ cho người từng lầm lỡ. Những đôi bàn tay lao động tạo ra của cải từ xưởng mộc của gia đình Ơn, phần nào giúp vùng rốn ma túy Bon Phặng - huyện Thuận Châu (Sơn La) dần trở lại yên bình.


Bản Kéo Pháy - nơi Lò Văn Ơn đang làm lại cuộc đời giờ đây đổi thay nhiều bởi sắc màu của những ngôi nhà sàn duyên dáng. Nhìn ra những vạt ngô ven đồi, Ơn cho biết: "Tôi và nhiều người đã từng quậy tơi bời xóm núi, mấy năm nay đã nghĩ cách làm nó dần bình yên".

Trong thâm tâm người cha già, ông Lò Văn Ín vẫn khắc in hình ảnh đứa con ngoan. Ông bảo, Ơn cứ như con trâu của bản, ham làm nương làm rẫy, đến khi tìm được người "ưng cái bụng" là Lò Thị Tuân trong hội xuân thì lập gia đình vào năm 1989. Rồi nó thay đổi lúc nào không rõ…

Hai vợ chồng Ơn sống chủ yếu vào nương rẫy. Thời điểm đó, cơn lốc ma túy thổi mạnh về Bon Phặng, nhiều bà con chỉ thấy cái lợi trước mắt đã tiếp tay hoặc mua ma túy cung cấp cho người trong xã và vùng lân cận. Điều đó đã làm tăng số người mắc nghiện trong xã, cũng đã khiến nhiều tổ ấm, với những ngôi nhà gỗ ọp ẹp trở nên xiêu vẹo. Hệ quả đớn đau là biết bao gia đình quằn quại trong nỗi đau chia ly. 

Anh Lò Văn Ơn.

Năm 2000, Ơn cũng bập vào ma túy và mau chóng bị "nàng tiên nâu" cuốn đi. Không chỉ chích hút, Ơn thấy bà con trong bản lơ là việc làm nương mà chuyên tìm cách "kiếm một ít" từ ma túy, thuốc phiện. Giữa lúc đời sống khó khăn, đó là cách đơn giản và dễ dàng nhất mà họ có thể nghĩ ra, bất chấp tác hại sau này.

Ông Ín bảo con trai: "Mày đừng nghĩ dại. Mọi thứ chẳng bằng cây lúa cây ngô quê mình". Ơn quay mặt: "Con không chịu kiếp nghèo. Không. Lúa ngô gì cũng chẳng bằng làm xong một chuyến".

Đôi mắt người cha chắt ra những giọt đau bất lực. Nó có vợ có con, nó chạy, làm sao quản nổi. Hằng ngày ông hướng ra nương ngô thông thốc gió ngóng con quay lại. Bao nhiêu tấm gương xấu ở bản chỉ ra một điều, chẳng thể làm giàu bằng con đường phạm pháp. Ông nghĩ, con người chỉ thay đổi số phận được bằng lao động. Quả nhiên, đứa con dại dột của ông đã không thoát nổi lưới pháp luật. Năm 2004, Ơn bị bắt và bị TAND tỉnh Sơn La kết án bốn năm tù giam. "Tôi là đứa con của bản đã nghĩ dại. Tiền nuôi con chẳng thấy đâu, cũng chẳng thoát nghèo. Sau cùng nếp nhà trống hoác, còn tôi phải trả giá. Khổ! Tôi đã không nghe lời cha", Ơn ngậm ngùi.

Trong lao tù, đầu Ơn cứ văng vẳng lời cha, kèm theo nỗi ân hận. Song, Ơn đã được cán bộ trại giam làm cho sáng dạ. "Lúc đó, tôi được biết mình còn có ngày về, còn có thể làm lại cuộc đời. Số tôi chưa hết. Và tôi tích cực cải tạo", Ơn nhớ lại.

Suốt nhiều năm liền, và cho đến bây giờ, huyện Thuận Châu - tỉnh Sơn La vẫn được coi là vùng "rốn" ma túy. Đặc biệt, xã Bon Phặng đã có nhiều bậc "anh chị" đang còn ngồi bóc lịch trong lao tù. Hiện công an xã đang quản lý hơn 50 người được tha tù trở về địa phương, trong đó có Ơn. Mãn hạn tù, người vươn lên nhanh nhất trong số hàng chục người bị bắt cùng đợt ở Bon Phặng là Lò Văn Ơn.

"Trong những ngày cải tạo trong trại giam Yên Hà (Sơn La), tôi được học nghề mộc và học rất nhanh. Công việc cần lắm sự nhẫn nại, tỉ mẩn giúp tôi dần trở nên biết nghĩ sâu xa", Ơn tâm sự.

