Làm lại cuộc đời từ cây nấm

Thứ Năm, 22/10/2015, 15:30
Từng là một ông chủ mỏ than có tiếng ở Quảng Ninh, nhưng việc giàu lên nhanh chóng khi tuổi đời còn quá trẻ cộng với cuộc sống xa nhà khiến anh sớm rơi vào nghiện ngập. Bao nhiêu của cải, tài sản đội nón ra đi theo làn khói thuốc phiện. Năm 2001, anh bị bắt và bị kết án 15 năm tù vì tội mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý, nhưng vì cải tạo tốt, anh được ra tù trước thời hạn gần 3 năm. Quyết tâm xoá bỏ mặc cảm, tự ti của người từng vào tù ra tội, anh vươn lên trở thành một ông chủ sản xuất nấm có tiếng của huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Quá khứ lầm lỡ

Dù đã là chủ một cơ sở sản xuất nấm nhưng anh Nguyễn Văn Thành, thôn Đạo Sử, thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh vẫn đậm chất nông dân hiền lành, chân chất. Nhìn anh không ai nghĩ rằng anh lại là người có quá khứ bất hảo. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa học hết lớp 4, ngay từ nhỏ, anh Thành và các anh em đã phải tự bươn chải, làm lụng để nuôi nhau.

Năm 18 tuổi, anh lên đường nhập ngũ. Xuất ngũ, anh trở về địa phương rồi lập gia đình, nhưng cuộc sống gia đình quá khó khăn đã đưa đẩy bước chân anh thanh niên Nguyễn Văn Thành lên biên giới Lạng Sơn làm cửu vạn. Dù làm việc chăm chỉ, nhưng cái đói cái nghèo vẫn không buông tha gia đình anh.

Không đủ tiền nuôi vợ con, anh Thành bỏ về Quảng Ninh làm cai than. Đây là giai đoạn anh làm ăn khấm khá nhất. Dù lúc ấy tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Thành đã trở thành một ông chủ mỏ than có tiếng của Quảng Ninh. Có những lúc làm ăn phát triển, mỏ của anh có trên 200 công nhân. Làm ăn như diều gặp gió, kinh tế gia đình anh ngày càng khá lên. Thế nhưng cuộc đời chẳng ai nói trước được điều gì. Có tiền trong tay nhưng cuộc sống xa gia đình cộng với sự cám dỗ ăn chơi đã khiến anh sớm sa ngã vào con đường nghiện hút. Bao nhiêu của cải, tài sản đều đội nón ra đi theo làn khói thuốc phiện.

Ước mơ làm giàu đã tan vỡ. Ngày anh rời làng ra đi chỉ có hai bàn tay trắng và ngày trở về ngoài hai bàn tay trắng còn cõng thêm tấm thân dặt dẹo cùng với những cơn nghiện vật vã. Chị Nguyễn Thị Tằm vợ anh khi ấy chỉ biết ôm đứa con thơ dại mà khóc cạn nước mắt.

Biết không đủ sức lo cho chồng, chị đã nhờ cán bộ địa phương giúp đỡ. May thay, ông Nguyễn Tiến Suất, khi đó là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Lương Tài đã giúp đỡ anh Thành cai nghiện tại trụ sở. Nhưng niềm hy vọng của vợ và sự cố gắng của chính quyền xã đã trở thành nỗi thất vọng khi anh Thành không thể cai nghiện. Hết lần này đến lần khác, anh vẫn không thoát được nỗi ám ảnh của ma túy. Sau đó anh được đưa về Trại giáo dưỡng tỉnh Bắc Ninh để cai nghiện nhưng 6 tháng qua đi, trở về gia đình anh vẫn tái nghiện.

Năm 2001, anh Thành bị bắt và bị kết án 15 năm tù vì tội mua bán, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý. Cuộc sống của gia đình anh như đứng trên bờ vực thẳm. Nhưng may mắn cho anh có được người vợ hiểu và thông cảm cho mình. Trước khi anh vào Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) chấp hành án phạt, chị đã động viên anh cố gắng cải tạo cho tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Anh Thành kiểm tra công việc sản xuất nấm tại cơ sở.  Ảnh: N.H.

Suốt thời gian anh ở tù từ năm 2001 đến năm 2012, một mình chị vừa ở nhà làm nông nghiệp vừa chăm con, chung thuỷ đợi chồng trở về mà không một điều tiếng với xóm làng. Dù cuộc sống quá khó khăn, vất vả, một năm chị và các con chỉ lên thăm anh được một lần, nhưng với anh đó là nguồn động viên lớn giúp anh vượt qua những tháng ngày chông gai phía trước.

Bước ngoặt cuộc đời

Anh Thành chia sẻ, để được ra tù sớm trước thời hạn gần 3 năm và có được nghị lực phấn đấu như ngày hôm nay chính là nhờ sự động viên của vợ con và sự giúp đỡ của chính những quản giáo Trại giam Phú Sơn 4. "Còn nhớ thời gian đầu ở Trại giam Phú Sơn 4, tôi hoang mang tư tưởng về mọi mặt. Tôi luôn chống đối nội quy, quy chế của trại giam như gây gổ, đánh nhau và nhiều lần bị kỷ luật. 15 năm tôi thấy thời gian quá dài và nghĩ rằng mình sẽ không có ngày về, nhưng bằng tấm lòng nhân hậu của những người quản giáo, cũng như những lời khuyên bảo tận tình của Ban Giám thị giáo dục trong các buổi sinh hoạt, khiến tôi ngộ ra nhiều điều. Từ đó tôi luôn luôn cố gắng hoàn thành mọi công việc được giao", anh Thành tâm sự.

