“Lão khùng” và những bức tranh độc đáo

Thứ Năm, 05/07/2018, 14:35
Tranh của họa sĩ Hồ Đắc Hiệp sống động và phảng phất đâu đó nét xưa của một làng quê Bắc Bộ hay sự gặm nhấm của dòng thời gian đã bào mòn đi những bức tường rêu phong cổ kính. Những thân cây xù xì, cũ mốc trên nền gạch loang lổ, ố vàng... Tất cả thế giới của ngày xưa được ông tái hiện trên tranh làm bằng giấy báo và cánh bướm...


Độc đáo tranh bướm

Lẽ ra bàn tay khéo léo cùng đam mê nghệ thuật “vị nghệ thuật” đã đưa Hồ Đắc Hiệp trở thành một nhà điêu khắc tuyệt đỉnh. Nhưng duyên hội họa lại “ám” vào người, để rồi chàng sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Huế mất thêm 4 năm nữa cho... mực cọ.

9 năm đèn sách đã mài giũa bàn tay, khối óc và tâm hồn của Hồ Đắc Hiệp, đưa ông “phiêu” với những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng kén chọn người thưởng thức. Năm 2000, ông dẫn cả gia đình vào TP. Hồ Chí Minh. 

Ở đây, niềm đam mê hội họa bung trào, Hồ Đắc Hiệp có nhiều cơ hội thể hiện tài năng của bản thân. Người thành phố sử dụng những cánh bướm làm thiệp chúc mừng, bán đầy các cửa hàng, công viên, nhà sách. 

Thấy cảnh đó, Hồ Đắc Hiệp nảy một ý định trong đầu về một dòng tranh mang màu sắc từ cánh bướm. Vậy là ông đi thu gom cánh bướm khô về nhà sau đó phân loại theo từng màu sắc để ghép tranh. Chỉ một thời gian ngắn, họa sĩ Hồ Đắc Hiệp đã có bộ sưu tập hơn 40 màu sắc từ 250 loại bướm. 

Việc làm tranh bằng cánh bướm đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, tốn nhiều thời gian. Đầu tiên phải hong khô những cánh bướm dưới ánh sáng của bóng đèn trong vòng 24 tiếng đồng hồ. 

Bắt đầu từ việc phác họa đường nét trên giấy rồi gắp từng cánh bướm dán lên bằng một loại keo đặc biệt. Màu cánh bướm ngả về màu hoàng hôn, màu xưa cũ, lột tả tinh tế nét rong rêu, sự tàn phá của thời gian đốt cháy những bức tường của phố cổ. Ban đầu, ông chỉ làm những bức nhỏ. Mỗi ngày nhìn thấy bức tranh cánh bướm rực rỡ, đầy sức sống khiến người họa sĩ dâng trào ý tưởng. 

Ông suy nghĩ, phải thực hiện một bức thật lớn để đưa dòng tranh cánh bướm bứt phá, trở thành biểu tượng khác biệt của nghệ thuật. Càng làm thì càng mê. Không phải là những con bướm đơn độc tô điểm một phần cho bức tranh mà cả rừng cánh bướm sống động trên tranh.

Họa sĩ Hồ Đắc Hiệp tỉ mỉ chọn, phân loại cánh bướm.

Đi sưu tập cánh bướm đã khó, cách bảo quản còn đòi hỏi nhiều công phu hơn. Bướm có vòng đời sinh trưởng khoảng 30 ngày, nở rộ vào khoảng tháng 5, tháng 6. Bướm bắt về chích formol vào từng con để giữ thân bướm không hư và hong khô bằng một loại thuốc để giữ cánh bướm được lâu. 

Những con bướm đưa vào tranh đòi hỏi phải giữ được lớp lông trên mình bướm và lớp phấn mỏng phủ trên cánh bướm. Vì vậy người thợ làm tranh bướm phải hết sức nhẹ nhàng, khéo léo. Đến nay tranh bướm đã được đưa vào hai hệ thống siêu thị lớn ở Mỹ và thị trường Nhật. 

Tranh bướm của họa sĩ Hồ Đắc Hiệp chọn hai mảng đề tài chính đó là cổ điển và hiện đại. Nhiều bức tranh lấy màu sắc của cánh bướm phác thảo nên một quán vắng chiều hạ, nơi đồng quê tỏa khói chiều tà. Bức tranh có bóng dáng những người thiếu phụ đi làm đồng về, ghé quán bên đường uống chén nước trà. 

Nhìn cảnh ấy, không ít người đã nao lòng, nhớ về làng quê thân yêu của mình. Họa sĩ Hồ Đắc Hiệp chia sẻ: “Khi làm tranh về đề tài làng quê, trong tôi luôn cuộn trào nỗi nhớ. Bởi vậy tôi làm tranh, trước hết là để thỏa mãn chính cái tình yêu đồng nội mãnh liệt của mình”.

Những đề tài hiện đại cũng được họa sĩ Hiệp phác thảo sống động. Đó là hình ảnh các cô nữ sinh với áo dài trắng đứng tần ngần trong sân trường. Một vài chiếc lá bàng khô rơi rụng trước hàng phượng vĩ rực trời, chạm vào trái tim hoài niệm của bất cứ ai. 

Rồi đến dòng tranh trừu tượng, bằng việc phối màu của các cánh bướm thể hiện dụng ý của người họa sĩ. Trên tất cả những bức tranh cánh bướm chính là cảm giác thật của người xem về hàng ngàn cánh bướm muôn màu đang bay xào xạc vào khoảng không vô tận.

