Một đời tâm huyết với nghệ thuật tuồng

Thứ Tư, 07/06/2017, 15:58
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ca kịch, từ năm 12 tuổi, ông đã bắt đầu làm quen với nghệ thuật tuồng chèo từ những vai phụ như quân lính, thường dân... Giờ đây, khi đã rời xa ánh đèn sân khấu, người nghệ sĩ ấy vẫn miệt mài lưu giữ tinh hoa của dân tộc, của cha ông để lại qua tuồng truyền thống, qua những bài giảng và bằng những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy tinh xảo…


Nghe tuồng từ trong bụng mẹ

Đó là những gì mà nghệ sĩ tuồng Nguyễn Kim Kê (72 tuổi, phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ. Ông cho biết nghệ thuật tuồng gắn bó với gia ông đã ba đời.

"Những ngày trước, tuồng là một loại nghệ thuật chỉ được biểu diễn cho vua, quan mỗi khi có ngày lễ hay ngày trọng đại. Nhưng sau này, nó trở thành một bộ môn nghệ thuật quần chúng, giải trí mua vui cho bà con. Vào thời của tôi, nhiều xã cũng có những gánh hát riêng và được đón nhận hết sức nhiệt liệt", ông Kê cho biết.

Ông kể rằng, nhờ sống trong gia đình có truyền thống như vậy nên ông được nghe tuồng từ trong bụng mẹ. Nhà ông lại ở ngay cạnh rạp hát Lạc Việt - nơi biểu diễn tuồng, chèo đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng từ thời Pháp thuộc (bị cháy vào năm 1981, hiện được xây mới thành trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ) nên không vở diễn nào là ông Kê không sang để xem diễn.

Những ngày ấy, người học tuồng không phải qua trường lớp, sách vở mà chủ yếu là "cha truyền con nối" nên đến năm 12 tuổi, nhận thấy tố chất và đam mê trong con người ông, cha ông và các bạn bè đồng nghiệp đã dẫn dắt ông vào nghiệp diễn, khởi đầu của một nghệ sĩ tuồng Kim Kê ngày hôm nay.

Nghệ sĩ tuồng Nguyễn Kim Kê.

Vai diễn đầu tiên của ông đó là vai diễn quân bắt ngựa trong vở "Hạng Võ bại ô gia". Đây là lần đầu tiên ông Kê bước ra sân khấu diễn xuất, nhưng những gì ông thể hiện khiến mọi người bất ngờ vì không nghĩ rằng cậu bé 12 tuổi lại diễn tốt đến thế.

Theo nghiệp tuồng được vài năm thì cũng như bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa thời đó, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Kê lên đường ra mặt trận.

Là một trinh sát đặc công "đi trước về sau" tại chiến trường Tây Ninh, ông  Kê lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Năm 1968, ông bị thương nặng rồi được chuyển ra miền Bắc chữa trị. Với 50% sức khỏe bị mất, được chứng nhận là thương binh hạng 3/4, ông Kê ra quân và quay lại với nghiệp ca kịch khi giám đốc nhà hát tuồng ngày đó làm công văn "xin" đích danh.

Rồi trong suốt hàng chục năm sau đó, ông theo nghiệp diễn, trở thành một nghệ sĩ tuồng được người dân mến mộ.

Ông Kê chia sẻ: "Ngày đó không có nhiều nghệ thuật giải trí như bây giờ nên tuồng được bà con yêu thích lắm. Mỗi khi có suất chiếu, rạp hát lại đông nghịt người xem. Họ đến xem vì thích, vì đam mê thực sự. Diễn viên tuồng khi đó được mến mộ chẳng khác gì những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thời nay. Nhiều khi, tôi đi chợ còn được bà con mến mộ tặng cho con cá, miếng thịt. Có những người họ còn mua vé cả tháng, không cần biết đoàn diễn vở gì, ghế đó cố định là của họ. Đó là những tình cảm thực sự của người dân với tuồng và những người nghệ sĩ".