Tại Trại giam Phú Sơn 4, anh Thành không những cải tạo tốt mà còn tham gia mọi hoạt động của trại. Nhờ sự chỉ bảo, chia sẻ, động viên của những người quản giáo, anh thực sự thay đổi, trở thành một con người hoàn toàn khác, biết sống vì người khác. Năm 2004, Thành nảy ra ý tưởng thành lập quỹ "Hơi ấm nghĩa tình phạm nhân" nhằm giúp đỡ những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khi trình bày nguyện vọng, Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 hỏi mục đích, anh có nói: "Ở trong trại là người ta nghĩ đến chuyện đánh nhau, trấn lột. Quỹ sẽ giúp đỡ được người có hoàn cảnh khó khăn. Như thế, giữa người cho và người nhận sẽ có mức độ thân tình, từ đó lan sang những người khác. Mọi tiêu cực trong trại giam cũng sẽ dần giảm bớt".

Nhận thấy việc làm đó là tích cực, nếu triển khai tốt sẽ mang giá trị nhân văn lớn, Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đã chấp thuận. Quỹ được triển khai, đã giúp đỡ cho nhiều cháu nhỏ và những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhân lên niềm tin và sự hướng thiện của người chấp hành án phạt. Mặc dù ban đầu, quỹ chỉ có vài tạ đường, mấy trăm hộp sữa nhưng đó thực sự là một việc làm rất ý nghĩa của một phạm nhân một thời lầm lỡ, nay đã tự thay đổi được bản thân mình.

Năm 2009, một lần nữa, anh Thành đã khiến cán bộ trại nể phục bởi bài viết xúc động khi tham gia cuộc thi viết "Nhật ký và niềm tin hướng thiện", do Tổng cục VIII (Bộ Công an) phát động cho toàn bộ phạm nhân trong cả nước. Bài viết được biểu dương trước trại, được Ban giám thị Trại giam Phú Sơn 4 trao giải ba. Bài viết là những tâm sự, trăn trở, nỗi ân hận của người phạm tội, niềm khao khát tự do và ý thức vươn lên làm người có ích của anh Thành đã góp phần thức tỉnh rất nhiều phạm nhân.

Với những thành tích và sự cố gắng vượt trội để cải tạo thành người tử tế, anh Nguyễn Văn Thành trở thành nhân vật trong chương trình Người đương thời, quay ngay trong Trại giam Phú Sơn 4.

Quãng thời gian mới ra tù là quãng thời gian khó khăn nhất với gia đình anh Nguyễn Văn Thành. Vợ ốm nặng, trong nhà không còn thứ gì đáng giá, con gái lớn đã đi lấy chồng, con trai còn nhỏ vì thương mẹ nghèo khó đã bỏ học lên thành phố đi kiếm việc làm, chẳng rõ ở nơi đâu. Nhìn cảnh nhà cửa tan hoang, anh thực sự hoang mang, lo sợ không biết phải bắt đầu từ đâu.

Những ngày đầu vừa lo kiếm tiền chạy chữa, thuốc thang cho vợ, vừa đi tìm con trai về để cho cháu đi học, có những lúc anh tưởng như tuyệt vọng, nhưng may mắn với anh khi nhận được sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đoàn thể huyện Lương Tài, đặc biệt là ông Nguyễn Tiến Suất, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện đã giúp đỡ hỗ trợ vốn để anh xây, sửa nhà cửa và đặc biệt là khuyên anh nên học nghề trồng nấm. Nhờ đó, anh đã quyết tâm theo học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Lương Tài và nhanh chóng áp dụng vào sản xuất tại gia đình. Năm đầu thu nhập được 60 triệu đồng, năm sau anh đã mở rộng ra và thu hoạch được 120 triệu đồng.

Trung tướng Nguyễn Văn Ninh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VIII và anh Nguyễn Văn Thành tại buổi gặp mặt đại diện người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu, tích cực tái hòa nhập cộng đồng tại Trại giam Phú Sơn 4 năm 2014.

Tiếp tục xin đấu thầu hai mẫu ruộng để tận dụng gốc nấm trồng hoa, cấy lúa, anh thu hoạch được thêm 50 triệu đồng. Bên cạnh đó anh còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ gia đình trong thôn mở cơ sở trồng nấm và dạy nghề cho họ. Mấy vụ lúa gần đây, Thành đã thuê máy gặt lúa về giúp bà con. Gia đình chỉ có người già, hộ mẹ góa con côi, anh chỉ lấy một nửa tiền, tận tình mang thóc vào tận đầu bờ để họ tiện chuyên chở. Anh cũng tích cực phát triển kinh tế và giúp bà con làm nấm, cấy và gặt lúa.

Anh Thành tâm sự: "Tôi được như ngày hôm nay, dù chưa phải là một doanh nhân thành đạt nhưng đó là nhờ công rất lớn của các cán bộ trại giam, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là cá nhân ông Nguyễn Tiến Suất. Tôi chỉ mong sao, những phạm nhân khi ra tù như tôi sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của tất cả mọi người. Nếu chỉ cố gắng một phía thì chưa đủ, quan trọng vẫn là sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện của chính quyền địa phương để những người như chúng tôi có cơ hội được làm lại cuộc đời".

Ngọc Mai
.
.
.