Lão nông khiếm thị một mình làm đường cho học sinh

Thứ Năm, 18/01/2018, 17:34
Chứng kiến các cháu nhỏ vất vả phải lội ruộng để đi học, dù bị khiếm thị ông Lê Đình Thịnh (71 tuổi), trú tại thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đã tự chế chiếc xe gỗ để đào đắp đường.


Bị mù cả hai mắt từ khi còn nhỏ, chữa trị khắp nơi đều không khỏi, những tưởng cuộc đời ông coi như bỏ đi từ đó. Thế nhưng, với nghị lực phi thường, ông Lê Đình Thịnh (71 tuổi), trú tại thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đã sống, lao động như người bình thường. 

Chứng kiến các cháu nhỏ vất vả phải lội ruộng để đi học, ông đã tự chế chiếc xe gỗ để đào đắp đường. Ban đầu nhiều người còn gọi đó là hành động của một người điên, nhưng khi chứng kiến con đường sạch đẹp, người dân và các em học sinh đi lại thuận lợi… ai nấy đều cảm phục, bất ngờ.

Quyết mở đường cho trẻ nhỏ

Vừa đặt chân đến đầu thôn Ngọc Thượng, tiếng sáo trúc nghe rầu rầu khiến chúng tôi phải khựng lại và không khỏi tò mò. Bà con ở đây còn lạ gì tiếng sáo của ông, người đàn ông mù nhưng thật đặc biệt. Nhìn vào ngôi nhà sàn cũ kỹ gọn gàng nằm ngay bên sườn đồi ít người biết chủ nhân của nó lại là một người đàn ông mù. 

Dù bước sang tuổi 70 nhưng ông Thịnh còn rất tráng kiện, nước da đen bóng, sức khỏe của ông nhiều thanh niên trong xóm còn phải chạy theo. Dù bị mù cả hai mắt nhưng ông Thịnh vẫn lao động, đi lại như những người bình thường. Mấy năm nay, câu chuyện một mình ông dò dẫm, đào đất đắp đường cho học sinh đi học khiến không ít người cảm phục.

Thôn Ngọc Thượng là một trong những thôn khó khăn nhất của xã, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, đặc biệt là con đường đến trường của học sinh. Cứ mỗi mùa mưa đến, học sinh phải rất vất vả mới đi được từ thôn ra đường lớn để đến trường. 

Ông Thịnh và chiếc xe "cút kít" đang bảo dưỡng đường.

Ông Thịnh tâm sự: "Thỉnh thoảng ra đường đứng ngóng lũ trẻ đi học về, chúng cười nói rộn ràng, thấy tôi chúng chào rất to từ phía xa. Có lẽ chẳng hạnh phúc nào có thể sánh được. Lúc tôi bắt tay vào làm chẳng ai ủng hộ cả, họ bảo tôi bị điên. Một mình thì làm sao nổi cả con đường dài hơn 100 mét, tôi cứ kệ và bỏ ngoài tai, lặng lẽ làm thôi".

Không để con đường xuống cấp, ông Thịnh thường xuyên duy tu, bảo dưỡng "định kỳ". Chớm thấy một cái ổ gà, ổ trâu là ông lại kéo chiếc xe "cút kít" ra chở đất lấp luôn, san phẳng. Chính vì thế con đường ấy lúc nào cũng phẳng lì, không có một cái ổ gà nào. 

Ông Lê Văn Bình (thôn Ngọc Thượng) xúc động nói: "Không thể tưởng tượng được, một người mù như ông Thịnh lại làm được điều này. Dù nắng hay mưa, ông ấy vẫn kéo chiếc xe "cút kít" ra để chở đất rồi đắp. Đặc biệt hơn, ông Thịnh thường xuyên hỏi mọi người xem có chỗ nào lồi lõm là ông lại ra san phẳng. Ngày ấy gần 10 hộ dân quanh đây chưa có đường ra lộ như bây giờ, việc đi lại là vô cùng khó khăn. Các cháu nhỏ đến trường đều phải lội ruộng, làm gì có chuyện đi xe đạp vù vù thế kia. Việc làm của ông Thịnh khiến cho người dân thôn Ngọc Thượng ai cũng cảm phục và biết ơn ông".

