“Mắt trái mờ đi, mắt phải sẽ tinh tường hơn”

Thứ Sáu, 06/12/2013, 17:30

“Dạy các em khiếm thính học vẽ đã không phải chuyện dễ dàng, dạy các em không thể nhìn rõ hoặc thậm chí sống trong bóng tối cách vẽ tranh, tạo hình là chuyện mới nghe như điều bất khả thi...”

Bí mật về con mắt trái

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giảng dạy, việc trở thành một người đứng trên bục giảng dường như đến rất tự nhiên với họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ. Bố ông là giáo viên dạy học tại Hải Dương, cả nhà hầu hết đều là giáo viên của các trường đại học. Bản thân ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội với tấm bằng xuất sắc, thủ khoa khóa học 1979-1984. Ông đã có nhiều triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân trong và ngoài nước cùng các hoạt động ứng dụng trong cộng đồng, cũng như nhận được nhiều giải thưởng cho các tác phẩm của mình. Với số điểm tốt nghiệp xuất sắc của mình, Đỗ Quốc Vỵ trở thành một người thầy tại chính ngôi trường mình học để tiếp tục truyền kinh nghiệm, kiến thức cho các thế hệ đàn em sau này. Nghề giáo gắn bó với ông từ đó.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, lòng say mê nghệ thuật đã ngấm vào máu ông rất sâu. Khi bắt tay làm bất cứ tác phẩm nào, trong ông luôn có sự tập trung, say sưa bởi đó chính là những đứa con tinh thần, những tinh hoa được đúc kết từ bàn tay khéo léo của người nghệ sỹ. Để làm được một tác phẩm ưng ý, đôi khi người nghệ sỹ phải trả bằng mồ hôi, công sức, bằng cả những hi sinh của bản thân mình. Nhiều người không biết rằng, khi bài tốt nghiệp của chàng sinh viên Đỗ Quốc Vỵ được xứng lên là bài tốt nghiệp xuất sắc, một con mắt của ông đã bắt đầu đau nhức bởi chính tai nạn khi đang thực hiện tác phẩm của mình.

Khi đó là năm 1983, Đỗ Quốc Vỵ đang làm bài tốt nghiệp phác thảo tượng vườn có kích thước bằng kích thước thật với môi trường. Tượng được làm bằng kim loại và bê tông đúc với rất nhiều chi tiết uốn bằng sắt và khung thép cỡ 3m. Tượng của ông lúc đó đặt ở cuối phòng học tại tầng 2 của trường nên ánh sáng nơi làm việc rất yếu. Trong lúc uốn, chỉ một chút sơ sẩy, một dây thép 6 ly đã bật vào mắt trái của ông. Lúc đó ông chỉ cảm thấy hơi đau một chút nên lại nhanh chóng bắt tay vào thực hiện công việc của mình. Hồi đó ở trường chẳng có lấy một chiếc gương. Bản thân ông cũng chẳng bao giờ để ý bản thân mình qua chiếc gương nào cả. Thế nên chỉ tới khi nghỉ tay, ngồi uống nước với các bạn, một bạn đã nói với ông: “Ơ hay, mắt anh Vỵ một bên trông thấy màu trắng xanh...”. Lúc ấy ông mới nhớ đến con mắt đau vì bị dây thép chọc vào.

Ngày phải nộp bài tốt nghiệp không còn xa, cũng giống các bạn học của mình, Đỗ Quốc Vỵ dành hết tâm trí và sức lực cho việc làm bài. Bài tốt nghiệp năm đó của ông đoạt loại xuất sắc, được vinh dự đặt ở vườn quốc tế tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1984 và cũng chính vì thế ông được giữ lại làm giảng viên điêu khắc. Mẫu tượng đó của ông cũng được in vào kỷ niệm chương 30 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Thế nhưng, khi thành quả được gặt hái, con mắt trái của ông bắt đầu đau âm ỷ.

Lúc đầu chỉ là những cơn nhức thoáng qua, dần dần ông phải nhắm mắt lại mới có thể nhìn lại được. Có một thời gian ông bị đau nhức lắm, toàn phải đeo kính mầu cho đỡ chói. Nhiều người không hề hay biết chuyện con mắt trái của ông. Suốt 30 năm qua, không phải ông không muốn chữa con mắt đau nhức và mờ dần của mình. Nhưng nghe bác sĩ nói, muốn chữa ông phải thay giác mạc của một người khác hiến tặng, ông đã quyết định sống chung với con mắt của mình. Thật may dù bây giờ con mắt trái chỉ nhìn được một phần rất nhỏ nhưng đã hết đau nhức.

“Mắt phải lại có vẻ tinh tường hơn” - ông chỉ nói một câu lạc quan như vậy. Đối với ông, người bình thường có phải ai cũng được nhìn cuộc đời bằng con mắt ảo ảo thật thật vậy đâu. Ngỡ tưởng đó chỉ là câu nói về bản thân mình của nhà giáo – nhà điêu khắc, họa sĩ Đỗ Quốc Vỵ, nhưng đối với những người biết đến ông, đặc biệt những học trò có hoàn cảnh đặc biệt, đó là một tinh thần, một thái độ sống tiếp sức cho các em trong cuộc đời. Đã từ lâu, nhiều người biết tới các công tác xã hội của ông, đặc biệt là việc dạy mỹ thuật cho các em khiếm thị, khiếm thính. Đối với ông, dạy học cũng là một cách học, một cách tiếp sức sống cho bản thân mình.