Ý tưởng đột phá của Hồ Đắc Hiệp là ông tự mình phác thảo ra một bức tranh bao quát toàn bộ chiều dài đất nước trong đó thể hiện đặc trưng của cả ba vùng miền. Bức tranh dài 15m chia làm 3 phần biểu tượng cho ba miền được kết bằng 100% cánh bướm khô. Họa sĩ cho biết: “Phải mất vài tháng trời tôi lùng sục khắp nơi tìm mua cánh bướm. Tôi lang thang như một gã khùng. Khi trở về lại một mình phối màu, tỉ mẩn ngồi dán. Làm việc không biết thời gian, có những lúc quên ăn”.

Mỗi vùng miền ông chọn những địa danh đặc trưng, nổi bật để mọi người đều biết và nhận ra. Ở miền Bắc lấy cảnh 36 phố phường, Hồ Gươm, cây đa, đình làng, còn ở miền Trung lấy dòng sông Hàn, cố đô Huế, ở miền Nam thì lấy chợ Bến Thành, hòn Nam Bộ… 

Chọn xong từng đặc điểm đến công đoạn phối màu là khó khăn và căng thẳng nhất vì màu sắc của cánh bướm không đa dạng lại chỉ phù hợp với nét cổ xưa, cũ kĩ. Để hoàn thành bức tranh, ông đã nhốt mình trong phòng, không nhận sự giúp đỡ của ai, kể cả vợ con. 

Theo quan niệm của ông, giá trị bức tranh chính là sự sáng tạo về nội dung, bố cục. Vẻ đẹp trong tranh là ẩn ý của người họa sĩ từ những chi tiết nhỏ nhất. Cho nên không thể có một bàn tay người thứ hai đụng vào, như thế sẽ mất đi sự trọn vẹn.

Bức tranh cánh bướm của họa sĩ Hồ Đắc Hiệp triển lãm ở Huế đã thu hút đông đảo khách tham quan. Nhiều người mới đầu nhìn tranh không nhận ra đó là những cánh bướm khô đến khi thấy hộp cánh bướm trưng bày bên cạnh mới ngạc nhiên. Sau đó bức tranh bán đấu giá được 500 triệu đồng. Tất cả số tiền ấy, ban tổ chức dùng để mổ tim cho 24 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. 

Tranh của họa sĩ gợi nhớ nét xưa cũ.

Kiên trì đạt đến "độ chín"

Sau thành công của dòng tranh cánh bướm, họa sĩ Hồ Đắc Hiệp còn sáng tác ra dòng tranh bằng giấy báo xé vụn. Trong suốt 90 ngày, ông đã cần mẫn ngồi xé vụn hàng trăm tờ báo, tạp chí chỉ để lấy ra một số màu sắc dán vào tranh. 

Trong tranh, điều tối kị là không được sơn bất cứ một màu sắc nào mà phải để màu của giấy báo gốc. Có khi tìm cả xấp mà không chọn được màu nào phù hợp rồi khi chọn được thì cũng chỉ xé lấy miếng báo lớn nhất cũng không to quá một đốt ngón tay. 

Nhiều lúc mỏi tay, mỏi mắt, ông ngồi trên chiếc ghế xoay ngắm lại tác phẩm của mình để chỉnh sửa. Ngắm thấy chỗ nào chưa được lại tiếp tục dán chồng lên, chồng đến khi nào gật gù tâm đắc mới thôi. 

Họa sĩ Hồ Đắc Hiệp tâm sự: “Gia đình tôi vốn là dòng dõi quan quyền thời vua Tự Đức. Từ nhỏ, tôi đã mê vẽ tranh nên quyết tâm theo đuổi ước mơ nghệ thuật. Trong bốn người con của tôi thì không ai theo nghề của cha và tôi cũng không muốn hướng các con theo bởi cái nghề này nghèo lắm, bạc lắm, lỡ đam mê rồi nên phải theo thôi”.

Những cánh bướm trở thành tranh, lưu giữ vẻ đẹp thiên nhiên.

Bức tranh “Đến hẹn lại lên” có kích cỡ 140 x 300cm được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập “bức tranh lớn nhất Việt Nam từ giấy báo xé vụn do một người làm”. Nội dung trong tranh là những liền anh, liền chị đang hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong ngày hội Lim. 

Tổng thể bức tranh gợi lại cuộc sống sinh hoạt văn hóa đời thường của người dân Bắc Bộ. Họa sĩ cho biết, thật ra ý tưởng này không phải xa lạ gì nhưng để thực hiện thành công thì không phải ai cũng làm được. Đó phải là tố chất kiên trì đã đạt đến “độ chín” của người họa sĩ.

Hơn nửa đời làm tranh, yêu tranh, gắn bó với tranh, họa sĩ Hồ Đắc Hiệp đã thực hiện hàng ngàn bức tranh ở nhiều màu sắc, cung bậc khác nhau. Những người yêu nghệ thuật hội họa bằng giấy báo, cánh bướm, vỏ cây... đã quá quen thuộc với ông. Thông điệp họa sĩ nêu ra rất rõ ràng trong từng bức tranh, đó là mong muốn giữ gìn các loại hình văn hóa dân gian Việt Nam, đồng thời cổ vũ sáng tác nghệ thuật bảo vệ môi trường. 
Ngọc Hoa - Ngân Nguyễn
.
.
.