Làm quan phải đoan chính

Thứ Tư, 27/11/2019, 09:49
Thời gian gần đây, trên mạng loan truyền hình ảnh người đàn ông quyền lực nhất đất nước Phần Lan, Tổng thống ngồi bệt trên bậc cầu thang để lắng nghe bài phát biểu trong một hội chợ sách đã gây ấn tượng trong dân chúng.


Được biết, đó là một tấm ảnh chụp đã lâu, khi ông Sauli Niinistö tham dự một hội chợ sách vào tháng 10 năm ngoái ở tây nam đất nước. Sở dĩ sự kiện diễn ra đã lâu, nhưng mãi đến nay hình ảnh mới được loan truyền, vì ông Tổng thống đến hội chợ sách một mình, lặng lẽ và bình dị như bao người khác, không có vệ sĩ, không có tiền hô hậu ủng, không có phóng viên đeo bám để ghi lại mọi khoảnh khắc của người đứng đầu đất nước. Tấm ảnh là do một người tham dự hội chợ sách up lên.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (đeo kính, hàng thứ 2) ngồi bệt trên cầu thang ở hội chợ sách.

Người ta cảm thấy ngạc nhiên và khâm phục trước sự bình dị, thanh liêm của ông Sauli Niinistö. Dân cư mạng khắp thế giới đã không tiếc lời ngợi khen ông, đặc biệt những người vốn quen việc nhìn thấy các quan chức đi đâu cũng phải tiền hô hậu ủng.

Tuy nhiên, xét cho cùng thì đạo làm quan vốn phải thanh liêm như vậy. Điều này đã được truyền giảng từ xưa ở phương Đông. Khi được Quý Khang hỏi về chính trị, Khổng Tử nói rằng: “Chính trị là chính đính (ngay thẳng). Lãnh đạo dân một chính sách chính đính thì ai dám không chính đính”. 

Một lần khác nữa, ông nói thêm rằng: “Nếu giữ thân mình cho đoan chính thì tòng sự chính trị có gì khó? Không giữ thân mình cho đoan chính thì làm sao sửa cho người khác đoan chính được?” (Luận Ngữ).

Làm chính trị cuối cùng chính là giúp nắn chỉnh, sửa chữa mọi mặt đời sống của nhân dân cho chính đáng, hợp lẽ rồi từ đó xã hội có môi trường tốt để phát triển, đời sống nhân dân an yên, hạnh phúc. Thế nên làm chính trị, chính là dùng chính tâm, chính hành để dẫn dắt dân chúng. Để phục vụ mục đích giáo huấn dân chúng, chắc chắn người làm chính sự phải đoan chính, tự mình làm gương. Cũng chính là luôn phải tu thân cho tốt thì mới có thể tận tâm, vô tư, chính trực khi làm những việc liên quan tới quyền lợi sát sườn.

Không chỉ có Khổng Tử, mà các bậc vua hiền của nước ta từ xưa cũng đã dạy điều này. Vua Lê Thánh Tông cũng từng chỉ dụ các quan phủ, huyện, châu trong nước rằng: “Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông trang để có đủ cơm áo, hai việc cần kíp đó của chính sự là chức trách của các thú mục” (Đại Việt sử ký toàn thư). Việc của người làm quan, làm chính trị, cuối cùng gói gọn lại là hai việc đó mà thôi: giáo huấn, dẫn dắt để dân chúng có đạo đức tốt; lo lắng, chỉ dẫn, giúp đỡ để dân được no đủ.

Thế nên, kể cả làm tổng thống, thì chẳng qua cũng chỉ là mang trên thân mình một trọng trách giúp người, giúp đời. Chẳng vậy mà trong Điều thứ 22 thuộc 24 điều cáo dụ của Vua Lê Thánh Tông đặt ra cho dân xã toàn quốc có ghi: “Những người làm quan phủ, huyện, mà biết khuyên bảo dân gian làm điều nghĩa, khiêm nhường, có quan Thừa - chính, Hiến - sát xét thực, thì được cho vào hàng tốt; nếu ai không chăm dạy bảo dân, thì cho là người không xứng chức” (Tài liệu về Vua Lê Thánh Tông tại Thư viện Quốc gia).

Trách nhiệm, việc làm phải xứng với chức tước, địa vị, chứ không phải quyền lợi, của cải phải xứng với chức tước, địa vị. Vậy nếu hiểu rằng có được chức quan kèm theo quyền hành và lợi ích là để quay lại làm điều tốt cho dân, cho nước, thì những chính khách chân chính sẽ đều hành động như ngài Tổng thống Phần Lan trong những trường hợp tương tự.

Đó là cái lý đã có từ xa xưa, chứ Tổng thống Niinistö không phải là người tiên phong làm điều này. Nhưng có lẽ vì vậy mà Phần Lan đã nhiều lần được bình chọn là "quốc gia hạnh phúc nhất".

Tân Ước
.
.
.