Trong suốt 13 năm gần đây, ông tham gia giảng dạy cho những học sinh đặc biệt của mình. Từ năm 2000 đến 2005, ông giảng dạy nghệ thuật cho các em khiếm thính tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương. Sau đó, tới năm 2011, ông giảng dạy cho các trẻ em khiếm thị làm gốm tại Trường Nguyễn Đình Chiểu. Và tiếp theo đó tới giờ, ông dạy tại Hội Người mù tỉnh Hải Dương.

Họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ và bà Elizabeth cùng với học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Dạy các em khiếm thính học vẽ đã không phải chuyện dễ dàng, dạy các em không thể nhìn rõ hoặc thậm chí sống trong bóng tối cách vẽ tranh, tạo hình là chuyện mới nghe như điều bất khả thi. Thế nhưng, chính ông cũng không ngờ vào những kết quả đạt được và hiện tại ông đang nghiên cứu một giáo trình đặc biệt dành cho các em học sinh khuyết tật. Bởi hơn ai hết, với tư cách một nhà giáo, ông hiểu tầm quan trọng của giáo dục đối với cuộc sống các em sau này.

Dạy học cũng là một cách học

Họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ nói về việc dạy học của mình cho các em nhỏ khuyết tật như một trải nghiệm đặc biệt nhất trong cuộc đời. Đối với ông, những ngày lên lớp, được trò chuyện, chỉ bảo, cùng các em khám phá thế giới cũng chính là thời gian tiếp thêm nghị lực và tăng thêm niềm vui sống cho chính mình.

Công việc đặc biệt đến với ông cũng thật tình cờ. Vốn là người quê ở Hải Dương nên ông dành nhiều thời gian làm việc ở nơi đây. Ngày đầu, họa sỹ Nguyễn Cương Đệ đã giới thiệu và hai người cùng dạy học tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương. Bản thân ông rất say mê với các tác phẩm điêu khắc gốm. Hơn nữa Hải Dương là một vùng đất nổi tiếng với gốm Cậy, gốm Chu Đậu... nên họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ mong muốn truyền lại những cảm hứng và lòng say mê của mình với gốm cho các em nhỏ. Cũng chính vì tình yêu với gốm, ông được một học sinh của mình giới thiệu với một nghệ sỹ của Thụy Điển, bà Elizabeth cũng là một nghệ sĩ gốm và điều đặc biệt, bà cũng bị hỏng mắt. Hai nghệ sĩ gặp nhau trong một dự án của Thụy Điển dạy cho học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu tại Hà Nội.

Dạy trẻ con thì phải có cách riêng, phải chơi cùng chúng nhiều hơn là gò ép chúng vào những bài học. Những giờ cùng trò chuyện, vui đùa với các em, họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ nhận ra rằng, bản thân mỗi đứa trẻ đều mang trong mình rất nhiều “máu nghệ sĩ”. Việc của ông chỉ là tìm cách phát huy chúng ra một cách tự nhiên mà thôi. Trước khi bước vào con đường Mỹ thuật, ông đã từng là một người dạy nhạc. Chính vì vậy, ông dùng âm nhạc, những câu ca dao, hò vè dân gian, các câu chuyện kể để dẫn dắt các em vào thế giới tưởng tượng. Từ đó, các em được thực hành những bài tập về xúc giác. Nếu các em không thể cảm nhận thế giới bằng thị giác, bằng thính giác, các em có thể cảm nhận bằng xúc giác. Ông cho học sinh của mình sờ và cảm nhận từng chiếc lá, cành cây... thậm chí ngay cả bản thân mình và các bộ phận trên cơ thể. Để từ đó tập kiểm soát và bắt đầu các hình tròn, hình vuông... những tác phẩm đầu tiên của riêng các em.

Cùng học, cùng chơi với các em, với mỗi học sinh của mình, họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ lại có những cảm nhận riêng của mình. Có cậu bé tên là Đạt, mắt chỉ còn lờ mờ nhưng vẽ rất đẹp. Có một hôm, cậu nhắm mắt hết lại và nói với thầy là cậu sẽ “thử vẽ như thằng Minh” bị mù hoàn toàn xem sao. Cậu bé có tên là Tuấn Anh thì hay vẽ những vòng tròn như những trái tim. Các bạn học sinh nữ thì gấp giấy thành những con thuyền, những con cò và tô màu cho chúng, hy vọng có ngày được thả lên trời. Mỗi bức tranh, mỗi bức tượng của các em lại là một câu chuyện dài đầy xúc động.

Không chỉ dạy học cho các em, họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ như được sống cùng những cảm xúc của các cô cậu học trò nhỏ. Ông luôn mong bọn trẻ được học và làm được việc có ích. Ông cũng luôn khuyến khích các cháu càng học được nhiều điều càng tốt. Có lần có em thi đại học thiếu nửa điểm nên không được vào, ông buồn và tiếc lắm. Ông bảo: “Mình chỉ mong bọn trẻ có thêm một ngày hay chỉ cần một giờ vui sống”. Ông muốn các em cảm nhận được sự tươi đẹp của cuộc đời, cho dù tất cả các em đều có những hoàn cảnh không may mắn. 

Hiện nay, tranh tượng của các em đang được triển lãm ở Thụy Điển và gây được sự chú ý tại nơi đây. Tác phẩm của các em cũng sẽ được ra mắt công chúng bằng một triển lãm tiếp theo ở Hải Dương trong dịp Tết sắp tới. Họa sỹ Đỗ Quốc Vỵ tin rằng tài năng của các em sẽ được phát huy nhiều hơn nữa. Và ông sẽ luôn sẵn sàng là người đồng hành trên con đường của các em dù con đường đó không phải là con đường trải hoa hồng mà còn đầy chông gai phía trước

Hoàng Hôn
.
.
.