Người đàn ông mở xưởng cơ khí dạy nghề và cảm hóa 300 đứa trẻ lang thang

Thứ Năm, 31/12/2015, 13:00
Tình thương vô bờ bến, sự nhẫn nại và hy sinh thầm lặng mà gần 30 năm qua ông Nguyễn Văn Hiền, 63 tuổi, ngụ đường Văn Cao, quận Tân Phú, TP.HCM, dành cho 300 đứa trẻ bụi đời, lang thang, cá biệt là tấm gương đáng để học tập.

Bởi nhờ tình thương và qua bàn tay của ông, từ những đứa trẻ lang thang, cá biệt, họ đã được uốn nắn, dạy dỗ nên người tốt, có nghề nghiệp để tự kiếm sống bằng chính đôi tay của mình, không phải lang thang đây đó, quấy rối trật tự, trở thành gánh nặng của xã hội nữa.

Tìm lại mình từ những đứa trẻ lang thang

Không khó để tìm đến Xưởng cơ khí của ông Nguyễn Đức Hiền, bởi nó nằm ngay số 1 đường Văn Cao, quận Tân Phú và cũng bởi vì đến gần địa bàn, chỉ cần hỏi đến, cả khu phố ai ai cũng biết rõ về người đàn ông này. Ở khu phố, người ta đặt cho ông biệt danh là “Người bố của những đứa con lầm lỡ”, hay “Ông bố bụi đời”… Còn những “đứa con” tinh thần thì gọi ông bằng hai từ thân mật: “Bố Hiền”.

Trò chuyện với ông, nhớ lại những ngày đầu thu nạp trẻ “bụi đời” sống đầu đường xó chợ đem về nhà nuôi dưỡng, nhận làm học trò dạy nghề cơ khí, ông Hiền không khỏi xúc động, bùi ngùi. Trước khi đến với công việc này, ông Hiền đã từng công tác tại bộ phận kỹ thuật của Lâm trường Là Ngà (Đồng Nai) được 10 năm. Từ bỏ một công việc nhà nước ổn định, hứa hẹn có tương lai, người đàn ông về sắm chiếc xe khách loại nhỏ chạy tuyến Sài Gòn – Biên Hòa do mình làm tài xế.

Một buổi trưa cuối năm 1986, ông vào quán cơm bụi ngay bên hông bến xe Chợ Lớn (TP. HCM) ăn cơm trưa. Khi vừa ăn xong, ông ngẩng mặt lên thì thấy hai đứa trẻ chừng 12-13 tuổi đen nhẻm, quần áo rách rưới, gầy tong teo đang nhìn chằm chằm về hướng mình. Bỗng nhanh như cắt, chúng lao tới giành lấy dĩa cơm ông vừa ăn xong chỉ còn dính lại vài hạt, miếng xương gặm chỉ còn sót lại ít thịt để vét ăn lại. 

Chiếc dĩa bị hai đứa trẻ giành qua giành lại, rồi bỗng tuột tay rơi xuống đất vỡ toang, cơm thừa, cục xương nằm dưới nền bụi bẩn. Nhưng chúng vẫn chưa chịu buông tha, cúi xuống nhặt xương lên gặm lại. Lúc này bà chủ quán ở phía trong nghe tiếng dĩa vỡ tức giận chạy ra quát lớn, chửi rủa, thẳng tay bạt tai hai thằng bé. Còn vị khách là ông Hiền thì chưa kịp định thần, ngồi đơ như khúc gỗ, chưa thể tin vào mắt mình cảnh tượng hai đứa trẻ đói khát đến mức như vậy.

Ông Hiền chia sẻ về tâm tư của mình: “Nếu còn sức tôi hãy còn cố gắng làm việc”.

Thanh toán tiền xong, ông ra xe nằm đọc báo, nhưng hình ảnh đó cứ lởn vởn trong đầu khiến ông cắn rứt không tài nào chịu nổi. Rồi ông tự trách bản thân mình “Sao không làm việc gì đó giúp chúng, mà chỉ biết nằm đây thương xót thì có ích gì”. 

Ngay hôm ấy trở về nhà ông liền đem chuyện kể lại cho gia đình và quyết định bán chiếc xe khách trị giá 5 lượng vàng mới mua chưa đầy 1 năm để lấy vốn mở một xưởng cơ khí. Tuy vậy, đó không phải là một xưởng cơ khí bình thường đem lại thu nhập cho gia đình ông, mà ở đó sẽ thu nạp những đứa trẻ bụi đời, ngỗ nghược vào học nghề. 

