Lớp học đặc biệt của thầy giáo tí hon

Thứ Hai, 04/12/2017, 09:55
Khi cất tiếng khóc chào đời, Nguyễn Văn Hùng (Nam Đàn, Nghệ An) bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế rồi căn bệnh thiếu hoóc môn sinh trưởng khiến anh chẳng thể lớn như người bình thường, gần 30 tuổi chỉ cao 1,14m, nặng 17kg.


Những tưởng cuộc đời đã bỏ đi, nhưng với nghị lực đáng khâm phục, Hùng trở thành chuyên viên tin học cho một công ty của Đan Mạch. Đặc biệt hơn, anh còn là một giáo viên tin học, giúp đỡ biết bao mảnh đời bất hạnh, không may mắn.

1. Nhắc đến Nguyễn Văn Hùng, khắp tòa nhà chung cư thuộc bán đảo Linh Đàm không ai là không biết. Anh không chỉ nổi tiếng là một chàng trai 27 tuổi mang dáng hình tí hon mà còn là một người đàn ông, một thầy giáo có nghị lực phi thường. Bước vào lớp học của Trung tâm đào tạo công nghệ "Nghị lực sống" chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Hùng ước mơ có một Trung tâm "Nghị lực sống" ở quê nhà.

Với cách diễn đạt già dặn, cách giảng bài với học sinh của một thầy giáo cao chỉ 1,14m, nặng 17 kg khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Những người gặp Hùng lần đầu ít ai nghĩ anh là một thầy giáo bởi ngoài cặp kính cận che bớt nếp nhăn nơi khóe mắt thì anh hoàn toàn giống một đứa trẻ.

Tạm dừng lớp học, Hùng bắt đầu tâm sự về cuộc đời của mình khiến chúng tôi vô cùng khâm phục. Anh bảo, nhà có hai anh em, khi sinh ra mình còn nặng cân hơn cả người anh, phát triển hết sức bình thường.

Lên 7 tuổi, căn bệnh thiếu hooc môn sinh trưởng đã khiến anh giữ nguyên hình hài của một cậu bé. Khi học cấp 1, bố mẹ Hùng thấy con chậm phát triển cũng chỉ nghĩ do hoàn cảnh gia đình khó khăn mà em phát triển kém, lớn hơn một chút sẽ thay đổi.

Thế nhưng, bước sang cấp 2, Hùng vẫn bé như vậy. Gia đình bắt đầu lo lắng, đưa con đi khám và đều nhận được những kết luận buồn của bác sĩ.

"Bố mẹ đã đưa em đi khám tới 4 lần ở các bệnh viện ngoài Hà Nội, đồng thời cũng đi khám thêm rất nhiều nơi khác ở Nghệ An. Gia đình em khó khăn lắm, bố mẹ tích cóp, vay mượn khắp nơi để có tiền đưa em đi khám bệnh. Thế nhưng sau nhiều lần cố gắng thì tất cả đều phải chấp nhận "không thay đổi được số phận" - Hùng tâm sự.

Không dễ dàng để vượt qua được những lời chê bai của bạn bè, đến trường đến lớp bạn bè luôn miệng gọi em là "chú bé tí hon", "thằng trẻ con". Nhưng với bản tính hiền lành, thông minh và dễ gần, dần dần Hùng cũng được bạn bè yêu mến.

Và, anh quen dần với hình hài không thay đổi của mình. Học hết cấp 3, Hùng cũng chẳng dám đi thi đại học, bởi anh nghĩ với thân hình nhỏ bé thế này sẽ làm được gì? Rồi lại vào một môi trường mới, bạn bè mới, lại phải vượt qua những rào cản khác khó khăn hơn.

Một buổi liên hoan 20-11 của các học sinh tại Trung tâm “Nghị lực sống”.

