Lương y nơi rừng thẳm

Thứ Tư, 08/03/2017, 16:00
Từ nhỏ, ông Lò Văn Pâng, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã làm nghề chăn bò trên rừng, có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại cây thuốc và từ đó đã phát triển nghề thuốc của gia đình. Không chỉ thế, nơi bản làng xa xôi, ông Pâng đã hết lòng cứu chữa nhiều bệnh nhân, trong đó không ít người đã bị bệnh viện kết luận không chữa khỏi, cho về… chờ chết.


Đến giờ, anh Dương Văn Biên (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) vẫn không quên ơn người đã "sinh ra mình lần thứ hai", đó là thầy thuốc Lò Văn Pâng. Anh Biên năm nay 45 tuổi, bị bệnh tim từ năm 20 tuổi, từng đi chạy chữa ở nhiều bệnh viện nhưng bệnh không khỏi. Năm 2003, anh Biên được gia đình đưa xuống Hà Nội tìm thầy thuốc. Anh được Bệnh viện Tim Hà Nội xếp vào loại 2, là loại nặng.

Khi đang làm thủ tục và chờ mổ để thay van tim thì gia đình ở quê gọi điện lên bảo: "Có thuốc của ông Pâng, về mà uống, không phải thay đâu". Biên vừa mừng, vừa lo. Lo là bởi nếu bỏ mổ lần này, mất công về quê mà không chữa được thì bao nhiều công lao xuống Hà Nội khám sẽ bay theo gió.

Còn mừng là, nếu may mắn chữa được thì sẽ đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau khi dùng mấy thang thuốc ông Pâng cắt cho, thấy đỡ, anh đã uống liên tục trong thời gian khoảng một năm thì khỏi dứt điểm. "Tôi xin khẳng định là do thuốc của ông Pâng mà tôi khỏi. Giờ tôi đi làm khỏe như trâu ấy, ăn uống cũng rất tốt, chạy xe máy vèo vèo", anh Biên cười nói.

Ông Lò Văn Pâng.

Ông Pâng cho biết: "Tôi chữa bệnh là làm phúc, chẳng lấy tiền nhiều đâu bởi tôi cũng chẳng cần dùng nhiều. Tôi vẫn nuôi đàn trâu, chỉ thế cũng đã đủ no rồi".

Ông Pâng kể, ông sinh năm 1934, là người gốc Sầm Nưa - Lào, do bố mẹ ngày xưa di cư sang Việt Nam. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Pâng đưa trâu đi chăn ở khắp các bìa rừng. Năm 1964 khi đã là một chàng trai, Pâng nhập ngũ, là lính trinh sát của Tiểu đoàn 3 - E335 và có 7 năm ròng rã chiến đấu ở Lào và sau đó lại tiếp tục tiễu phỉ.

Xuất ngũ năm 1983 trở về Núa Ngam, bố mất, nghề thuốc gia truyền bị gián đoạn, những kiến thức về cây thuốc vẫn còn, nhưng phương thức điều trị thì ông Pâng không nhớ được nhiều nên không dám chữa cho ai, chỉ sợ lại làm hại họ. Ông sồng bằng nghề chăn trâu, bò trên rừng và vẫn miệt mài tìm hiểu cây thuốc ở rừng.

Những cánh rừng Điện Điên xanh ngút ngát, và có lẽ, ở đó có rất nhiều cây thuốc quý mà không phải ai cũng nhận ra giá trị của chúng và sử dụng như thế nào. Năm 1988, ông Pâng bắt đầu chữa bệnh gan cho một số bà con và có kết quả, từ đó ông điều trị cả bệnh dạ dày và cũng thành công.

Cho đến nay, hàng chục người mắc bệnh gan, hơn 20 người mắc bệnh dạ dày đã được "thầy thuốc bản làng" chữa khỏi. Một số người dân ở xã Thanh Nưa cho biết, ai đã đi bệnh viện khám, nếu biết là bệnh gan thì không cần lấy thuốc. Họ cứ về gặp ông Pâng xin thuốc uống là khỏi dần. 

Anh Lò Văn Pính khẳng định: "Ông Pâng không những nhiệt tình, mà còn vui vẻ, nồng hậu lắm! Chỉ cần nhiệt tình thôi người bệnh đã khỏi được một phần rồi".

Ông Pâng tư vấn cho gia đình bệnh nhân cách điều trị bệnh.

Ông Lò Văn Chôm, bản Na Sang 2 (xã Núa Ngam) cũng bị sỏi thận, sỏi mật đau đớn nhiều năm. Sau khi xuống bệnh viện tỉnh chữa trị nhiều đợt, sỏi chỉ lui một thời gian, sau đó chẳng hiểu sao lại tích tụ nhanh chóng. Năm 2007, ông Chôm bán một cặp bò chuẩn bị xuống Hà Nội để mổ.