Ông Thịnh tiếp chúng tôi tại ngôi nhà sàn giản dị của mình, thấy ông ra vườn hái lá pha nước, tôi định giúp, ông Thịnh gạt đi ngay. Ông bảo: "Các chú cứ ngồi nghỉ ngơi đi, việc nhà hằng ngày có đáng gì đâu, tôi làm được hết mà". 

Nhắc lại chuyện quá khứ, ông Thịnh không khỏi rưng rưng. Khi còn là cậu bé, tuổi thơ của ông giống như bao đứa trẻ khác với đôi mắt sáng rong chơi khắp bản làng. 

Khi lên 4 tuổi, cậu bé Thịnh thấy vướng vướng trong mắt, rồi mắt đỏ lên. Mọi người trong nhà chỉ nghĩ đó là bệnh đau mắt thông thường nên dùng lá cây, nước muối để rửa. Thế nhưng bố mẹ bàng hoàng thấy con mình phải lần tường dò từng bước. Đôi mắt cậu không còn nhìn rõ mọi thứ, bố mẹ đưa Thịnh đi khắp nơi để chữa trị nhưng không có kết quả.

Kể từ đó, cuộc sống của Thịnh ngày cũng như đêm, chìm sâu trong bóng tối, bao trùm một nỗi buồn không tả xiết. Hằng ngày cậu bé chỉ biết ngồi bên cửa sổ nhà sàn mà nhớ bạn bè và những trò chơi tuổi thơ. Lên 7 tuổi, bố mẹ quyết định cho cậu đi học lớp "bình dân học vụ" để hòa nhập, vui đùa cùng bạn bè. 

Do không nhìn thấy mặt chữ, chỉ biết ngồi nghe thầy cô giảng bài nên Thịnh buộc phải bỏ học giữa chừng. Ngồi nhà mãi cũng chán, Thịnh bắt đầu lần dò làm những việc nhà để giúp đỡ bố mẹ. Thịnh tự làm được những việc cá nhân, nấu cơm, quét nhà, chẳng mấy chốc cậu có thể làm như những người bình thường.  

Một buổi sáng, khi làm hết việc nhà, ngồi trước cửa buồn bã, Thịnh thấy cô em gái tên Nhâm lên rừng chăn trâu, lấy củi, cậu bé nhất quyết bắt em gái cho mình cùng đi theo. Lâu rồi thành quen, con đường từ nhà vào bìa rừng cậu bé thuộc như lòng bàn tay. Rồi cậu quyết định đi một mình, rồi cũng kiếm củi, chặt cây như bao người khác.

Ông vót tre, đan rổ rá bán ở chợ.

Ông Thịnh kể: "Dù không nhìn thấy nhưng nghe học sinh chúng nói với nhau rồi thỉnh thoảng có cháu ngã lạnh bạch khi đi học là tôi biết chúng vất vả thế nào. Từ đó tôi tự nghĩ trong đầu, mình phải làm một việc gì để giúp đỡ các cháu". 

Nghĩ là làm, ông Thịnh quyết tâm một mình làm đường cho các cháu đi học. Thế nhưng một người khỏe mạnh, sáng mắt làm đường đã là thử thách vô cùng lớn. Nhưng với ông, đã 70 tuổi, mắt không nhìn thấy lại đào đất làm đường dường như là điều không tưởng. Ông Thịnh tự chế một chiếc xe bằng gỗ để chở đất, do xe không có vòng bi nên ông đặt luôn cho cái xe gỗ ấy là xe "cút kít". 

Hằng ngày, ông đào đất dưới ruộng nhà mình, dùng xe "cút kít" chở đất đắp đường. Ban đầu nhiều người thấy ông làm vậy đều lắc đầu ngán ngẩm, họ cho rằng ông này "bị khùng".