Không có sức khỏe, cuộc sống quê nhà lại quá khó khăn, chật vật, Hùng quyết định theo dì vào miền Nam sinh sống. Tiếp xúc với nhiều người, với môi trường hiện đại, năng động hơn, anh nhận ra với thân hình nhỏ bé như mình vẫn có thể làm được nhiều việc. Hùng quyết định đăng ký một lớp kỹ thuật viên tin học trong trường Trung cấp dạy nghề Đồng Nai.

Từ năm thứ 2, Hùng bắt đầu xin đi làm gia sư để kiếm tiền ăn học, phụ giúp dì. "Ban đầu xin đi gia sư em gặp không ít khó khăn, họ thấy em nhỏ bé nên có phần e dè không muốn nhận. Nhưng em đã thuyết phục và muốn được dạy thử, nếu đạt mới tiếp tục.

Cuối cùng em cũng vượt qua được, nhiều người nhìn thấy anh gia sư tí hon cũng rất tò mò, sau này dần khẳng định được mình, mọi người yêu quý nên cũng đi dạy khá nhiều. Sau này có nghề trong tay, em bắt đầu đi làm bảo trì, sửa chữa máy tính để kiếm tiền gửi về cho mẹ bị tai biến".

Đã có những lúc Hùng khóc, tự nhủ giá như một người bình thường thì có cơ hội kiếm việc, kiếm tiền lo cho mẹ sẽ tốt hơn. Tưởng chừng điều này sẽ làm anh gục ngã, nhưng với ý chí, Hùng càng lao vào học vào làm như thể để bù đắp cho thân hình nhỏ bé của mình.

2.Bước ngoặt lớn của chàng trai tí hon là khi được gặp gỡ Công Hùng, 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2006 (Hiệp sĩ công nghệ thông tin chỉ với 1 ngón tay cử động được). Được nhận vào Trung tâm Nghị lực sống, Hùng làm đủ mọi việc để kiếm tiền, từ bán vé máy bay, kế toán rồi chuyển sang học và dạy thiết kế đồ họa.

"Vừa học vừa làm" khiến Hùng tự tin hơn, vững vàng hơn, anh biết đủ thứ nghề. Khoảng 2 năm nay, Hùng thường xuyên đứng lớp để dạy tin học cho các bạn khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống. "Các bạn ở đây đều là những người thiệt thòi, chịu những khiếm khuyết trên cơ thể.

Em vốn là người khuyết tật nên hiểu được những khó khăn của các bạn, hiểu được điểm mạnh điểm yếu của từng người. Các bạn đều có điểm chung là rất tự ti, chính vì thế dạy các bạn về chuyên môn thì dễ, động viên các bạn vượt qua được mặc cảm mới là điều khó khăn. Mỗi lớp có khoảng 15 bạn, các bạn vừa học tin học, vừa được học kỹ năng sống, sức khỏe sinh sản và làm đồ handmade".

Tại trung tâm của thầy Hùng, các học viên đều không phải đóng học phí. Họ sống chung như một gia đình, sau buổi học mỗi người một việc từ nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp… Chi phí sinh hoạt, thuê phòng đều được mọi người tự nguyện san sẻ với nhau.

Hùng và bạn gái có chung hoàn cảnh với mình.

Bạn Trần Thị Hồng Hạnh (Nam Định) là một học viên bị nhiễm chất độc da cam, tham gia khóa học được 3 tháng chia sẻ: "Với những người khuyết tật thì tìm được một môi trường học tập phù hợp là rất quan trọng. Với em, đây là một môi trường rất tốt để học tập, giao lưu. Thầy Hùng luôn được chúng em tôn trọng, thầy như một tấm gương để những người khuyết tật nhìn vào học tập. Thầy Hùng luôn nhiệt tình giảng dạy để chúng em học tốt nhất. Thầy phải là người tâm huyết và yêu nghề lắm mới có thể bám trụ ở lớp học đặc biệt này lâu đến vậy. Nếu chịu khó học tập, chỉ sau 6 tháng là có thể tìm được việc làm ổn định".

