Làm phúc và làm đẹp giữa đời thường

Thứ Sáu, 09/06/2017, 16:53
Căn nhà của nghệ nhân khảm trai Nguyễn Ðình Vinh ở xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh như một phòng triển lãm, như một bảo tàng nhỏ, treo, dựng la liệt các loại tranh khảm trai, khảm xà cừ.


Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập đã trở thành hình ảnh quen thuộc trên nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng khi xem tác phẩm này của nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh thể hiện bằng khảm ngọc trai ai cũng ngỡ ngàng.

Cả bức tranh nuột nà lóng lánh, mềm mại uốn theo những chi tiết sắc sảo, tạo thần sắc, thần thái sống động. Không phải ngẫu nhiên tác phẩm làm từ 300 miếng ghép ngọc trai này đoạt giải lớn Tinh hoa làng nghề.

“Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” là một bức tranh hoành tráng, mô tả câu chuyện Vua Trần Nhân Tông hạ sơn cùng quân dân đứng lên chống giặc.

Bức tranh dài với hai trường đoạn vua cha vua con, có voi trắng chở, khiêng kiệu, võng, hồng hạc dẫn lối, nhiều quân tướng tháp tùng với nhiều tư thế, khuôn mặt khác nhau rất sinh động.

Bản vẽ cổ bị lưu lạc, nay được thể hiện bằng nghệ thuật khảm ngọc trai, muôn đời ánh lên ngũ sắc lịch sử. Tạo tác công phu, nhiều hình khối mờ, tạo chiều sâu không gian.

Ông Vinh kể, tác phẩm về đề tài lịch sử này được sự hợp tác nhiệt tình của các sử gia: Dương Trung Quốc, Lê văn Lan… càng thôi thúc ông chăm chút sáng tạo nghệ thuật chạm khảm.

Nghề khảm ngọc trai, cần tỷ mỉ, kiên trì, nhẫn nại đã đành, nhưng còn như một nghệ sĩ tạo hình. Cả bức tranh lớn, sinh động được nhờ chăm chút tạo hình từ bố cục tới từng chi tiết nhỏ, thần thái, nét riêng mỗi khuôn mặt trong câu chuyện lịch sử. Nghệ thuật khảm xà cừ kết hợp cả kỹ thuật, mỹ thuật, kỹ năng nghề để triển khai, khai thác, chuyển thể sang khảm trai, khảm xà cừ.

Công đoạn nào cũng thế, từ vẽ mẫu, cưa, đục, mài… đều đòi hỏi gắn cái tâm của mình vào - ông Vinh nói - cái tâm hiện trong tác phẩm.

Cần đạo đức nghề nghiệp để tranh bền, không bong ốc, không bạc ốc. Gắn keo hàng chợ, xử lý gỗ không khéo nó bật gốc lên làm tranh kém hẳn.

Vượt trên sản phẩm là tác phẩm thủ công mỹ nghệ. Mỗi tác phẩm khó nhất là ý tưởng, tạo hình, tạo mẫu. Phục dựng, hoạ lên lịch sử,  tích chuyện gắn với văn hoá lịch sử của dân tộc.

Làm nghệ thuật thủ công, máy móc chưa thay thế hết được, chỉ một số công đoạn làm máy. Máy không sáng tạo được, không cảm nhận được như trong nghề vẫn gọi là cao thấp, kênh bong khác nhau.

Đặc thù như thế, ông là ai, nghệ sĩ, thợ thủ công mỹ nghệ? Kỹ năng thì cần cả hai, Nhà nước phong là nghệ nhân, dân gian cứ gọi là thầy, theo nghĩa bậc thầy. Bậc thầy nghề này rành cả tích đông tây kim cổ, phong tục tập quán, văn hoá tín ngưỡng...

Cho thì còn, để thì mất, ông Vinh tâm sự về nghề, về mong muốn truyền nghề, đào tạo lớp thợ giỏi cho nghề, hoan hỉ truyền nghề cho thế hệ sau.

Nung nấu và tha thiết được hợp tác cùng phát triển để có nhiều bàn tay khéo léo hơn, cùng giữ gìn và phát triển văn hoá lịch sử của dân tộc. Một người giỏi không bằng cả một dân tộc giỏi và khéo - ông Vinh chia sẻ.

“Tôi mở lớp nghề cho thợ giỏi, truyền bí quyết chứ không để mất nghề, mong mọi người hợp tác cùng làm, một mình không làm hết được. Tạo thi đua, làm cho xã hội, đất nước mạnh lên. Nghệ thuật là sáng tạo riêng, ủng hộ sáng tạo, thi đua đa dạng.

Ánh xà cừ vĩnh cửu, quý phái… các cụ để lại giá trị thẩm mỹ và nghề quý này. Mình cố gắng giữ nghề, không chỉ là bát cơm, còn là niềm tự hào”.

Văn hoá, sử ta, là thông điệp về hào khí, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm, tạo sức mạnh dân tộc. Tác phẩm văn hoá lịch sử truyền lại cho con cháu, để yêu và hiểu thêm về đất nước, dân tộc, cung kính với các bậc tiền nhân, tổ tiên.

Giữa đời thường ông Vinh còn là thầy thuốc, có những bài thuốc hay ông chữa miễn phí cho bà con. Ông kể, làm việc nhiều ông bị đau lưng đau khớp, một người vì thích tranh khảm trai của ông, cho ông thuốc để mong ông khoẻ tiếp tục khảm tranh.

Khoẻ rồi, ông dùng thuốc này chia sẻ với mọi người. Ông đào tạo vợ con giúp ông làm cao, hướng dẫn mọi người dùng những lúc ông bận làm tranh. Nhà ông ngày nào cũng đông người đến xin thuốc.

“Cho thuốc nhưng mình phải vui cơ, phải tận tâm chỉ dẫn, không để bà con mặc cảm vì phải đi xin thuốc… Phải gieo lòng nhân ái giữa con người… Cái tâm thánh thiện, tư tưởng không thông cầm bình tông không nổi. Làm thuốc gieo duyên, làm phúc cho thì còn, hưởng một mình là hết”.

Hạnh là duyên. Phúc Lai Thành - có phúc khắc thành, khắc đến, ông Vinh chiết tự câu chữ để lý giải lối sống chia sẻ với mọi người.

Làm phúc cho đời và làm đẹp cho đời, cả hai đều đạt tới bậc thầy, hướng tới lòng nhân ái.

Hoàng Hương
.
.
.