Mất đôi chân - vẫn trở thành “nhà sáng chế”

Thứ Hai, 27/10/2014, 07:30

Tự chế xe ba bánh số lùi để đi, rồi để những thương binh khác như mình có phương tiện đi lại. Vừa sáng chế, vừa “điều hành” công việc kinh doanh của gia đình, nhiều năm qua, người thương binh Đinh Văn Cánh đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Tuyệt vọng khi trở về từ chiến trường Campuchia

Ông Đinh Văn Cánh sinh năm 1958 tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông Cánh trúng tuyển vào lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) và được cử đi học lớp sửa chữa vũ khí ở nước ngoài. Học xong ông về nước và lại được cử đi học Trường Trung cấp Kỹ thuật Biên phòng ở Sài Gòn. Hoàn thành khóa học, tháng 2 năm 1979, ông được phiên vào Tiểu đoàn D212 – E8F5 mặt trận 479, chiến đấu trên chiến trường Campuchia trong vai trò là một chiến sĩ trinh sát.

Những ngày tháng chiến đấu ở Campuchia là những ngày vô cùng khốc liệt và gian khổ, chiến tranh đã là mất mát, hy sinh, nhưng ông cùng đồng đội còn phải đối mặt với đội quân diệt chủng Khơ-me đỏ bạo tàn. Bên kia là Tổ quốc vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, sức người, sức của đã đổ vào cuộc chiến ấy không biết bao nhiêu mà kể. Đất nước còn chìm trong đói nghèo mà lại phải đối đầu với tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt vốn được hậu thuẫn từ nhiều thế lực bên ngoài nên cuộc chiến lại càng khốc liệt hơn rất nhiều lần. Ông cùng đồng đội phải chiến đấu trên mặt trận cách rất xa hậu phương. Hậu phương tại chỗ lại không có được tiềm lực, hiệu quả như mong đợi, bởi bấy giờ nhân dân Campuchia vẫn nghèo nàn, lạc hậu.

Ông Cánh làm xe cho người khuyết tật.

Khó khăn chồng chất nhưng vẫn không ngăn được ý chí chiến đấu của ông cùng đồng đội. Tháng 9 năm 1983, khi đánh trận cuối cùng giải phóng Bat Tam Boong là căn cứ còn lại của Khơ-me đỏ giáp biên giới với Thái Lan, ông Cánh bị thương. Thế nhưng với điều kiện nguy hiểm và thiếu thốn, ông vẫn phải nằm lại chiến trường, 2 ngày sau mới rút được về tuyến sau, rồi ông được đưa về Bệnh viện 175 ở Sài Gòn. Ông bị thương nặng, lại không được điều trị kịp thời nên đôi chân của ông phải cắt bỏ. Nhớ lại hồi ấy, ông kể: “Lúc đấy buồn lắm, gần như là tuyệt vọng về tương lai. Thoát được khỏi sinh tử của chiến tranh thì không biết làm gì, không biết rồi mình sẽ sống ra sao. Tất cả đều không thể nào hình dung được”.

Nghị lực từ những mất mát của đồng đội

Sau một thời gian nằm viện, ông Cánh được đưa về điều dưỡng ở Đoàn 646 Củ Chi. Khi chưa đến đây, dù đã được nhà nước cấp cho một đôi chân giả, một xe lăn tay kéo nhưng việc di chuyển của ông vẫn rất khó khăn, chỉ đi lại chậm chạp được trên những đoạn đường ngắn, phẳng, còn đâu thì việc đi lại vẫn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Vì thế mà nỗi buồn và sự tuyệt vọng trong ông vẫn không vơi đi được bao nhiêu. Những ngày sống với anh em thương binh ở Đoàn điều dưỡng 646, ông sống với những người đồng đội có hoàn cảnh như ông, nhiều người còn thương tật nặng hơn ông mà người ta vẫn lạc quan, yêu đời. Từ đấy ông bắt đầu thấy niềm vui, niềm tin và nghị lực.

Những ngày ở đây, ông kết bạn với một người thợ sửa xe máy. Sẵn vốn kiến thức học được ở trường Kỹ thuật Quân đội, tính ông lại tò mò, ham học hỏi nên ông nhanh chóng học được những kỹ năng sửa chữa cơ bản. Ông bảo bấy giờ ngoài Bắc ít người biết sửa xe máy lắm, kể cả ở thành phố chứ đừng nói là ở Diễn Châu quê ông. Và ông xem đó là một cơ hội đối với mình.

Một năm sau, ông Cánh về quê. Bấy giờ nước nhà vẫn nghèo, người dân quê ông còn nghèo hơn, nhìn cảnh nghèo của gia đình, ông đã quyết phải làm việc gì đó để khỏi ăn bám bố mẹ, dần dần giúp đỡ được các em. Việc đầu tiên là ông tập luyện để có thể đi lại được bằng chân giả. Quá trình vừa trị liệu vừa luyện tập mất cả một năm, và dù “không phải ai bị mất cả hai chân quá đầu gối đều có thể đi lại được bằng chân giả” nhưng chưa bao giờ ông cho phép mình bỏ cuộc. Và thành quả sau cả năm luyện tập là “tôi đã có thể đi lại được, bước đi đường hoàng lên sân khấu biểu diễn văn nghệ với anh em”.

