Lão ngư mù trên phá Tam Giang

Thứ Sáu, 24/05/2013, 14:40

Lặn ngụp dưới dòng nước xanh thẫm của đầm Cầu Hai một lúc lâu, lão ngoi lên khỏi mặt nước, trên tay lão con cá dìa quẫy mạnh. Bà Dưỡng vợ lão đang xếp lại mấy cái lừ, đó ngay mạn thuyền, thấy được cá cũng ngơi tay lum khum ôm khạp đón lấy thành quả của chồng. Xem chừng ngấm mệt sau lần lặn dài, mặt lão nheo nheo cất tiếng vọng giữa đầm, "chuyến này coi bộ cũng tươm mệ nó hỉ.

Từng này tôm cá thu được, buổi chợ sớm mai mệ nó cũng đuổi được kha khá mà lo cho 2 thằng cháu ngoại đủ tiền ăn học tháng này"… Thế rồi, lão tiếp tục dò dẫm khua mái chèo hướng thuyền về phía cửa Tư Hiền nơi thông đầm Cầu Hai với biển. Giữa mênh mênh, mông mông của đầm phá trong chiều muộn, vợ chồng lão ngư mù lại lặng lẽ khỏa nước mưu sinh...

Chuyện của kình ngư mù

Lão tên Nguyễn Dê, 67 tuổi, cái tuổi xế chiều gần thất thập cổ lai hy hiếm ai còn cường tráng, giọng nói sang sảng được như lão. Riêng ở thôn Trung Hưng (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì chẳng ai bảo lão Dê bị mù mắt cả. Dẫu trên bờ lão có phải dò dẫm từng bước đường, nhưng khi dưới đầm, lão vượt xa đám thanh niên vạn chài sáng mắt mà như cá gặp nước, tung hoành lặn ngụp chẳng khác gì con rái cá tìm mồi. Bởi Nguyễn Dê theo đầm, sống với đầm từ bấy đến giờ đã lâu bằng cái tuổi của lão hiện giờ, nên đầm Cầu Hai mênh mông, rộng lớn làm vậy mà hỏi bất cứ ngõ ngách nào,  lão Dê cũng rành rọt như trong lòng bàn tay… Thậm chí, loài cá gì, đi ăn theo con nước ra sao, mùa gì con nào ngon nhất, nhiều nhất lão, Dê đều tỏ tường.

Theo lời lão Dê thì từ khi lên 8, sau  khi bị bệnh đậu mùa thập tử nhất sinh, đôi mắt của lão vì thế mà đã bị cướp đi. Từ đó, Nguyễn Dê phải tập cách sống trong mông lung bóng tối, dẫu rằng cuộc sống của cả gia đình lão luôn gắn chặt với lênh đênh đò cá giữa đầm mưu sinh. Nhưng thật lạ, số phận cướp đi của lão cái này, thì lại bù đắp cho lão một khả năng khác. Với bản chất sinh tồn của người miền biển, trước hoạn nạn hiểm nguy không bao giờ cam chịu buông xuôi theo số phận, vì họ biết rằng nếu buông xuôi nghĩa là nộp mạng cho Hà Bá. Nguyễn Dê cũng vậy, lão mù 2 mắt nhưng lão còn lành lặn đôi tay, một cơ thể cường tráng.

2 vợ chồng ông Nguyễn Dê.

Không phải bỗng dưng mà bà con xóm vạn chài Trung Hưng lại ví lão Dê là kình ngư. Chuyện lão Dê tay không, mắt mù nhưng có tiếng sát ngư hơn khối trai tráng sáng mắt trên đầm đã là chuyện thường ngày. Câu chuyện lão Nguyễn Dê mù nhiều lần mò giúp được tài sản lớn của người đi chợ trên đầm Cầu Hai cũng nhiều tình tiết thú vị. Khi đó, Nguyễn Dê đang ngồi canh thuyền cho người em trai đặt lờ bắt cá thì nghe mấy bà chèo ghe đi chợ xôn xao việc o Thơm đánh rơi cả túi tiền hàng xuống đầm Cầu Hai lúc chợ sáng. Đám trai tráng, những thợ lặn giỏi nhất ở trong thôn cũng đã được cậy nhờ lặn ngụp từ sáng đến chiều, nhưng đành chịu vì cái túi rơi ngay chỗ nước sâu, lại quá nhiều rong tảo. Vậy là o Thơm chỉ còn biết ỉ ê than khóc vì toàn bộ vốn liếng, tiền mua cá đều phải dâng cho Hà Bá.