Từ khi đến Trung tâm Nghị lực sống Hùng mạnh dạn hơn, cởi mở hơn. Đặc biệt, anh nhận ra rằng không phải cứ là người khuyết tật là được ưu tiên hơn, quan tâm và ưu ái hơn. Để có được vị trí phải biết cân bằng mọi thứ, ai có năng lực mới được làm, mọi người đều bình đẳng và không có sự ưu tiên.

"Tiếp xúc với rất nhiều bạn khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt hơn em tự nhủ mình còn quá may mắn vì có đôi chân để đi, đôi mắt để nhìn. Vậy thì chẳng có lý do gì khiến mình buồn chán, khiến mình thụt lùi với các bạn cùng trang lứa".

Những ngày đầu đứng lớp, Nguyễn Văn Hùng không tránh khỏi tâm lý lo lắng, sợ mình không đủ các kỹ năng, liệu kiến thức có đủ để giúp các bạn? "Em vốn học cao đẳng sư phạm dở dang, nhiều lúc nghĩ hoang mang lắm, liệu mình có đủ khả năng truyền đạt kiến thức cho các bạn không?

Cũng may là được sự quan tâm của các anh chị, sau một thời gian giảng dạy em đã đủ tự tin, giờ thì chuyên tâm vào công tác đào tạo rồi. Bây giờ niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của đời mình là nhìn thấy các bạn trưởng thành và tìm được công việc ổn định"- Hùng tâm sự.

Ngoài thời gian đứng lớp, mới đây Hùng xin vào làm việc cho một công ty thiết kế đồ họa của Đan Mạch để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Đặc biệt hơn, đây là công ty có chương trình hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Mỗi khi có đợt tuyển dụng, Hùng chịu trách nhiệm hướng dẫn, bổ túc thêm kiến thức để các em có thể đạt tuyển.

"Thực sự đây là may mắn đối với Trung tâm Nghị lực sống, bởi em là người làm trực tiếp ở công ty đó, em hiểu họ cần gì. Mỗi khi có nhu cầu tuyển dụng, em đã biết cách đào tạo, bồi dưỡng các em có những kỹ năng mà công ty đó cần. Vì tốt nghiệp sẽ có công ăn việc làm nên các học viên ở đây học hành rất có ý thức, rất chăm chỉ".

Sau nhiều nỗ lực, chàng trai tí hon đã tự sống bằng trí tuệ và sức lao động của mình. Nhưng hằng đêm, nghĩ về cuộc đời, nghĩ về gia đinh anh chẳng thể ngủ yên. Hùng bảo: "Khi mẹ còn sống, em rất thương mẹ. Cùng công đẻ đau, nuôi dưỡng em lại bé nhỏ thế này, bằng tuổi bố mẹ ai cũng có con bồng con bế.

Có lẽ điều này em không thể thực hiện được để bố mẹ em an lòng. Đến tuổi này rồi, em cũng nghĩ về hạnh phúc riêng, quan trọng tìm được một người hiểu mình, chia sẻ cuộc sống cùng nhau. Không nhất thiết người đó phải khỏe mạnh làm đỡ công việc cho mình".

Chia tay Hùng, chúng tôi mừng cho anh, bởi hơn 1 năm nay anh đã kiếm được bạn gái. Cô không chỉ hợp về tính cách, tuổi tác mà còn có hoàn cảnh khá tương đồng. "Cô ấy nhỏ hơn em một chút, cũng đang làm ở trung tâm, hai chúng em rất hiểu nhau. Em mơ ước sau nay có một gia đình nhỏ, trở về quê Nghệ An sinh sống để mở một trung tâm với mô hình tương tự thế này. Ở quê nghèo, nhiều người khuyết tật không có điều kiện để đi học như ở đây mà"- Hùng cười rạng rỡ.

Song Anh
.
.
.