Đi lại được rồi, ông bắt đầu buôn bán lặt vặt, vất vả, lãi ít nhưng năng nhặt chặt bị nên ông đã tự trang trải được cho cuộc sống của mình, thậm chí có cả tích lũy. Thế là ông tìm mua phụ tùng, linh kiện để sau một năm ông tự tay lắp chiếc xe ba bánh đầu tiên vào năm 1986, “bấy giờ khắp các trung tâm điều dưỡng thương binh chỉ mình tôi có chiếc xe ba bánh, thế là sang trọng lắm rồi” – ông Cánh kể. Có xe, ngoài buôn bán ra, ông còn nhận đi phân phối bia trên địa bàn huyện, đến nhà máy thì ông nhờ người ta khênh lên, rồi đến các hàng quán thì ông lại nhờ người ta dỡ xuống. Nhờ chăm chỉ lao động mà ông đã đỡ đần được bố mẹ già và nuôi các em ăn học.

Ông Cánh và vợ.

Hạnh phúc và thành công

Ông Cánh không dám nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình. Ông cũng không dám tin là có ngày lại được cô gái Nguyễn Thị Lai kém mình 11 tuổi đem lòng yêu. Đến mức khi cô Lai ngỏ lời trước, ông còn cự tuyệt, vì ông không muốn làm người ta khổ. Thế nhưng tình yêu chân thành của cô Lai đã khiến ông cảm động. Rồi họ nên vợ thành chồng, ông Cánh kể: “Lúc được bố mẹ bà ấy đồng ý cho cưới, tôi đã khóc”.

Lấy nhau, bà Lai vừa làm ruộng vừa phụ chồng buôn bán. Có gia đình nên ông Cánh lại càng chăm chỉ làm việc hơn. Một lần đi giao bia về muộn, trời lại mưa to gió lớn, cái xe ba bánh lắc tay không đi được, nằm yên một chỗ suốt hai tiếng đồng hồ. Trong hai tiếng đấy, tự dưng trong đầu ông nảy ra ý định làm một cái xe ba bánh có hộp số tiến lùi. Năm 2000, ông bắt đầu mày mò. Đến năm 2005, cái xe 3 bánh có hộp số lùi mới được hoàn thành. Suốt 5 năm đó đã rất nhiều lần ông muốn bỏ cuộc, nhưng vì cuộc sống mà ông lại quyết tâm. Thấy cái xe của ông tiện lợi và hữu ích, bạn bè thương binh và nhiều người khuyết tật ở thị trấn đã đặt ông làm. Rồi dần dần, người ở huyện khác, tỉnh khác cũng tìm đến nhờ ông làm xe cho họ.

Gần 10 năm qua, ông Cánh đã làm ra gần 200 hộp số lùi xe máy ba bánh để phục vụ thương binh và người khuyết tật khắp nơi. Ngoài cái hộp số lùi, ông còn làm được 14 cái xe lăn, xe lắc và xe ba bánh phục vụ những đồng đội bị mất xương máu trong chiến tranh và phục vụ những người khuyết tật. Bây giờ ngoài việc chế tạo, sản xuất xe cho thương binh, người khuyết tật, vợ chồng ông còn mở xưởng sản xuất xe để dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho 6 lao động vừa khuyết tật, vừa lành lặn, mỗi tháng ông trả lương cho họ từ 3-5 triệu đồng mỗi người. Vợ chồng ông còn nhận làm đại lý bia cho nhà máy bia Nghệ Tĩnh với nguồn thu cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ông cũng đã sắm được cái xe tải để phục vụ việc kinh doanh buôn bán của gia đình.

Buôn bán thuận lợi, xưởng sản xuất để ông sáng chế xe cho người khuyết tật cũng thuận lợi, con lớn đang là sinh viên Trường ĐH Y dược Huế, mấy đứa nhỏ năm nào cũng đạt thành tích học sinh giỏi của trường, ông Cánh tự hào nói: “Có được như ngày hôm nay là từ những nỗ lực rất lớn của bản thân tôi, nhưng cũng không thể thiếu công lao to lớn từ vợ, người đã đồng hành với tôi trong cuộc sống suốt những năm qua”. Ngoài những nỗ lực vươn lên trong lao động và chế tạo, ông Cánh còn là thành viên hoạt động tích cực của đội công tác xã hội, thường xuyên thăm hỏi những đồng đội là thương binh, bệnh binh, làm tốt công tác chính sách với người có công, vận động các thương binh khác cũng chấp hành tốt các quy định của pháp luật để không làm ảnh hưởng đến uy tín, đến danh dự của người lính cụ Hồ.

Ông Cánh cũng mong muốn thành lập “Hội bảo trợ cho người khuyết tật địa phương” và “Qũy hội người khuyết tật” để giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Vì ông luôn biết là người khuyết tật đã phải chịu nhiều khó khăn và thiệt thòi như thế nào. Năm 2008, ông Đinh Văn Cánh được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen cho những nỗ lực vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập và công tác

Hồng Anh
.
.
.