Anh Ơn (ngồi giữa) với cuộc sống ổn định bên con, cháu.

Ngày trở về, đứng trước cha già, Ơn thưa: "Con sẽ đổi thay phận mình". Ông Ín nhìn con, gật đầu: "Người Thái yêu quý con trâu. Mày vẫn là con trâu quý của nhà ta". Rồi Ơn quay sang nói với vợ: "Anh sẽ làm nghề thợ mộc để nuôi con". Với câu nói đầy quyết tâm, chị Tuân mừng lòng.

Thế nhưng, niềm vui đoàn tụ chẳng kéo dài được bao lâu thì một ngày Ơn đau đớn phát hiện con trai lớn Lò Văn Quân mắc nghiện. Ơn nhớ lại: "Nếu lúc đó buông xuôi thì nguy cơ lắm! Bốn đứa con nheo nhóc buộc tôi phải cố hơn. Tôi bảo vợ vừa làm nương, vừa mượn đất để trồng cấy quyết tâm đẩy lui cái nghèo, đồng thời phải tìm cách cai nghiện cho thằng Quân".

Sẵn có kỹ năng làm mộc, cộng thêm lời hứa với cha và vợ, Ơn chịu khó đi tìm những hộ cần làm nhà ở các bản trong xã, gợi ý xin giúp để lấy chút tiền công. Thấy ngôi nhà nào hỏng là anh gợi ý xin sửa chữa.

Được bà con chấp thuận, anh vay tiền ngân hàng mua dụng cụ về làm mộc, kéo cậu con trai nghiện ngập vào làm để kèm cặp và tự tìm cách cai cho con. Nhờ cần cù, cộng với hai bàn tay khéo léo, bà con nhờ ngày một nhiều, công việc đến với anh đều hơn.  Năm 2010, anh mời hai người cùng cảnh được tha tù về cùng làm với mình, mở cho họ cơ hội được hòa nhập cuộc sống. Việc làm ấy khiến bà con trong vùng, chính quyền địa phương xã Bon Phặng nể phục. Con trai anh cũng đã cai dứt hẳn nghiện. Có chút vốn liếng, anh mua thêm cưa máy, nhận thêm ba người từng bị phạt tù, nghiện ngập khác vào làm việc.

Nhờ tích lũy vốn liếng, năm 2014 vợ chồng Ơn đã cất được ngôi nhà sàn khang trang. Năm 2016 thì tậu thêm một suất đất. Hai cậu con trai đã có vợ, mỗi buổi tối các cháu nội lại ríu rít bên ông bà.

Ghi nhận việc làm của anh Ơn, ông Hà Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Bon Phặng cho biết: "Anh Ơn đã trở thành con người lương thiện, phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho một số người cùng cảnh. Đặc biệt hơn, anh Ơn dù không biết chữ, nhưng lại chọn cách trả lương theo thu nhập hằng tháng và không cố định mức lương. Thu nhập nhiều thì trả công cho anh em nhiều, vì thế anh em làm thuê rất được lợi".

Lò Văn Ơn tại xưởng chế biến gỗ.

Lời tâm sự của ông Hoa, cũng là lời chia sẻ của ông Lò Văn Ngoan - Trưởng công an xã Bon Phặng. Ông Ngoan cho hay: "Trong số hơn 50 người được tha tù về trong danh sách quản ở địa phương thì anh Ơn là một tấm gương tốt, được đi dự Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng ở Hà Nội".

Chuyến đi đó không chỉ là chuyến đi xa quê nhất của anh, mà còn mở rộng thêm cách nghĩ của Ơn, cũng lay động trong anh biết bao nhiêu ước vọng.

Hiện nay, ngoài công việc gia đình, giúp cho những người từng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, anh Ơn còn là tấm gương cùng lực lượng Công an xã tuyên truyền xóa bỏ tệ nạn ma túy, đấu tranh với các phần tử gieo "cái chết trắng". 

Từ đó công an xã Bon Phặng thuận tiện hơn trong việc quản lý các phần tử được tha tù về, kiểm soát tốt người nghiện. Nhất là người dân thường lấy anh Ơn làm tấm gương, rằng "từ người lầm lỗi, Ơn đã đựng nên cơ nghiệp"!

 Ơn tự hào nói: "Việc làm đối với người được cai nghiện hay người chấp hành xong án phạt quan trọng lắm. Tôi ước mở rộng hơn, nhận được nhiều người hơn vào làm để cùng xóa bỏ dần tệ nạn ma túy".

Hải Miên
.
.
.