Biết chuyện, Nguyễn Dê lần tìm ra bến gặp o Thơm một mực nhận mò giúp. Thấy Dê đã mù lại còn đòi ra chỗ nước sâu để lặn ai nấy đều hồ nghi, cùng không ít lời khuyên can mà lão vẫn quả quyết. Lão làm thật, nhờ mọi người chèo ghe chở ra đoạn o Thơm đánh rơi cái túi, rồi Nguyễn Dê mất tăm mất dạng dưới dòng nước sâu hun hút. Đám ngư chài càng hồ nghi, lo lắng bất an hơn khi một hồi lâu mà vẫn không thấy lão Dê ngoi lên, trời chiều đã dần sẩm tối. Cho đến khi có tiếng quẫy nước mạnh, lão Dê dần ngoi lên giữa dòng nước đen ngòm, trên tay là chiếc túi của o Thơm thì bà con lúc đó mới nhẹ lòng.

Ly kỳ và xúc động không kém là chuyện Nguyễn Dê lái đò vượt phá Tam Giang đưa cán bộ cách mạng vào cứ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, gia đình Nguyễn Dê tuy chỉ là những ngư dân nghèo cuộc sống quanh năm quần quật với chài lưới ven phá Tam Giang, nhưng cả gia đình ông đều rất giàu tinh thần cách mạng.

Do có tài chèo đò và bơi lội giỏi nên Nguyễn Dê thường cùng 3 anh em ruột là Nguyễn Điền, Nguyễn Thị Gái và Nguyễn Sỹ nối tiếp cha mẹ chèo đò đưa đón cán bộ, vận chuyển lương thực, súng đạn vượt phá Tam Giang về căn cứ cách mạng ở xã Lộc Bình để đánh địch. Giữa năm 1968, một biến cố đã xảy ra, đó cũng là lần thoát chết diệu kỳ trên phá Tam Giang của Nguyễn Dê. Lần đó, trong đêm tối Nguyễn Dê cùng 2 người em lặng lẽ đưa đò vượt qua nhiều chặng quan sát của địch để tải súng đạn, lương thực lên cứ. Nhưng vừa đi đến giữa dòng, thì đò của Dê bị quân địch phát hiện bắn pháo rực đỏ cả một góc phá. Trúng đạn, đò cháy rụi, Nguyễn Dê chỉ kịp nhảy xuống nước bơi ra xa.

Nhưng lần đó, 2 người em ruột của ông và bao súng đạn, gạo muối do dân làng tích góp gửi lên cứ đã bị pháo địch dìm xuống dòng nước sâu. Cũng chính thời gian này, hình ảnh ấn tượng của anh ngư dân mù nhưng giàu nghị lực và gan dạ, một lòng với cách mạng Nguyễn Dê đã khiến cho cô gái ở xóm vạn đò tên Nguyễn Thị Dưỡng cảm phục mà bén duyên…

Vượt qua bóng tối

Suốt chiều muộn dập dình, rong ruổi theo vợ chồng Nguyễn Dê tầm cá ở đầm Cầu Hai, rồi được lão Dê chở ra khoe đìa cá rộng gần nghìn m2 mặt nước đang nuôi cá hồng, mú và dìa huê sắp đến vụ thu hoạch vào tháng 6 tới, chúng tôi càng thực sự khâm phục sự cần cù, lam lũ và cái tài, cái giỏi trên sông nước của vợ chồng lão ngư mù.

