Lối về nẻo thiện của hai anh em ruột, một thời lang bạt kỳ hồ

Thứ Bảy, 07/12/2013, 08:00

Họ là hai anh em trai trong một gia đình, cùng xộ khám trong một vụ án giết người. Trong khi người em chấp hành nghiêm bản án của luật pháp thì người anh trốn truy nã, ra Bắc vào Nam lập hội xưng hùng xưng bá trong thời gian sống chui nhủi. Song, tất cả những điều đó đã trở thành quá vãng, bởi hai anh em họ hôm nay là Đội trưởng Đội Tuần tra dân phòng cơ động của hai phường Thuận Phước (quận Hải Châu) và Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) của thành phố Đà Nẵng. Trong nhiều năm qua, họ đã có nhiều công trạng, góp phần giữ vững trật tự trị an cho địa bàn.

Câu chuyện cuộc đời của hai anh em Mai Xuân Mỹ và Mai Xuân Hùng được tôi tình cờ biết đến trong lần lang thang tác nghiệp trên đường Châu Thị Vĩnh Tế, thuộc tổ 134 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), khi xe bị thủng săm, tấp vào quán của một người đàn ông trung niên vui tính ngay đầu đường để nhờ khắc phục. Ông này, sau một lúc hì hục với chiếc săm đã quá nhiều lỗ vá của tôi, không những không lấy tiền mà còn hào phóng tặng tôi một bản nhạc tuyệt hay khi thấy khách cứ mân mê chiếc đàn guitar treo trong quán nhỏ. Ông là Mai Xuân Hùng (46 tuổi), một trong hai nhân vật đặc biệt mà tôi sắp sửa kể ra dưới đây.

Một thời lang bạt kỳ hồ

Mai Xuân Mỹ và Mai Xuân Hùng sinh ra trong một gia đình kinh doanh buôn bán ở Đà thành, cuộc sống cũng tương đối đủ đầy, song có lẽ do mải mê với việc kiếm tiền nên bố mẹ đã thiếu thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Và rồi, trong sự nới lỏng quản lý ấy, cậu thanh niên mới lớn Mai Xuân Mỹ đã dần rời xa vòng tay của bố mẹ, sa vào cuộc sống lang bạt kỳ hồ. Mỹ sớm lang thang theo đám du thủ du thực tại thành phố biển nhỏ bé này, đến năm 17 tuổi chán kiếp sống quẩn quanh gần nhà nên quyết nhảy tàu vào Sài Gòn tìm vùng đất hứa.

Trời xui đất khiến thế nào, khi tàu vào đến ga Bình Thuận, Mỹ đã gặp nhóm thanh niên choai choai chuyên “nhảy tàu” ăn hàng nên đã gia nhập luôn và bắt đầu hành trình khẳng định số má tại đây. Mỹ kể, dù nhỏ tuổi nhưng nhóm cướp rất chuyên nghiệp, khi vào vai những đứa trẻ ăn xin, đánh giày, bán bánh mỳ để theo dõi, nghe ngóng, phát hiện ra con mồi là ngay lập tức đu bám, giật tài sản của khách bằng mọi giá.

Những năm 80 của thế kỷ trước, băng cướp vị thành niên ở các ga tàu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã trở thành nỗi khiếp đảm của hành khách và nhà tàu. Chỉ đến khi công an vào cuộc, cả nhóm bị tóm gọn thì nỗi kinh hoàng này mới thôi ám ảnh. Lần ấy, Mai Xuân Mỹ lĩnh án 5 năm tù, thụ án tại trại giam Bình Long (Bình Phước).

Năm 1985, Mỹ trở về địa phương sau khi mãn hạn tù. Quyết tâm làm lại cuộc đời bằng công việc tỉ mẩn của một anh thợ nề. Điều này phần nào minh chứng khi Mỹ bén duyên rồi lập gia đình với một thiếu nữ xinh đẹp ở Thái Nguyên, trong lần anh ra Hà Nội làm công trình, sau đó hai người làm đám cưới và lập nghiệp tại Hà thành.

5 năm sống yên ổn bên người vợ hiền, anh có được hai người con nên vợ chồng quyết định đưa cháu về thăm ông bà nội. Đó là tết năm 1990 và cũng là ngã rẽ lớn trong cuộc đời của Mai Xuân Mỹ, bởi cũng chính lần ấy, em trai Mai Xuân Hùng đã xảy ra khúc mắc nhất thời với người hàng xóm, và hai anh em đã cầm dao đuổi đánh, rồi lỡ tay đâm chết anh này. Trong khi người em ra đầu thú thì Mỹ sợ phải vào tù lần nữa nên đã bỏ trốn.

Lệnh truy nã sau đó được phát đi trên toàn quốc. Tiếp đó là chuỗi ngày lang bạt của Mai Xuân Mỹ, khi trốn lên các tỉnh phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh để nhỡ có bị phát hiện còn kịp nhảy sang bên kia biên giới. Những ngày trốn truy nã, Mỹ quay lại kiếp giang hồ, chiêu mộ em út dưới trướng, lập nên băng nhóm trấn cướp, bảo kê có số má tại vùng biên, hoạt động mạnh ở khu vực cửa khẩu. Một thời gian dài, giang hồ đất Bắc biết đến anh với biệt danh Mỹ “đen”.

Trong thời gian này, với tướng số đào hoa của mình, Mai Xuân Mỹ đã sống như vợ chồng với một cô gái đất Cảng xinh đẹp, và họ có với nhau 2 người con, dù cuộc hôn nhân ấy không hôn thú. Một thời gian sau băng nhóm của Mỹ “đen” bị tan rã do các đối thủ khác tranh giành lãnh địa, anh đưa vợ con về thành phố Hoa phượng đỏ ẩn náu.