Ban đầu nghe ý tưởng lớn lao của ông Hiền, mọi người trong gia đình liền ra sức ngăn cản vì có suy nghĩ “đem những đứa trẻ hư về dạy thì chỉ làm gánh nặng, có khi lại thiệt thân”. Ai nói nặng, nói nhẹ khuyên can ông Hiền đều bỏ ngoài tai vì lòng ông đã quyết, chí cao như trời bể.

Những ngày đầu, ông tự cất công đi tìm những đứa trẻ lang thang đem chúng về nhà nuôi ăn, ở rồi dạy cho học nghề. Tiếng lành đồn xa, học trò tìm đến ông Hiền không còn bó hẹp là những đứa trẻ “bụi đời”, mà còn có con em các gia đình khá giả nhưng lại hư hỏng, chơi bời bố mẹ đành bó tay không tài nào dạy nổi. 

Ở xưởng cơ khí Đức Hiền không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa ông chủ và người làm thuê, hay thầy- trò, mà nó gần gũi trên cả cách xưng hô bằng “bố - con”. “Bố” chính là ông Hiền và “con” là những đứa học trò “cá biệt”. Người “bố” cười đùa chia sẻ: “Bất kỳ đứa nào đến học tôi đều ra quy định phải gọi bằng “bố -con”. Chỉ là cách xưng hô nhưng rất quan trọng, nó giúp xích gần mối quan hệ tưởng chừng như xa lạ ấy lại với nhau. Nhưng tuyệt đối không được lộn xộn, “bố” phải cho ra bố, “con” ra con thì dạy chúng mới nghe lời”.

Mỗi khóa học cơ khí do “bố” Hiền dạy có chừng khoảng 50 “con”, kéo dài 9-10 tháng, có người thì học lâu hơn. Mọi chi phí ăn, ở gia đình ông Hiền đều phải tự lo cho các “con”. “Bố” Hiền cười đùa bảo: “Đến đôi dép, cắt tóc, bộ quần áo mình cũng phải lo cho chúng đủ đầy”.

Nếu còn sức khỏe, hãy còn cố gắng

Những thứ ấy cố gắng thì có thể lo được chu toàn, nhưng điều khiến mọi người khâm phục hơn cả chính là sức cảm hóa mà ông Hiền dành cho các “con” của mình. Bởi chúng không phải là những đứa trẻ, cậu thanh niên bình thường ngoan ngoãn, biết nghe lời, mà lại có tính cách “ngựa non háu đá”, từng hư hỏng, phá phách đến bất trị. “Đứa thì ở nhà được phong chức danh “đại ca” đi đánh nhau toàn bằng mã tấu, dao; đứa lại ăn cắp, chơi bời, lêu lổng… có đứa thì bị tổn thương từ phía gia đình bỏ đi lang thang. Mỗi đứa “con” có một hoàn cảnh, tính cách riêng, tôi phải hiểu rõ chúng thì mới tìm ra phương pháp đúng”.

“Hiểu được tính cách của từng đứa thì mình phải có phương pháp “dự phòng”. Nghĩa là luôn đưa ra mọi giả thuyết đứa “con” sẽ hành động như thế nào trong một tình huống nhất định, để mình kịp thời khuyên răn trước. Nhưng điều quan trọng hơn cả là phải làm sao để các “con” cảm nhận được tình thương mình dành cho chúng là không vụ lợi thì mới cảm hóa được tính cách”, ông Hiền chia sẻ bí quyết.

Tuy vậy, việc cảm hóa những đứa “con” ấy không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là cả tâm huyết, mồ hôi, nước mắt của ông Hiền. Ông nói bằng vẻ mặt buồn rầu: “Có những đứa sẽ nghĩ “làm gì có người tốt với mình như vậy”, vì đã được nuôi ăn, ở miễn phí, lại còn được học nghề, rồi bảo “ông ấy chỉ lợi dụng mình” và tỏ thái độ hỗn hào không chịu nghe lời dạy bảo. Tôi không hề trách, mà phải nghĩ cách làm sao cho chúng hiểu tấm lòng chân thành của mình”.

Ông Hiền tận tình chỉ dạy “những đứa con” của mình. 

Cũng chính vì tình thương, sự nhẫn nại mà “bố” Hiền đã trở thành chỗ dựa vững chắc cả về vật chất, lẫn tinh thần của những đứa con không chung dòng máu. Ông còn nhớ đứa “con” 22 tuổi quê ở Gia Lai. Ngày đó đêm đêm khi các “con” đã say giấc, ông Hiền đều cầm đèn pin lò mò đi điểm danh xem còn thiếu đứa nào chưa ngủ, hay bỏ ra ngoài đi chơi. Rồi ông phát hiện ra cậu thanh niên kia hằng đêm đều leo từ lầu 3 xuống dưới để đi uống rượu. 

