Một người góp công khai phá

Thứ Ba, 16/05/2017, 17:58
Một mình thân gái dặm trường, “mang gươm đi mở cõi”, lặn lội tạo dựng từ con số không, nay làm nên một cơ ngơi du lịch hoành tráng bên bãi biển Mũi Né.


Còn trẻ, gương mặt người phụ nữ này tươi tràn dấu ấn của người lặn lội lập nghiệp, trở thành “thành hoàng khu du lịch” Mũi Né lúc đó vẫn còn là một làng chài tối tăm lặn ngụp quăng chài thả câu bắt cá tôm…

Chị là Phương, Phạm Thị Hồng Phương, từ Quảng Ninh đến vùng đất hoang sơ này thật tình cờ. Đi du lịch bụi, giữa đường không có nhà nghỉ, nhờ xe ôm chở đi. Thấy cảnh dễ thương, cảm mến những hàng dừa vươn ra biển, chị quyết định lập nghiệp, làm kinh tế xây dựng quê hương mới.

Con gái hơ hớ, ai dám ra vùng hoang sơ này ở một mình. Cả nhà phản đối, nhưng chị không cưỡng lại được niềm đam mê. Ở quê Quảng Ninh, lúc trẻ chị từng phục vụ trong ngành hải quân, kinh qua sự rèn luyện, nâng bản lĩnh, coi việc "mở cõi" của mình là cuộc chiến đấu tiếp theo, tiếp tục chiến đấu.

Đi làm thuê, cần mẫn, nhanh trí xử lý mọi việc. Tích cóp, vay mượn họ hàng, chị thích và mua một miếng đất sát bờ biển. Cả nhà phản đối dữ dội. Không ai hiểu được tại sao chị lại thích đóng đô tại cái làng chài như trong hẻm sâu này nên muốn bắt chị về quê. 

Thích thì làm thôi, như cái bản tính gai góc trong người. Chẳng có cái gì dễ ngay, từ con gái ở một mình nơi hoang vắng sợ ma, đến đàm tiếu chắc con nhỏ này vào đây làm mafia…

Kham khổ, không điện, nước, cực như thời chiến cũng không sờn lòng, chị Phương đầy bản lĩnh vượt qua hết để tập trung phát triển công việc của mình.

Một thân một mình, 3-4 giờ sáng dậy đi chợ, rồi tất tả làm suốt ngày. Ra đi ai cũng cản, không dám về quê nếu không thành công. Không thành công không về quê hương là khẩu hiệu trong lòng chị luôn ghi nhớ.

Thân cò lặn lội bờ biển, cặm cụi làm việc, kiếm tiền rồi cũng không biết để đâu, lại bọc kỹ chôn góc vườn…

Rồi một ngày năm 2000 nhật thực về, người đâu Mũi Né ùn ùn kéo tới, du lịch tự phát bùng lên, nhà nhà chuyển sang phục vụ du khách.

Làm nhà trọ cho khách nghỉ. Dọn bờ biển cho khách tắm. Nấu cơm cho khách ăn… Tự dưng theo cơ chế thị trường, đáp ứng các nhu cầu thị trường. Nấu ăn ngon, phục vụ chu đáo, được tiếng, khách truyền tai nhau đến…

Mải mê làm ăn, bỗng sực nhận ra cũng có một người giống mình. Ông ấy người Pháp, hơn ít tuổi, cũng làm du lịch trong các khách sạn lớn tại Mũi Né. Họ chia sẻ, cảm mến và nên duyên năm 2001.

Gia đình lại phản đối vì thấy nhiều cảnh lấy Tây ôm hận. Nhưng thật may, Pascal - tên chồng chị - thật hiền và chí thú. Văn hóa khác nhau và người đầy cá tính, nhưng cũng như mọi khó khăn khác, họ biết cách tạo dựng cuộc sống hạnh phúc.

Hai vợ chồng chung lưng đấu cật, mỗi người một mảng gầy dựng cơ nghiệp. Khu resort của gia đình chị nhiều nét Tây lai Việt như những đứa con của họ. Khách tới sống với thiên nhiên lại được cảm nhận những nét văn hóa đa dạng… Sạch đẹp văn minh trong khuôn viên của mình, anh chị được coi làm mẫu, được hỏi ý kiến để xây dựng cho địa phương, từ hạ tầng tới bảo vệ an ninh xã hội nhằm tạo nên một môi trường văn minh chung.

“Khó khăn vất vả lắm, bao năm nay mới được như vậy - chị Phương nói - Đến giờ bảo mình làm từ đầu chắc cũng không biết làm thế nào luôn…”.

Là người đầu tiên góp công khai phá, xây dựng mảnh đất Mũi Né này từ làng chài lên khu du lịch resort…, nhìn lại quá trình ấy, chị thấy cần làm gì để thúc đẩy quê hương mới phát triển nhanh hơn?

Cao tốc. Cần đường cao tốc, nối với TP Hồ Chí Minh. Giải phóng đã 42 năm rồi, cao tốc vẫn chưa đến được trung tâm du lịch này. Sân bay thì chắc còn phải chờ lâu hơn.

Mũi Né được xác định là một điểm đến, một trung tâm du lịch cấp cả nước. Người Mũi Né đang phấn đấu tăng tốc, nhưng không có đường cao tốc mà tăng tốc đại thì… dễ chệch.

Mũi Né cũng cần được tăng tốc trong các lĩnh vực khác - chị Phương nói xả dàn như trên diễn đàn hội nghị mà chị từng được địa phương mời phát biểu - thí dụ như hạ tầng giao thông, điện nước, môi trường, xử lý rác, tôn tạo bãi biển, bờ biển và cả đào tạo đội ngũ làm du lịch từng bước lên chuyên nghiệp…

Thi Hồng
.
.
.