Những năm đó cũng là thời kì hoàng kim trong sự nghiệp của ông Kê. Thậm chí, ông và đoàn diễn còn được mời đi diễn ở các nước trong khối XHCN như Liên Xô, Đức, Hungari. Tại các nước bạn, do bất đồng về ngôn ngữ nên ông Kê phải cải biên vở diễn, giảm bớt lời nói và tăng hành động giúp người xem có thể hiểu được nội dung vở diễn hơn.

Ông kể: "Năm 1981, chúng tôi có sang Liên Xô biểu diễn. Khi đó các đạo diễn nước bạn nói với tôi rằng, để đào tạo được một nghệ sĩ diễn tuồng như chúng tôi thì họ cần phải đào tạo qua năm bộ môn nghệ thuật khác nhau. Trong ca hát họ có opera, có kịch nói đối thoại, âm nhạc biểu diễn và kịch câm. Nhưng tuồng Việt Nam có cả kịch nói, kịch câm, âm nhạc và vũ đạo phân lẫn vào nhau. Thế là đủ biết tuồng của Việt Nam là một bộ môn nghệ thuật đặc biệt khó như thế nào".

Nói về độ khó ấy của bộ môn tuồng, nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê cho biết, để diễn được thì cần phải có quá trình luyện tập, học hỏi rất vất vả chứ không phải cứ lên sân khấu múa thế nào cũng được.

Trong các bộ môn ca kịch thì tuồng là bộ môn khó nhất, người diễn tuồng có thể đi đóng cải lương, chèo nhưng ngược lại thì không được. Hay đặc biệt hơn, đối với tuồng, người ta chỉ có thể nói xem tuồng chứ không thể là nghe tuồng bởi sự phức tạp trong cảm nhận của bộ môn này rất khắt khe.

Ngay trong vũ đạo tuồng là lồng ghép cả võ thuật dân tộc, nghệ sĩ phải biết sử dụng cả binh khí. Hay như yếu tố kịch câm khi đưa vào vở tuồng bắt buộc diễn viên phải kết hợp các động tác diễn tả tốt để khán giả nhìn là hiểu.

Phức tạp hơn, trên sân khấu, trên một mặt phẳng trống trải, người diễn tuồng phải làm thế nào để thể hiện cho người xem cả địa hình mà mình đang diễn như sông, suối, đồi núi, rừng cây…

"Ngay trong động tác bắt ngựa, dù chỉ là một kép phụ nhưng người diễn giỏi là người biết thể hiện đúng hoàn cảnh vở diễn thế nào. Ngựa có nhiều loại ngựa, loại ngựa hung dữ như Ô Truy của Hạng Võ thì phải diễn tả kiểu khác, ngựa của Khổng Minh lại diễn tả một kiểu khác. Cũng chỉ bằng cây gậy ấy, người diễn phải làm thế nào để người xem thấy được cái thần, cái tính cách của con ngựa", ông Kê giải thích.

Tấm ảnh nhà hát Lạc Việt từ thế kỷ trước được lưu giữ.

Lưu giữ và truyền thụ

Gắn bó với Nhà hát Tuồng Trung ương một thời gian dài, đến năm 1990, nghệ sĩ Kim Kê xin về hưu sớm với lý do sức khỏe. Dù về hưu nhưng đối với ông Kê không có nghĩa là rũ bỏ trách nhiệm với những tâm huyết bao năm lăn lộn trong nghề.

Để lưu giữ nghề truyền thống của chính gia đình, nghệ sĩ Kim Kê lại tìm cho mình một hướng đi khác. Ban đầu ông được người ta mời đi biên đạo múa, võ thuật.