Một đêm, khi nghe tiếng bước chân “con” ở dưới đường vắng, chuẩn bị leo lên lầu 3 lại, ông Hiền liền nhấc chiếc thang mà em dùng để bước xuống phòng ngủ, thay vào đó là bờ vai của mình đã chờ sẵn. Đứa “con” cho hai chân xuống trước, quờ quạng tìm nấc thang thì đặt ngay vào vai ông Hiền, rồi bỗng giật mình nhìn xuống, thốt lên tiếng “bố”. 

Người “bố” dần dần hạ thấp cơ thể để đứa “con” bước xuống, rồi từ tốn hỏi “con muốn uống rượu bố cho con uống, nhưng bố muốn biết tại sao đêm nào con cũng trốn ra ngoài uống một mình?”. Câu hỏi như chạm vào nỗi đau sâu kín của chàng trai 22 tuổi, khiến em bật khóc, rồi trút bầu tâm sự cho ông Hiền nghe.

Chàng trai kể, hận bố mẹ ruột đã bỏ rơi mình. Đứa con ấy dần hư hỏng, phạm tội trộm cắp tài sản và bị truy nã. Thời gian sống ở xưởng cơ khí của ông Hiền vì sợ bị phát giác nên chỉ biết tìm đến cơn say để quên đi nỗi sợ hãi. Ông Hiền nghe những lời tâm sự ấy thì càng thương đứa con lầm lỡ hơn. Ông nói nhỏ nhẹ “con quyết định thế nào bố cũng đều ủng hộ, dù có bị liên lụy nhưng để lương tâm thanh thản hơn thì nên ra đầu thú”. Nghe theo lời “bố”, chàng trai ra đầu thú và nhận tội 3 năm tù.

Không chỉ được che chở, bảo ban trong thời gian học tại xưởng cơ khí Đức Hiền, mà sau khi những đứa “con” hòa nhập lại với xã hội ông Hiền vẫn luôn đau đáu dõi theo. “Các “con” sau khi đã có tay nghề sơ sơ thì tôi sẽ khuyên nên ra ngoài để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nếu người chủ nào nghi ngờ về lai lịch của chúng tôi tự nguyện đứng ra bảo lãnh. Tôi bảo với họ “cứ nhận thử nó vào làm, nếu nó làm hư tôi đền? nó ăn trộm, ăn cắp tôi chịu?...”. Còn đứa nào muốn tự ra mở xưởng thì tôi sẽ hỗ trợ cả tiền bạc lẫn nhân lực. Dù bất cứ khi nào chúng cần tới người “bố” này thì tôi sẵn sàng có mặt”, ông Hiền tâm sự.

Dứt lời, ông liền đứng bật dậy vào phía trong nhà khệ nệ khiêng ra một bao tải lớn. Tiếng “xoảng” đến rít tai dưới thềm nhà với một mớ hỗn độn mã tấu, dao, kiếm, côn…. khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Tất cả đó là những gì còn sót lại của những cuộc đời lầm lỡ. Một cây côn bằng inox bóng loáng, vài cây kiếm gỉ sét và cả một cây súng tự chế bằng innox… và ở mỗi “món quà” đều khắc tên chủ nhân. 

Ông Hiền chỉ tay vào đó cho biết: “Tất cả những thứ này đều do các “con” lén làm, bị tôi tịch thu. Tôi cất chúng dưới gầm giường của mình, lâu lâu đem ra xem lại”. Rồi ông hay nói vui với các “con”: “Sau này khi “bố” chết, của đứa nào thì đứa đó tự bỏ vào quan tài, khênh đi cho nó nặng”.

Nói đến đây, những dòng nước mắt của người đàn ông đa cảm này cứ thế trào ra. “Bây giờ có tuổi nay ốm mai đau, bác sĩ khuyên nên nghỉ thời gian để sức khỏe ổn định thì mới có sức để làm việc tiếp, nên tôi đang tạm đóng cửa xưởng một thời gian. Sau khi sức khỏe phục hồi chút, tôi lại tiếp tục công việc của mình. Nhiều người cũng khuyên tôi nên nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già và dưỡng bệnh. Thế nhưng, sức khỏe có thể yếu đi nhưng tâm mình không sao để dừng lại được, vì xã hội vẫn còn nhiều cảnh đời cần đến mình lắm”, nhìn chiếc xe cũ kỹ, cà tàng và túi thuốc vừa nhận ở bệnh viện về, người “bố của những đứa con hư” nói lên tâm tư của mình.

Lập Hoa
.
.
.