Người độc miệng còn nói: “Thân mình còn không lo được, đi lo việc thiên hạ”; rồi: “Mù thế kia thì làm được cái gì mà còn cố…”. Thế rồi ngày lại qua ngày, thành quả của ông Thịnh dần dần mọi người đã nhìn thấy. Hơn 100 mét đường lầy lội, đi lại khó khăn nay đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Tất cả mọi người đều kinh ngạc, họ không tin vào mắt mình. 

Ông Thịnh còn được biết đến là một người có nhiều tài lẻ.

Hạnh phúc mỉm cười

Bản tính chịu thương chịu khó, lại không muốn cuộc sống của mình phụ thuộc hoàn toàn vào người thân, chẳng mấy chốc Thịnh có thể tự lên rừng, tự đi thả trâu, chặt tre, nứa. 

Tự mày mò chẻ tre, đan rổ, thúng rồi đem ra chợ bán, dù thu nhập không cao nhưng cũng giúp ông tự tin trong cuộc sống. Thậm chí ngôi nhà sàn cũ kỹ mỗi mùa mưa bão bị hư hỏng ông cũng tự trèo lên mái để sửa chữa như một người bình thường. Với những gì ông Thịnh làm người làng dường như chẳng còn ai nghĩ ông bị mù.

Khi 30 tuổi, một người con gái trong làng đã cảm phục đức tính cần cù, nghị lực vượt khó dù biết là người mù nhưng vẫn vượt qua định kiến để đến với ông. Thế rồi niềm hạnh phúc của người đàn ông mù được nhân đôi, khi họ đã có với nhau một người con trai. 

Ông Thịnh xúc động nhớ lại: "Thực sự là tôi rất may mắn, bà ấy dù biết tôi mắt không nhìn thấy vẫn quyết tâm đến với tôi. Tôi biết bà ấy đã phải vượt qua những định kiến, lời ra tiếng vào, lấy tôi bà ấy chịu nhiều thiệt thòi lắm. Tôi rất trân trọng, có phần biết ơn bà ấy, chính vì thế mà chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc. Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình lại có vợ, có con. Bây giờ còn lên cả chức ông nội rồi cơ đấy".

Ông Thịnh làm việc như người bình thường.

Trời không phụ lòng người, thửa ruộng ông Thịnh đào lấy đất để làm đường giờ đã thành một cái áo. Nhiều năm nay chiếc ao đó không chỉ cho gia đình ông thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hằng ngày mà nó còn mang đến thu nhập thêm cho gia đình ông. 

Bên cạnh việc hăng say lao động, sản xuất ông Thịnh còn nổi tiếng khắp vùng bởi có nhiều tài lẻ. Ông thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc như: Đàn bầu, sáo, nhị, tiêu, chiêng, trống. Chỉ cần có thời gian rảnh là ông lại lấy nhạc cụ ra chơi, thậm chí còn có rất nhiều em nhỏ đến nhờ ông dạy nhạc. Nhiều người trong làng còn gọi ông Thịnh với cái tên trìu mến: "nghệ sĩ mù", nghệ nhân làm đàn bầu, khoét sáo…

Đưa chúng tôi tới con đường mà chính tay mình làm nên, chúng tôi hiểu người đàn ông nghị lực ấy vẫn tin vào một tương lai tươi sáng dù cuộc sống còn quá nhiều vất vả. Ông Thịnh là một tấm gương về nghị lực, về lòng tốt cho các thế hệ nơi bản làng nghèo xứ Thanh. 

Ông Nguyễn Hữu Thảng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lương Sơn nói về ông Thịnh với sự cảm phục sâu sắc: "Ông Lê Đình Thịnh không may bị mù từ bé. Dù là người có hoàn cảnh không may mắn nhưng lại là một người có tấm lòng cao cả và nghị lực vươn lên trong cuộc sống nhất là việc làm đường giúp học sinh đi học và người dân đi lại thuận tiện. Ông Thịnh thực sự là tấm gương về ý chí để cho con cháu noi theo".
Phong Anh
.
.
.