Theo các đoàn cải lương Quảng Ninh, đoàn chèo Thái Bình đi diễn khắp nơi, ông luôn góp ý, cải thiện những sai sót trong vở diễn cho đúng với những gì mà ông cha ta đã để lại. Rồi sau này, khi xem các đoàn nghệ thuật biểu diễn trên truyền hình, ông tinh mắt nhận ra các diễn viên thiếu kĩ năng hóa trang.

Ông sợ sau này những nghệ sĩ gạo cội mất đi, lớp trẻ sẽ không còn nhận ra thế hệ trước đã hoá trang và diễn thế nào. Vậy là ông mày mò làm mặt nạ bằng giấy bồi và tự khắc họa các nhân vật trên đó.

Chỉ với các màu cơ bản là trắng, đỏ, đen, xám, nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê đã tạo nên những sắc thái biểu cảm khác nhau của những trung thần, gian thần, phản thần và nịnh thần.

Chẳng hạn vẽ mặt trung thần sử dụng gam màu đỏ chủ đạo; mặt gian thần chủ yếu màu trắng, là dạng nhân vật chuyên cướp ngôi, tìm cách giết vua, chống vua. Khi vẽ mặt nhân vật nịnh thần cũng sử dụng màu trắng chủ đạo nhưng gương mặt gầy gò, bần tiện, tính cách "gió chiều nào theo chiều đó".

Nhân vật phản thần, đặc trưng là đường nét rằn ri dữ tợn, giỏi nhưng luôn có mưu đồ. Bộ sưu tập của ông hiện có khoảng 20 mặt nạ là gương mặt các nhân vật phổ biến trong nghệ thuật tuồng.

Những chiếc mặt nạ thể hiện hóa trang trong diễn tuồng.

"Nhưng mặt nạ chỉ lưu giữ, tập luyện, còn khi hóa trang diễn viên tự vẽ lên chính khuôn mặt của mình sẽ càng khó hơn nhiều. Muốn diễn tuồng trước hết diễn viên phải tự hóa trang diễn xuất. Thông thường hóa trang mỗi gương mặt khó mất từ 45 - 60 phút. Nhưng quan trọng nhất phải vẽ có hồn, đòi hỏi người diễn viên phải am hiểu nhân vật, tập trung khi tự hóa trang cho chính mình, giữ được tâm trạng ổn định. Muốn làm được điều đó không gì quan trọng bằng luyện tập. Để vẽ được một khuôn mặt, có khi chúng tôi phải vẽ đi vẽ lại không biết bao lần mới ưng ý, có khi sần cả mặt vì tiếp xúc nhiều với màu vẽ, son phấn", nghệ sĩ Kim Kê cười tươi chia sẻ.

Chính vì khả năng diễn xuất và khả năng hoá trang có một không hai của mình mà khi về hưu, ông vẫn được Nhà hát Tuồng Việt Nam mời giảng dạy hóa trang, và trường Đại học Sân khấu Điện ảnh mời giảng dạy nghệ thuật hóa trang, vũ đạo lẫn hướng dẫn diễn vai mẫu. Ngoài thời gian giảng dạy, hàng ngày nghệ sĩ Kim Kê vẫn miệt mài, tâm huyết với những chiếc mặt nạ tuồng bằng giấy bồi.

Khi nói về sự bảo tồn và phát triển của nghệ thuật tuồng, nghệ sĩ Nguyễn Kim Kê chia sẻ: "Hiện tại không chỉ riêng tuồng mà cả ngành ca kịch đều đang chững lại, ít người xem và ủng hộ. Bởi lẽ giới trẻ với sự nhận thức khác biệt so với những người lớn tuổi nên họ thích văn hóa hiện đại hơn. Sân khấu ca kịch cần chiều sâu và chúng ta không thể đòi hỏi giới trẻ ngày nay điều đó. Bởi lẽ có những thứ xưa cũ họ không được tiếp xúc, không thể hiểu thì hiển nhiên họ không thể yêu thích. Đó cũng là điểm khiến ca kịch ngày càng mai một".

Phong Trâm
.
.
.