Khi được giới thiệu đến nhà ông Pâng, gia đình ông Chôm mừng lắm, tìm đến và được bốc thuốc, uống một tháng thấy đỡ, uống gần một năm thì bệnh dứt hẳn. Cọc tiền bán bò không dùng đến lại để gia đình tái đầu tư, mua thêm trâu bò về nuôi.

Một trường hợp khác là anh Vì Văn Minh, cùng bản với ông Pâng. Anh này mắc bệnh gan, bệnh viện trả về và đã chớm ung thư. Gia đình chuẩn bị tâm lý anh sẽ vĩnh viễn rời khỏi cõi đời khi tuổi còn quá trẻ, may thay đã được "thần y bản làng" giành lại từ tay tử thần.

Anh Minh cho biết: "Các bác sĩ đã bảo với gia đình là không cho tôi kiêng thứ gì cả, có gì cứ ăn thoải mái vì không sống được lâu nữa. Thế mà tôi vẫn sống đây, nhờ giời, nhờ bài thuốc ông Pâng hiệu nghiệm!".

Dù tuổi đã cao nhưng da dẻ ông Pâng hồng hào, khỏe khoắn và vẫn đi rừng chăn trâu bò, hái thuốc mang về sao, tẩm để dành chữa bệnh cho bà con dân tộc. Ông khẳng định, đi rừng phải biết cách để bản thân có thể làm chủ được cánh rừng.

Nhờ sự cần mẫn, nhà ông không giàu có nhưng có của ăn của để. Nhưng hơn thế, sự cần mẫn giúp ông thuộc các cánh rừng như lòng bàn tay, ở chỗ nào có loại cây thuốc gì, loài cây nào mọc nhiều ở khu nào, ông đều biết. Vì thế, rừng đã trở thành kho thuốc của ông và ông quản lý rất tốt kho thuốc đó.

Mỗi loại bệnh tương ứng với những cây thuốc khác nhau, nhưng có bệnh lại điều trị bằng cùng một vài loại cây thuốc. Đa phần những cây đó ông Pâng không biết tên, mà chỉ nhận dạng chúng. Sau đó ông quy ước cho chúng những cái tên để tiện trong khi chế thuốc và tiện cho người sử dụng. 

"Rừng ở ta đầy thuốc, dân ta ngã lên cây thuốc. Nhưng có phải ai cũng biết dùng đâu", ông Pâng quả quyết.

Một loài thảo dược quý.

Mấy năm nay, nhà ông Pâng đã hình thành một quầy thuốc khá lớn, có sự giúp đỡ của các con. Các bệnh gan, sỏi mật, sỏi thận, dạ dày, tá tràng… ông đều chữa được. Khách trong tỉnh nghe tiếng đến ngày một đông, kể cả khách ở Thái Bình, Hà Nội cũng tìm về.

Nhiều người đang sinh sống và làm việc ở Điện Biên có gốc gác ở Thái Bình, nên có bài thuốc quý của ông Pâng là họ mách ngay với người thân đang mắc bệnh. Điều đáng nói là, ông chỉ lấy giá bình dân, với khách quen ông lấy 2/3. Với người nghèo ông biếu không.

Chính vì lòng tốt, sự tận tụy của người thầy thuốc bản làng nên ông Pâng được bà con rất quý mến. Ngày Tết, rất đông khách đến thăm hỏi, cảm ơn ông vì được khỏi bệnh. Qua nhiều năm tìm hiểu vùng cao, tôi đã gặp không ít thầy thuốc có phương thuốc hay, cứu chữa được nhiều người.

Thầy thuốc Lò Văn Pâng là một người đặc biệt. Có một điều ông trăn trở, là ngày càng nhiều người mắc các bệnh về gan, ung thư, dạ dày… cũng bởi họ ăn uống không được tốt như trước, không phải vì chất lượng bữa ăn, mà vì cái gì cũng ăn, cũng uống, đặc biệt là uống rượu và hút thuốc phiện. 

Vì thế mà bệnh "viếng thăm" các bản làng, gia đình ngày một nhiều. Mỗi năm, ông Pâng cùng gia đình điều trị, giúp đỡ cho hàng chục bệnh nhân nặng, giúp họ sống và lao động trở lại bình thường.

"Tôi chả cần nhiều tiền làm gì. Nếu cần giàu thì tôi đi chữa, bán thuốc khắp nơi nhanh giàu lắm. Nhưng sống để lại cái đức, tôi nghiêng về làm phúc nhiều hơn", ông Pâng trải lòng.

Ngô Thục Miên
.
.
.