Tại đây, số phận anh được định đoạt khi gặp người đồng hương, chính là ông Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thời điểm này ông Nam đang có công ty xây dựng tại Quảng Ninh, vốn là hàng xóm của nhau ở Đà Nẵng. Ông này khuyên anh đầu thú để làm lại cuộc đời, và Mỹ nghe theo. Án tù 4,6 năm được trả sòng phẳng tại trại giam Bình Điền (Thừa Thiên – Huế). Ngày trở về với đôi bàn tay trắng, mái tóc đã muối tiêu, Mỹ được một người con gái khác cảm thông với quá khứ đầy chai sạn, dang rộng vòng tay để giúp anh làm lại từ đầu. Cảm kích trước tình yêu quảng đại ấy, Mỹ quyết định neo lại Đà thành. Trong cuộc hôn nhân cuối này, anh có thêm hai cô con gái xinh đẹp.

Anh em cùng làm đội trưởng dân phòng cơ động

Quá khứ của “cựu tù” Mai Xuân Mỹ thực sự bị xóa dớp từ 13 năm trước, khi anh ghi tên mình vào đội dân phòng của phường Thuận Phước, quận Hải Châu. Anh bảo, ngày ấy anh em cán bộ công an phường rồi quận cứ động viên mãi, lúc đầu thấy ngại song sau thấy “lợi thế” của mình là đã từng ra tù vào tội, có độ gan lỳ và nhất là có thể đọc vị được mánh khóe của tội phạm nên đã đồng ý gia nhập.

Công việc của một dân phòng thực sự không hề đơn giản, nhất là thường xuyên phải đi đêm về hôm, nhưng với lòng say mê của mình, 13 năm qua anh Mai Xuân Mỹ đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần giữ bình yên địa bàn phường Thuận Phước. Mỹ đã không ít lần nhập vai con nghiện, tội phạm để giúp lực lượng công an phá nhiều vụ án phức tạp xảy ra trên địa bàn. Và với năng lực của mình, từ năm 2000 đến nay, Mai Xuân Mỹ đã được cân nhắc làm Đội trưởng Đội dân phòng cơ động phường Thuận Phước.

Giây phút hóa “nghệ sĩ đường phố” của anh Mai Xuân Hùng.

Trở lại với câu chuyện của anh Mai Xuân Hùng, em trai anh Mai Xuân Mỹ. Anh Hùng chia sẻ rằng, ngày anh phạm tội, bước chân vào chốn lao tù cũng là lúc mình cập bến tuổi 25, với rất nhiều dự định. Ngày đó, Hùng đã là một thanh niên vạm vỡ, giỏi võ nghệ và có tính nghệ sĩ, với cây đàn guitar đã làm cho không ít cô gái mê mệt. Nhưng rồi vướng vào án giết người, cùng là đồng phạm với anh trai, gần như Hùng đã đánh mất tất cả. Trong khi anh trai trốn tránh trách nhiệm thì Hùng đi đầu thú, và quãng thời gian hoàn tất việc trả án, ra tù phải gian nan lắm mới cân bằng lại được cuộc sống.

Năm 2004, Mai Xuân Hùng cũng tham gia đội dân phòng phường Mỹ An, tham gia cùng với công an phường giải quyết nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn. Anh Hùng hiện giờ cũng như anh trai mình, đã là Đội trưởng đội dân phòng phường, tích cực giữ gìn an ninh chính trị và trật tự trị an trên địa bàn. Kể về những lần đối đầu với bọn tội phạm liều lĩnh trong đời mình, anh Hùng cho biết vào năm 2006, trên địa bàn phường xảy ra vụ chống người thi hành công vụ, anh cùng một cán bộ công an phường Mỹ An nghe tin, chạy đến địa bàn thì thấy một thanh niên sử dụng kiếm, rất hung hãn, đang đe dọa nhiều người xung quanh.

Trong quá trình tìm cách khống chế, bất ngờ tên này đã nhằm vào đồng chí công an phường để tung kiếm. Trong tích tắc, anh Hùng đã lấy thân mình làm giá đỡ khiến vết chém trúng ngực. Nhờ vậy, cán bộ công an phường đã được cứu sống, còn tên côn đồ nọ cũng bị bắt ngay sau đó. Một lần khác, vào năm 2008, khi hai nhóm giang hồ thanh toán nhau tại địa bàn phường Mỹ An, Mai Xuân Hùng đã trực tiếp cùng lực lượng công an tham gia vây bắt, suýt nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Mai Xuân Hùng hiện giờ bằng lòng với công việc sửa chữa xe đạp, xe máy đầu đường Châu Thị Vĩnh Tế, cuộc sống đầm ấm với cô giáo mầm non, vì si mê tiếng đàn guitar bập bùng của anh mà chấp nhận mọi quá khứ bất hảo của chồng, hai vợ chồng mới có một cháu bé 5 tháng tuổi, dù anh đã bước qua cái ngưỡng tứ tuần. Người anh trai Mai Xuân Mỹ cũng có cuộc sống êm đềm với người vợ xinh đẹp và hai cô công chúa nhỏ.

Điều đặc biệt là anh Mỹ vẫn liên lạc thường xuyên với hai người vợ trước và những đứa con trên chặng hành trình lang bạt kỳ hồ của mình mà không sợ vợ ghen tuông, các con tỵ nạnh. Cả hai anh em đều được công an thành phố Đà Nẵng biểu dương, ghi nhận bằng nhiều giấy khen, bằng khen khác nhau

Nguyễn Lam Giang
.
.
.