"Đầm Cầu Hai chỗ sâu chỗ cạn, con nước cũng theo mùa, lúc ngọt lúc lờ lợ, thậm chí có lúc lại mặn chát vì bị biển xâm thực vào mùa khô cô à. Nhưng được cái ở phá, cá tôm nổi tiếng có vị đậm đà, thơm ngon rất đặc trưng của vùng nước lợ. Nhiều năm về trước, dân quê nghèo khó như tui nhọc nhằn bủa lưới, đặt lờ ở đầm cũng tạm đủ để trang trải mưu sinh cho cả gia đình. Nhưng thời gian gần đây, đánh bắt quá nhiều, nước ở đầm cũng phần nào bị ảnh hưởng do có nhiều nguồn nước thải đổ ra cửa biển nên nguồn cá tôm dần cạn kiệt... Theo chủ trương của chính quyền địa phương, để bảo tồn nguồn cá và nâng cao chất lượng đời sống của ngư dân, vài năm sau này, ngư dân dọc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã vơi dần tập tính chài lưới đánh bắt thủy sản ngoài tự nhiên của đầm, nay đã nghĩ đến chuyện lập đìa, ươm giống nuôi thủy sản trong đầm. Vợ chồng tui cũng không là ngoại lệ, tuy vẫn đánh bắt tôm cá ngoài tự nhiên, nhưng cũng mày mò học theo dân quanh đầm, gom góp vay mượn thêm họ hàng để qua Hải Dương (huyện Phong Điền), Phú Thuận (huyện Phú Vang) mua con giống ươm, về quây lưới ngoài phá, làm đìa mà nuôi con hồng, con mú cô à"…

Theo như lời bà Dưỡng, vợ ông Dê thì, nay việc mưu sinh trên phá Tam Giang - Cầu Hai đối với ông Dê cũng dần đi vào "quy củ". Mỗi ngày, tầm 4 giờ chiều bà trước, ông sau dắt díu nhau lên con thuyền đậu trước bến chèo ra thăm đìa ngoài phá cho cá tôm ăn, rồi sau đó lại dong thuyền ra cửa Tư Hiền bủa lưới, bắt cá cả đêm. Cho đến tờ mờ sáng hôm sau lại dậy đi thu lừ tôm, cá đem xuống chợ.

Sau một ngày vất vả mưu sinh trên đầm phá, lão ngư mù Nguyễn Dê lại được cháu ngoại ra đón ngay bến đầm.

"Vợ chồng tui dạo rày nhờ có 3 đứa con theo nghiệp cha mẹ hỗ trợ, phụ giúp công việc và kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản nên đời sống đã khá lên nhiều rồi cô à. Ước tính vụ cá dìa hoa và cá hồng đợt ni nếu trời thuận thì trừ vốn, tiền nợ, 2 vợ chồng tui cũng thu về cả chục triệu ngoài đìa. Nay dẫu sức tàn lực kiệt, lại cảnh mù lòa, vẫn nhọc nhằn mưu sinh với đầm phá, nhưng đồng tiền tui cũng đã làm ra được nhiều hơn để mà lo cho 2 đứa cháu ngoại ăn học bằng chính sức lao động chân chính của mình".

Chiều chạng vạng, tiếng sấm đì đùng báo hiệu cơn mưa chiều sắp đổ về trên phá. Cố nán lần kiểm tra lưới quây bảo vệ cá một lần cuối rồi vợ chồng lão Dê dong thuyền về bến. Suốt chặng đường vượt phá về nhà, cả 2 vợ chồng ông Dê chỉ mong muốn một điều duy nhất là cầu mong cho trời yên, đầm lặng, để vụ cá tôm xuân hè này vợ chồng ông được bội thu. Tôi tin, với ý chí và nghị lực của chính mình, cùng khả năng bơi lội của ngư dân mù Nguyễn Dê, ông sẽ luôn tự tin giữa dòng phá mưu sinh. Vụ cá này, mong rằng trời sẽ chẳng phụ lòng người mà thuận hòa để ngư dân ven phá Tam Giang - Cầu Hai được bội thu như lời tâm sự chân tình và mong mỏi của vợ chồng ngư dân mù Nguyễn Dê.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam, đây cũng là một trong 9 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thông báo. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích mặt nước 21.600ha, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam, nằm trong phạm vi từ 16°14 đến 16°42 vĩ bắc và 107°22 đến 107°57 kinh đông thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khu đầm này gồm 4 đầm nối nhau từ Bắc xuống Nam là phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Hà Trung - Thủy Tú, đầm Cầu Hai, chạy dài qua địa phận 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi giàu tài nguyên động, thực vật, được đánh giá là phong phú nhất ở khu vực Đông Nam Á. Ước tính có trên 41.000 người dân trong vùng hiện sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Tuy nhiên, để bảo vệ hệ sinh thái của đầm phá, hiện nay lối đánh bắt thủy hải sản tự nhiên của cư dân đang dần được thay thế bằng việc khoanh nuôi để bảo vệ và làm giàu nguồn lợi thủy sản vốn đang bị cạn kiệt dần…

Hoài Thu
.
.
.